Hoãn kế hoạch về nhà ăn Tết vì dịch bệnh
'Quà nào bằng gia đình sum vầy. Tết nào vui bằng Tết đoàn viên'. Tết đến Xuân về là dịp để mỗi người trở về nhà đoàn tụ với gia đình.
Thế nhưng vẫn có không ít du học sinh vì nhiều lý do mà phải ăn Tết nơi đất khách quê người. Với Nguyễn Thị Ngọc Anh, 23 tuổi (Cẩm Phả, Quảng Ninh) và hiện đang là sinh viên năm 2, khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế Nagoya, Nhật Bản thì lý do cô không thể về quê ăn Tết chính là vì dịch Covid-19.
Được biết, nữ du học sinh đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để xách vali lên đường về nhà, nhưng đến gần ngày đi, cô nàng đành phải thay đổi kế hoạch.
Ngọc Anh bị lỡ kế hoạch về quê ăn Tết vì dịch Covid-19.
Ngọc Anh tâm sự: 'Đúng ra năm nay mình hoàn thành kì thi học kỳ sớm và có dự định về Việt Nam đón Tết cùng gia đình. Nhưng gần đến ngày về thì tình hình dịch bệnh ở Nhật chuyển biến nghiêm trọng, số ca tăng rất nhiều mỗi ngày nên mình không thể về được.
Ban đầu nghĩ buồn, hụt hẫng lắm, nhưng bản thân mình cũng hiểu là vẫn nên nghĩ tới một cái lớn hơn, đó là sự an toàn cho mọi người ở nhà.
Mình từ vùng dịch về, khả năng nhiễm là không tránh khỏi, mà ở Việt Nam mình thì đã cố gắng rất nhiều để chống dịch cho người dân có một cái Tết trọn ven. Nên mình nghĩ bản thân nên đóng góp một chút gì, dù là nhỏ thôi cũng được.
Bỏ qua những mong muốn của cá nhân, nghĩ cho sức khoẻ gia đình và mọi người nơi quê nhà, kể cả bản thân nữa, nên mình quyết định ăn Tết tại Nhật luôn'.
Sang Nhật du học được gần 4 năm, đây không phải là năm đầu tiên Ngọc Anh đón Tết xa. Những năm đầu, cô nàng không tránh khỏi cảm xúc cô đơn, trống trải. Càng gần đến Tết, nỗi nhớ nhà càng đong đầy.
Nhưng đến năm thứ 3 đón Tết ở xứ sở hoa anh đào, Ngọc Anh đã trưởng thành, mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Bù vào nỗi nhớ gia đình, cô gái Việt cùng các bạn cùng cố gắng tạo ra khoảng thời gian để học hỏi, làm thêm những điều mình yêu thích, tự tạo cho nhau cảm giác như đang được trở về.
Để vơi bớt nỗi nhớ Tết quê, Ngọc Anh và các bạn chuẩn bị mâm ngũ quả, hoa, trà rượu...
'Dịp cuối năm luôn là quãng thời gian đặc biệt với du học sinh chúng mình. Bởi đây là lúc chúng mình cho phép bản thân tạm gác những lo toan để tìm lại giá trị quan trọng nhất với mình.
Với một đứa từ nhỏ đã luôn thích Tết, cứ tới gần Tết là tâm trạng tự dưng vui lắm vì mình yêu cái không khí của những phiên chợ tấp nập ngày giáp Tết, những bản nhạc xuân nhà bác hàng xóm cứ tới 26 âm là tự động mở cả ngày lẫn đêm.
Thích cảm giác nô nức cùng mẹ bận rộn chuẩn bị, cùng ba đi sắm một cành đào thật to, rồi cả tiếng của mẹ quát dậy sớm dọn nhà cửa nữa. Tết tuy có mệt thật, nhưng trong cái mệt đó mình cảm nhận được sự nỗ lực, sự đoàn kết, quây quần của gia đình bên nhau.
Nhưng năm nay mình lại bị lỡ một cái Tết nữa với gia đình... Với một du học sinh xa nhà 4 năm, hình ảnh sum họp đoàn viên là điều khiến mình dễ tủi thân nhất, nhưng cũng là điều thôi thúc mình nhiều nhất.
Nỗi cô đơn khi học xa nhà, dù chúng mình đã cố gắng vượt qua nhưng nó vẫn là một sự trống trải, là vết hằn chứng nhận cho hành trình trưởng thành.
Hôm qua mình có cuộc điện thoại với ba mẹ. Mẹ hỏi mình mấy nữa Tết con có được nghỉ không, có chuẩn bị gì cho Tết không, năm nay lại không có chị Na ở nhà, cả nhà nhớ con lắm nè.
