Trước sự việc đó, tôi đặt câu hỏi tại sao họ lại tước đi quyền được lựa chọn của các con? Tại sao sự việc đó lại diễn ra ngay giữa thủ đô văn minh? Và giờ tôi đã thấm câu nói 'cơ hội vào trường cấp 3 công lập ở Hà Nội còn khó hơn vào đại học' tưởng chỉ là câu nói cửa miệng hóa ra là thật.
Ảnh minh họa. NC.
Bắt học sinh phải chuyển trường, làm đơn tự nguyện không thi vào lớp 10 do học lực kém. Vậy tôi xin hỏi, nếu những học sinh đó chính là con của các thầy cô thì sao? Trường học trong suy nghĩ của các thầy cô là gì? Học sinh năng lực kém lỗi có phải riêng học sinh không?
Nếu cứ học kém là rút lui thì khác nào trường học là nơi phân biệt đối xử, chấp nhận suy nghĩ học kém rồi không ước mơ, không cần nỗ lực để giành tấm vé vào lớp 10 công lập.
Như vậy các thầy cô, nhà trường đang cướp đi quyền của học sinh. Chẳng nhẽ vì thành tích của nhà trường mà quên đi cảm nhận của học sinh mình.
Học sinh học kém, nhà trường, thầy cô cũng cần xem lại cách giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho học sinh.
Tôi vẫn nhớ như in, những ngày cuối cấp 2 của tôi và các bạn. Lớp 9D của tôi ngoài tên gọi đó, cả trường còn 'ưu ái' dành tặng lớp tôi thêm 1 cái tên là '9 dốt' bởi số học sinh kém nhiều nhất trường, nghịch nhất trường.
Ba năm cấp 2 chúng tôi đã chơi quá nhiều, buổi chào cờ nào cũng có học sinh được gọi tên, thành tích luôn cuối trường, thậm chí số học sinh đạt điểm khá tổng kết năm học chỉ đếm đầu ngón tay. Nhưng cô giáo chủ nhiệm chúng tôi chẳng bao giờ trách móc hay phạt. Nếu nhà trường có phàn nàn về học sinh cá biệt cô đều nhận lỗi hết về mình.
Và biến cố bắt đầu khi cô giáo dạy Ngữ văn – cũng là chủ nhiệm của chúng mang bầu do sức khỏe yếu nên xin nhà trường được xuống dạy khối 6, lúc đó chúng tôi mới cảm nhận mất đi người che chở.
Nhìn vào bảng điểm 3 năm học 6, 7, 8 gần như 100% thầy cô đều có chung một suy nghĩ lớp này chỉ có tầm 13-14 người đậu được cấp ba là may mắn lắm rồi bởi vậy rất ngại nhận chủ nhiệm.
Để có giáo viên chủ nhiệm cho lớp chúng tôi, nhà trường đã đề nghị một số thầy cô chủ nhiệm nhưng họ đều từ chối. Sau 2 tuần, chúng tôi không có giáo viên chủ nhiệm, lớp tôi như rắn mất đầu. Bởi cuối cấp rất cần giáo viên chủ nhiệm định hướng việc học, việc chọn trường, làm các hồ sơ để dự thi vào lớp 10.
Hoang mang, lo lắng với suy nghĩ nếu không đỗ cấp 3 những đứa trẻ 14-15 chúng tôi chẳng thể làm gì? Đi làm cũng không ai thuê.
Cả lớp chúng tôi đã bàn nhau viết đơn đề nghị xin một thầy dạy toán nổi tiếng nghiêm khắc, khó tính nhất trường làm chủ nhiệm. Chỉ cần giờ toán của thầy là đứa nào cũng co rúm vì cách thầy hỏi bài cũ.
Một lý do nữa mà chúng tôi chọn thầy chính là kỳ thi vào lớp 10 của chúng tôi chỉ 2 môn Ngữ văn và Toán, thầy có khả năng giúp chúng tôi ôn tập.
Chẳng ai dạy viết đơn, chúng tôi chỉ trình bày suy nghĩ của mình và cùng nhau ký vào đó. Lúc tôi cầm đơn lên, thầy Phó Hiệu trưởng tiếp nhận, gọi thầy giáo dạy toán đó đến gặp tôi và bạn lớp trưởng. Vì thầy nổi tiếng khó tính, nghiêm khắc nên khi gặp thầy chúng tôi đã rất sợ.
Thầy nói rõ: 'Anh chị có thể về nói với lớp nếu tôi chủ nhiệm thì sẽ rất khổ đó, không hiền như các thầy cô trước đây đâu, cầm đơn về nói lớp suy nghĩ kỹ đi'.
Nhưng một lớp học có nhiều học sinh cá biệt như lớp tôi thầy cô gần như đều né không muốn chủ nhiệm, nếu có chủ nhiệm họ cũng chỉ làm đủ bổn phận của một cô giáo chủ nhiệm thôi.
