Từ bỏ công việc ổn định để thực hiện ước mơ
Ở tuổi 46, bà đã từng đạt vị trí cấp cao trong một doanh nghiệp nhà nước. Chỉ sau 4-5 năm nữa bà có thể nghỉ hưu và tận hưởng một cuộc sống nhàn hạ. Gia đình bà cũng đã ổn định kinh tế, chồng yêu thương, con gái ngoan ngoãn, mọi thứ đối với nhiều người đã là viên mãn. Nhưng đúng lúc này, Dong Na lại đưa ra một quyết định khiến mọi người bất ngờ: từ chức, bán nhà và sang Mỹ du học.
Bà Dong Na vừa tốt nghiệp trường Đại học Northwestern, một trong 10 trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ.
Bà Dong Na lúc còn trẻ.
Trước đây, bà từng là sinh viên của Học viện Ngoại thương Thượng Hải. Sau khi tốt nghiệp năm 1993, bà được phân công giảng dạy tại một trường trung học ở Hồ Nam. Thời điểm đó bà cũng từng 1 lần quyết định từ bỏ công việc giáo viên ổn định, danh tiếng để đến Thượng Hải thực hiện ước mơ. Mặc dù bị cha mẹ phản đối nhưng bà thẳng thắn cho rằng:
'Cuộc sống của tôi là vì bản thân, không liên quan gì đến chữ hiếu. Nếu tôi ép bản thân làm những điều mình không thích để cha mẹ vui lòng, cuộc sống như vậy thực sự là một bi kịch'.
Cách đây 23 năm bà cũng từng từ bỏ công việc giáo viên ổn định để bứt phá bản thân.
Lúc đầu, Dong Na xin việc vào công ty báo cáo tín dụng làm bàn đạp. Bà có hai ước mơ, một là làm quảng cáo và hai là làm nhà tư vấn tâm lý. Nhưng đúng lúc này, Dong Na nhận được lời mời đi nước ngoài làm việc cho công ty quảng cáo. Sau khi chuẩn bị đủ hồ sơ Dong Na lại không thể thực hiện ước mơ của mình vì không đủ chi phí đi nước ngoài.
Sau sự việc này, Dong Na chán nản và quay trở lại công ty báo cáo tín dụng làm việc. Tuy những ngày tháng buồn tẻ nhưng con đường sự nghiệp của Dong Na rất suôn sẻ, sau một thời gian làm việc trong công ty báo cáo tín dụng, Dong Na bắt đầu kinh doanh riêng, sau đó chuyển sang các doanh nghiệp nhà nước và nước ngoài.
Dong Na trở thành giám đốc của một doanh nghiệp nhà nước.
Sự thuận buồm xuôi gió trong công việc khiến bà quên đi quyết tâm bứt phá khi còn trẻ. Chẳng mấy chốc, Dong Na, gần 50 tuổi, đã trở thành giám đốc điều hành cấp cao của một doanh nghiệp nhà nước.
Hành trình tìm lại ước mơ ở tuổi 45
Người Trung Quốc thích sự ổn định, và sự ổn định của Dong Na là mức mà ai cũng phải ghen tị. Năm 2018, Dong Na đang đi nghỉ mát ở Philippines thì bất ngờ nhận được văn bản điều chỉnh nhân sự trong công ty.
Công ty được sáp nhập do cải cách doanh nghiệp nhà nước, bà cần chuyển ra khỏi văn phòng và phải làm trợ lý cho một chàng trai nhỏ hơn mình 10 tuổi. Chưa kể đến việc bị cắt lương, bị giáng chức cũng khiến Dong Na hứng chịu không ít lời đàm tiếu. Lúc này, Dong Na nóng lòng muốn từ chức, nhưng ngay sau đó lý trí của cô đã không cho phép điều này.
'Tôi là một phụ nữ trung niên 45 tuổi, tôi có thể làm gì sau khi từ chức?'. Dong Na đã nghĩ mình sẽ cố chịu đựng thêm 5 năm nữa cho đến lúc nghỉ hưu thì mọi chuyện sẽ ổn.
