Giấc ngủ chiếm tới 1/3 thời gian trong suốt cuộc đời của con người. Ngoài thời gian ngủ, tư thế nằm cũng đóng một vai trò quan trọng vì nó ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ nói chung. Do đó, để bảo vệ sức khoẻ chúng ta cần điều chỉnh tư thế ngủ tốt nhất và phù hợp với thể trạng cá nhân.
Tư thế ngủ đúng, tốt nhất giúp cải thiện sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật.
Vậy tư thế nằm nào là tốt nhất cho một giấc ngủ ngon?
Tư thế ngủ tốt nhất cho người đau dạ dày, ợ nóng
Những người mắc hội chứng trào ngược hay ợ nóng khi ngủ nên nằm nghiêng bên phải là vị trí dạ dày cao hơn thực quản nên hạn chế lượng axit trào lên thanh quản, khí quản hay phổi gây viêm họng, ho, tức ngực…
Đừng vội nằm ngay sau khi ăn mà hãy vận động nhẹ nhàng chừng 30 phút trước khi nằm và nên kê gối hay giường nằm cao 15-20 cm để ngăn chặn tình trạng trào ngược dạ dày nguy hiểm trong khi ngủ.
Người bị hen suyễn nên nằm nghiêng
Hen suyễn là tình trạng đường hô hấp bị thu hẹp và viêm gây khó thở, ho, thở khò khè. Nhiều bệnh nhân hen suyễn nhận thấy cơn hen suyễn thường xảy ra vào sáng sớm, khiến họ không thể nghỉ ngơi suốt đêm.
Điều này thực chất là do khi cơ thể con người chuẩn bị bước vào giấc ngủ, sức căng của các cơ trơn đường thở tăng lên, dễ gây ra bệnh hen suyễn. Vì vậy, bệnh nhân hen suyễn phải chú ý đến tư thế ngủ của mình.
Ngủ ngửa đầu làm tăng sức cản hô hấp. Ngược lại, ngủ nghiêng có thể làm tăng thông khí hô hấp và giảm cơn hen suyễn. Bạn cũng có thể nâng tựa đầu lên 20cm và áp dụng tư thế ngủ nửa ngả.
Bên cạnh đó, để có giấc ngủ ngon, không bị khó thở dẫn đến tỉnh giấc giữa đêm, người bị hen suyễn nên giảm tối đa các chất có thể gây dị ứng trong phòng ngủ như mùi hương nhân tạo, lông động vật, bụi bặm.
Ga trải giường cần giặt 1 - 2 lần một tuần để loại bỏ mạt bụi và chất gây kích ứng, cân nhắc chuyển sang chất liệu bông tự nhiên thay vì polyester tổng hợp. Mỗi người hạn chế sử dụng quạt tốc độ cao, nếu dùng điều hòa nên chỉnh nhiệt độ phòng ngủ cao hơn bình thường vì không khí lạnh là tác nhân gây khó thở ở người mắc hen suyễn.
Tất nhiên, những tư thế ngủ này không phải là tuyệt đối và cần được cân nhắc dựa trên thể trạng của mỗi người.
Tư thế ngủ tốt nhất cho người hay nghiến răng khi ngủ
Nếu bạn có thói quen nghiến răng khi ngủ gây đau hàm, bạn nên nằm ngửa khi ngủ để hạn chế tình trạng này. Đây là một bệnh di truyền ảnh hưởng đến khoảng 8% người lớn trên toàn thế giới.
Nó có liên quan đến tình trạng cơ thể căng thẳng, lo âu và rối loạn giấc ngủ. Nghiến răng khi ngủ cũng có thể gây ra đau đớn trên răng và hàm, thậm chí có thể thay đổi hình dạng của khuôn mặt của bạn.
Để tránh tình trạng này, bạn nên nằm ngửa khi ngủ. Tư thế này cho phép hàm dưới rơi vào một vị trí tự nhiên và cơ mặt được thư giãn, Carolyn Taggart Burns, bác sĩ nha khoa của Học viện nha khoa Mỹ nói. Để giảm nguy cơ quay đầu của bạn, hãy cố gắng giữ cho cánh tay thẳng vì chúng ta thường có xu hướng vô thức quay về hướng cánh tay cong.
