Khi vụ án được điều tra, lo ngại bị khởi tố, những doanh nghiệp này lại tiếp tục ngã giá chạy án. Cho đến thời điểm này, các cuộc ngã giá đều bất thành, mọi hành vi phạm tội của mỗi bị cáo đang được làm sáng tỏ.
Đánh tráo khái niệm
Tại phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong đại án “Chuyến bay giải cứu”, nêu quan điểm luận tội, đại diện viện kiểm sát đánh giá, do nhu cầu của công dân về nước rất lớn, trong khi việc cách ly và chi phí gặp khó khăn, Chính phủ đã tổ chức thí điểm 10 chuyến bay công dân tự nguyện trả phí toàn bộ (chuyến bay combo) và giao tổ công tác của 4 Bộ trên 5 Bộ cùng phối hợp tổ chức các chuyến bay. Kết quả, các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp đã thực hiện các chuyến bay đưa hơn 200 nghìn người dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Một số bị cáo trong vụ án này đã lợi dụng chủ trương để phạm tội một cách tinh vi, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi với số tiền nhiều tỉ đồng.
Hội đồng xét xử đại án “chuyến bay giải cứu”.
Trong phần tranh tụng, nhiều bị cáo, luật sư bào chữa cho nhóm bị cáo nhận hối lộ cho rằng, bị cáo không thỏa thuận, không gây khó dễ và cũng không đòi hỏi doanh nghiệp phải đưa tiền hối lộ mới được cấp phép các chuyến bay, cấp phép thực hiện chủ trương cách ly tại địa phương (!?). Bào chữa cho bị cáo Chử Xuân Dũng, luật sư Trịnh Văn Tuyến cho rằng việc nhận tiền của ông Chử Xuân Dũng mang tính thụ động và “đưa bao nhiêu biết bấy nhiêu”. Xuyên suốt hành vi phạm tội của bị cáo, các lời khai cùng các chứng cứ tài liệu trong hồ sơ vụ án đều thể hiện rất rõ rằng, bị cáo không có bất kỳ một sự thỏa thuận, đòi hỏi hay gây khó dễ nào đối với doanh nghiệp để được nhận tiền.
Bào chữa cho cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, luật sư Lê Thành Kính khẳng định, bị cáo Tô Anh Dũng không có động cơ vụ lợi trong công việc, giữa bị cáo và doanh nghiệp, cá nhân khi gặp gỡ không có thỏa thuận ăn chia. Ông Tô Anh Dũng không đòi hỏi, gợi ý và không gây khó dễ với các doanh nghiệp. Vì vậy, sau khi các chuyến bay đã được phê duyệt hoặc đã hoàn thành, các doanh nghiệp mới chủ động đến gặp và cảm ơn. Các doanh nghiệp này nói được tạo điều kiện tham gia các chuyến bay combo có lợi nhuận trong lúc khó khăn, dịch bệnh hoành hành nên muốn đến cảm ơn ông Tô Anh Dũng, do trước đó bị cáo đã hướng dẫn họ nhiệt tình, tận tâm, không đòi hỏi điều kiện gì (!?).
Với nhóm bị cáo nguyên là cán bộ của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an gồm: Vũ Sỹ Cường, nguyên cán bộ Phòng Tham mưu; Vũ Anh Tuấn, nguyên Phó trưởng Phòng Tham mưu và Trần Văn Dự, nguyên Cục phó Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Bị cáo Trần Văn Dự thừa nhận biết cấp dưới cầm hơn 27 tỉ đồng của doanh nghiệp để tổ chức 'chuyến bay giải cứu' nhưng vẫn nhận và chia nhau 'hài hòa'. Khi được hỏi về việc yêu cầu cấp dưới trả lại tiền, bị cáo Dự khai: Khi nghe tin bên ngoài là Cục Quản lý xuất nhập cảnh cũng cầm tiền thì tôi đã chỉ đạo nhân viên trả lại tiền cho doanh nghiệp. Khi đó CQĐT chưa vào cuộc, vụ án chưa bị khởi tố, tôi bức xúc quá nên yêu cầu hai anh (Cường, Tuấn - PV) trả lại tiền.
Đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa.
