Theo lộ trình đến năm học 2025 - 2026, toàn bộ học sinh bậc THCS sẽ được miễn học phí. Ảnh: Quang Vinh.
Chia sẻ với người học
Trong tháng 2 vừa qua, Sở GDĐT tỉnh Lào Cai đã tạm dừng thu học phí đối với học sinh ở các cơ sở giáo dục công lập. Cụ thể, theo tinh thần công văn số 673 của UBND tỉnh, từ tháng 2/2023, thực hiện tạm dừng thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập ở địa phương.
Trước đó, tại Nghị quyết 07/2022/NQ-HĐND tỉnh Lào Cai, năm học 2022-2023, đối với học sinh mầm non, THCS, THPT khu vực thành thị, mức thu học phí là 300.000 đồng/tháng; khu vực nông thôn là 100.000 đồng/tháng (riêng cấp THPT là 200.000 đồng/tháng). Vùng dân tộc thiểu số (khu vực 1) là 100.000 đồng/tháng (riêng cấp THPT là 200.000 đồng/tháng). Đối với khu vực 3 là 50.000 đồng/tháng (riêng cấp THPT là 100.000 đồng/tháng).
Đại diện Sở GDĐT Lào Cai cho biết, trên cơ sở đề xuất của Sở GDĐT, UBND tỉnh đã phê duyệt tạm dừng thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập kể từ tháng 2/2023 cho đến khi ban hành quy định mới về thu học phí. Việc tạm dừng thu học phí với các cấp học nói trên sẽ giảm gánh nặng chi phí đối với công nhân viên chức, lao động nghèo, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đang có con em theo học các bậc học phổ thông trên địa bàn.
Trước đó, HĐND TP Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết 54 về miễn, giảm học phí cho học sinh các cấp. Việc miễn học phí cho bậc mầm non và THCS bắt đầu thực hiện từ năm học 2020 - 2021 và học sinh bậc THPT được giảm học phí từ năm học 2021 - 2022. Ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở GDĐT TP Hải Phòng cho biết, đến nay, 100% học sinh các cấp ở thành phố được miễn học phí (trừ bậc tiểu học được miễn theo Luật Giáo dục). Mỗi năm, thành phố trích hơn 400 tỷ đồng từ ngân sách địa phương hỗ trợ cho giáo dục. Việc thực hiện miễn giảm học phí đã giúp giải quyết tốt chủ trương không để không học sinh nào phải bỏ học.
Lộ trình đã rõ
Mới đây, cử tri tỉnh Lào Cai đã đề nghị Chính phủ xem xét giảm mức thu học phí tối thiểu và có lộ trình miễn học phí đối với trẻ mầm non và học sinh THCS, giúp người dân bớt khó khăn, đặc biệt là khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Về vấn đề này, Bộ GDĐT cho biết: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo để áp dụng từ năm học 2021-2022.
Theo đó mức học phí của các cơ sở giáo dục công lập năm học 2021-2022 giữ ổn định, không tăng so với năm học 2020-2021 để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh và người dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nghị định số 81/2021/NĐ- CP đã có các nội dung quy định về chế độ miễn, giảm học phí cho đối tượng là học sinh thuộc diện chính sách, con hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022 và ý kiến của lãnh đạo Chính phủ, Bộ GDĐT đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023. Trong đó yêu cầu giữ ổn định mức học phí năm học 2022-2023 của các cơ sở giáo dục công lập bằng mức học phí năm học 2021-2022 để góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ học sinh và gia đình phụ huynh giảm bớt gánh nặng, ổn định đời sống…
Ngoài ra, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP cũng quy định trẻ em mầm non 5 tuổi ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền đã được miễn học phí. Cùng với đó, trẻ em mầm non 5 tuổi ở các vùng còn lại (không thuộc vùng thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo) được miễn học phí từ năm học 2024-2025… Như vậy, Nghị định số 81/2021/NĐ- CP đã quy định cụ thể lộ trình miễn học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh THCS đến năm học 2025-2026.