Việc truyền tải thông tin, hình ảnh lên các Fanpage MXH để phục vụ nhu cầu nắm bắt tin tức nhanh của người dùng mạng ngày càng phổ biến. Bên cạnh những điều tích cực, thông tin hữu ích cho cộng đồng thì cũng tồn tại không ít những nội dung sai sự thật để câu view, câu like nhảm nhí. Đáng lên án hơn nữa, chính là việc một số Fanpage đang cố ý tình dục hoá trẻ em để tạo nội dung câu tương tác.
Mới đây nhất, cộng đồng mạng đã cực kỳ phẫn nộ khi chứng kiến vụ việc hình ảnh một học sinh lớp 7 tên là H.A bị một số Fanpage (có hàng triệu lượt theo dõi) đăng tải và chia sẻ với chú thích phản cảm, khơi gợi ý nghĩ quấy rối tình dục.
Hình ảnh nữ sinh lớp 7 bị Fanpage lấy ra câu view
Bài đăng đầu tiên đã thu hút hàng trăm nghìn lượt like, rất nhiều thành phần chuyên “hóng” chuyện đã có mặt tại đây và để lại những câu đùa chẳng khác nào cổ xuý cho tư tưởng đồi truỵ.
Đáng nói, không chỉ một Fanpage mà rất nhiều trang có lượt theo dõi cao khác cũng đã chia sẻ và đăng tải lại bức ảnh đó với nguyên dòng chú thích mang tư tưởng xấu. Tất cả tạo nên một làn sóng đùa vui lệch lạc, kém văn hoá mà chắc chắn nếu gia đình cô bé đọc được sẽ cảm thấy rất tổn thương.
Từ khi nào việc mang hình ảnh của một nữ sinh ở độ tuổi vị thành niên ra để gán ghép vào những câu từ mang tính quấy rối lại trở thành nội dung được đón nhận với lượng tương tác cao ngất ngưởng? Nếu người đứng sau các Fanpage có nhận thức đúng đắn hơn và dân mạng không ai hùa theo những trò vui phản cảm như thế này, thì việc này có xảy ra?
“Là mẹ, tôi không vui với những lời bình luận khiếm nhã không đúng với lứa tuổi của con”
Chị Thúy Hà, mẹ của H.A - học sinh lớp 7 đang là nhân vật được quan tâm trên mạng xã hội cho hay, gia đình có biết đến sự việc này và cảm thấy không hài lòng.
“Đương nhiên là mẹ, tôi cũng không vui với những bình luận khiếm nhã, tiêu cực, không đúng với hình ảnh, lứa tuổi của con. Tuy nhiên, gia đình không mấy quan tâm bởi đối với tôi, những trang mạng đó không chính thống, họ chỉ đăng với mục đích câu view, câu like. Câu chuyện này ngoài ý muốn của gia đình nên chúng tôi chọn cách bỏ qua, không quan tâm.
Còn con gái chỉ trả lời vài phút trên truyền hình, con cũng như các bạn học sinh khác thôi chứ không có gì quá đặc biệt. Gia đình không để con tự do sử dụng mạng xã hội, con gái ít khi vào mạng nên hiện tại con không biết đến với những lời bàn tán của mọi người”, chị Thúy Hà chia sẻ.
Anh Hữu Tuyên (Hà Nội) có con gái đang học mầm non và cũng biết đến vụ việc trên, nói: 'Có nhiều người không suy nghĩ mà tưởng vui nên cứ chia sẻ a dua. Nhưng việc này không vui mà làm ảnh hưởng đến tinh thần của bạn học sinh đó và gia đình. Thậm chí nghiêm trọng hơn, có thể vô tình đẩy bạn học sinh đó thành mục tiêu của những kẻ biến thái, bệnh hoạn xung quanh nếu có. Là một phụ huynh, tôi cực kỳ phản đối những dạng nội dung lệch chuẩn như vậy'.
Anh Hữu Tuyên
Chị Lê Phương (một phụ huynh ở Điện Biên) đưa ý kiến: “Mình nghĩ đây là một sự việc rất khủng khiếp khi nạn nhân của những Fanpage này là trẻ em. Việc mang hình ảnh trẻ em lên MXH kèm theo bình luận bệnh hoạn, mang tính chất nhạy cảm như vậy sẽ mang lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cho các em.
Mình không hiểu sao có nhiều người không có ý thức được mà vào hùa vào những bài đó nhiều như vậy. Theo mình thì những hiệp hội bảo vệ quyền lợi trẻ em và các cơ quan cần phải vào cuộc và phải xử thật nặng các Fanpage để răn đe và cũng làm gương cho những người khác”.
Chị Lê Phương
Người quản lý Fanpage dễ mắc sai lầm khi quá trẻ và non
Nguyễn Thành Vinh - Người đứng sau nhiều trang nội dung dành cho Gen Z cho biết mình không đồng tình với hướng sản xuất nội dung bẩn, lợi dụng những câu đùa vui có tính chất quấy rối người khác để tăng tương tác cho trang của mình.