Trước những lời trình bày của các bị cáo và luật sư, đại diện viện kiểm sát nhấn mạnh, một số bị cáo đã có sự lập lờ khi cho rằng việc nhận tiền là do doanh nghiệp cảm ơn. Đây là việc đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm, tạo ra tiền lệ xấu cho xã hội. Các bị cáo đang làm nhiệm vụ của mình, không thể có chuyện doanh nghiệp cảm ơn mà số tiền nhận là đặc biệt lớn. Hành vi nhận tiền của các bị cáo trong vụ án này là hành vi nhận hối lộ. Các bị cáo đang làm công việc thuộc chức trách, nhiệm vụ của mình nên không thể coi là cảm ơn khi số tiền là bằng cả một gia tài mà nhiều người mơ ước, không thể coi là cảm ơn khi người đưa buộc phải đưa tiền thì công việc mới trôi chảy!
'Luật' bất thành văn
Nguyễn Tiến Mạnh là Giám đốc Công ty Hoàng Long Luxury. Mạnh thành lập Công ty CP Du lịch lữ hành Việt (Công ty Lữ hành Việt) giao cho Vũ Thùy Dương (vợ không đăng ký kết hôn) đứng tên làm giám đốc, đại diện theo pháp luật. Trong giai đoạn dịch bệnh, Công ty Lữ hành Việt chuẩn bị hồ sơ gửi Văn phòng Chính phủ và công văn gửi các hãng hàng không xin tiếp tục tổ chức các chuyến bay nhưng không được chấp thuận. Nguyễn Tiến Mạnh bàn bạc với Hoàng Anh Kiếm để công ty được cấp phép thực hiện chuyến bay. Kiếm sẽ giúp xin cấp phép chuyến bay và được chia lợi nhuận. Sau đó, Nguyễn Tiến Mạnh đã chỉ đạo Vũ Thùy Dương đưa tiền cho Kiếm để Kiếm đưa hối lộ các cá nhân có thẩm quyền. Thấy Kiếm chi tiền quá lớn nên giai đoạn sau, tự Mạnh đưa xin cấp phép và chỉ đạo Dương chuyển tiền hối lộ... Mạnh đưa hối lộ 27,8 tỉ đồng; bị cáo Dương đưa hối lộ 24 tỉ đồng. Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Mạnh nói rằng hồ sơ của công ty không được duyệt nên bị cáo Mạnh nói rất thất vọng nhưng không thể trả lời khách như vậy được. Vì thế, bị cáo quyết tâm cố gắng xin bằng được chuyến bay.
Bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh tự bào chữa.
Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Diệu Mơ (Tổng Giám đốc Công ty An Bình) cho biết, doanh nghiệp của bị cáo Mơ đã lúng túng khi triển khai các “chuyến bay giải cứu”. Khi đó, trong tình hình dịch bệnh khó khăn, các chuyến bay mà Công ty An Bình và Hoàng Diệu Mơ tổ chức đã đưa công dân về nơi cách ly an toàn. Nguyên nhân dẫn đến việc bị cáo Mơ nói riêng và các bị cáo phạm tội “Đưa hối lộ nói chung” phải đứng trước phiên tòa một phần là không có quy định cụ thể, rõ ràng đối với cơ quan, cá nhân cấp phép chuyến bay nên dẫn đến cơ chế xin cho. Ngoài ra, khi cơ quan chức năng không cấp phép cũng không có chế tài điều chỉnh.
Luật sư của bị cáo Võ Thị Hồng (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ phòng vé hàng không Minh Ngọc) cho biết, với thực thế khó khăn của tình hình COVID-19 lúc bấy giờ, khi Chính phủ cho thực hiện chuyến bay combo thì doanh nghiệp như “trời hạn gặp cơn mưa rào”. Trong đó, bị cáo Hồng từng nộp 4 bộ hồ sơ lên Văn phòng Chính phủ nhưng không được phê duyệt, nộp 3 bộ hồ sơ ở tổ 5 Bộ nhưng cũng không được nhận. Vì vậy, Võ Thị Hồng đã đưa hối lộ 21 lần, tổng số hơn 10,9 tỉ đồng và Hoàng Diệu Mơ đưa hối lộ 41 lần với tổng số 34,6 tỉ đồng tương ứng với những lần được cấp phép chuyến bay.
