Ảnh minh họa.
Mỗi trường một kiểu
Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên học sinh lớp 10 trên cả nước học Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngay từ đầu năm học, các nhà trường đã lên khung tổ hợp các môn học tự chọn để học sinh lựa chọn thay vì học sinh thích môn gì thì đăng ký học môn đó. Điều này xuất phát từ việc đội ngũ giáo viên của các trường, đặc biệt là các trường công lập đã có sẵn nhiều năm qua nên nếu để học sinh tự do đăng ký, có thể xảy ra trường hợp giáo viên này thừa tiết, giáo viên khác thiếu tiết dạy, nhà trường cũng sẽ rất khó sắp xếp thời khóa biểu. Vì vậy, học sinh và gia đình được tự chọn trong các tổ hợp có sẵn của nhà trường đưa ra, cùng với sự tư vấn, hướng dẫn của các trường về năng lực, nguyện vọng và hướng đi dự kiến sau khi tốt nghiệp THPT của học sinh.
Dẫu vậy, tình trạng “chọn đại” vẫn xảy ra hoặc cũng có những học sinh quyết tâm chọn tổ hợp này nhưng khi vào học thực tế mới thấy không phù hợp hoặc không theo được. Khi đó, các em bày tỏ nguyện vọng được chuyển đổi môn học tự chọn.
Nguyễn Tuấn Khang - học sinh lớp 10 ở Thường Tín, Hà Nội cho biết, em dự định thi khối D vào đại học. Đầu năm, em theo các bạn chọn tổ hợp khoa học tự nhiên do “ngại” con trai lại chọn tổ hợp khoa học xã hội, học sẽ lạc lõng. Tuy nhiên, gần hết học kỳ I thì em thấy đuối sức vì các môn Vật lý, Hóa học nhiều kiến thức phức tạp, em cố gắng nhưng không theo kịp, cũng không muốn đi học thêm vì xác định đây không phải là môn thi đại học.
“Bảng điểm không tốt sau này có thể ảnh hưởng đến việc xét tuyển vào đại học nên em mong được đổi môn học tự chọn” - Khang bày tỏ, song khi trình bày với giáo viên chủ nhiệm, làm đơn theo hướng dẫn của ban giám hiệu nhưng vẫn chưa được giải quyết vì chưa bố trí được thầy cô dạy bù kiến thức.
Đây cũng là tình trạng của nhiều trường học khác khi học sinh và phụ huynh có nguyện vọng thay đổi môn học tự chọn.
Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) Nguyễn Quốc Bình cho biết, đến thời điểm này nhà trường đã nhận được một số đề nghị từ phụ huynh, học sinh về việc thay đổi môn tự chọn. Tuy nhiên, hiện trường vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể từ Sở GDĐT Hà Nội, cho nên chưa thể triển khai việc chuyển đổi này.
Tại Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022-2023 diễn ra mới đây, nhiều địa phương cũng đề cập đến vấn đề chuyển trường, chuyển tổ hợp của học sinh lớp 10. Giám đốc Sở GDĐT Gia Lai Lê Duy Định băn khoăn, bây giờ có hiện tượng sau khi học xong một học kỳ thì học sinh xin chuyển tổ hợp môn. Phụ huynh đưa ra lý do sau một học kỳ thì thấy con không phù hợp với định hướng nghề nghiệp nên muốn chuyển tổ hợp. Đồng thời, học sinh muốn chuyển trường sang vùng khác nhưng nơi chuyển cũng không dạy tổ hợp đang học thì như thế nào?
Đảm bảo quyền lợi của học sinh
Mặc dù chuyển đổi môn học tự chọn là nhu cầu có thật và chính đáng của học sinh sau một thời gian học tập nhận thấy không phù hợp, tuy nhiên chuyển đổi vào thời gian nào, việc học bù kiến thức, kiểm tra bù các đầu điểm cần tiến hành ra sao là vấn đề gây khó khăn cho hầu hết các nhà trường.
Tại Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hiện đang triển khai việc dạy học bổ sung, kiểm tra đủ hàng chục đầu điểm cho một học sinh có nhu cầu đổi môn lựa chọn Vật lý sang môn học khác. Theo ban giám hiệu nhà trường, việc bồi dưỡng, kèm cặp cho học sinh này sẽ phải thực hiện ngoài giờ học và kéo dài hết năm học lớp 10. Nếu học sinh vẫn có nhu cầu và thực hiện đủ đầu điểm theo kế hoạch chương trình thì nhà trường sẽ bố trí đổi môn tự chọn cho học sinh này từ lớp 11.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng nếu học sinh có nguyện vọng chuyển tổ hợp thì các trường nên bố trí thực hiện càng sớm càng tốt để tránh thiệt thòi cho học sinh. Bởi theo thời khóa biểu, các môn học sẽ được sắp xếp xen kẽ để vừa học vừa ngấm. Khi học chuyển đổi, nếu học dồn dập trong 1 thời gian ngắn học sinh sẽ khó tiếp thu hết được kiến thức, càng khó để chuyển hóa thành năng lực của học sinh.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) cho rằng, trong Công văn 1496/BGDĐT-GDTrH đã có hướng dẫn. Hiệu trưởng là người quyết định việc này.
Dù vậy, chương trình này đã khoán một năm với số tiết tổng nên không khuyến khích học sinh chuyển tổ hợp, chuyển trường trong học kỳ 1 mà phải đợi hết năm học. Nếu chuyển đổi môn thì học sinh phải đáp ứng được yêu cầu đủ năng lực để học các môn học mới ở lớp trên, còn các môn học cũ phải đủ điều kiện lên lớp.