Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình lớn lên thành đứa trẻ thông minh, luôn đạt kết quả tốt trong học tập và dễ thành công trong cuộc sống sau này. Tuy nhiên để đạt được điều này là việc không hề đơn giản 1 chút nào, vì cho tới hiện tại không hề có công thức chung cho việc nuôi dạy một đứa trẻ thành tài trong tương lai. Chính vì vậy việc làm sao nuôi dạy một đứa trẻ thành tài vẫn là 1 thách thức lớn với bất cứ bậc phụ huynh nào.
Tuy nhiên, một nghiên cứu về sự phát triển IQ của trẻ kéo dài trong suốt 75 năm của trường Đại học Harvard danh giá đã chỉ ra một số yếu tố để dự đoán một đứa trẻ càng lớn IQ càng thấp, thậm chí kéo theo đó là cả các vấn đề bất ổn về mặt tâm lý. Những vấn đề này sẽ dự báo tương lai không mấy thuận lợi và khó có thể thành công của các con. Qua nghiên cứu, các chuyên gia cho biết, những đứa trẻ như vậy thường có chung 1 vấn đề đó là cách nuôi dạy của cha mẹ không phù hợp.
Theo đó, bà Julie Lythcott - Haims nhà giáo dục, diễn giả người Mỹ và là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng, như cuốn sách 'Cách nuôi dạy trẻ nên người', 'Làm sao để con trưởng thành'... chia sẻ trong chương trình TED Talks cho biết, IQ hay EQ của một đứa trẻ có quan hệ mật thiết tới cách giáo dục của cha mẹ cùng tác động của môi trường xung quanh.
Bà Julie Lythcott - Haims là cựu hiệu trưởng của Đại học Stanford, đồng thời là nhà giáo dục và diễn giả nổi tiếng tại Mỹ.
Theo đó, từ nghiên cứu 75 năm của Đại học Harvard, bà đã chỉ ra những đứa trẻ có thành tích kém, IQ thấp, dễ mắc các vấn đề về tâm lý thường do 6 sai lầm trong cách nuôi dạy con cái của cha mẹ, các bậc phụ huynh nên biết và thay đổi sớm nhất có thể.
Những đứa trẻ thành tích kém, IQ thấp, tâm lý bất ổn thường có 6 đặc điểm chung:
1. Cha mẹ bận rộn, thường xuyên bỏ qua hoặc xem nhẹ bữa sáng của con
Với nhịp sống càng ngày càng nhanh chóng và hối hả như hiện nay, việc mỗi sáng thức dậy cha mẹ bận bịu với việc đánh thức con, thúc giục con làm vệ sinh cá nhân, thay quần áo và ăn sáng sau đó đưa con đi học là 1 quá trình 'khá' tốn công tốn sức.
Áp lực về việc chạy đua với thời gian sao cho kịp giờ đi làm khiến nhiều cha mẹ vô tình bỏ qua hoặc xem nhẹ bữa sáng của con vì công đoạn này tốn nhiều thời gian nhất. Thông thường, con còn nhỏ cha mẹ lựa chọn gửi luôn con cho cô giáo để cô giáo lo phần ăn sáng, con lớn 1 chút thì cho con tiền tự mua đồ ăn sáng và không kiểm soát chất lượng bữa sáng của con.
Việc ăn sáng không đủ chất hoặc thất thường tưởng chừng không có ảnh hưởng gì nhiều nhưng kỳ thực lại tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy về cả mặt sức khỏe thể chất, tinh thần lẫn trí tuệ của các con.
Ảnh minh hoạ.
Theo nghiên cứu, bà Julie Lythcott - Haims chỉ ra, nhịp sinh học của cơ thể cùng với thời gian của các bữa ăn có vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa, hấp thụ và chuyển hóa năng lượng. Trong đó, bữa sáng là bữa ăn đầu tiên trong ngày, chính vì vậy vào buổi sáng lượng đường trong máu thường thấp hơn một chút, việc này ảnh hưởng phần nào tới sự tỉnh táo, nhận thức và tinh thần của trẻ. Việc ăn bữa sáng đầy đủ chất dinh dưỡng và phù hợp với trẻ sẽ giúp con ổn định lại đường huyết, đồng thời cung cấp đầy đủ để nuôi dưỡng não bộ.
Ngược lại, các nghiên cứu chỉ ra, những đứa trẻ bỏ bữa sáng thường xuyên có lượng đường trong máu giảm thấp, điều này không chỉ khiến con mệt mỏi về mặt thể chất, mà mặt tinh thần cũng khiến con bị ảnh hưởng, dễ trở nên dễ mất tập trung, cáu kỉnh và giận dữ. Từ đó dẫn tới việc học tập và tiếp thu kiến thức trên lớp của con bị ảnh hưởng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả học tập, khả năng tiếp thu, IQ và sức khoẻ tinh thần của con.
2. Cha mẹ thiếu nguyên tắc, để con ngủ nghỉ thất thường
Không chỉ riêng gì cha mẹ, mà đến chính các con cũng gặp rất nhiều rắc rối trong việc phải chạy đua với thời gian. Việc học tập và làm bài tập hiện nay của các con cũng nặng hơn rất nhiều so với chúng ta trước đây. Chính vì vậy, có không ít đứa trẻ phải thường xuyên thức tới rất muộn để làm bài tập. Bên cạnh đó, cũng có không ít đứa trẻ thức khuya là do mải mê chơi game, nghịch điện thoại.
Việc thức khuya và ngủ nghỉ thất thường không đủ giấc có thể ảnh hưởng tới khả năng tập trung, học tập và ảnh hưởng lâu dài tới sức khoẻ của trẻ.
