Tìm vui ở thế giới ảo...
'Em đang rất bi đát, bây giờ em chỉ muốn kết liễu cuộc đời', 'mình từng cắt tay, làm thế cảm thấy dễ chịu hơn đấy', 'em cũng từng uống thuốc ngủ tự tử nhưng bố mẹ phát hiện kịp, giờ em vẫn chẳng thiết sống đâu…'.
Đó là những dòng trạng thái, chia sẻ của những người bị rối loạn tâm thần/trầm cảm trong các hội nhóm kín cộng đồng người mắc căn bệnh này.
Ths.BSNT Đỗ Thùy Dung, Phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tại phòng khám, bác sĩ tiếp nhận hầu hết những bạn trẻ có vấn đề; qua thăm khám, chẩn đoán xác định bệnh nhân rối loạn tâm thần, đặc biệt là trầm cảm.
Ths.BSNT Đỗ Thùy Dung
'Tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi nhận thấy hầu hết các con hay có những hành vi tự gây thương tích, ví dụ như cắt tay, lấy đầu thuốc lá châm vào các vị trí ở vùng cổ tay, vùng đùi.
Khi được hỏi, sao lại làm như thế thì có bệnh nhân bảo lớp con có nhiều bạn làm như thế lắm, có bạn thì bảo làm theo các bạn ở trên mạng hướng dẫn', BS Đỗ Thuỳ Dung cho hay.
S. N (15 tuổi) có lúc cả ngày không nói câu nào, nhưng có lúc lại 'vui quá mức'. Quần áo thì lúc nào cũng mặc kín bưng, lùng thùng từ trên xuống. Hơn thế, cậu ở rất bẩn, thế nhưng mẹ chỉ cần nhắc nhẹ là cậu nổi khùng ngay.
Nghĩ còn đang ở độ tuổi 'ẩm ương' nên mẹ cậu 'nhịn như nhịn cơm sống' hy vọng theo thời gian sự nổi loạn sẽ qua đi.
Thế nhưng tình trạng ngày một trầm trọng, cậu không ngủ, có lần nửa đêm cậu hốt hoảng gọi điện cho mẹ thì thào 'có người đang đứng ngoài cửa muốn giết con'. Mẹ vội chạy sang, chẳng thấy ai còn con thì ngồi đờ đẫn. Không chần chừ thêm, ngay sáng hôm sau mẹ cậu quyết định đưa con đi khám.
Tại bệnh viện, bác sĩ nhận ra ngay dấu hiệu bất thường, bảo con vén tay áo, kéo ống quần lên thì người mẹ giật mình khi thấy toàn bộ hai cổ tay, đùi con… chi chít các vết cắt, kèm theo những nốt tròn thâm xen lẫn những nốt phồng đỏ trên da.
S.N được chỉ định nhập viện với chẩn đoán trầm cảm. Trong thời gian nằm viện, các bác sĩ tìm hiểu sâu hơn thì phát hiện em tự làm đau mình do học trên mạng, qua các hội nhóm dành cho người trầm cảm.
... Quyết định tự tử
Vốn là bác sĩ trị liệu, BS Dung muốn biết bệnh nhân trầm cảm của mình nghĩ gì nên chị đã quyết định lập nick ảo 'tàu ngầm' trong các hội nhóm này.
'Ban đầu khi bệnh nhân kể về các hội nhóm ấy, tôi cũng đề nghị cho xem thì hầu hết bệnh nhân không chia sẻ. Bởi các hội nhóm này thường là hội kín, ẩn vì thế tôi đã phải lập nick ảo, tự mò mẫm xin tham gia hội, nhóm, 'tàu ngầm' ở trong đấy để xem những bệnh nhân mắc các bệnh lý sức khoẻ tâm thần trong đó có bệnh nhân trầm cảm của mình họ nghĩ gì. Và rất bất ngờ, các thành viên ở các hội nhóm này rất đông, có nhóm lên đến mấy chục nghìn thành viên', BS Dung thông tin.
Thành viên nhóm khá đa dạng lứa tuổi, các bạn tự tìm kiếm, tham gia vào các group này. BS Dung xác định có hai dạng hội, nhóm.
Nhóm 1, đồng hành cùng nhau chiến thắng trầm cảm. Ở nhóm này các bạn đăng những bài viết với những thông tin hữu ích như: chia sẻ các phương pháp trị liệu tâm lý, uống thuốc này có hiệu quả, thuốc kia gặp tác dụng phụ… hoặc giới thiệu cho nhau bác sĩ, giới thiệu cho nhau cách trị liệu, địa điểm khám. Đó là những thông tin tích cực.
Nhóm 2, hầu hết là những thông tin tiêu cực. Các bạn đăng thông tin tiêu cực, chia sẻ những cách giải thoát.
'Ở nhóm 2 này, có những bài chia sẻ về hoàn cảnh khi không tìm được tiếng nói từ gia đình, các bạn ấy kể về những bất mãn trong cuộc sống mà không chia sẻ được với ai.
'Em đang rất bi đát. Bây giờ em chỉ muốn kết liễu cuộc đời', đó là một chia sẻ phổ biến trong nhóm kín này. Đáng ngại, khi những nội dung tiêu cực này được viết ra thì rất nhiều comment cũng chia sẻ câu chuyện của mình.
Theo đó, có bạn nói từng cắt tay và đưa ra nhận xét 'khi ấy sẽ thấy dễ chịu hơn đấy'. Hay có bạn cũng bảo 'từng uống thuốc ngủ nhưng bố mẹ phát hiện ra. Đã được cứu sống nhưng đến giờ vẫn còn suy nghĩ tiêu cực nhiều lắm'….
