Nhắc đến hội con nhà siêu giàu châu Á, mọi người thường nghĩ ngay đến cảnh siêu xe, hàng hiệu, những chuyến du lịch sang chảnh gây choáng. Ngoài ra, không thể không kể đến những buổi dạ vũ xa hoa và sang trọng với số lượng thực khách và nhân viên phục vụ lên đến hàng trăm người. Mỗi khi cảm thấy 'nhàm chán', họ chỉ việc xách chiếc ví dày cộm thẻ tín dụng và bay đến những khu trung tâm mua sắm sang trọng nhất không khác gì đi chợ.
Công chúng luôn liệt những rich kid này vào nhóm những thanh thiếu niên may mắn được ưu ái cho cuộc sống phú quý. Thế nhưng thực tế, vẫn có những cậu ấm cô chiêu chọn cuộc sống đời thường khá giản dị hoặc không ỷ lại vào khối tài sản khổng lồ của gia đình mà tự lập nỗ lực kinh doanh.
Kim Lim - ái nữ nhà tỷ phú Peter Lim: Tự lập, chăm làm từ thiện
Kim Lim (Singapore) là cái tên quen thuộc trong giới con nhà giàu châu Á. Sinh năm 1994, cô được xem như thỏi nam châm với truyền thông Singapore bởi vẻ đẹp sang trọng, nữ tính, dịu dàng. Bên cạnh đó, 9X còn có mối quan hệ thân thiết với những ngôi sao nổi tiếng thế giới như Cristiano Ronaldo, David Beckham...
Kim Lim được thừa kế hàng tỷ USD từ cha - tỷ phú Peter Lim.
Kim Lim được thừa kế hàng tỷ USD từ cha - tỷ phú Peter Lim, người có tài sản ròng ước tính là 2,6 tỷ USD. Với sự hậu thuẫn vững chắc từ gia đình, Kim Lim có cuộc sống xa hoa không kém gì công chúa ngay từ khi còn nhỏ. Tiểu thư 9X từng học ngành Quản trị kinh doanh và Marketing tại trường nội trú Queenswood ở Hertfordshire, Anh. Vì là người con duy nhất của ông bố giàu có, Kim chắc chắn sẽ kế nghiệp cha trong tương lai.
Tuy nhiên, cô quyết tâm chứng minh giá trị của bản thân với tư cách doanh nhân. Với tham vọng gây dựng doanh nghiệp toàn cầu trong lĩnh vực làm đẹp, Kim Lim tự lập từ những ngày đầu. Dù sinh ra ở vạch đích, Kim Lim không ngại làm việc chăm chỉ để đạt được thành quả.
Kim Lim đã ly dị sau 3 năm kết hôn và có một bé trai.
Trong một cuộc phỏng vấn, Lim tiết lộ việc kinh doanh không phải chỉ trải hoa hồng. Cô phải làm việc như một nhân viên bình thường, thậm chí nhiều hơn, phải đối phó với những khách hàng điên rồ hoặc đưa ra các quyết định nhân sự khó khăn. Dù có xuất thân đáng mơ ước nhưng ái nữ của gia tộc giàu nhất Singapore không ngại nỗ lực để thành công.
Không chỉ là người có ý chí tự lập, Kim Lim còn nổi tiếng chăm làm từ thiện. 9X từng nói cô luôn khắc ghi lời dạy của cha là phải sống khiêm nhường và giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn. Cô cũng luôn mong ước xây dựng quỹ từ thiện của riêng mình. 'Cha luôn dạy tôi phải biết khiêm nhường và tôi lấy điều đó làm tâm niệm sống', Kim Lim chia sẻ.
Hiện cô được biết đến như một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực làm đẹp trên toàn cầu.
Hitarth - con trai tỷ phú Savji Dholakia, Ấn Độ: Tự trải nghiệm tìm việc, kiếm tiền
Ông Savji Dholakia không chỉ được biết đến với khối tài sản khổng lồ từ tập đoàn kim cương của mình mà còn nổi tiếng về sự hào phóng khi sẵn sàng tặng nhà và siêu xe cho các nhân viên hàng năm để khen thưởng.
Tuy siêu giàu nhưng con trai của ông là Hitarth phải tới thành phố Hyderabad tự tìm việc và chấp nhận ở chung phòng trọ với 17 người khác.
'Tôi không biết thành phố này nằm ở đâu, ở miền nào của đất nước, hay văn hoá và ngôn ngữ của nó là gì. Tôi đã rất sợ nhưng vẫn tự tin. Chỉ với 500 rupee (gần 160.000 đồng) trong túi, không có điện thoại hay bất cứ thứ gì khác, tôi đã tới Hyderabad và bắt đầu cuộc sống mới của mình', Hitarth kể.
