Bên cạnh “introvert” (hướng nội) và “extrovert” (hướng ngoại), tính cách “ambivert” cũng khá phổ biến trong cuộc sống. Trong bài viết này, cùng VOH tìm hiểu về nhóm người “hướng trung” để khám phá những điều thú vị trong những nét tính cách này nhé.
Ambivert là gì?
Ambivert còn được gọi là “hướng trung”. Đây là nét tính cách kết hợp của cả người hướng ngoại (extrovert) và hướng nội (introvert).
Carl Jung là người đưa ra khái niệm 'hướng nội' và 'hướng ngoại'. Người hướng nội thường cảm thấy tràn đầy năng lượng khi dành thời gian một mình hoặc trong một nhóm nhỏ. Họ có xu hướng im lặng và dè dặt hơn.
Người hướng ngoại thường có được năng lượng bằng cách dành thời gian trong môi trường xã hội. Họ thích được giao tiếp với mọi người và thích giải quyết vấn đề với người khác.
Như vậy, vì có sự cân bằng trong cả hai tính cách, người ambivert có thể linh hoạt xoay chuyển giữa việc hướng nội hay hướng ngoại hơn trong những tình huống khác nhau.
Ambivert là tính cách linh hoạt và thú vị - Ảnh: Internet
Đặc điểm của ambivert là gì?
Không phải ai cũng chắc chắn về đặc điểm tính cách của bản thân. Một người hướng nội đôi lúc có thể tự thấy bất ngờ vì khả năng kết bạn của mình, và không phải người hướng ngoại nào cũng nói nhiều hay dễ dàng hòa mình với đám đông.
Sau đây là một vài đặc điểm của người ambivert:
Có khả năng làm việc độc lập hoặc theo nhóm
Những người hướng trung thường thích sự kết hợp giữa làm việc cá nhân và làm việc nhóm. Họ vừa có thể tự hoàn thành mọi việc một cách độc lập và có thể hợp tác tốt với mọi người khi làm việc nhóm.
Đây là khả năng đem lại rất nhiều lợi ích cho ambivert, bởi họ sẽ có thể phát huy khả năng của mình trong mọi trường hợp.
Thoải mái khi giao lưu xã hội hay ở một mình
Một người hướng nội thường cần nhiều thời gian ở một mình để cảm thấy được nạp lại năng lượng. Một người hướng ngoại thường thích ở cạnh người khác để có được năng lượng tương tự. Nhưng một người hướng trung có thể được tiếp thêm năng lượng kể cả khi ở một mình hoặc ở cùng người khác.
Người hướng trung có thể cân bằng giữa việc dành thời gian ở một mình và thời gian dành cho mọi người. Từ đó vẫn có thể tự soi chiếu bản thân và duy trì các mối quan hệ xã hội.
Ở một mình hay giao lưu với mọi người đều không khó với người ambivert - Ảnh: Internet
Có thể nói chuyện phiếm hoặc trò chuyện sâu sắc
Trò chuyện xã giao hoặc trò chuyện sâu sắc đều không gây khó khăn cho người ambivert. Họ vừa có thể trở thành một người kết nối người khác trong một nhóm người, vừa có thể là người sẻ chia và lắng nghe trong những cuộc trò chuyện ít người.
Đôi khi thích sự nổi bật, đôi khi chỉ muốn quan sát
Những người hướng trung không cảm thấy khó chịu khi trở thành trung tâm của sự chú ý. Tuy nhiên, họ không muốn lúc nào cũng nhận được chú ý. Họ cũng không ngại đảm nhận vai trò là người quan sát trong nhiều trường hợp.
Có nhiều phiên bản tính cách khác nhau
Một số người có thể thấy bạn rất hòa đồng và nói nhiều, trong khi những người khác có thể cho rằng bạn là người dè dặt hoặc thu mình hơn. Điều này nói lên những đặc điểm hướng nội và hướng ngoại mà một người hướng trung sở hữu. Mặc dù tất cả các phiên bản đều là của bạn nhưng bạn có thể cảm thấy như mình “thay đổi” tùy theo tình huống.
Người hướng trung thường nhận được nhiều loại nhận xét khác nhau về tính cách - Ảnh: Canva
Có nhiều loại bạn bè khác nhau
Người ambivert có nhiều nhóm bạn. Họ có thể có rất nhiều bạn bè xã giao nhưng cũng có những người bạn rất thân thiết. Đây là sự kết hợp lý tưởng và cân bằng.
Theo đuổi đam mê cá nhân và với người khác
Người ambivert có xu hướng linh hoạt trong cách họ sử dụng thời gian rảnh rỗi. Ví dụ, họ dự định đi bộ đường dài với một người bạn, nếu kế hoạch bị hủy bỏ, họ vẫn cảm thấy thoải mái khi đi chơi một mình. Hoặc ngược lại, họ có thể dự định đi leo núi một mình nhưng vẫn hoan nghênh nếu có ai đó muốn trở thành người đồng hành cùng họ.
