Dù có quy định lùi giờ vào học nhưng nhiều phụ huynh của Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (quận Gò Vấp, TP.HCM) vẫn tranh thủ đưa con đến lớp từ sớm. Ảnh: BÙI TUẤN
Học sinh vẫn phải dậy sớm
Ghi nhận trong hai ngày 7 và 8-11, đa số các trường học trên địa bàn TP.HCM đều mở cửa đón học sinh từ 6 giờ 30 sáng. Tùy theo tình hình thực tế tại mỗi đơn vị, các trường quy định học sinh có mặt trước giờ vào học tiết 1 từ 10-20 phút để ổn định trật tự, xếp hàng di chuyển lên lớp. Tại Trường THCS Nguyễn Hiền (quận 12), từ ngày 7-11, nhà trường bắt đầu áp dụng giờ vào học mới trễ hơn 15 phút so với trước đây. Cụ thể, thời gian học buổi sáng bắt đầu từ 7 giờ 15 đến 11 giờ 30, buổi chiều từ 12 giờ 45 đến 17 giờ. Em Vũ Thế Anh, học sinh Trường THCS Nguyễn Hiền (quận 12), cho biết: “Sau khi trường áp dụng giờ vào học mới, sinh hoạt của gia đình em vẫn diễn ra bình thường. Vào học trễ hơn giúp em đỡ áp lực tinh thần vào buổi sáng, thoải mái ăn sáng và vui chơi với bạn bè trước khi vào lớp, chứ không được ngủ nướng thêm để không ảnh hưởng giờ đi làm của ba mẹ”.
Tương tự, tại Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (quận Gò Vấp), dù nhà trường đã điều chỉnh lùi giờ vào học trễ hơn so với trước đây, nhưng từ 6 giờ 30 sáng vẫn có rất đông phụ huynh đưa con đến trường. Nhằm đảm bảo thuận tiện cho phụ huynh, học sinh, nhà trường vẫn mở cửa từ 6 giờ 15 và tổ chức đón học sinh như trước đây. Phụ huynh Nguyễn Thị Mỹ Hạnh chia sẻ, gia đình nhận được thông báo của trường về việc lùi giờ vào học buổi sáng từ đầu tháng 11, nhưng việc này không khiến sinh hoạt của gia đình bị thay đổi. “Hai vợ chồng vẫn phải đưa con đến trường từ 6 giờ 15 sáng, sau đó tranh thủ đi làm luôn cho kịp giờ vào làm ở công ty. Vì vậy, tuy trường lùi giờ vào học nhưng con vẫn phải dậy sớm như trước đây”, chị Hạnh cho biết.
Ngày 31-10, Sở GD-ĐT TP.HCM chính thức yêu cầu tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố thực hiện rà soát, chấn chỉnh giờ vào học. Theo đó, hai bậc học mầm non và tiểu học không quy định thời gian vào học trước 7 giờ 30, bậc THCS không quy định thời gian vào học trước 7 giờ 15 và bậc THPT không quy định thời gian vào học trước 7 giờ. Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu nhà trường xây dựng kế hoạch mở cửa đón học sinh từ 6 giờ 30 sáng, không để học sinh đi học trễ hoặc về sớm tập trung ở khu vực phía trước cổng trường. Thủ trưởng các đơn vị trường học chịu trách nhiệm xây dựng các giải pháp lệch ca, lệch giờ học đối với các khối lớp, bố trí số tiết học trong 1 buổi học, số buổi học trong 1 tuần đảm bảo chương trình học và sức khỏe của học sinh, người lao động tại đơn vị.
|
Tại quận Bình Tân, nhiều phụ huynh cho biết, mấy ngày đầu khi áp dụng khung giờ vào học mới, một số trường lùi thời gian mở cổng trường đón học sinh. Trước đây, học sinh vào học lúc 7 giờ thì trường mở cổng từ 6 giờ 15. Khi thời gian vào học tiết 1 trễ hơn 15 phút, trường cũng lùi thời gian mở cổng từ 6 giờ 30 sáng, khiến nhiều gia đình có nhu cầu đưa con đi học sớm buộc phải cho con đứng ngoài cổng trường ăn sáng, gây mất an toàn cho học sinh. Sau khi có phản ảnh của phụ huynh, tính đến sáng qua (8-11), các trường đã trở lại khung giờ mở cổng cũ là 6 giờ 15 để đáp ứng nhu cầu đưa con đến trường sớm của phụ huynh.
Linh động phân bổ thời khóa biểu
Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Gò Vấp) gửi thông báo đến phụ huynh: “Học sinh tập trung di chuyển lên lớp ôn bài lúc 6 giờ 45. Từ 7 giờ 15, các em vào học tiết 1. Việc điều chỉnh giờ học bắt đầu thực hiện từ ngày 7-11”. Trao đổi với PV Báo SGGP, thầy Dương Hữu Đức, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, trước đây học sinh bắt đầu vào học tiết 1 từ 7 giờ, các em có mặt ở trường trước 30 phút để xếp hàng di chuyển lên lớp và dò bài đầu giờ. Từ ngày 7-11, học sinh có mặt ở trường lúc 6 giờ 45 và vào học tiết 1 từ 7 giờ 15. Dù điều chỉnh giờ vào học buổi sáng trễ hơn trước đây 15 phút nhưng trường vẫn giữ nguyên thời gian mở cổng đón học sinh từ 6 giờ 15. “Do tỷ lệ phụ huynh là công nhân, viên chức khá đông nên nhiều học sinh quen với việc đi học sớm, chưa kể nhiều em nhà ở khá xa trường nên dù điều chỉnh giờ học thì các em vẫn đến trường sớm”, thầy Dương Hữu Đức thông tin. Ngoài ra, do lùi thời gian vào học buổi sáng nên thời gian kết thúc giờ học buổi sáng từ 10 giờ 30 chuyển thành 10 giờ 45, học sinh giảm thời gian nghỉ trưa 15 phút so với trước đây để vẫn đảm bảo giờ vào học tiết 1 buổi chiều là 13 giờ 30. Riêng đối với giờ ra về, trường bố trí lệch ca khối 6 về lúc 16 giờ 15, các khối 7, 8, 9 về lúc 17 giờ.
