Trở thành một sinh viên Y khoa nghĩa là bạn phải chăm chỉ và nỗ lực hơn tất cả những gì bạn đã từng cố gắng trong đời trước đó. Có quá nhiều những lời đồn, những câu chuyện trở thành kinh điển của sinh viên học Y, thế nhưng sự thật là con đường trở thành một bác sĩ cũng có vô vàn những điều thú vị và ý nghĩa, đặc biệt khi bạn đang mang trong mình sứ mệnh trở thành một người mang đến bình an và hạnh phúc cho người khác. Dưới đây là 12 điều mà mọi người cần biết để hiểu hơn về một người học Y và chính các bác sĩ tương lai cũng cần biết để động viên và khích lệ chính mình.
1. Tất cả những gì bạn học sẽ được áp dụng trong suốt quãng đời còn lại
Điều này có vẻ bình thường nhưng ý nghĩa của nó thì rất lớn. Rất nhiều ngành học dường như chỉ phục vụ cho việc bạn vượt qua kỳ thi như thế nào nhưng Y khoa thì khác, mọi thứ bạn học đều liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người và bạn phải vận dụng nó trong sự nghiệp cả đời của bản thân. Đây chính là động lực tuyệt vời để bạn nghiên cứu miệt mài những kiến thức quan trọng nhất và tìm tòi nhiều hơn những kiến thức ở bên ngoài sách vở.
Là một bác sĩ, một chi tiết nhỏ thôi cũng có thể cứu sống một bệnh nhân. Vì vậy, học Y không phải là học cho mình mà là học vì người khác.
Mỗi thay đổi nhỏ của bác sĩ có thể thay đổi số mệnh của một người nên việc học thực sự đòi hỏi rất nghiêm túc
2. Học Y đồng nghĩa sẽ đối mặt với vô số khó khăn
Nghiên cứu Y học đồng nghĩa với việc bạn được kỳ vọng hơn nhiều so với những người khác và bạn sẽ luôn bị bủa vây bởi các bài giảng và bài thực hành. Bạn phải có mặt trong tất cả các giờ học, đọc tất cả các tài liệu, thực hiện tất cả các bài luận và nghiên cứu, chuẩn bị tốt cho những buổi thực hành. Khối lượng công việc cũng thay đổi từng tuần và càng tăng lên khi bạn học lên cao hơn, do đó bạn cần rất linh hoạt và sắp xếp tốt thời gian của bản thân.
Áp lực để vượt qua các kỳ thi cũng không hề nhỏ. Với các môn học khác, bạn cần cố gắng để đạt điểm tốt nhất có thể. Với Y khoa thì khác, bạn cần phải vượt qua một ngưỡng nhất định để được tiếp tục nghiên cứu sâu hơn trên con đường trở thành bác sĩ. Các kỳ thi ở trường Y hầu như sẽ đòi hỏi một sự đầu tư thời gian và công sức rất lớn, đôi khi là bạn sẽ không có những kỳ nghỉ.
3. Nhưng không phải lúc nào khó khăn cũng thường trực
Thế nhưng đừng quá lo lắng vì bạn vẫn có đủ thời gian để trải nghiệm một cuộc sống sinh viên trọn vẹn như tất cả mọi người, thậm chí đó sẽ là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong đời bạn. Bạn hoàn toàn có thể tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao, tham gia các đội, nhóm và hoạt động xã hội. Chìa khóa để làm tất cả những việc này là bạn cần có một sự sắp xếp phù hợp quỹ thời gian của mình, tập trung cao độ trong những lúc cần thiết và không lãng phí thời gian vào những việc vô bổ.
Học Y thường khá mệt mỏi và áp lực
4. Là một sinh viên Y khoa không có nghĩa mọi thứ bạn học đều liên quan đến ngành Y
Ngoài các kiến thức chuyên môn, những kỹ năng bên ngoài việc học thuật cũng rất quan trọng trong việc trở thành một bác sĩ tốt. Việc tham gia một chương trình âm nhạc và đứng trước đám đông sẽ rất có lợi cho bạn khi cần phải trình bày một nghiên cứu trước nhóm đồng nghiệp hoặc các chuyên gia. Ngoài thời gian nghiên cứu chuyên môn, những gì bạn làm vào thời gian rảnh rỗi không chỉ để vui và giải trí đâu, nó đều giúp ích cho tương lai của bạn rất nhiều.
