Cụ thể, theo đoạn clip ghi lại thì cả 2 nữ sinh đánh nhau đều mặc áo đồng phục. Trong đó, một nữ sinh quàng khăn đỏ, ăn mặc lịch sự, còn nữ sinh kia mặc quần cộc.
Nữ sinh mặc quần cộc đã có hành vi đánh, đập, đạp vào người bạn. Nhiều thời điểm, nữ sinh này còn kéo lê, giật tóc, đạp mặt bạn xuống nền nhà một cách khá dã man.
Giữa lúc cuộc ẩu đã xảy ra có rất nhiều học sinh khác chứng kiến nhưng không ai lên tiếng hay can ngăn.
Được biết, sự việc xảy ra tại trường THCS Nguyễn Bá Phát, xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng).
Nữ sinh bị đánh là N.P.T. - lớp 6, còn nữ sinh có hành vi đánh bạn là N.Y- lớp 7. Trước đó, 2 nữ sinh này có hiềm khích nên sau giờ học Y đã gây gổ và hành hung T.. Sự việc xảy ra ngay trong dãy phòng học của trường.
Nữ sinh lớp 6 bị đánh dã man trong trường học (ảnh cắt từ clip)
Sau khi xảy ra vụ việc, nhà trường đã mời phụ huynh 2 học sinh đến trao đổi, giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, gia đình nữ sinh Y. không đến khiến gia đình nữ sinh T. bức xúc.
Tại buổi làm việc ngày 21/3, phụ huynh của em T. đã bày tỏ sự xót xa xen lẫn bức xúc trước cảnh con em mình bị bạn đánh. Phụ huynh này cho biết, tình trạng này xảy ra trước đó nhưng do con mình sợ nên không dám nói, chỉ đến khi thấy clip trên mạng thì mới hay biết. Vị phụ huynh này mong muốn cơ quan chức năng và nhà trường có biện pháp xử lý phù hợp để tránh sự việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Theo đại diện THCS Nguyễn Bá Phát thì hiện nay nhà trường và cơ quan công an vẫn đang phối hợp làm việc với phụ huynh 2 bên. Sự việc cũng được trường báo cáo lên lãnh đạo xã Hòa Liên, Phòng Giáo dục huyện Hòa Vang để có ý kiến chỉ đạo.
Có thể nói, bạo lực học đường là vấn nạn đã, đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường học đường, đặc biệt là chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh. Trong thực tế, cơ quan quản lý giáo dục cũng đã vào cuộc mạnh mẽ với nhiều giải pháp nhưng dường như chưa đủ để kiểm soát tình trạng này.
Theo thạc sĩ Hà Thái Hương - ĐH Sư phạm Hà Nội 2 thì trước hết cần nhấn mạnh, bạo lực học đường là một hiện tượng sẽ tồn tại song song trong môi trường giáo dục. Chúng ta chỉ có thể tìm cách kiểm soát, hạn chế nó chứ không thể triệt tiêu ngay lập tức.
Bởi lẽ, trong môi trường giáo dục hàng trăm học sinh, khi các em hoạt động cùng nhau, những khác biệt sẽ phát sinh thành mâu thuẫn, xung đột và khi không được can thiệp kịp thời thì các em giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.
'Đáng lo ngại nhất là các vụ bạo lực xảy ra với những nguyên nhân rất đơn giản. Có thể chỉ vì nhìn 'đểu' mà lập tức cà khịa, tập hợp lực lượng để đánh nhau trong và ngoài trường. Điều này cho thấy, học sinh đang có xu hướng sử dụng bạo lực như một công cụ để giải quyết các mâu thuẫn.
Rồi dưới tác động ảnh hưởng tiêu cực của xã hội, phim ảnh bạo lực, game online hiện nay, cộng với hiểu biết, nhân cách chưa hoàn chỉnh, bản tính nông nổi, thiếu kìm chế khi bốc đồng, có những mâu thuẫn, ngờ vực… ở lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh phổ thông nên dễ dẫn tới hiện tượng học sinh gây gổ đánh nhau.
Điều này cũng cho thấy, các em dường như dễ bị kích động hơn, có xu hướng hung tính hơn.
Bên cạnh đó, các vụ việc xuất hiện yếu tố vô cảm không chỉ ở nhóm học sinh bạo lực, mà đang có dấu hiệu lây lan ra cả những người lớn chứng kiến. Thói vô cảm nguy hiểm không kém hành vi bạo lực.
Những học sinh chứng kiến bạo lực, quay clip đưa lên mạng có biểu hiện lệch chuẩn không kém học sinh thực hiện hành vi bạo lực', thạc sĩ Hà Thái Hương nói.
Để giải quyết tận gốc tình trạng bạo lực học đường theo chuyên gia này là cần phải phân tích hành vi đúng sai, phải trái để học sinh, phụ huynh nhận ra lỗi lầm và trách nhiệm của mình.
Ngoài ra cũng cần áp dụng hình thức kỷ luật đối với học sinh vi phạm, thông báo ở lớp hay toàn trường. Phải giải quyết, xử lý kịp thời, kiên quyết để hạn chế, đẩy lùi bạo lực ra khỏi môi trường văn hóa học đường.