Như mọi năm, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán với các bạn sinh viên thường kéo dài 2 đến 3 tuần. Thay vì chọn về quê ăn Tết, sum họp cùng gia đình, thăm lại các bạn học cũ ở quê nhà, một số bạn sinh viên lại quyết định ở lại Hà Nội.
Có nhiều lý do để các bạn đưa ra quyết định không dễ dàng này nhưng đa phần là vì lý do muốn kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình và trang trải cuộc sống của bản thân.
Phạm Đức Duy (20 tuổi, đến từ Thái Bình) cho biết, bản thân đã có ý định ở lại Hà Nội để làm thêm trong dịp Tết này. Duy chia sẻ: 'Mình muốn tranh thủ dịp Tết để đi làm, kiếm thêm thu nhập để phụ giúp gia đình. Công việc chính của mình là phục vụ tại một quán cà phê và thường thì mình sẽ đi làm xuyên Tết luôn do đây cũng được xem là đợt cao điểm của ngành dịch vụ.
Thu nhập trong khoảng thời gian này có sự chênh lệch khá nhiều so với trong năm. Vì được nhân 3 tiền lương vào dịp Tết nên trung bình mỗi ngày mình sẽ nhận được khoảng 1 triệu đồng. Với khoản thu nhập này, mình gửi một phần về quê coi như là tiền mừng tuổi đầu năm mới cho bố mẹ, phần còn lại thì mình sẽ để dành để chi tiêu cho bản thân'.
Đức Duy bận rộn với công việc phục vụ quán cà phê vào dịp Tết.
Nói về những kỷ niệm khi đi làm thêm vào dịp Tết, Đức Duy chia sẻ: 'Vào ngày Tết, mình hay được khách mừng tuổi hoặc thưởng thêm một khoản tiền nho nhỏ, coi như là lấy lộc đầu năm. Nhờ đó, mình bớt cảm thấy tủi thân hơn khi đón Tết xa nhà'.
Tương tự như trường hợp của Đức Duy, năm nay là năm thứ 2 mà Đỗ Thanh Trọng (21 tuổi, đến từ Thái Bình) không về quê vào dịp Tết. 'Năm nay mình quyết định không về quê ăn Tết mà ở lại Hà Nội để làm thêm công việc pha chế. Do gia đình không có điều kiện khá giả, nên mình cũng phải chắt bóp chi tiêu. Mức lương dịp Tết gấp 3-4 lần so với ngày thường nên đây sẽ là thời gian mình kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống sinh hoạt và phụ giúp bố mẹ.
Mình tính sau khi nhận tiền lương sẽ mua tặng mẹ một chiếc điện thoại mới để tiện liên lạc, số tiền còn lại thì mình sẽ tích góp để trả chi phí thuê nhà và phục vụ cuộc sống cá nhân', Trọng trải lòng.
Cảm xúc trong 2 lần xa nhà vào dịp Tết của Thanh Trọng cũng khác nhau. 'Lần đầu tiên mình đón Tết xa nhà là vào năm ngoái, khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự. Lúc đứng gác ngoài cổng doanh trại vào đêm Giao thừa, mình cảm thấy rất nhớ nhà. Năm nay, khi đi làm, mình có thêm các anh chị, bạn bè đồng nghiệp hỗ trợ nên cũng cảm thấy bớt cô đơn hơn', Trọng bày tỏ.
Đối với Lê Ánh Dương (22 tuổi, đến từ Hà Nam), đây là năm đầu tiên đón Tết xa nhà. 'Mình muốn ở lại Thủ đô đón Tết nên đã quyết định sẽ không về quê năm nay. Mình nghỉ đêm 30 và Mùng 1, sau đó thì sẽ quay trở lại với công việc pha chế vào Mùng 2 Tết.
Mình có gọi điện về thông báo cho cả nhà yên tâm. Bố mẹ mình cũng không trách mắng gì, vì nếu mình tự lo được cho cuộc sống cá nhân thì bố mẹ cũng sẽ cảm thấy yên tâm và vui lòng. Sau Tết, mình có ý định sẽ mua máy tính mới để phục vụ cho việc học, nên tiền lương có được vào dịp Tết này, mình sẽ để dành', Dương nói.
Chọn về quê ăn Tết sau 1 năm nán lại làm thêm
Trái lại, có nhiều sinh viên lựa chọn sẽ về quê sau 1 năm đón Tết tại Thủ đô. Trần Văn Thường (25 tuổi, đến từ Hà Giang) là một trong những trường hợp như vậy. Năm ngoái, Thường ở lại Hà Nội để làm đầu bếp cho một nhà hàng trong dịp Tết Nguyên đán với số tiền lương khá cao, khoảng từ 3-4 triệu đồng trong 5 ngày đầu năm mới.
'Mình gửi về cho gia đình một nửa số tiền mình nhận được. Số còn lại thì mình chia ra, vừa để tiết kiệm, vừa để trả các sinh hoạt phí hàng ngày.
Mình đã từng đón Tết tại Thủ đô. So với địa phương thì mình thấy Tết ở Hà Nội có nhiều hoạt động rất vui. Thế nhưng năm nay mình quyết định sẽ về Hà Giang đón Tết. Do quê mình xa, trong năm cũng không về thường xuyên được nên tranh thủ dịp nghỉ Tết để về thăm và dành thời gian ở bên gia đình', Thường cho hay.
Văn Thường quyết định về quê đón Tết cùng gia đình.
Lê Hiền Thương (20 tuổi, đến từ Quảng Ninh) cũng đã có trải nghiệm 1 năm đi làm xuyên Tết. Thương cho biết, mình được trả 150 nghìn đồng/giờ cho công việc phục vụ tại quán cà phê vào dịp Tết: 'Đây là một số tiền rất lớn so với mức lương mình nhận được vào những ngày thường. Mình để dành khoản tiền đó cho những trường hợp khẩn cấp như phát sinh thêm sinh hoạt phí hay ốm đau...
Mình ở lại Hà Nội làm thêm nên năm ngoái mình không thể đón Tết cùng gia đình. Mặc dù có thêm nguồn thu nhập khá cao để phục vụ nhu cầu cá nhân, thế nhưng mình cũng cảm thấy hơi buồn và chạnh lòng mỗi khi tan ca. Mình nghĩ cả năm đã làm việc xa nhà rồi nên Tết này quyết định không ở lại Hà Nội nữa mà sẽ về quê đón Tết cùng người thân'.