Mỗi năm xa nhà, mình thấy bản thân mạnh mẽ và bình tĩnh hơn. Vì mình biết rằng dù thế nào chúng mình vẫn phải cứ bước tiếp thôi, khó khăn có thể khiến chúng mình vấp ngã nhưng hãy tiếp tục đứng dậy' – Ngọc Anh tâm sự.
'Ngày Tết Việt Nam, bên này vẫn là ngày bình thường...'
Ngọc Anh hiện đang sống chung cùng một bạn học người Việt ở Nhật. Năm thứ 3 đón Tết Nguyên Đán tại Nhật, họ có cảm giác vui buồn đan xen.
Ngày Tết Việt Nam ở Nhật vẫn là ngày bình thường, Ngọc Anh vẫn phải đi học và làm thêm như mọi hôm, không có nhiều khác biệt.
Vào dịp Tết, Hội sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản thường tổ chức nhiều hoạt động mừng Tết cổ truyền, nhưng đa số sinh viên phải đi học và làm thêm. Trung bình, một du học sinh được làm thêm 28 tiếng/tuần, vào mùa nghỉ sẽ được làm nhiều hơn tùy quy định nơi sinh viên theo học và làm việc.
Dù ở nước ngoài nhưng những món ăn truyền thống Việt Nam vẫn hiện diện mỗi ngày trên mâm cơm của nữ du học sinh.
Dù bận rộn, nhưng Ngọc Anh và các bạn vẫn cố gắng dành ra một khoảng thời gian để chuẩn bị cho một cái Tết đầm ấm, đủ đầy nhất có thể.
'Đợt vừa rồi thấy cảnh người bản xứ tất bật nhưng đầy hạnh phúc đón năm mới, mình cũng thèm thuồng Tết ta tới thật nhanh. Để được tới lượt mình cảm nhận niềm hạnh phúc ấy. Đi càng xa, đường càng dài, niềm mong mỏi được sống trọn không khí quê hương lại càng lớn.'
Vốn là một cô gái đam mê nấu nướng, đặc biệt dành tình yêu lớn cho ẩm thực truyền thống Việt Nam, dù ở xa quê nhưng Ngọc Anh vẫn khiến dân tình ngưỡng mộ khi thường xuyên khoe những mâm cơm với các món Việt vừa đẹp mắt, vừa ngon lành.
Những ngày giáp Tết, Ngọc Anh thường chuẩn bị gói bánh chưng, bánh tét, làm bánh kẹo, nấu những món ăn đậm vị Việt như phở, thịt giò... để mỗi ngày đều được tận hưởng không khí Tết như ở nhà.
Chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy, đầm ấm và 'giống ở nhà nhất có thể'
Khi chấp nhận rời xa quê hương để tự lập nơi xứ người, các du học sinh Việt luôn chuẩn bị tâm thế cho tất cả, bao gồm cả việc đón Tết xa nhà.
Và họ sẽ không cô đơn vì xung quan luôn có những người bạn mới luôn sẵn sàng cùng nhau tạo nên một cái Tết thật tuyệt vời.
Tết đến, Ngọc Anh cùng bạn bè quây quần nấu nướng, đi lễ chùa
Với Ngọc Anh, cô nàng và các bạn đã lên kế hoạch chuẩn bị một cái Tết tuy không đủ đầy nhưng vẫn thực sự vui vẻ, ấm cúng: 'Bọn mình có dự đinh sẽ cùng nhau gói bánh chưng, tối 30 thì cùng nấu mâm cơm tất niên cúng giao thừa. Sau đó quây quần ăn uống rồi ngồi xem Táo quân, đến giao thừa sẽ gọi điện về cho gia đình.
Mình cũng chuẩn bị làm thêm chút bánh quy và kẹo cho giống không khí ở nhà. Sống xa nhà, mình quen với nếp sống tự lập, thèm món Việt nào thì tự giác vào bếp nấu nướng nên dần thành đam mê luôn.
Ở đây tìm nguyên liệu nấu món Việt không khó lắm, nếu không đủ đồ thì mình cố gắng tìm nguyên liệu khác thay thế.
Sau gần 4 năm thì giờ mình có thể nấu nhiều món ăn Việt từ Bắc – Trung – Nam cho đến làm bánh, giò, nấu mâm cúng...
Đến sáng mùng một, nếu có thời gian thì cả nhóm sẽ cùng nhau đi chùa, cầu bình an, may mắn'.
Mỗi người tuy một cảm xúc, một tâm trạng khác nhau khi đón Tết xa xứ và dù có đủ đầy đến đâu đi chăng nữa thì vẫn thiếu một hương vị đậm đà ngày Tết - đó là sự đầm ấm, quây quần gia đình.
Nhưng đối với mỗi du học sinh Việt xa xứ, thì hành trình đi để trở về nhiều chông gai, thử thách ấy sẽ tôi rèn để họ thêm tự lập, mạnh mẽ và vững vàng hơn trên con đường mình đã chọn.