Mặc dù công ty sát nhập, bị giáng chức nhưng về cơ bản đây vẫn là công việc ổn đinh, được nhiều người ao ước.
Tuy nhiên, mong muốn thoát ra khỏi vòng an toàn đã bắt đầu xuất hiện trong lòng Dong Na. Sau đó, Dong Na gặp lại những người bạn cũ thời đại học của mình. Trong đó, người bạn thân của bà đã kết hôn ở Mỹ và làm nội trợ suốt hơn 10 năm. Sau khi cả hai đứa con đều được nhận vào trường đại học, người bạn của Dong Na đã quyết định học tiến sĩ.
Điều này đã trở thành động lực để Dong Na tiếp tục thực hiện ước mơ dang dở thời trẻ của mình là trở thành một nhà tư vấn tâm lý. Dong Na bắt đầu ngày đêm tìm kiếm những thông tin liên quan. Thật trùng hợp, đúng lúc này bà cũng nhận được cuộc gọi từ người bạn thân ở Mỹ. Người bạn thân ở đầu dây bên kia tâm sự rằng cô đang có rạn nứt trong mối quan hệ với chồng, và cả hai cùng đi khám với chuyên gia trị liệu hôn nhân.
Bà Dong Na vẫn không quên ước mơ trở thành nhà tư vấn tâm lý của mình.
Nhà trị liệu hôn nhân? Có một công việc như vậy? Tình cờ liên quan đến công việc tư vấn tâm lý, cộng với kinh nghiệm và tài lắng nghe, Dong Na cảm thấy nghề này dường như chỉ dành riêng cho bản thân. Cuối cùng Dong Na quyết định sang Mỹ du học thạc sĩ về trị liệu hôn nhân và gia đình.
Quyết định từ chức, bán nhà để đi du học ở tuổi 46
Sau khi đặt mục tiêu, hai vấn đề khó khăn xuất hiện trước mắt bà đó là chi phí du học phải làm thế nào và liệu gia đình có ủng hộ hay không. Dong Na ngập ngừng đưa ra ý kiến riêng của mình với chồng là Lao Guo, nếu đối phương từ chối thì cũng dễ hiểu. Dù sao hai người cũng là gia đình lao động bình thường, dùng tiền tiết kiệm để đóng học phí rõ ràng là viển vông. Hơn nữa, một khi Dong Na ra nước ngoài, gia đình mất đi một khoản thu nhập.
Bà Dong Na và chồng của mình.
Điều mà Dong Na không ngờ là Lao Guo chủ động nói 'thiếu tiền đi du học? Chúng ta hãy bán một ngôi nhà đi'. 'Lúc đó tôi thực sự nghĩ anh ấy là người chồng dễ thương nhất trên thế giới!'.
Ngay cả khi nhận được sự ủng hộ của chồng, Dong Na vẫn còn do dự vì ngôi nhà này bà đã dành dụm muốn để lại cho con gái Xixi trong tương lai. Dong Na thận trọng hỏi ý kiến của con gái, nhưng Xixi cũng thẳng thắn bày tỏ: 'Mẹ, con ủng hộ mẹ, mẹ đừng lo lắng, con sẽ không nhớ mẹ đâu! Con tự hào về mẹ!'.
Con gái của bà Dong Na cũng ủng hộ quyết định của mẹ.
Được sự ủng hộ vô điều kiện của gia đình, Dong Na đã quyết định thực hiện ước mơ thời trẻ của mình. Ngay sau đó, Dong Na đã bắt đầu tập trung để chuẩn bị cho kỳ thi TOEFL và GRE.
Nghe nói Dong Na sẽ đi du học Mỹ, có người nói bà chơi bời, cũng có người nói bà ấy ở tuổi này vẫn còn ham muốn viển vông. Tuy nhiên Dong Na đã quyết định bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu. Trong thời gian này, Lao Guo chủ động quán xuyến việc nhà và chăm sóc con gái, để Dong Na chuyên tâm vào việc học. May mắn thay, sau khi có kết quả kiểm tra, điểm của Dong Na đủ để bà xin du học Mỹ. Sau khi cân nhắc, Dong Na đã đặt ngôi trường mơ ước của mình là Đại học Northwestern.
