Xét thăng hạng sẽ đánh giá đúng hơn năng lực giáo viên
Ngày 17/8, 4.168 giáo viên Hà Nội các cấp học đã gửi tâm thư tới Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Trần Đình Cảnh đề nghị được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp (CDNN) giáo viên từ hạng III lên hạng II, mà không phải dự thi.
Như vậy, đây là đợt thứ 2 các giáo viên Hà Nội viết tâm thư gửi các cơ quan chức năng kiến nghị về vấn đề này (trước đó, ngày 4/8, gần 2.500 giáo viên Hà Nội đã viết tâm thư gửi Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Thế Cương, bày tỏ được bỏ thi thăng hạng do có nhiều bất cập).
Tâm thư của các giáo viên Hà Nội diễn ra trong bối cảnh Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa đồng ý về nguyên tắc việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, trong đó có viên chức giáo viên.
Trong công văn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 15/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp là có căn cứ.
Bộ cũng nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ Nội vụ về việc bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức với giáo viên và nhất trí với nội dung này.
Thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên đại diện cho 4.168 giáo viên Hà Nội gửi tâm thư tới Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Trần Đình Cảnh. Ảnh: NVCC.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, thầy Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên cho biết, thầy tiếp tục là người đại diện cho 4.168 giáo viên Hà Nội viết tâm thư này.
Theo thầy Đường, việc bỏ hình thức thi thăng hạng CDNN phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ, Bộ GD&ĐT và là nguyện vọng tha thiết của giáo viên Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung. Thầy Đường và các giáo viên vẫn giữ nguyên quan điểm về những bất cập nếu các giáo viên phải thi thăng hạng CDNN.
“Về thiệt hơn thì nhiều báo chí đăng tải, tôi chỉ nhấn mạnh thêm: xét thăng hạng sẽ đánh giá đúng hơn về năng lực của giáo viên trong quá trình công tác. Việc này cũng thể hiện sự quan tâm, động viên, ghi nhận của lãnh đạo thành phố đối với đội ngũ giáo viên”, thầy Đường nói.
Xét thăng hạng cần có tiêu chí rõ ràng
Cô giáo Trần Việt Hồng, Trường THPT Xuân Mai chia sẻ, các thế hệ thầy cô giáo 7X, 6X đã có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục, nhiều thầy cô tham gia các kỳ thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi và đạt giải cao. Tuy nhiên, do tuổi tác, cùng với đó, môn Tin học, Ngoại ngữ không phải là thế mạnh, nên nếu phải thi có khả năng sẽ trượt. Điều này gây thiệt thòi và có sự không công bằng giữa các thế hệ giáo viên.
“Việc được xét thăng hạng đã cho thấy quá trình cống hiến, phấn đấu cho ngành giáo dục của chúng tôi được ghi nhận. Đó là sự khuyến khích, động viên cả về cả tinh thần và vật chất, tạo động lực cho chúng tôi tích cực phấn đấu và cống hiến hơn nữa cho ngành giáo dục”, cô Hồng bày tỏ.
Ngoài ra, theo cô Hồng, trong khi các giáo viên đang bộn bề chuẩn bị cho năm học mới, đặc biệt chương trình GDPT mới có nhiều vấn đề phải triển khai, thì việc phải thi thăng hạng sẽ làm các giáo viên phải tiêu tốn thêm thời gian và công sức, mà lẽ ra họ dành cho việc trau dồi chuyên môn. Cùng với đó là kinh phí để tổ chức cho kỳ thi chắc chắn cũng không nhỏ. Như vậy, việc thi thăng hạng sẽ gây lãng phí cả thời gian, tâm sức và tiền bạc.
“Cho nên, việc xét thăng hạng thay cho thi là cần thiết. Đặc biệt là để giáo viên chúng tôi phấn khởi bắt đầu một năm học mới, yên tâm cho công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng”, cô Hồng chia sẻ
Bên cạnh đó, cô Hồng cũng đưa ra đề xuất đối với việc xét thăng hạng, đó là cần đưa ra những tiêu chí rõ ràng, công bằng, dân chủ, thể hiện tính nhân văn, phù hợp với ngành giáo dục nhằm tránh thiệt thòi cho giáo viên.
Trong tâm thư, 4.168 giáo viên Hà Nội một lần nữa đã chỉ ra những bất cập nếu phải thi thăng hạng CDNN.
Trong đó, nhấn mạnh tới việc với nhiều thầy cô thế hệ 6-7X, thậm chí 8X, môn Ngoại ngữ và Tin học sẽ là một trở ngại lớn, đặc biệt là môn Ngoại ngữ, do nhiều năm không sử dụng.
“Là những thầy cô đã được khẳng định trong thực tiễn công tác, chúng tôi đạt những danh hiệu như: Chiến sĩ thi đua cơ sở, Giáo viên dạy giỏi… nhưng lại không thể là viên chức có chức danh nghề nghiệp hạng cao nếu chẳng may sơ suất một trong hai môn thi Tiếng Anh hoặc Tin học. Lý do là bởi những kiến thức chuyên sâu về hai môn học đó đã lâu chúng tôi không được sử dụng thường xuyên nên phần nào mai một theo thời gian”, tâm thư chỉ ra bất cập.
Ngoài ra, chưa kể tới các tỉnh khác (giáo viên được xét thăng hạng), trong cùng TP Hà Nội, giáo viên ở nhiều trường THCS, Tiểu học cũng đã được xét thăng hạng mà không phải thi. Việc trong cùng một địa bàn, mà có trường phải thi, có trường lại được xét khiến nhiều giáo viên băn khoăn.
“Chính vì lẽ đó, chúng tôi mạnh dạn gửi tâm thư, tha thiết bày tỏ nguyện vọng: sẽ được xét thăng hạng CDNN giáo viên từ hạng III lên hạng II, mà không phải dự thi”, tâm thư bày tỏ.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) chia sẻ bên hành lang Quốc hội về niềm tự hào, hạnh phúc nhất khi là một cô giáo. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.