Theo báo cáo của Bộ GDĐT, dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành giáo dục. Tuy nhiên, việc tổ chức dạy học của năm học 2021-2022 đã được thực hiện linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh của từng địa phương.
Tính đến ngày 20/9, cả nước có 25 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp cho tất cả học sinh trên địa bàn; có 14 tỉnh kết hợp vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy học trực tuyến, qua truyền hình; còn 24 tỉnh, thành phố vẫn phải dạy học hoàn toàn trực tuyến, qua truyền hình để phòng dịch Covid-19.
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GDĐT, các địa phương đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022; chủ động xây dựng kịch bản sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong trường hợp học sinh chưa được đến trường hoặc học sinh đang học mà phải tạm dừng đến trường.
Tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, các nhà trường đã triển khai việc chuyển sách giáo khoa trực tiếp đến từng học sinh thông qua tổ dân phố, hội phụ huynh; các nhà xuất bản đã cung cấp sách giáo khoa bản điện tử, gửi qua mạng đến các nhà trường để kịp thời chuyển đến cho các em học sinh. Đến nay, cơ bản học sinh đã có sách giáo khoa để học tập.
Các cơ sở giáo dục, giáo viên có nhiều sáng tạo trong dạy học để các em học sinh không có đủ thiết bị học trực tuyến cũng có thể học tập được như thiết lập hệ thống điều phối viên ở tất cả các trường và điều phối viên tại 100% xã, phường, thị trấn để chuyển Phiếu học tập cho học sinh không thể tham gia học tập trên Internet do phải thực hiện giãn cách xã hội ; quay video một số hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non gửi cha mẹ trẻ (qua zalo, messenger, viber, youtube) .
Các địa phương đều tạo điều kiện cho học sinh ở các tỉnh khác đang tạm trú trên địa bàn do thực hiện giãn cách không kịp về nơi cư trú kịp nhập học tại cơ sở giáo dục đang theo học được tiếp nhận vào học tạm thời, được bố trí, xếp lớp học theo đúng đối tượng; quan tâm hỗ trợ các điều kiện học tập cần thiết và sẽ cấp giấy xác nhận kết quả rèn luyện và học tập cho học sinh khi học sinh quay trở lại trường cũ bảo đảm chính xác, công bằng, minh bạch, đúng quy định.
Học sinh một số địa phương đã trở lại trường học (ảnh minh họa)
Trước đó, ngày 13/9, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã có Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức dạy học ứng phó với diễn biến dịch Covid-19 , trong đó nêu rõ đối với địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội ưu tiên tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình và không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong khoảng thời gian này đối với lớp 1 và lớp 2, ưu tiên cho các lớp cuối cấp.
Đối với các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, tận dụng thời gian dạy học trực tiếp, học thực hành, ôn tập lí thuyết đã học trực tuyến, học trên truyền hình; tập huấn kĩ năng dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình cho giáo viên và cán bộ; phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình địa phương xây dựng video bài giảng, có phương án để phát sóng, tiếp sóng trên truyền hình; huy động các nguồn lực trang thiết bị tốt để dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình; tổ chức triển khai chương trình 'Sóng và máy tính cho em', hỗ trợ trang thiết bị học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Bộ GDĐT cũng đã ban hành các Công văn hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19, trong đó đã rà soát chương trình giáo dục các cấp học, xác định nội dung cốt lõi cần đạt được của chương trình để hướng dẫn các địa phương tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện dạy học theo chương trình, bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học/hoạt động giáo dục; ưu tiên tổ chức dạy học các nội dung hình thành kiến thức mới; sắp xếp các chủ đề học tập phù hợp với hình thức tổ chức dạy học trực tuyến; bố trí thời gian thực hiện chương trình phù hợp với từng hình thức dạy học và không gây áp lực đối với học sinh; tăng cường sinh hoạt chuyên môn, trao đổi về dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đánh giá, rút kinh nghiệm trong dạy học và điều chỉnh kịp thời kế hoạch dạy học phù hợp thực tế địa phương.
Đối với các lớp từ lớp 3, 4, 5 và từ 7 đến lớp 12, hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các môn học, chủ động điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với điều kiện thực tế; thực hiện tinh giản nội dung để học sinh hoàn thành các nội dung cốt lõi.
Bộ GDĐT đã tổ chức xây dựng, lựa chọn hệ thống bài giảng đảm bảo chất lượng để tổ chức dạy học trực tuyến và phát sóng trên truyền hình theo môn học, cấp học để các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh học tập phù hợp với kế hoạch dạy học của địa phương.
Bộ cũng đã làm việc với các đài truyền hình ở trung ương để tổ chức sản xuất bài giảng và phát sóng trên truyền hình, trong đó ưu tiên cho lớp 1, lớp 2 là những đối tượng khó thực hiện việc học trực tuyến. Hoàn thiện cẩm nang hướng dẫn dạy học trực tuyến và tập huấn kĩ năng dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình cho giáo viên phổ thông và tập huấn hướng dẫn giáo viên xây dựng, sử dụng tài liệu, học liệu trực tuyến để hướng dẫn cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em mầm non. Xây dựng kho video, audio, cẩm nang hướng dẫn cha mẹ trẻ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em mầm non tại gia đình.