Tại Trường THCS Nguyễn Hiền (quận 12), do các khối lớp chỉ học một buổi/ngày nên việc lùi giờ vào học buổi sáng khiến giờ ra về của học sinh trễ hơn. Cụ thể, trước đây ca 1 về lúc 10 giờ 30, ca 2 lúc 11 giờ 15 thì sau khi điều chỉnh giờ vào học buổi sáng, ca 1 sẽ ra về lúc 10 giờ 45 và ca 2 lúc 11 giờ 30. Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 6, nêu ý kiến, để việc lùi giờ vào học buổi sáng không gây ảnh hưởng thời gian nghỉ trưa, tái tạo sức lao động của giáo viên, hiệu trưởng nhà trường phải chủ động bố trí thời khóa biểu phù hợp, không phân công giáo viên dạy tiết cuối buổi sáng dạy tiết đầu tiên của buổi chiều, đặc biệt là với những giáo viên có con nhỏ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thầy, cô giáo chăm lo gia đình.
Thầy HUỲNH THANH PHÚ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10):
Giảm bài làm ở nhà, cho học sinh ngủ sớm
Lùi giờ vào học buổi sáng chưa phải là giải pháp căn cơ để bảo đảm sức khỏe cho học sinh như một số ý kiến. Thực tế cho thấy không ít học sinh ngủ gà ngủ gật trên xe ba mẹ chở đến trường, nhiều phụ huynh than con mình chỉ ngủ được 5-6 tiếng/đêm là do thói quen thức khuya để học bài. Điều này xuất phát từ nguyên nhân một số trường gửi báo bài (những đầu việc học sinh cần làm để chuẩn bị cho các môn học ngày hôm sau) theo từng ngày, hoặc lượng bài tập mỗi ngày giao về nhà cho học sinh quá nhiều khiến các em phải thức đến khuya giải quyết bài vở. Vì vậy, nếu vẫn để xảy ra tình trạng học sinh thức khuya học bài thì việc lùi giờ vào học buổi sáng 15 phút hoặc nhiều hơn không thể giải quyết triệt để tình trạng học sinh thiếu ngủ, buổi sáng uể oải khi đến trường. Ngoài ra, việc lùi giờ vào học của con nhưng giờ đi làm của ba mẹ không thay đổi, đồng thời thời gian tan học buổi chiều trễ hơn so với trước đây khiến tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm không suy giảm.
Như vậy, lời giải cho bài toán nghiên cứu giờ vào học đảm bảo sức khỏe cho học sinh không phải là việc lùi giờ vào học buổi sáng mà cần thay đổi thói quen báo bài theo ngày đang diễn ra ở nhiều trường phổ thông. Song song đó, phụ huynh cần ý thức tốt hơn trong việc kết hợp với nhà trường quản lý thời gian học tập của con, không để các em thức quá khuya, cố gắng đi ngủ lúc 10 giờ đêm, tạo tâm lý học hành nhẹ nhàng, giảm áp lực thi cử. Có như vậy, sức khỏe học sinh mới được đảm bảo.
|
Cô BÙI MINH TÂM - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1): Lấy ý kiến giáo viên trước khi lùi giờ vào học Hiện tại đang là thời gian học sinh kiểm tra giữa kỳ nên việc lùi giờ vào học buổi sáng sẽ bắt đầu thực hiện từ tuần sau, ngày 14-11. Với đặc thù là trường có 2 cấp học - gồm THCS và THPT, trường sẽ thực hiện lùi giờ vào học buổi sáng cho học sinh 2 cấp đồng loạt từ 7 giờ 15, tức đúng thời gian quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM đối với cấp THCS và trễ hơn 15 phút ở cấp THPT, tạo sự đồng bộ giữa các khối lớp. Song song đó, trường bố trí giờ ra về lệch ca giữa các khối lớp, buổi sáng có hai khung giờ ra về lúc 10 giờ 35 và 11 giờ 20, buổi chiều có hai khung giờ ra về lúc 16 giờ 35 và 17 giờ 20 để giảm ùn tắc giao thông trước cổng trường. Mỗi buổi sáng, cổng trường mở từ 6 giờ 30 sáng, có bố trí giám thị để quản lý học sinh. Theo tôi, việc lùi giờ vào học buổi sáng bước đầu có thể tạo tâm lý chưa quen cho giáo viên và học sinh, nhưng do thực hiện đồng loạt trên toàn thành phố nên không gây khó khăn cho các thầy, cô giáo trong việc sắp xếp thời gian đưa đón con. Nhà trường đã tổ chức lấy ý kiến giáo viên trước khi chính thức quyết định lùi thời gian vào học cho toàn trường.
MINH QUÂN ghi