Đó là những điều mà tôi đọc được, cũng như bệnh nhân từng tham gia vào những nhóm kín về trầm cảm này kể lại. Dù chỉ là chia sẻ những suy nghĩ việc làm của các bạn rối loạn tâm thần nhưng những chia sẻ này vô tình khiến các bạn khác học theo ', BS Dung ái ngại cho biết.
Một bé gái (13 tuổi) vừa ra viện hồi tháng 8 là ví dụ điển hình. BS Dung kể, bệnh nhi này có hoàn cảnh éo le. Bố mẹ li thân không ai nhận nuôi, em về sống cùng bà ngoại. Bà khó tính, hay quát mắng.
Ảnh minh họa
Câu cửa miệng bà mắng là 'tại mày là con gái, mẹ mày không đẻ được con trai nên bố mẹ mày mới bỏ nhau. Tao phải gánh cục nợ ấy'.
'Bạn ấy áp lực khi hàng ngày nghe bà chì chiết, đổ lỗi mà không hề có bố, mẹ ở bên. Đi học trên lớp do hoàn cảnh như vậy nên hay bị trêu. Kết quả học tập của bạn ấy cũng không tốt. Dần dần sinh ra cảm xúc chán nản, tiêu cực, bạn ngại ra ngoài, ngại giao tiếp với những người xung quanh nhưng lại chìm vào thế giới của những người bạn đồng cảnh ở thế giới ảo…
Một ngày, bạn đi mua thuốc ngủ tự tử. Gia đình kịp thời phát hiện đưa vào TT chống độc BV Bạch Mai. Sau khi qua cơn nguy kịch, bệnh nhi được chuyển sang khoa Sức khoẻ tâm thần, BV Bạch Mai tiếp tục điều trị tâm lý', bác sĩ chia sẻ về một hoàn cảnh.
BS Dung cho biết, tại Viện sức khoẻ tâm thần bệnh nhi được thăm khám và đánh giá các yếu tố tâm lý cũng như các yếu tố liên quan đến bệnh đợt này. Khi tỉnh táo, bạn ấy nói tự tử là dại dột nhưng vẫn nói với bác sĩ là 'con thấy bế tắc lắm, xung quanh con không còn ai'. Sau 3 tuần điều trị, bệnh nhi đã được ra viện vào tháng 8, được hẹn tái khám và tiếp tục trị liệu tiếp'.
Bác sĩ chuyên ngành sức khỏe tâm thần cảnh báo, trẻ bị trầm cảm rất dễ tái phát. Việc điều trị dứt điểm phụ thuộc vào nhận thức của bệnh nhân, mức độ trầm cảm, khả năng thích ứng và đối phó với các căng thẳng của bệnh nhân và yếu tố hỗ trợ từ gia đình.
'Nếu cải thiện được tất cả các yếu tố đó thì tiên lượng tốt', BS Dung cho hay.
Tuy nhiên, theo TS. BS Trần Thị Hồng Thu, PGĐ kiêm Trưởng khoa Lâm sàng BV Tâm thần Ban ngày Mai Hương, thanh thiếu niên mắc bệnh tâm thần thường sợ nói ra vì sợ bị đánh giá, kỳ thị và bị xa lánh. Vì thế nhiều thanh thiếu niên cố gắng tự tử nhằm thoát khỏi các triệu chứng bệnh tâm thần.
'Tổ chức Y tế thế giới từng cảnh báo một nửa của tất cả các rối loạn sức khỏe tâm thần ở tuổi trưởng thành bắt đầu vào tuổi 14, nhưng hầu hết các trường hợp không được phát hiện và không được điều trị', TS. BS Hồng Thu dẫn chứng.
Bà cho rằng, phụ huynh cần hiểu, biết cách nói về sức khỏe tâm thần với con để giúp thanh thiếu niên cảm thấy thoải mái và chấm dứt sự kỳ thị trước khi bệnh bắt đầu xuất hiện. Bởi trên thực tế có rất nhiều trường hợp khi đến viện thì đã bị trầm cảm nặng, thậm chí có trường hợp chuyển sang giai đoạn tâm thần phân liệt.
Các bạn không tìm được tiếng nói, chia sẻ từ người thân xung quanh mà tìm kiếm sự trợ giúp ở trên MXH. Mà thông tin trên mạng đôi khi không chính xác về mặt chuyên môn, chưa kể với những thông tin tiêu cực thì lại chính là tác nhân thúc đẩy các bạn trẻ có những hành vi tiêu cực….
Để giúp con hạn chế tiếp xúc với những thông tin tiêu cực, BS Dung cho rằng bố mẹ cần giám sát, giới hạn thời gian con vào mạng, kiểm soát nội dung con tìm kiếm trên mạng, nhất là với những bạn có dấu hiệu mắc các bệnh lý tâm thần tiếp xúc để từ đó có những điều chỉnh kịp thời.
'Trầm cảm thường có tâm trạng buồn bã, có thể rất dễ khóc. Không có động lực, giảm hứng thú trong mọi việc, kể cả những hoạt động nằm trong sở thích trước đây. Người bệnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, gặp vấn đề về thể chất và tinh thần.
Trầm cảm là bệnh, cần được quan tâm và điều trị. Với trầm cảm nhẹ, có thể chưa cần phải dùng đến thuốc và tình trạng không quá nguy hiểm. Nhưng trên hết, người bệnh cần nhận được sự quan tâm của gia đình, người thân và cả bác sĩ để được hỗ trợ. Nên nhớ trầm cảm có thể dẫn tới hậu quả tồi tệ liên quan đến tính mạng nếu không được điều trị', TS. BS Trần Thị Hồng Thu nhấn mạnh.
|