Là một người chuyên viết về mảng đời sống xã hội, mỗi lần xảy ra một vụ bạo hành trẻ em, tôi đều phải đọc, xem và viết. Thú thật tôi chưa bao giờ có đủ can đảm xem hết một chiếc clip một cách tận tường. Tôi mắt nhắm mắt mở lướt qua. Và đặc biệt trong các bài viết của tôi, tôi cũng không bao giờ miêu tả chi tiết cảnh các bé bị hành hạ.
Mỗi lần đặt bút viết về đề tài này, trong tôi đan xen nhiều cảm xúc rất khó tả. Những cảm xúc cứ bện vào nhau khiến tôi không biết bắt đầu từ đâu và kết thúc ở chỗ nào.
Có thể vì tôi là chị cả của 6 đứa em, tôi nâng niu bồng ẵm, chứng kiến các em lớn lên từng ngày. Có thể vì tôi là bà mẹ của 3 đứa con mà từng cái hắt hơi sổ mũi của của các con cũng làm tôi ăn không ngon, ngủ không yên… nên tôi có cảm xúc rất đặc biệt với trẻ con.
Tôi đã từng “tào lao xí đế” tỏ thái độ giận dữ, hay hùng hồn “lên lớp” mấy bà mẹ trẻ khi họ để con đầu trần ngoài nắng, để trẻ ngồi một mình trên yên xe máy, không giữ tay con để nó chạy lung tung trên vỉa hè… Có thể vì mình có tuổi, cũng có thể vì quá đường đột, các mẹ không phản ứng kịp nên đa phận các mẹ chỉ ngớ ra, dạ dạ, vâng vâng, cười cười… rồi cho qua.
Cứ mỗi lần viết về một vụ bạo hành trẻ em, tôi lại vừa viết vừa ấm ức khóc. Trí tưởng tượng và cảm xúc của một người viết phong phú và tràn trề quá khiến sự phẫn nộ, thương tâm và nôn nóng cho một giải pháp cũng đầy đặn hơn, cao trào hơn.
Cách đây không đầy một tháng, phiên tòa xử vụ bé V.A bị người tình của cha bạo hành dẫn đến tử vong diễn ra, một lần nữa đã xốc dậy sự phẫn nộ của người dân, ai cũng mong muốn dành cho hai kẻ thủ ác bản án tử hình để răn đe cho kẻ khác, để nạn bạo hành trẻ con không còn diễn ra.
Nhưng câu chuyện chưa kịp lắng xuống thì mới đây, ngày 13/8, một bé trai hơn 3 tuổi ở xóm 3, thôn Thượng Vĩ, xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân, Hà Nam đã bị một gã hàng xóm thắt cổ, nhốt vào ngăn tủ cấp đông suốt hơn một tiếng đồng hồ. May mắn, cháu chỉ bị suy hô hấp và xây xước chứ không nguy hiểm đến tính mạng. Chỉ cần tưởng tượng cả một tiếng đồng hồ con nằm trong tủ đông lạnh lẽo và tối tăm, cùng với nỗi sợ hãi và hoang mang xen lẫn đau đớn, không ai là không cảm thấy nghẹt thở.
Một lần nữa, vụ việc bạo hành trẻ em dã man lại xảy ra. Xét về mặt đạo đức, bạo hành trẻ em là hành vi thể hiện sự côn đồ, ích kỷ, là một việc làm nhẫn tâm, ác độc và hèn hạ. Xét về mặt pháp luật, đây là hành vi vi phạm luật pháp. Bị dư luận lên án nguyền rủa, bị luật pháp trừng trị là những gí mà thủ phạm phải gánh chịu và nhận lãnh.
Tuy nhiên, về phía phụ huynh cũng cần nhận ra trách nhiệm của mình trong việc lơ là, không trông coi trẻ cẩn thận.
Trong vụ án bé trai bị nhốt trong tủ cấp đông, qua lời tường thuật của ông nội cháu, chúng ta thấy nổi rõ lên một chi tiết. Đó là qua trích xuất dữ liệu camera thì lúc cháu trai đi vào quán trà sữa, được ghi nhận là vào 15h20. Đến 16h15, chủ quán trà sữa khoá cửa bỏ ra ngoài. Mãi đến gần 17h, ông nội cháu đi họp về không thấy cháu đâu mới vội tìm. Như thế tức là từ 15h20 đến gần 17h, khoảng thời gian đó không ai trông coi và phát hiện cháu đang ở đâu, làm gì.
Trong thực tế đã có rất nhiều tai nạn thương tâm oan uổng xảy ra với trẻ nhỏ chỉ vì một tích tắc bố mẹ lơ đễnh rời mắt khỏi bé, còn đây cháu bé trong tủ cấp đông bị bỏ quên lâu như thế thì phụ huynh thật đáng trách vì sự bất cẩn.
Đã có rất nhiều điển hình về việc xảy ra tai nạn thương vong rất đáng tiếc ở trẻ em chỉ vì sự bất cẩn, giám sát lỏng lẻo trong khi trông coi trẻ của bố mẹ hoặc người bảo mẫu.
Như vụ việc một đứa trẻ 5 tuổi ở nhà với bà nhưng mãi đến hơn 21g, khi gọi cháu đi ngủ, bà mới phát hiện cháu mình đi đâu không biết, hậu quả là cháu bị đuối nước mà không ai hay.
Hay như trường hợp bà ngoại đi sửa tivi chở theo cháu gái 3 tuổi. Bà để bé đứng ở vỉa hè, vừa vào trong, cháu bất ngờ chạy ra đường, đúng lúc xe tải trờ tới, tai nạn xảy ra khiến bé gái tử vong.
Ngoài các tai nạn giao thông, đuối nước, sự lơ là cảnh giác của người lớn còn có thể dẫn đến việc trẻ bị xâm hại tình dục, bị bắt cóc, rơi từ tầng cao chung cư xuống, bị kẹt trong thang cuốn, bị chó cắn gây thương tích nghiêm trọng; nhét vào mũi hoặc nuốt dị vật hay uống nhằm hóa chất độc hại.
Với một đứa trẻ, dù được trang bị bao nhiêu kỹ năng, các bé cũng không thể tự bảo vệ mình trước tai nạn rủi ro, trước mưu mô và sức mạnh của một người lớn, khi kẻ thủ ác cố tình dùng sức mạnh để thực hiện ý đồ.
Trở lại câu chuyện bé trai 3 tuổi bị nhốt trong tủ cấp đông, sau khi sự xúc động tạm lắng xuống, sự phẫn nộ với thủ phạm tạm nguôi ngoai, các bậc phụ huynh cần rút ra bài học cảnh tỉnh về việc giám sát chặt chẽ con nhỏ. Hãy đừng rời mắt khi trông trẻ nhỏ, hãy chắc chắn trẻ luôn ở trong tầm mắt của người lớn vì sự cố có thể xảy ra bất ngờ và chớp nhoáng không lường trước được.