Đại diện các bậc cao niên tham gia nghi lễ tại đình làng Vang.
Những ngày đầu xuân, khi mưa bụi vẫn còn lấm tấm trên mầm non vừa nở, trên những lối đi rợp ngời hoa lá, trên các con đường làng ngõ xóm, chúng tôi tìm về xã Liên Minh, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) để được thêm một lần nữa hòa mình vào sự nhộn nhịp của Tết, với cái cách gọi thân thương của người dân nơi đây là ăn 'Tết lại'.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Liên Minh Vũ Thị Tình niềm nở: 'Tôi mong mãi, chỉ lo mọi người đến muộn không kịp vui Tết cùng bà con. Năm nay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quy mô của Tết lại tổ chức nhỏ, gọn; tại các thôn, xã nhân dân vừa tuân thủ các biện pháp phòng dịch vừa vui xuân, đón tết với các nghi lễ truyền thống để duy trì nét đẹp văn hóa'.
Dẫn chúng tôi dạo vòng quanh xã, không khí xuân rộn ràng khắp các nẻo đường. Dừng chân trước đình làng Vang (xã Liên Minh) - nơi đang tổ chức lễ tế, ông Nguyễn Văn Chàn - chủ nhang đình làng Vang phấn khởi kể chuyện 'Theo tài liệu cổ được lưu truyền từ xa xưa, tục lệ ăn Tết lại gắn với công lao của anh hùng dân tộc Dương Tự Minh. Ông là một danh tướng có công lớn trong việc giành lại phần đất đai rộng lớn từ tay giặc Tống, bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía bắc Đại Việt. Từ đó đến nay, vào dịp này, bà con làng Vang nói riêng và các dân tộc Võ Nhai nói chung lại dâng lễ để tưởng nhớ công ơn của ông vào ngày hội làng ăn Tết lại. Tục ăn Tết lại xuất phát từ chính các nghi lễ này'. Thành kính lễ bái, ông Chàn thay cũng mặt bà con báo cáo kết quả một năm vừa qua của các dòng họ trong làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho mọi người đều bình an, mạnh khỏe…
Chung niềm phấn khởi của mùa xuân quê hương, anh Nguyễn Văn Duy - cán bộ Văn hóa xã Liên Minh cho biết: 'Tết lại không được tổ chức cùng ngày, mỗi thôn, mỗi xã sẽ có ngày ăn Tết lại khác nhau. Tết lại bắt đầu từ mùng 4 tháng Giêng ở làng Thâm, mùng 6-7 làng Đồng Mó, mồng 10 làng Vang (xã Liên Minh); mồng 8-9 làng Đèn, đình La Mọ (xã Tràng Xá), ngày 12 làng Phương Bá, Thịnh Khánh (xã Dân Tiến), ngày 18 xóm Mỏ Gà (xã Phú Thượng). Đây là dịp để các gia đình mời những người bạn bè tri kỷ, họ hàng ở xa về giao lưu với sự nhiệt thành, mến khách'.
Người dân xã Liên Minh phấn khởi chuẩn bị mâm cỗ trong ngày Tết lại.
Ngày Tết lại, mỗi người một việc, người gói bánh chưng, người thịt gà, người nấu cỗ. Ngoài việc đóng góp dâng lễ tại đình làng thì mỗi gia đình đều chuẩn bị bữa cơm sum họp mời người thân, bạn bè, đồng nghiệp… Mâm cỗ thiết đãi khách được chế biến từ những sản vật địa phương là rượu đông chí, xôi, thịt lợn, thịt gà, bánh chưng; còn có những thức quà như bánh gio, chè lam, kẹo vừng, bánh bỏng… Người dân nơi đây là vậy! Luôn hiếu khách, nhiệt tình và cuộc sống của họ cũng luôn giữ được nét đẹp truyền thống cộng đồng đoàn kết ấy.
Bà Nguyễn Thị Đông (làng Vang, xã Liên Minh) chia sẻ: 'Với những người bận rộn, không có điều kiện gặp mặt nhau trong dịp Tết thì đây là cơ hội tốt để trò chuyện, ôn lại những câu chuyện xưa. Tuy nhiên, năm nay, để đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch, gia đình tôi chỉ đại diện 1 người ra đình bái lễ và tổ chức gói gọn trong quy mô gia đình'.
Năm nay, nhiều người cũng không thể về ăn Tết lại với người thân, họ hàng. Họ chỉ có thể chia sẻ với nhau qua điện thoại, qua internet. Trong cuộc nói chuyện đấy, mọi người vẫn lạc quan động viên nhau 'sau cơn mưa trời lại sáng' để cầu mong dịch bệnh sớm qua nhanh để những ngày hội làng, Tết lại năm tiếp theo người người nhà nhà lại được đoàn viên sum vầy. Và đền làng Vang lại nô nức tiếng cờ hội xuân, rộn ràng tiếng trống, tiếng hát 'Hời hỡi tháng Giêng năm mới, Làng chúng tôi có lệ mùng 10 tháng Giêng, đánh cờ thờ Đức thánh Đại vương, ai có nhân tài thì vào mà đấu'…
Tục ăn Tết lại đã trở thành nét văn hóa tín ngưỡng - nét bản sắc độc đáo bởi không phải làng quê nào cũng có được, ăn sâu vào tiềm thức của người dân nhiều địa phương ở Thái Nguyên. Qua đó, góp phần tô thắm thêm bản sắc văn hóa của một vùng đất giàu truyền thống, góp sức cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, thể hiện sự gắn kết cộng đồng để cùng nhau bắt tay vào công việc trong một năm mới. Chính vì vậy, ăn Tết lại là một phong tục văn hóa cổ truyền, có giá trị nhân văn cao, mang đậm nếp sống của người dân lao động nông thôn cần được lưu giữ.