Tương tự như vậy, việc tham gia vào một đội bóng, một CLB thể thao tưởng như không liên quan gì nhưng chúng giúp bạn phát triển những kỹ năng xã hội cần thiết. Y học là một nghề đòi hỏi khả năng tương tác và giao tiếp nhưng bạn không thể đạt được những điều đó ở bên trong phòng thí nghiệm hay phòng chuẩn đoán hình ảnh, bạn cần phải ra ngoài, tham gia các hoạt động xã hội để tích lũy những kiến thức thực tế và kỹ năng mềm đó.
5. Nghiên cứu giải phẫu không phải lúc nào cũng ở trong nhà xác
Với những sinh viên Y khoa, có một thời gian dài bạn sẽ phải ở trong nhà xác và "mổ xẻ" trực tiếp trên xác một người quá cố. Một số người có vẻ khá hào hứng với những trải nghiệm thực tế này nhưng một số khác thì lại hoảng sợ, thậm chí không dám nhìn chứ đừng nói là cầm dao kéo và rạch, mổ. Rất may mắn, một số trường học đã đưa vào những bài học giải phẫu được chuẩn bị trước, sinh viên sẽ xem xét, phân tích trên mô hình mà không nhất thiết phải dùng tay trực tiếp để mổ xẻ xác người - một điều không đơn giản với những ai không có thần kinh vững vàng.
Một giờ học giải phẫu trên mô hình
6. Bạn học Y và bạn sẽ mang cảm hứng tìm hiểu về Y học đến mọi người xung quanh
Bạn là một sinh viên ngành Y và bạn cũng thân thiết với một đội bóng và dường như mọi câu chuyện của các bạn đều kết thúc bằng những lời kể về trường, về những nghiên cứu mà bạn đang tiến hành. Y học luôn là một đề tài cuốn hút với bất cứ ai. Những người bạn không học Y của bạn chắc chắn sẽ thấy thú vị với những điều bạn chia sẻ và muốn được tìm hiểu một chút gì đó, còn với bản thân bạn, đó là một cách tốt để nhớ về những vì đã học dù khi ngồi trong lớp bạn cảm thấy không được hào hứng lắm đâu.
7. Nghiên cứu Y học mang đến cho bạn cơ hội tiếp cận với những thành tựu Y khoa mới nhất
Đối với những người thực sự đam mê Y khoa, nghiên cứu là cơ hội tuyệt vời nhất để mang bạn đến gần với những thành tự mới nhất và tiến bộ nhất bên ngoài những gì bạn thấy trong sách vở. Các giáo sư, bác sĩ chuyên ngành tham gia giảng dạy cũng là những người vô cùng tâm huyết với việc nghiên cứu nhằm mang kiến thức cập nhật nhất đến đến với sinh viên. Học Y, bạn sẽ luôn được tiếp cận với những công trình khoa học trước khi nó được công bố và xuất bản.
8. Học Y là một hành trình dài
Học Y là một cuộc chạy marathon, không phải cuộc chạy nước rút. Đó là một hành trình dài 5, 6 năm thậm chí là hơn thế. Trong những năm cuối cùng, bạn sẽ gần như không có thời gian dành cho những việc khác, ngoài học tập. Lý do cho hành trình dài ấy cũng dễ hiểu thôi, vì khối lượng những gì bạn cần phải học và nghiên cứu không hề nhỏ chút nào. Khi đã trở thành bác sĩ rồi, bạn vẫn phải học tập suốt đời.
Khi nghĩ về khoảng thời gian đó, nhiều người cảm giác nó rất dài và dường như là một nhiệm vụ vô cùng hoành tráng thế nhưng khi bạn đã thực sự hòa nhập vào với cuộc sống học tập và nghiên cứu ấy rồi, mọi thứ sẽ trôi qua rất nhanh, thậm chí bạn chẳng còn kịp nhận ra một kỳ học đã vội vã trôi qua từ lúc nào.
Theo đuổi mục tiêu trở thành bác sĩ là một hành trình dài
Điều này thật tuyệt khi bạn sẽ thấy bản thân tiến bộ nhanh chóng những cũng sẽ là vấn đề lớn khi bạn sẽ bị cuốn vào công việc mà bị bỏ lại phía sau những hoạt động thường nhật của tất cả mọi người của tất cả mọi người, như các dịp lễ chẳng hạn. Nhưng nhờ vậy bạn càng thêm trân trọng và quý giá hơn những dịp đặc biệt hiếm hoi được đoàn tụ cùng người thân, bạn bè.