Thoái hóa đốt sống cổ nên nằm ngửa và mặt hướng lên trên
Việc duy trì tư thế nằm ngủ đúng có thể giúp người thoái hóa đốt sống cổ giảm thiểu rõ rệt tình trạng đau nhức, đồng thời giúp giấc ngủ ngon hơn, sâu hơn và khiến tinh thần bệnh nhân thoải mái nhất. Từ đó, quá trình phục hồi và điều trị bệnh thoái hóa đốt sống cổ cũng diễn ra nhanh chóng hơn.
Người bệnh thoái hóa đốt sống cổ khi ngủ nên tuân theo độ cong tự nhiên của đốt sống cổ và thắt lưng, ngủ nằm ngửa, đảm bảo đầu, vai và lưng được hỗ trợ. Với những bệnh nhân này, không chỉ tư thế ngủ quan trọng mà việc lựa chọn chiếc gối cũng là ưu tiên hàng đầu.
Nếu gối quá cao có thể liên tục kéo căng các mô cơ phía sau cột sống cổ khi ngủ, gối quá thấp, nó sẽ làm căng các đĩa đệm và dây chằng của cột sống cổ khi lật người. Gối quá mềm sẽ không nâng đỡ được cột sống cổ, gối quá cứng không chỉ gây khó chịu khi ngủ mà các cơ cột sống cổ cũng không được thư giãn.
Tư thế ngủ tốt nhất cho người ngủ ngáy
Người ngủ ngáy gây khó chịu cho người khác, thậm chí chính người ngủ ngáy cũng phải tỉnh giấc nhiều lần trong đêm. Bạn sẽ ngáy nhiều nếu ngủ ở tư thế nằm ngửa bởi vì ở tư thế này trọng lực cơ thể sẽ kéo nhiều mô ở đường khí quản xuống họng, gây ra tiếng ngáy.
Những người mắc chứng hay ngáy khi ngủ nên nằm nghiêng hay nằm sấp là tốt nhất để hạn chế cơ thể kéo nhiều mô ở đường khí quản xuống họng bị hẹp lại, càng ngủ sâu tiếng ngáy càng to dẫn đến lượng khí vào phổi thấp, khí oxy trong máu giảm. Hơn nữa, ngủ ở tư thế nằm sấp hay nghiêng sẽ giảm được ngáy 80%.
Bệnh tim mạch vành nên nằm nghiêng bên phải
Bệnh tim mạch vành là bệnh do động mạch vành bị tắc nghẽn, trường hợp nặng người bệnh có thể bị thiếu máu cơ tim, thiếu oxy. Để hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch vành bạn thể kiểm soát thông qua chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt nhằm trì hoãn quá trình tắc nghẽn mạch máu.
Bệnh nhân mắc bệnh này phải chú ý nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc. Nếu không ngủ đủ giấc có thể dễ dàng làm tăng thêm gánh nặng cho trái tim bạn.
Bệnh nhân mắc bệnh tim mạch vành nên ngủ nghiêng về bên phải, đầu cao và chân thấp. Ưu điểm lớn nhất của tư thế ngủ này là không gây chèn ép lên tim, đồng thời có thể thư giãn các cơ trên toàn cơ thể, đảm bảo nhịp thở êm ái và ngăn ngừa cơn đau thắt ngực ở mức độ lớn nhất.
Tư thế ngủ tốt nhất cho trẻ em dậy thì
Theo các chuyên gia sức khỏe, nếu muốn cải thiện chiều cao cho trẻ em tuổi dậy thì hay người lớn mong muốn có vóc dáng cao ráo thì nên từ bỏ tư thế ngủ quay sang một bên, lưng cong vòng và tay chân rút lại trong mình. Một tư thế ngủ ngay ngắn mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, nhất là sự giãn nở của xương cột sống, thúc đẩy quá trình sản sinh nội tiết tố tăng trưởng chiều cao trong khi ngủ.