Với mục tiêu tìm ra những học sinh cấp 3 xuất sắc, Đường lên đỉnh Olympia luôn rất cẩn thận trong khâu chọn lựa câu hỏi. Các câu hỏi vừa gói gọn trong kiến thức phổ thông, vừa nâng cao và hóc búa để thử tài thí sinh. Tuy nhiên vẫn có những câu hỏi cực dễ nhưng vẫn khiến thí sinh hoang mang.
Trong cuộc thi Tuần 2 - Tháng 3 - Quý 1 Đường lên đỉnh Olympia 2018, thí sinh Phạm Hải Bình (học sinh Trường THPT Kiến An, Hải Phòng) đã nhận được 1 câu hỏi mẹo trong vòng thi Về đích. Cụ thể như sau: 'Mỗi năm A sinh nhật một lần. Năm nay A 17 tuổi thì có bao nhiêu ngày sinh?'. Sau một hồi ngơ ngác rồi nhẩm tính, Hải Bình đưa ra đáp án là 16.
Sau đó thí sinh này 'vò đầu bứt tai' và liên tục thay đổi đáp án thành: 17, 18, 15, 17. Những đáp án ấy không chính xác nên quyền trả lời thuộc các thí sinh còn lại. Lê Đức Đạt (học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên) nhấn chuông giành quyền trả lời và đưa ra đáp án: 16.
Câu hỏi mẹo khiến thí sinh Phạm Hải Bình ngơ ngác.
Đây cũng là đáp án sai và MC Diệp Chi sau đó công bố đáp án đúng là 1. Mỗi người chỉ có 1 ngày sinh mà thôi. Đáp án này khiến cả trường quay ố á bởi tất cả mọi người đều bị đánh lừa bởi câu hỏi mẹo quá đơn giản. Được biết trong vòng thi Tuần năm đó, Phạm Hải Bình cũng chính là người giành được vòng nguyệt quế. Tuy nhiên cậu bạn Hải Phòng cũng bị mắc bẫy ở câu hỏi mẹo.
Dù đã 3 năm trôi qua nhưng câu hỏi này một lần nữa được chia sẻ trên mạng xã hội và khiến cư dân mạng bàn tán xôn xao. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, khi đứng ở sân chơi đầy căng thẳng như Đường lên đỉnh Olympia thì việc thí sinh bị áp lực và nghĩ mọi câu hỏi phức tạp, to tát lên là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, những câu hỏi mẹo phù hợp với các chương trình giải trí như 'Nhanh như chớp' hơn là sân chơi trí tuệ như Đường lên đỉnh Olympia. Tuy nhiên cũng có người phản bác bởi cho rằng, câu hỏi này cũng có tính thử thách độ nhanh nhạy của thí sinh.
Trong lịch sử 21 mùa Đường lên đỉnh Olympia thì đây không phải câu hỏi mẹo duy nhất khiến thí sinh ngơ ngác. Dưới đây là một số câu hỏi cũng rất dễ nhưng từng khiến thí sinh toát mồ hôi hột vẫn không giải được. Cùng xem bạn có thể đoán ra đáp án trong vòng 15 giây không nhé:
- 'Vào lúc 6h00, kim phút và kim giờ tạo thành một góc bao nhiêu độ (hai kim không bị biến dạng)?' (phần thi Khởi động Đường lên đỉnh Olympia 2021)
> Đáp án: 180 độ
- 'Tính tuổi Mai và tuổi bố Mai hiện nay, biết bốn năm trước tuổi bố Mai gấp 5 lần tuổi Mai và sau ba năm nữa tuổi bố Mai gấp 3 lần tuổi Mai'.
> Đáp án: Gọi tuổi Mai hiện nay là a, tuổi bố Mai là b
Ta có b-4=5(a-4)
Và b 3=3(a 3)
Giải hệ phương trình trên cho ta kết quả a=11, b=39
Như vậy đáp án là tuổi Mai là 11, tuổi bố Mai là 39.
- 'Làm thế nào để có thể chia đều 7 quả táo cho 8 người?' (phần thi Về đích Đường lên đỉnh Olympia 2020)
> Đáp án: Cắt mỗi quả thành 8 phần bằng nhau, sau đó chia đều cho 7 người.
- 'Biết ngày 1/1/2019 là Thứ ba, hỏi ngày 1/1/2079 là thứ mấy?' (Đường lên đỉnh Olympia 2019)
> Đáp án: Chủ nhật. Cách tính nhanh là: Mỗi năm thì trong cùng một ngày, số thứ tăng một, năm nhuận thì số thứ tăng 2. Từ 2019 đến 2079 có 15 năm nhuận. Vậy số thứ tăng là 60 15 = 75. 75 chia 7 dư 5 thì cộng 5 thứ hoặc lùi 2 thứ = Chủ Nhật.
- 'Huy luôn có trong ví tất cả các loại tiền giấy cotton và polymer đang lưu hành ở Việt Nam, mỗi loại một tờ, từ mệnh giá 1.000 đồng trở lên. Hôm nay, do có việc cần, Huy tiêu hết 72.000 đồng và còn lại 6 tờ tiền trong ví. Hỏi Huy tiêu những tờ tiền có mệnh giá bao nhiêu?' (Đường lên đỉnh Olympia 2019)
> Đáp án: Huy đã tiêu những tờ tiền mệnh giá lần lượt là 2.000đ, 20.000đ và 50.000đ.
- 'Cửa hàng có hai loại giỏ hoa quả: loại 1 mỗi giỏ có 4 quả táo, 8 quả lê, loại 2 mỗi giỏ có 7 quả táo, 14 quả lê. Cửa hàng có 25 quả táo, vậy cửa hàng có mấy quả lê?' (Đường lên đỉnh Olympia 2018)
> Đáp án: 50 quả lê. Cách tính như sau: số lê gấp đôi số táo nên cửa hàng sẽ có 25 x 2 = 50 quả lê.