“Rất phản cảm!”, Thành Vinh nói thêm: “Mình không quy chụp toàn bộ các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng MXH là những người có tư tưởng xấu, song có rất nhiều cá nhân/ tập thể chỉ vì mù quáng chạy theo những con số tương tác mà đánh mất đi hình ảnh và giá trị mà nền tảng MXH mà họ đang quản lý.
Các bạn trẻ ngày nay đang có nhiều không gian để thể hiện tiếng nói của bản thân hơn các thế hệ trước. Tuy nhiên, quá trẻ và non cũng là một trong những lý do những người nắm các trang mạng hay mắc sai lầm, đưa ra những nội dung bị cho là phản cảm, lợi dụng những nội dung mang yếu tố khơi gợi đến suy nghĩ không trong sáng, như một cách để câu tương tác”.
Nguyễn Thành Vinh - Người đứng sau nhiều trang nội dung dành cho Gen Z
Thành Vinh cũng cho biết, qua sự việc lần này cậu sẽ rút ra bài học cho chính mình trong việc chắt lọc nội dung sản xuất Fanpage. Cậu cũng hi vọng rằng những người dùng mạng nên tỉnh táo để chọn theo dõi, cập nhật tin tức trên những trang, cộng đồng phù hợp với tiêu chuẩn thuần phong mỹ tục, thực sự có ích cho bản thân.
“Nếu bạn là dân mạng, bạn cảm thấy việc làm của các Fanpage kia là sai và không a dua chia sẻ nội dung đó về trang cá nhân của mình hoặc gửi cho bạn bè thì đã là một chuyện đang khen ngợi rồi. Không chia sẻ hay bình luận đồng nghĩa với việc đang chặn đứng sự lan truyền của nội dung xấu. Như trên mạng xã hội người ta hay gọi là lọc mem (thành viên), thì mình nghĩ qua câu chuyện này, người dùng MXH có thể lọc page, lọc group độc hại ra khỏi tường nhà của mình luôn”, Thành Vinh nói.
Báo cáo, bỏ theo dõi là cách tốt nhất để loại bỏ nội dung xấu trên các Fanpage lệch chuẩn
Đứng trước sự việc đang nổi rần rần khắp mạng xã hội, Bảo Ngọc (Hà Nội) cho rằng những quản trị viên đứng đầu một trang Facebook cần phải có cái tâm, nội dung thông tin truyền tải đến độc giả bởi vì nội dung đưa đến với cộng đồng tích cực hay tiêu cực cũng là một phần do cách họ “gõ” chữ mà ra.
Mạnh Hưng (Hà Nội) bức xúc trước vụ nữ sinh bị một nhóm các Fanpage “bẩn” viết chú thích ảnh bị xem là quấy rối và lan truyền trên MXH những ngày qua: “Đó là cách cư xử quá kém văn minh và thể hiện nhận thức thấp của một số bộ phận người dùng mạng”.
Anh cũng nói thêm: “Cần tẩy chay và lên án ngay những trang Facebook câu view, câu like bất chấp với hành động thiếu chuẩn mực này. Bây giờ trẻ em sử dụng mạng xã hội rất nhiều, bao gồm từ bậc tiểu học. Các em hoàn toàn chưa đủ để nhận thức được cái gì nên và chưa nên học theo, rất dễ bị ảnh hưởng và bị cuốn vào vòng xoáy tiêu cực đó.
Mỗi người cần phải hiểu được bản chất và tác hại của hành vi đó để những câu chuyện tương tự như này không còn xảy ra. Hơn nữa, bản thân những người đứng đầu các trang Facebook cũng như mọi người cần phải tự thay đổi suy nghĩ và hành động của mình trước khi muốn giáo dục một thế hệ trẻ phía sau”.
Bảo Ngọc (Hà Nội) chia sẻ quan điểm của mình trong việc ngăn chặn nội dung độc hại trên các Fanpage: “Ngày trước, khi lướt Facebook và gặp những nội dung như vậy, bình thường mình sẽ phản bác khá dài ở dưới. Tuy nhiên việc đó sẽ thu hút những người khác vào bình luận, đồng tình có mà chê trách mình cũng có. Và việc thảo luận sôi nổi như vậy sẽ khiến thuật toán Facebook sau càng ưu tiên đẩy những dạng nội dung tiêu cực hoặc tăng độ “phủ sóng' cho Fanpage đó.
Vậy nên bây giờ, mình lựa chọn báo cáo bài viết, bỏ theo dõi và chọn ẩn những nội dung từ Fanpage đó đi. Đó là cách tốt nhất để Facebook nhận diện nội dung xấu và không phân phối chúng tới nhiều người dùng hơn nữa”.