Giám đốc Công ty Masterlife - Trần Thị Mai Xa bị truy tố 19 lần đưa hối lộ hơn 8 tỉ đồng cho 8 cá nhân có thẩm quyền để được cấp phép 18 chuyến bay. Trần tình trước hội đồng xét xử, bị cáo Mai Xa nói rằng đến tháng 6/2021, sát ngày bay dự kiến nhưng vẫn không được chấp thuận bay, bị cáo rất sốt ruột. ''Bị cáo rất lo lắng. Sau chuyến bay đầu tiên không thể tổ chức và bị cáo phải bán nhà, bị cáo rất run, như chim ngã sợ cành cong vì không còn nhà để bán nữa''. Nữ giám đốc doanh nghiệp đã gọi điện đến Phòng Bảo hộ công dân (Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) thì được bảo có một chút vướng mắc bên Cục Quản lý xuất nhập cảnh và bảo bị cáo sang bên đó xem thế nào. Khi bị cáo Xa liên hệ với Cục Quản lý xuất nhập cảnh thì được bị cáo Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ công an) nói rằng: Sếp không biết công ty của em là ai cả. Thôi để giải quyết nhanh, em nên làm theo cơ chế cảm ơn đi, nếu không kịp thì khó lắm.
Nữ giám đốc doanh nghiệp cho biết, việc đưa tiền hối lộ trong lần đầu một cách vô thức, dẫn đến một loạt hành vi sau này của bị cáo cũng như các bị cáo ở doanh nghiệp khác. Bị cáo không có ý thức về vấn đề đó (đưa hối lộ - PV). Lần sau cứ thế phải đưa, đó cứ như một thông lệ.
Bị cáo Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty Masterlife tự bào chữa.
Và cuộc ngã giá... bất thành
Theo nội dung vụ án, Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đốc và Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky trong quá trình xin cấp phép các chuyến bay và cách ly đã đưa hối lộ cho một số cá nhân có thẩm quyền. Khi vụ án được điều tra, lo sợ bị khởi tố, Sơn và Hằng đến nhà ông Nguyễn Anh Tuấn (khi đó là Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội) nhờ ông Tuấn tìm người giúp Hằng và Sơn không bị xử lý hình sự vì đã có hành vi đưa hối lộ.
Do có quen biết Hoàng Văn Hưng (khi đó là Trưởng Phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an), ông Nguyễn Anh Tuấn đặt vấn đề và theo cáo trạng thì Hưng đã đồng ý giúp để Hằng và Sơn không bị xử lý hình sự. Hưng đã hướng dẫn Hằng và Sơn khai báo, đưa thông tin tiến độ điều tra vụ án cho các bị cáo để hướng dẫn khai báo. Mặc dù, ngày 16/9/2022, Hưng bị điều chuyển công tác sang giữ chức vụ Trưởng Phòng Chính trị, Hậu cần Cục An ninh điều tra Bộ Công an, không còn nhiệm vụ, quyền hạn điều tra vụ án, Hưng vẫn đưa ra lý do và cung cấp thông tin sai sự thật về vai trò của Hưng để ông Tuấn và Hằng tin tưởng và đưa tiền “chạy án”. Cáo trạng cho hay, theo gợi ý của Hưng, Hằng đã đưa cho ông Tuấn số tiền 2,65 triệu USD nhờ đưa cho Hưng để chạy án.
Tại tòa, ông Nguyễn Anh Tuấn nhắc lại toàn bộ quá trình liên hệ, “nhờ” Hưng giúp đỡ, quá trình bố trí cho Hằng và Hưng gặp nhau tại nhà riêng của mình cũng như việc đưa tiền ở đâu, thời gian nào. Tuy nhiên, Hoàng Văn Hưng vẫn một mực chối tội. Bất ngờ khi nghe Hưng chối tội, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: Anh Hưng nói gì cho ổn, chứ thế nó trơ tráo quá. Mình cũng thế, anh Hưng cũng thế, cũng nhận hàng trăm chai rượu, biếu hàng trăm chai rượu, có người nào bỏ chai rượu vào cặp khóa số mang đi không?
Cũng theo bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, ngay buổi làm việc đầu tiên ở cơ quan điều tra, bị cáo giữ uy tín, danh dự cho Hưng vì đang điều tra vụ án hối lộ lớn như thế, mà xảy ra hối lộ như này. Nhưng, khi được thông báo Hưng đã chuyển đi từ lâu rồi thì ''thật sự tôi thất vọng, đau khổ và khai báo hết với cơ quan điều tra”. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, Hoàng Văn Hưng chối bỏ trách nhiệm vì liên quan đến số tiền bồi thường dân sự. Trong vụ án này, hiện tại bị cáo Tuấn phải khắc phục số tiền rất lớn từ 40-50 tỉ đồng. Bị cáo đã được anh em, bạn bè cho vay mượn để giúp khắc phục đến ngày 18/7 là 1,8 triệu USD (hơn 40 tỉ đồng)…