Những thuận lợi và hạn chế của người ambivert là gì?
Là người mang những nét tính cách phong phú, một ambivert sẽ có những thuận lợi và hạn chế riêng trong công việc và cuộc sống.
Thuận lợi
Khả năng thích ứng cao: Người hướng trung là người có cá tính riêng. Tuy vậy, họ có khả năng thích nghi với môi trường và hoàn cảnh rất nhanh chóng.
Sự linh hoạt trong giải quyết vấn đề: Họ có thể thay đổi cách nhìn nhận dựa trên nhiều tình huống khác nhau. Đặc điểm này giúp các ambivert dễ dàng kết nối và xây dựng nhiều mối quan hệ trong xã hội.
Khả năng lãnh đạo nổi bật: Ngoài sự quảng giao, họ còn có khả năng kết nối con người do có thể lắng nghe và đồng thời đóng góp ý kiến khi cần thiết. Ngoài ra, họ thường có thể tìm ra những giải pháp cho nhiều vấn đề. Khả năng này đến từ những suy nghĩ đa chiều kết hợp của hướng nội và hướng ngoại.
Sự cân bằng trong cuộc sống: Những người hướng trung thực hiện sự cân bằng trong cuộc sống của họ dễ dàng hơn. Họ dành thời gian cho việc kết nối xã hội và cũng dành thời gian cho bản thân. Họ ưu tiên việc tự chăm sóc bản thân theo nhiều cách khác nhau, điều này có thể giảm thiểu nguy cơ kiệt sức.
Dễ xây dựng các mối quan hệ: Họ có khả năng tạo dựng những mối quan hệ cân bằng và có ý nghĩa. Họ không ngại kết bạn chỉ để vui vẻ nhưng cũng coi trọng việc có những mối quan hệ sâu sắc.
Với sự linh hoạt, người hướng trung thuận lợi trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ - Ảnh: Canva
Hạn chế
Dù sở hữu nhiều thuận lợi, người ambivert cũng sẽ có những khó khăn riêng khi mang trong mình nhiều tính cách.
Khó cân bằng cảm xúc: Đặc điểm của người hướng trung là có nhiều suy nghĩ và cảm xúc phức tạp. Vì vậy, một ambivert nên dành nhiều thời gian để thấu hiểu mong muốn của bản thân, từ đó cân bằng cảm xúc và biết mình thật sự muốn làm gì.
Thiếu quyết đoán: Người hướng trung có thể chuyển đổi linh hoạt giữa hướng nội và hướng ngoại. Nhưng cũng chính tính cách này có thể dẫn đến việc họ bị căng thẳng vì đứng giữa nhiều lựa chọn. Đây là lý do các ambivert có xu hướng lưỡng lự khi phải đưa ra quyết định.
Ambivert nên làm nghề gì?
Người mang tính cách ambivert có thể đáp ứng tốt những công việc có sự hài hòa giữa làm việc cá nhân và làm việc nhóm. Các công việc này sẽ giúp họ thể hiện kỹ năng của cả hai thái cực hướng nội và hướng ngoại.
Sales
Để có thể thuyết phục khách hàng, người bán hàng cần có kỹ năng thuyết phục và thấu hiểu tâm lý khách hàng. Việc lắng nghe và giao tiếp đều là thế mạnh của người ambivert. Vì vậy, sự kết hợp của cả hai khă năng này sẽ giúp người hướng trung có thể trở thành những nhân viên sales xuất sắc.
Người ambivert có những tố chất để trở thành nhân viên kinh doanh giỏi - Ảnh: Canva
Quản lý dự án
Người quản lý cần các kỹ năng giúp đỡ, kết nối và lắng nghe người khác để có thể nắm giữ đầu mối của mọi kế hoạch và hướng dẫn, hỗ trợ các thành viên trong nhóm. Ambivert có những tố chất này để có thể trở thành một người lãnh đạo được kính trọng.
Giáo viên, giảng viên
Người làm nghề dạy học cần có khả năng lắng nghe, thấu hiểu các học sinh với những tính cách và hoàn cảnh sống khác nhau. Họ cũng cần có kỹ năng thuyết trình, nói trước đám đông cũng như chia sẻ, đưa ra lời khuyên cho học sinh và phụ huynh.
Người ambivert, với khả năng thấu hiểu và tự tin chia sẻ của mình, sẽ là những người có thể thành người giáo viên ấn tượng.
Hy vọng bài viết đã có thể giúp bạn hiểu thêm về ambivert là gì? Người ambivert có những lợi thế và hạn chế nào. Ambivert là một trong những khái niệm miêu tả tính cách phổ biến, trên thực tế vẫn còn nhiều kiểu người khác nhau đang chờ bạn tìm hiểu và khám phá. Đừng quên theo dõi VOH Thường thức để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.