Nếu muốn đậu cấp 3 cần một người đồng hành, tôi và lớp trưởng nhìn nhau rồi mạnh dạn tự đưa ra quyết định quan điểm nộp đơn đề nghị mà không bàn với lớp.
Thế rồi, buổi đầu lên lớp thầy hỏi chúng tôi những ai muốn thi vào lớp 10, cả lớp tôi giơ tay 100%, đến câu thứ 2 những ai tự tin thi có thể đậu vào lớp 10 số cánh tay đã giảm đi chỉ còn chục người.
Cả lớp cúi đầu xuống, nghĩ thầy sẽ trả lớp, nhưng không lúc đó thầy nói: 'Tôi sẽ chia lại chỗ ngồi, người học khá trong lớp sẽ ngồi cùng một bạn học yếu, các em sẽ kèm nhau học. Chỗ nào không hiểu thì bạn học khá có nhiệm vụ bày cho bạn học kém, nếu không hiểu nữa sẽ hỏi thầy cô'.
Để có thể kèm được chúng tôi học, những giờ sinh hoạt 15 phút mỗi ngày thầy đều đến, gọi chúng tôi lên bảng làm bài thầy đã giao trước đó.
Giờ sinh hoạt lớp cuối tuần, thay vì dành cả tiết để kiểm điểm lại tuần qua lớp học hành, rèn luyện ra sao được thầy cô đánh giá trong sổ đầu bài như thế nào, thì thầy chỉ dành 10-15 phút nhắc nhở chăm học.
30 phút còn lại thầy trò chúng tôi cùng nhau lấy sách toán ra học. Tiết sinh hoạt nhờ vậy cũng nhanh trôi qua không còn nặng nề.
Để đến với cơ hội vào trường cấp 3 công lập, chúng tôi đã đề nghị thầy cho học thêm buổi chiều, những buổi học thêm thầy phân lớp thành nhóm với mức độ học lực khác nhau cho dễ kèm hơn.
Top những bạn học khá sẽ học những dạng bài nâng cao nhằm kiếm điểm cao khi làm bài thi.
Với những bạn học yếu, thầy dạy những dạng bài cơ bản, cách trình bày để bài làm không bị mất điểm, nhặt nhạnh từng ly điểm một để có cơ hội giành được tấm vé vào công lập.
Đến những tháng gần thi cũng là lúc trường đã nghỉ hè, thầy đề nghị chúng tôi những ai gần nhau thì cùng nhau học, chỗ nào không hiểu có thể đến ký túc xá nhà trường tìm thầy giảng.
Miệt mài như vậy 1 năm trời, lớp tôi cũng tự tin hơn với kỳ thi, buổi cuối trước ngày thi thầy không dạy chúng tôi nữa, chỉ trò chuyện, động viên và những cái bắt tay trao động lực tinh thần.
'Thầy biết các em đã miệt mài và cố gắng hơn rất nhiều so với khả năng mình có, một năm qua các em vất vả rồi, cố lên ngày mai nữa thôi áp lực kỳ thi sẽ hết', thầy nói.
Và rồi, kỳ thi vào lớp 10 của chúng tôi nhẹ nhàng hơn nhờ có thầy. Ngày có kết quả, lớp có 31 đứa thì 26 đứa đỗ vào công lập, 5 đứa học dân lập. Nhiều thầy cô không khỏi ngạc nhiên khi lớp chúng tôi lại có thành tích cao như vậy.
'Có quyết tâm kỳ tích sẽ xuất hiện', đó là câu nói thầy luôn động viên chúng tôi mỗi lúc mệt mỏi.
Giờ mỗi năm về hkhoongi, chúng tôi cũng vẫn ôn lại những kỷ niệm ngày ôn thi, có những đứa xác định cầm chắc trong tay tấm vé trượt cấp ba giờ đã làm một sĩ quan quân đội.
Thế nhưng câu chuyện buồn về việc một số trường học vận động học sinh có năng lực kém viết đơn tình nguyện không thi vào lớp 10, chuyển trường lại diễn ra ngay tại thủ đô nơi có điều kiện học tập, đội ngũ giáo viên xuất sắc hơn tất cả các địa phương khác.
Tại sao họ có thể cướp đi quyền của các con, 'người ta nói 30 chưa phải là Tết' tại sao một hệ thống giáo dục đầu ngành của cả nước mà có thể đưa ra ý tưởng, đề xuất như vậy?
Đáng buồn hơn, sự việc không phải chỉ diễn ra mới một năm, mà đã diễn ra mấy năm qua? Ai sẽ còn dám gửi con đến trường, những học sinh rơi vào hoàn cảnh đó lỡ không may có suy nghĩ tiêu cực thì sao? Trường học hạnh phúc mà ngành giáo dục thủ đô hướng tới là đây sao?