Ảnh minh họa.
Thêm cơ hội với kỳ thi riêng
Thông tin từ Trường ĐH Thủy lợi cho biết, năm 2022, trường tuyển sinh tại 37 ngành và nhóm ngành, trong đó có 6 ngành mới, gồm An ninh mạng, Tài chính - Ngân hàng, Kiểm toán, Kinh tế số, Luật, Kỹ thuật Robot và điều khiển thông minh. Ngoài các chương trình chuẩn, trường có một số chương trình liên kết 2+2 với các ĐH nước ngoài. Trường dự kiến tuyển 5.000 sinh viên, tăng 1.000 so với năm ngoái.
Ngoài 3 phương thức xét tuyển truyền thống như năm 2021, năm nay, ĐH Thủy lợi bổ sung thêm phương thức sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Dự kiến với phương thức xét học bạ, trường bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 15/4 như mùa tuyển sinh 2021.
Một trường khác cũng áp dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là Trường ĐH Mỏ - Địa chất. Lãnh đạo nhà trường cho biết việc xét tuyển này sẽ giúp cho xã hội và người học giảm áp lực số lần thi cử và di chuyển, giảm tốn kém vật chất, thời gian và công sức cho những thí sinh có nguyện vọng vào ĐH, đặc biệt các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, các trường sẽ giảm bớt gánh nặng ở các khâu tổ chức kỳ thi và ra đề thi. Thí sinh vẫn có thể xét tuyển bằng 4 phương thức độc lập khác để tăng cơ hội trúng tuyển.
Như vậy, những thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển vào hơn 10 trường ĐH khác, rất thuận lợi cho các em khi giảm một phần áp lực đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay có nhiều nguy cơ khó có thể lường trước.
Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức lần 1 vào cuối tháng 2 vừa qua tại Hà Nội và Thái Nguyên với sự tham gia của hơn 1.100 thí sinh. Đợt 2 dự kiến sẽ tổ chức vào cuối tháng 3 tại nhiều địa điểm khác nhau.
Thí sinh có thể cân nhắc tham gia bởi kết quả của kỳ thi này được gần 50 trường ĐH thành viên, các khoa trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội và các trường ĐH khác sử dụng để xét tuyển trong mùa tuyển sinh năm 2022.
Trong khi đó, ở phía Nam, sau 1 tháng mở cổng đăng ký dự thi, gần 85.000 thí sinh xác nhận đăng ký thi đánh giá năng lực năm 2022 đợt 1 do ĐH Quốc gia TP HCM tổ chức vào cuối tháng 3/2022 (gồm cả học sinh lớp 12 và thí sinh tự do). Về số nguyện vọng xét tuyển ĐH - CĐ, ĐH Quốc gia TP HCM ghi nhận khoảng 300.000 nguyện vọng, trung bình mỗi em đăng ký 3-4 nguyện vọng. Đến nay đã có 84 đơn vị sử dụng kết quả thi này để tuyển sinh ĐH - CĐ với 1.266 ngành học, gồm 10 trường thành viên ĐH Quốc gia TP HCM, 69 trường ngoài hệ thống và 5 trường CĐ.
Lưu ý khi xét tuyển học bạ
Từ ngày 1/3 đến 30/4/2022, Trường ĐH Văn Lang nhận hồ sơ xét tuyển sinh theo phương thức xét kết quả học tập THPT (học bạ) - đợt 1 đối với 59 ngành đào tạo bậc ĐH hệ chính quy (chương trình tiêu chuẩn) và 14 chương trình đào tạo đặc biệt. Với phương thức này, thí sinh có 2 lựa chọn cách tính điểm để xét tuyển là xét điểm trung bình năm học lớp 12, hoặc xét điểm trung bình năm học lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM cũng đã bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển học bạ 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12) cho các ngành tuyển sinh. Mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 20 nguyện vọng. Theo đề án tuyển sinh đã công bố, số chỉ tiêu xét học bạ không nhiều nên nhà trường cho biết đối với phương thức xét học bạ, trường không tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT những năm trước, cơ hội chỉ dành cho những thí sinh đang học lớp 12.
Theo các chuyên gia tuyển sinh, trong điều kiện học tập của các thí sinh còn nhiều yếu tố bất định của dịch bệnh, các trường cần tiếp tục giữ ổn định các phương thức tuyển sinh nhằm tạo sự ổn định trong học tập và gia tăng cơ hội trúng tuyển cho các thí sinh.
Việc sử dụng thêm kết quả của các kỳ thi riêng cần được khuyến khích nhưng cũng cần cân đối chỉ tiêu để không gây thiệt thòi cho các thí sinh không có điều kiện đăng ký tham gia.
Thống kê cho thấy năm 2022, có đến hơn 10 phương thức xét tuyển vào ĐH nên các thí sinh cần tìm hiểu thật kỹ và lựa chọn cho mình phương thức phù hợp. Một ngành học của một trường có thể xét tuyển bằng nhiều phương thức khác nhau.
Ngược lại, kết quả thi tốt nghiệp THPT hay học bạ… có thể sử dụng để đăng ký xét tuyển vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau. Song chỉ có thể trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất xếp theo thứ tự từ trên xuống nên việc đặt nguyện vọng cái nào trước, cái nào sau cũng là một bài toán 'cân não' với các thí sinh.
Ông Trần Thanh Thưởng - Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM đưa ra lời khuyên, dù xét tuyển bằng phương thức nào thì yếu tố đầu tiên vẫn phải là tốt nghiệp THPT.
Ngay cả khi thí sinh đã đỗ ĐH sớm bằng các phương thức xét học bạ, chứng chỉ… thì cũng giống như là một phương thức 'ghi danh' để trường xét tuyển. Thí sinh chỉ đủ điều kiện trúng tuyển chính thức khi tốt nghiệp THPT. Còn học hay không là quyền của thí sinh.