Ảnh minh hoạ.
Các chuyên gia đã đưa kết quả nghiên cứu một nhóm trẻ và chỉ ra rằng, có 48% trẻ ngủ đủ giấc và đều đặn có sự tò mò và khả năng tiếp nhận thông tin mới cao hơn 44%, khả năng hoàn thành bài tập về nhà của con cũng cao hơn 30%.
Giấc ngủ còn liên quan mật thiết tới phát triển thuỳ trán của trẻ, việc thiếu ngủ khiến thuỳ trán bị suy yếu ảnh hưởng tới khả năng ghi nhớ, suy giảm sự chú ý. Bên cạnh đó, việc thiếu ngủ hay rối loạn giấc ngủ lâu ngày cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc tâm lý trẻ bất ổn, dễ mắc các bệnh tâm lý như trầm cảm. Do đó, cha mẹ cần đặc biệt quan tâm và chú ý tới giờ giấc ngủ nghỉ của con. Cần đặt ra những nguyên tắc và con cần tuân thủ theo, ví dụ như việc sau 10 giờ tối thì không được chơi game hay nghịch điện thoại, thay vào thư giãn và chuẩn bị đi ngủ.
3. Cha mẹ không tạo được không gian học tập cho con
Vì sao nhiều người thường lựa chọn học tập ở thư viện hoặc phòng tự học? Lý do là những nơi này thường yên tĩnh, không gian nghiêm túc rất thích hợp cho việc đọc sách, nghiên cứu và học tập.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều cha mẹ sau khi tan làm về nhà vào mỗi buổi tối đều vô tình quên đi mất việc phải tạo không gian học tập yên tĩnh cho con mà liên tục tạo ra những tiếng ồn như tiếng tivi, nhạc âm lượng lớn phát qua loa... những âm thanh ồn ào này khiến con trẻ giảm khả năng tập trung. Dù đứa trẻ đó thông minh đến mấy cũng khó lòng phát huy được hết năng lực của mình nếu bị ảnh hưởng hàng ngày như vậy.
4. Cha mẹ thường xuyên mắng chửi, oán trách thậm chí dùng đòn roi với con
Có không ít bậc phụ huynh khi thấy con mắc lỗi thường có xu hương lớn tiếng mắng chửi, trách mắng thậm chí là dùng cả đòn roi với con mà quên đi mất việc cần tìm hiểu rõ ràng nguyên nhân dẫn đến hành động đó của con. Việc có phản ứng tiêu cực dựa vào cảm tính không theo phân tích đúng sai dễ khiến trẻ tổn thương tâm lý, từ đó dẫn tới những hành vi và thái độ tiêu cực, nổi loạn của trẻ sau này.
Ngoài ra, theo nghiên cứu của Đại học Harvard cho biết, những đứa trẻ bị cha mẹ đối xử như vậy dễ khiến con tự ti, cảm thấy mình yếu kém, ảnh hưởng tới khả năng tư duy và ghi nhớ của con. Chính vì vậy, mỗi khi thấy con mắc lỗi, cha mẹ cần bình tình tìm hiểu rõ ngọn nguồn rồi hãy đưa ra cách giáo dục hợp lý nhất. Hạn chế việc sử dụng đòn roi và mắng chửi con thường xuyên.
5. Cha mẹ ngăn cản con bộc lộ cảm xúc
Có không ít cha mẹ thường xuyên dùng câu 'cấm không được khóc' hay như 'con trai lớn rồi ai còn khóc nhè' để ngăn cản hoặc động viên con ngừng khóc. Tuy nhiên, hành động này của cha mẹ lại vô tình khiến con không bộc lộ được cảm xúc thật của bản thân.
Vì theo các chuyên gia tâm lý cho biết, việc khóc là cách cơ bản nhất để thể hiện cảm xúc của con nhỏ. Không chỉ riêng việc khóc để bộc lộ cảm xúc, nhà tâm lý học nổi tiếng Christia S. Brown cũng từng cho hay, những đứa trẻ còn bé thường thể hiện cảm xúc một cách chân phương nhất như sợ hãi, giận dữ, buồn bã, vui vẻ, hạnh phúc...
Ảnh minh hoạ.
Việc cha mẹ ngăn cản con bộc lộ cảm xúc khiến con dễ gặp các vấn đề về tâm lý, do đó, cha mẹ nên tránh việc ép con kìm nén cảm xúc, thay vào đó hãy tôn trọng cảm xúc của con và có cách ứng xử thích hợp khi thấy con khóc.
6. Cha mẹ có thói quen đánh giá thấp con
Có không ít cha mẹ vô tình mắc phải thói quen không tốt này, đó là họ luôn thấy con mình không đủ giỏi, từ đó dẫn tới sự so sánh giữa con mình và 'con nhà người ta'. Thậm chí, nhiều phụ huynh luôn tìm cách soi ra lỗi sai của con và nói những lời gây tổn thương tới lòng tự trọng của con nhỏ.
Điều này khiến con trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt tinh thần, dẫn tới tổn thương tâm lý, dễ dẫn tới hình thành tâm lý lệch lạc, thậm chí ảnh hưởng cả tới IQ và EQ của trẻ sau này.
Trên đây là 6 sai lầm trong cách nuôi dạy con cái mà nhiều gia đình đang vô tình mắc phải, mong rằng sau bài viết này các bậc phụ huynh thu về được những bài học giá trị.
Bí quyết dạy con với 6 chữ vàng từ bà mẹ có 3 người con tốt nghiệp ĐH Harvard