Bà không ngừng học tập và tìm kiếm cơ hội đi du học.
Ngoài việc là trường đại học xếp thứ 9 trên toàn quốc, chương trình trị liệu hôn nhân và gia đình ở đây còn đứng trong top 5 toàn quốc. Thứ hạng cao đồng nghĩa với sự cạnh tranh khốc liệt. Tỷ lệ chấp nhận tại Đại học Northwestern thấp đáng kinh ngạc, chỉ khoảng 10%. Ngoại trừ điểm số TOEFL và GRE, Dong Na gần như không có hoạt động gì nên rất khó để vào đại học này. Nhưng bà không dừng lại ở đó và liên tục tìm kiếm cơ hội cho mình. Vào tháng 8 năm 2018, một diễn đàn quốc tế về hôn nhân và gia đình đã được tổ chức tại Hàng Châu, giáo sư về liệu pháp hôn nhân và gia đình tại Đại học Northwestern đã tình cờ được mời làm diễn giả của diễn đàn.
Dong Na đã xin nghỉ phép, mua vé, đến Hàng Châu, và chuẩn bị nghe bài diễn văn. Tình cờ, Dong Na gặp vợ chồng giáo sư đang ăn sáng ở khách sạn, bà vội vàng bước tới giới thiệu hoàn cảnh của mình, chân thành hỏi: Tôi ở tuổi này ứng tuyển liệu có được không?
Bà đã vượt qua kỳ thi kiểm tra chứng chỉ TOEFL và GRE, đủ điều kiện nộp hồ sơ du học.
Bà xã của giáo sư đã trả lời Dong Na rằng 'Tôi từng làm trong ngành thông tấn và xuất bản, chuyển nghề ở tuổi 40. Bà tuy không còn trẻ chút nào nhưng sẽ càng có nhiều kinh nghiệm sống, đây là điều rất cần trong ngành này'.
Sau khi nghe xong lời họ nói, Dong Na cảm thấy tự tin hơn một chút, nhưng thực tế lập tức dội gáo nước lạnh lên người Dong Na. Bà nộp đơn vào hơn 10 trường, chỉ có một trường Đại học Syracuse gửi thư mời nhập học. "Chẳng lẽ là già rồi thì không có cơ hội?"
Bà bắt đầu liên tục gửi email cho các giáo sư tại Đại học Northwestern, hỏi rằng liệu bà có còn hy vọng vào ngôi trường mơ ước của mình hay không, nhưng bên kia không hề có câu trả lời rõ ràng.
Phải đến ngày 4 tháng 5 năm 2019, mọi thứ mới xoay chuyển. Sáng sớm hôm đó, Dong Na nhận được email của giáo sư: "Một số thí sinh của trường đã bỏ cuộc. Em đang ở trong danh sách chờ. Không biết em có còn nguyện vọng vào trường hay không?'
Email từ Đại học Northwestern tới Dong Na.
Khoảnh khắc đó, Dong Na mới thực sự được nếm trải mùi vị của “giấc mơ thành hiện thực”. Ngày 11 tháng 9 năm 2019, là ngày Dong Na rời Thượng Hải đến Mỹ. Cũng giống như 23 năm trước, bà bắt chuyến tàu đến Thượng Hải không chút do dự, bà vững vàng và bình tĩnh bước đi không ngoảnh lại.
'Năm tháng có thể đã làm thay đổi diện mạo của tôi, nhưng may mắn thay, tôi đã tìm lại được trái tim trong trắng của mình, và lấy lại dũng khí để đi tiếp vào thời điểm đó.'
Hành trình học tập tại Mỹ và kế hoạch tương lai
Nhớ lại những ngày mới đến Mỹ, tất cả những gì Dong Na có thể nghĩ đến là 'làm việc chăm chỉ'. Ở Trung Quốc, bà là người nói tiếng Anh tốt nhất trong số các bạn cùng trang lứa, nhưng khi đến Mỹ, bà trở thành học sinh kém tiếng Anh nhất trong lớp.