Anh được nhận vào làm ở một cơ sở sản xuất trong 5 ngày. Trong 1 tháng, Hitarth làm 4 công việc khác nhau và kiếm được tất cả 5 nghìn rupee (tương đương hơn 1,5 triệu đồng).
Hitarth (thứ 2 từ trái sang) chụp cùng gia đình.
Theo tờ India Today, trước đây, Hitarth chưa từng phải đối mặt với bất kì khó khăn nào về tài chính trong cuộc sống, kể cả trong 3 năm du học tại Mỹ. Thế nhưng ngay sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh tại một đại học ở New York, chỉ vừa bước chân về tới quê nhà thì Hitarth đã lập tức bị bố đẩy ra đường.
Ba điều kiện của tỷ phú đưa ra với con trai là phải làm việc và kiếm tiền, không được làm một nơi quá một tuần, không được giới thiệu mình là con của tỷ phú và không được sử dụng điện thoại di động.
Khoảng thời gian đó dù ngắn nhưng cho anh rất nhiều bài học. 'Tôi phải tìm mọi cách làm việc để có tiền ăn mỗi bữa chỉ 0,6 USD (khoảng 50 ngàn đồng). Tôi cần phải kiếm thêm 4 USD (khoảng 80 ngàn đồng) mỗi ngày để trả tiền nhà trọ', Dravya Dholakia kể.
Còn với tỷ phú thì thử thách này giúp cho con mình có nhiều trải nghiệm cuộc sống. 'Tôi muốn con trai tôi nếm trải cuộc sống và biết được người nghèo vất vả như thế nào để xin việc kiếm tiền. Không một trường đại học nào có thể dạy bạn những kỹ năng cuộc sống này', ông cho hay.
Rudy Rong - con trai tỷ phú ngành game ở Trung Quốc: Làm việc chăm chỉ và tích cực
Rudy Rong, 22 tuổi, là một trong những 'phú nhị đại' (hay còn gọi là 'thế hệ siêu giàu thứ hai') của Trung Quốc. Là con trai của một tỷ phú trong ngành trò chơi điện tử, Rong được mệnh danh là đứa trẻ 'sinh ra từ vạch đích', lớn lên với những bữa tiệc trên du thuyền, máy bay riêng, biệt thự xa hoa và vô số xe sang. Tùy tâm trạng, cậu ấm này có thể lái bất cứ chiếc xe nào, Bentley Continental GT, Rolls-Royce Phantom, Porsche Turbo Cayenne, hay Cadillac, miễn là thích.
Rong được mệnh danh là đứa trẻ 'sinh ra từ vạch đích', lớn lên với những bữa tiệc trên du thuyền, máy bay riêng, biệt thự xa hoa và vô số xe sang.
Nhưng phần cuộc đời đó, Rong khẳng định đã là quá khứ. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Los Angeles Times, anh thừa nhận không cảm thấy hạnh phúc. Anh nghiệm ra rằng hầu hết những người bạn giàu sang chỉ có cái vỏ hào nhoáng, bên trong họ hoàn toàn trống rỗng.
Rong tự nhắc nhở bản thân rằng mẹ anh, một nhà kinh doanh trò chơi điện tử, đã luôn dạy rằng anh cần phải tự làm một cái gì đó và tạo ra tài sản của riêng mình hơn là dựa vào gia đình để làm giàu.
Thiếu gia này đã đóng cửa công ty cung cấp dịch vụ cho khách hàng giàu có để mở cơ sở phân phối trò chơi điện tử, làm việc chăm chỉ và tích cực tìm kiếm thị trường mới. Anh nói rằng việc huy động vốn và định hướng con đường riêng trong thế giới kinh doanh đã khiến bản thân trở nên khiêm tốn. Rong hy vọng một ngày nào đó mẹ anh sẽ hiểu.
Số tiền từng dành cho những nhà hàng sang trọng và những bộ quần áo hào nhoáng nay được dành để đầu tư vào công ty. Lần cuối cùng Rong đến một câu lạc bộ là để thu thập các cảnh quay cho một buổi giới thiệu nhà đầu tư.
'Tôi không tin rằng bạn có thể vui vẻ suốt ngày mà vẫn kiếm tiền tỷ,' anh nói. 'Để tạo ra một doanh nghiệp, bạn phải làm việc siêng năng. Bạn cần từ bỏ thói chơi xe sang, các cô gái đẹp cùng đồ hiệu để tập trung vào nó. Nếu không, nó sẽ không bao giờ phát triển', Rong nói.