9. Bạn sẽ có những kỳ nghỉ ngắn, nhưng ngày Lễ Tết thì tất nhiên phải trực
Vào Giáng sinh hay Lễ Tạ ơn, trong khi mọi người đều dành thời gian cho bản thân thì bạn phải túc trực trong bệnh viện. Bạn sẽ thường xuyên phải làm việc và không có cơ hội nghỉ ngơi hoàn toàn trong những ngày lễ. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải làm việc liên tục đến mức bản thân mệt mỏi và chán ghét công việc. Bằng cách sắp xếp và lên kế hoạch hợp lý, bạn hoàn toàn có thể tận hưởng một kỳ nghỉ vài tuần để thư giãn và lấy lại tinh thần.
Những ngày lễ, bạn sẽ thường phải túc trực ở bệnh viện
10. Làm việc có hệ thống là ưu tiên hàng đầu
Việc sắp xếp và tổ chức công việc một cách phù hợp thực sự là một thử thách, nhưng cũng là chìa khóa của nhiều vấn đề. Bạn sẽ phải tự mình lên kế hoạch, lịch trình và sắp xếp thời gian của bản thân chứ không thể chờ đợi bất cứ ai thực hiện việc đó thay cho bạn.
Phần lớn thời gian ở trường bạn sẽ cảm thấy khá mệt mỏi bởi việc học và lượng kiến thức đồ sộ, những kế hoạch vui chơi, thi đấu thể thao hay về thăm gia đình đôi khi có thể bị thay đổi bởi lịch trực và thực tập tại bệnh viện. Để tránh bị rối bời bởi những thay đổi đột ngột, dù ít hay nhiều, bạn cần có một công cụ hệ thống hóa cho mình, có thể là giấy hoặc điện thoại hoặc bất cứ thứ gì hữu dụng khác.
11. Vượt qua rất nhiều kỳ thi để trở thành bác sĩ
Nếu bạn vượt qua tất cả các kỳ thi, bạn sẽ trở thành bác sĩ. Điều này có vẻ khá hiển nhiên nhưng hãy thử nhìn lại một chút. Vượt qua kỳ thi, bạn được cấp chứng nhận đủ khả năng và điều kiện để tiếp tục tiến hành nghiên cứu và theo đuổi con đường mơ ước của mình, nhưng bạn cũng có thể hiểu rằng kỳ thi ấy sẽ không dễ dàng chút nào. Ở một số ngành khác, vượt qua kỳ thi nghĩa là bạn hoàn thành việc học nhưng Y khoa thì khác, vượt qua kỳ thi nghĩa là bạn được quyền tiếp tục nghiên cứu và phát triển bản thân, được tiếp tục học.
Nếu bạn đầu tư công sức và có những chiến lược thông minh, bạn sẽ vượt qua kỳ thi và con đường trở thành bác sĩ trở nên thuận lợi hơn. Nếu so sánh với các ngành học khác thì sẽ khá thú vị bởi bạn vượt qua kỳ thi tốt nghiệp ngành luật chưa chắc đã được đảm bảo bạn trở thành một luật sư. Điều này cũng tương tự với các kỹ sư. Nếu có lúc nào đó bạn mệt mỏi, hãy nhớ rằng vượt qua kỳ thi là bạn đang tiến thêm một bước để trở thành bác sĩ và lấy đó làm động lực cho mình.
12. Những người xung quanh bạn đều rất giỏi
Sinh viên Y khoa là đại diện cho bộ phận những sinh viên xuất sắc nhất và được chọn lựa một cách khó khăn nhất nên hoặc là những người xung quanh bạn rất thông minh, hoặc là họ đều chăm chỉ và nỗ lực. Đôi khi bạn cảm thấy buồn và so sánh bản thân với những người khác nhưng hãy nhớ bạn đang so sánh mình với những người thuộc số ít trong bộ phận tài năng nhất. Thực tế là có rất nhiều người bằng bạn, hoặc kém hơn bạn, hãy thấy vui vì bạn đang ở trong cộng đồng những người xuất sắc và chăm chỉ, việc bạn cần làm là cố gắng và nỗ lực hoàn thiện bản thân hơn.
Trở thành một sinh viên ngành Y là bước mở đầu cho hành trình dài rất nhiều thử thách nhưng cũng vô cùng thú vị. Hãy chắc rằng bạn đang tận dụng tốt khoảng thời gian tuyệt vời mà bản thân đang có.