Dong Na vẫn còn nhớ một lần cô giáo pha trò, trong bữa tiệc đầu tiên với các bạn, vì không hiểu tiếng Anh Mỹ nên khi cả lớp đang nhảy, bà là người duy nhất tạo dáng bất động.
Dong Na chính thức lên đường đi du học.
Việc đi du học ở tuổi 46 đối với Dong Na không hề dễ dàng. Bà phải đọc 200-300 trang tài liệu mỗi tuần và phải hoàn thành 500 giờ thực hành trị liệu trong chuyên ngành này trước khi tốt nghiệp. Nhưng chưa kể đến điều đó thì Dong Na thậm chí còn chưa vượt qua bài kiểm tra tiếng Anh.
Dưới sự đan xen của nhiều áp lực khác nhau, Dong Na đổ bệnh, nằm liệt giường ba ngày và liên tục nôn mửa.
"Nhưng, không có cách nào, đây là ước mơ của tôi, là điều tôi yêu thích nên tôi sẽ làm được. Tiếng Anh kém? Tôi tham gia vào các bữa tiệc của các bạn cùng lớp, tiếp xúc với các bạn trẻ, đắm mình trong môi trường chỉ có tiếng Anh, và buộc bản thân phải gặp gỡ.
Nếu không hiểu tài liệu tiếng Anh tôi sẽ dịch nó sang tiếng Trung và đọc nó từ trái sang phải cho đến khi có thể đọc lưu loát toàn bộ tài liệu tiếng Anh. Nếu có bài nào không hiểu sẽ hỏi ngay giáo viên khi kết thúc tiết học và tranh thủ thời gian nghỉ giải lao để đọc đi đọc lại'.
Vì cách biệt tuổi tác nên thời gian đầu bà gặp nhiều khó khăn khi hòa nhập với môi trường mới.
Hiện tại, Dong Na, ngay cả khi đối mặt với tốc độ nói nhanh như gió của khách Mỹ, cũng có thể bình tĩnh đối phó.
Sau trận ốm nặng, Dong Na cũng hiểu ra một số sự thật. Trước đây bà là một người rất chăm chỉ, nếu như trước đây, sau khi học trị liệu hôn nhân và gia đình, bà sẽ muốn trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực này, nhưng hiện tại bà chỉ muốn thỏa mãn ước mơ của mình.
'Thực ra ước mơ cũng không cần vất vả như vậy, chỉ cần tận hưởng nó là được. Tôi có thể làm những gì mình thích, đồng thời giúp đỡ người khác, tôi đã rất mãn nguyện rồi'.
Dong Na với các bạn cùng lớp đại học ở Mỹ của mình.
Cuối cùng, năm nay bà đã thành công tốt nghiệp đại học ở Mỹ. Bà quyết định quay trở lại Trung Quốc để tiếp tục sự nghiệp bác sĩ trị liệu hôn nhân và gia đình, ít nhất là cho đến khi bà 70 tuổi.
Con gái Xixi Lai đã đến dự lễ tốt nghiệp của Dong Na và cô bé vẫn tự hào về sự dũng cảm của mẹ mình. Trong một cuộc phỏng vấn tuyển sinh trực tuyến mà Xixi đã tham gia cách đây không lâu, người phỏng vấn đã hỏi cô ấy rằng ai là người có ảnh hưởng nhất đến bạn. Xixi đã trả lời chính là mẹ của mình.
Cuối cùng người phụ nữ cũng hoàn thành được ước mơ còn dang dở của mình.
'Ở tuổi 46, bà ấy từ chức doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục học lên cao học, học chuyên ngành mình yêu thích, đến một nơi hoàn toàn xa lạ, trở thành bạn học với những người trẻ tuổi đôi mươi. Tôi thực sự khâm phục và ngưỡng mộ mẹ của mình rất nhiều'.