Bốc thăm may rủi vào trường mầm non
Với số lượng hồ sơ đăng ký vượt quá chỉ tiêu tuyển gần 400 em, ngày 27/8, Trường Mầm non Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) đã tổ chức bốc thăm tuyển sinh trẻ 3 tuổi năm học 2022-2023.
Trước đó, các phụ huynh đã nhận được giấy mời dự buổi bốc thăm. Quy trình được thực hiện theo 2 vòng: Vòng 1 bốc thăm thứ tự để lên bốc thăm phiếu tuyển sinh; vòng 2 bốc thăm phiếu tuyển sinh.
Phụ huynh phải bốc thăm vòng 1 mới đủ điều kiện để tham gia bốc thăm vòng 2. Phiếu trúng tuyển có dòng chữ: “Chúc mừng bé đã trúng tuyển vào trường”. Phiếu không trúng tuyển ghi: “Rất tiếc bé không trúng truyển vào trường”. Các phiếu đều có đóng dấu treo của Trường mầm non Hoàng Liệt.
Phụ huynh bốc thăm để giành suất học vào Trường Mầm non Hoàng Liệt cho con.
Việc bốc thăm để giành suất học vào Trường Mầm non Hoàng Liệt cho con khiến nhiều phụ huynh mất ăn, mất ngủ. Tại buổi bốc thăm, hàng trăm phụ huynh có mặt tại nơi bốc thăm đều chung tâm trạng lo lắng, bức xúc khi việc học cho con lại được quyết định bằng việc bốc thăm may rủi.
Sở dĩ có việc bốc thăm này theo bà Trịnh Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoàng Liệt là do số lượng hồ sơ nộp vào trường năm học này tăng đột biến.
Với tổng chỉ tiêu 3 lứa tuổi: 3, 4, 5 tuổi là 459 chỉ tiêu, tuy nhiên có tổng cộng 939 hồ sơ nộp vào trường. Đây là số lượng lớn chưa từng có, trở thành khó khăn, thách thức với nhà trường.
Theo kế hoạch, trong ngày hôm nay, 28/8, trường tiếp tục tổ chức bốc thăm tuyển sinh trẻ 4 tuổi. “Nhà trường không mong muốn phải tổ chức bốc thăm, tuy nhiên đây là giải pháp tối ưu”, bà Hương cho biết.
Về vấn đề này, ông Trần Quý Thái, Phó chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cũng cho biết, đây là tình huống bắt buộc phải làm và không còn cách nào khác. Quận đã xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan cấp trên.
Năm học 2022-2023, toàn quận Hoàng Mai tăng 3.700 học sinh khối công lập, chưa kể số học sinh đăng kí vào các nhóm trường ngoài công lập cũng quá tải. Tính sơ bộ một trường khoảng 1.700 học sinh. Ông Thái cho hay, quận cần ít nhất khoảng 3 trường mầm non nữa mới đủ tải.
Nguyên nhân của việc quá tải này, theo ông Thái là do các khu đô thị mới được xây dựng nhanh chóng trên địa bàn. Đồng thời qua hai năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nhóm mầm non ngoài công lập phá sản, phải đóng cửa, gây sức ép tuyển sinh lên các trường mầm non công lập trên địa bàn.
Cách nào giảm áp lực trường lớp?
Theo Sở GDÐT Hà Nội, năm học 2022-2023, thành phố tuyển sinh khoảng 140.000 học sinh lớp 1 và 151.000 học sinh lớp 6. Hà Nội yêu cầu, ở các khu đô thị mới chưa có trường học, Phòng GDÐT phải báo cáo quận, huyện giải quyết chỗ học cho học sinh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng quá tải.
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều trường đang có sĩ số hơn 50 học sinh/lớp, thậm chí có trường 60 em/lớp. Điển hình mới đây, nhiều phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Mễ Trì (Nam Từ Liêm) phản ánh, nhiều lớp của khối 1 đang bị 'nhồi nhét' đến gần 60 học sinh/lớp và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trong khi đó, theo Điều lệ trường tiểu học của Bộ GDĐT quy định sĩ số học sinh không quá 35 em/lớp. Việc quá tải sĩ số lớp khiến phụ huynh lo ngại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mễ Trì, tình trạng học sinh đông quá tải xảy ra tại nhiều trường học trên địa bàn quận và trong nhiều năm nay. Để khắc phục tình trạng này, nhà trường đã tính đến phương án lâu dài là xây dựng, cải tạo, mở rộng trường, lớp và đã làm đề xuất lên các cấp có thẩm quyền xin nguồn ngân sách để xây thêm 2 tầng với 9 phòng học ở khu nhà hiệu bộ. Tuy vậy, đến thời điểm này, đề xuất vẫn chưa được phê duyệt.
Sở dĩ có việc bốc thăm vào Trường Mầm non Hoàng Liệt là do số lượng hồ sơ nộp vào trường năm học này tăng đột biến.
Nhiều năm nay, mỗi dịp đầu năm học mới, việc quá tải sĩ số học sinh luôn là vấn đề “nóng” của ngành giáo dục Thủ đô.
Có thời điểm, học sinh tiểu học phải nghỉ học luân phiên trong tuần, học bù vào cuối tuần hay chỉ học một buổi/tuần; bàn học được thiết kế cho 2 học sinh nhưng ghép 3 em do quá tải sĩ số... Đây là thực trạng diễn ra tại một số trường ở trung tâm Hà Nội. Nhiều khu đô thị mới với hàng loạt cao ốc mọc lên tiềm ẩn nguy cơ quá tải trường lớp nghiêm trọng vì việc xây trường không theo kịp tốc độ đô thị hóa, tăng dân cư.
Thông tin về những kết quả nổi bật của ngành GDĐT trong năm học vừa qua, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, tính đến tháng 6/2022, thành phố có 2.835 trường với 70.199 lớp với hơn 2 triệu học sinh, 138.090 giáo viên, 72.796 phòng học.
Năm 2022 có 51 trường được xây dựng mới, cải tạo 605 trường, bố trí 1.464 tỷ đồng để mua sắm thiết bị dạy học. Tính đến tháng 6/2022, tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 64,3%, trong đó trường công lập đạt 79%. Thành phố cũng đã đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp hiện đại có diện tích 5 héc ta.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cũng thừa nhận, thực tế, trên địa bàn thành phố và một số quận nội thành học sinh có nhu cầu học tập rất lớn. Từ đó dẫn tới tình trạng một số trường, địa bàn quá tải về học sinh khiến dư luận quan tâm.
Để khắc phục tình trạng này, ông Cương đã đề xuất Bộ GDĐT cùng phối hợp các địa bàn trung ương nghiên cứu cho Hà Nội một cơ chế đặc thù, cho phép tính diện tích sàn sử dụng/học sinh thay vì diện tích đất sử dụng/học sinh về công nhận trường chuẩn quốc gia.
Ngoài ra, cho phép nâng cao tầng các khối xây dựng và được phép xây dựng, sử dụng các tầng hầm dựa trên công tác đảm bảo an toàn cho học sinh. Theo đó, bố trí học sinh ở các tầng thấp, các cán bộ, giáo viên ở tầng cao.