Học sinh ngày nay đang phải chịu quá nhiều áp lực từ học tập.
Bỏ kiểm tra đầu giờ có giảm áp lực
Kiểm tra miệng, trả bài bất chợt vào đầu tiết học là cách kiểm tra bài cũ đã được áp dụng phổ biến đã nhiều năm tại nhiều trường học trên cả nước. Đây là cách giáo viên kiểm tra kiến thức cũ của học sinh trước khi vào bài mới nhằm đảm bảo việc tiếp thu kiến thức, khả năng ghi nhớ của học sinh. Tuy nhiên đối với học sinh thì việc bị gọi lên kiểm tra miệng lại là một nỗi “ám ảnh”. Em Trần Minh Long, học sinh lớp 11 tại Quận 3 (TPHCM), cho hay những lúc chưa học bài cũ thì khi thầy cô cầm danh sách là thời khắc 'thót tim nhất'. 'Nếu học sinh giật mình, gương mặt đỏ bừng vì lo sợ thì điều này sẽ khiến thầy cô chú ý đến... gọi tên. Các bạn trong lớp em còn tìm ra “bí kíp” để không bị sợ ra mặt: Không run, không bối rối, phải ngẩng cao đầu và đặc biệt không nói chuyện hay làm việc riêng', Minh Long chia sẻ.
Mới đây Sở GDĐT TPHCM đã đề xuất: Yêu cầu giáo viên hạn chế kiểm tra bài cũ đầu giờ theo kiểu học thuộc lòng. Đề xuất này ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh. Rất nhiều người bày tỏ quan điểm ủng hộ vì cho rằng hình thức kiểm tra này sẽ khiến học sinh căng thẳng, lo lắng mỗi khi vào tiết học. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến lo ngại điều này có phạm vào quy định các bước lên lớp của một giờ giảng truyền thống? Theo đó, kiểm tra bài cũ, nhắc lại kiến thức đã học là một phần không thể thiếu trong tiến trình bài dạy của một tiết học. Vì kiến thức là tiếp nối, trước khi dạy kiến thức mới thì giáo viên cần ôn tập, nhắc nhở, kiểm tra sự tập trung, nhận biết kiến thức của học sinh. Giáo viên cần thực hiện việc giao bài, giao nhiệm vụ cho học sinh và kiểm tra kết quả, quá trình thực hiện của học sinh.
Cũng có ý kiến cho rằng, điều giáo viên cần làm là thay đổi cách thức thực hiện để tạo môi trường học tập thú vị và không căng thẳng đối với con trẻ. Việc trả bài còn mang nặng tính tập trung về kiểm tra kiến thức. Trong khi đó việc hình thành kiến thức không chỉ là ghi nhớ, thuộc lòng quan trọng là hình thành thông qua việc tham gia các hoạt động học tập để ghi khắc kiến thức và năng lực, phẩm chất cho học sinh. Áp dụng kiểm tra miệng nhiều năm không thể tránh khỏi tình trạng hàng loạt học sinh “học vẹt” để trả lời cho xong, điều đó làm xói mòn đi khả năng tích lũy, tìm hiểu kiến thức một cách chủ động. Không còn hứng thú mà chỉ học để “đối phó” với những câu hỏi đầu giờ lâu dần sẽ tạo thói quen xấu cho các em. Bỏ đi cách học khai thác trí nhớ, thay vào đó là khơi dậy tư duy sáng tạo, đó mới là cải cách giáo dục.
Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM bày tỏ: Chỉ đạo chuyên môn của Bộ GDĐT không bắt buộc giáo viên gọi học sinh trả bài trước mỗi tiết học. Tuy nhiên, nhiều thầy cô vẫn áp dụng do thói quen dạy học nặng về truyền thụ kiến thức. Trong khi đó, điều quan trọng là giáo viên cần tạo không khí lớp học sôi nổi, thoải mái để học sinh thể hiện.
Nỗi lo bài tập về nhà
Bên cạnh nỗi lo trả bài đầu giờ, học sinh còn phải đối mặt với “núi” bài tập về nhà. Nhiều năm nay, Bộ GDĐT nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày nhằm giảm áp lực cho các em. Tuy nhiên, trên thực tế giáo viên vẫn “vượt rào” giao thêm bài tập cho học sinh. Nhiều phụ huynh cho biết, học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 đều được giao bài tập về nhà với mức độ giao khác nhau. Có giáo viên chỉ giao 1 tờ phiếu ôn lại kiến thức đã học nhưng cũng có giáo viên giao bài quá nặng. Ví dụ ở lớp 1, có cô giáo giao học sinh viết 2 tờ, đọc thuộc 1 bài thơ, làm bài tập Toán 1-2 trang vào buổi tối. Nhiều giáo viên lấy bài tập trên mạng internet không kiểm chứng gửi lên nhóm lớp qua Zalo yêu cầu học sinh làm.
Chị Ngô Hồng Thu (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, con chị học lớp 4, thường phải thức dậy lúc 5 giờ sáng để kịp hoàn thành bài tập về nhà. 'Xót con, nhưng tôi cũng chỉ biết động viên con cố gắng làm xong bài tập vào buổi tối để sáng được ngủ đủ giấc, nhưng tối con thức không nổi, vừa làm bài vừa ngủ gật. Mặc dù con đã học 2 buổi ở trường, tôi nghĩ bài tập sẽ được giải quyết trong thời gian buổi chiều học thêm, nhưng khi về nhà con vẫn tiếp tục phải làm bài đến đêm', chị Thu nói.
Hiện, tình trạng giao bài tập về nhà cho học sinh thông qua các nhóm chat phụ huynh vẫn còn phổ biến. Nhiều phụ huynh mệt mỏi vì giáo viên giao bài tập cho con làm vào buổi tối. PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, việc quan trọng hơn của thầy cô là giúp học sinh thực sự hiểu bài chứ giao bài hàng ngày không có nhiều ý nghĩa với việc học thực chất của học sinh.
Với mục tiêu của Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 được đánh giá là giảm tải cho học sinh nhưng thực tế các em phải “vắt chân lên cổ” mà chạy, phờ phạc vì lịch học dày đặc, thức khuya làm bài tập về nhà. Vừa phải học trên lớp, học thêm, về nhà tiếp tục học với “núi” bài tập khiến các em không có đủ thời gian để vui chơi, giải tỏa căng thẳng sau nhiều giờ học.
Tuy nhiên việc nhồi nhét kiến thức bằng bài tập về nhà không chỉ khiến học sinh áp lực mà còn áp lực cho cả phụ huynh, giáo viên. Vì vậy cần giảm thiểu việc giao bài tập về nhà để các em không quá căng thẳng, vẫn có thời gian để giải trí, tái tạo năng lượng và hứng thú khi học tập.
Nhà trường cần tính toán hợp lý nhằm giúp học sinh cân bằng giữa việc học và tham gia các hoạt động khác, không giao bài tập về nhà khi đã học 2 buổi trên lớp. Thay vì để học sinh quá tải với việc làm bài tập, có rất nhiều hoạt động khác mà giáo viên và phụ huynh có thể tổ chức để học sinh cảm thấy có động lực, hào hứng hơn trong học tập, như: Khuyến khích trẻ đọc sách; Tham gia các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian; Tìm hiểu về văn hoá, lịch sử... Từ đây, các kiến thức sẽ giúp các em phát triển tư duy tổng quát, toàn diện. Có như vậy, các em mới không cảm thấy căng thẳng, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.