Thời gian qua, câu chuyện về hoàn cảnh xót xa của cụ bà Phạm Thị Bảy (80 tuổi, quê Tiền Giang) hằng ngày bán trái cây để chạy thận, xin bác sĩ cho thuốc vì không có tiền trả đã nhận được nhiều sự quan tâm của cư dân mạng.
Bà Bảy và gánh trái cây mưu sinh qua ngày
Chạy thận mệt cũng không dám nghỉ bán
Đều đặn từ 14h đến 21h mỗi ngày, người dân đi ngang qua đoạn đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh bà Bảy ngồi nép mình trên vỉa hè, phía trước một cửa hàng quần áo, trước mặt là những rổ trái cây gồm các loại như mận, đu đủ, xoài hay mít…
'Ở đầu đường hay cuối đường đều có người buôn bán trái cây, họ thấy tôi bán rẻ nên xua đuổi, ép tôi đi chỗ khác. Tôi đành dọn xuống ngồi bán ở đoạn giữa thế này, cũng may là chủ cửa hàng quần áo thương tình nên cho tôi một khoảnh nhỏ trước cửa để ngồi nhờ bán qua ngày, họ không lấy tiền' - Bà Bảy tâm sự.
Ở tuổi xế chiều, bà Bảy hằng ngày vừa phải buôn bán lấy những đồng lời ít ỏi để chi trả cho việc chạy thận 2 lần một tuần, vừa phải cố gắng chắt chiu từng đồng phụ giúp con trai tiền nhà mỗi tháng. Ngồi trò chuyện, bà Bảy giơ hai cánh tay chi chít những vết bầm tím lên, thậm chí có những chỗ còn sưng phù vì dấu vết của mũi kim lấy máu để lại.
'Mỗi lần đi bệnh viện chạy thận đều từ vài trăm, có khi đến một triệu nếu qua nhiều khâu. Buôn bán thì hôm được hôm không, hôm mưa thì ế ẩm lắm, hôm nào lời lắm thì được mấy trăm vì tôi bán rẻ cho người ta thôi. Nên cứ ráng bán qua ngày để có tiền chạy thận là cùng, hầu như không có dư để phụ tiền nhà cho con đâu cô ơi' - Bà Bảy rưng rưng kể.
Những vết thương hằn lại trên cánh tay gầy gò của cụ bà sau những lần chạy thận
Hôm nào không đủ tiền chạy thận bà lại phải vay mượn hàng xóm xung quanh trọ rồi buôn bán dần để trả lại họ. Những lần chạy thận kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ, đau và mệt mỏi có lúc muốn ngất đi nhưng bà Bảy chưa hôm nào dám nghỉ bán, vì nghỉ rồi là không có tiền để lo toan, chạy chữa.
'Lúc trước tôi sống ở quê (Tiền Giang), nhưng con trai út lại làm công nhân ở Sài Gòn, không tiện tới lui chăm sóc nên nó kêu tôi lên Sài Gòn ở trọ cùng. 3 đứa con gái của tôi đều lấy chồng xa xứ, tôi ở với thằng con út đã có vợ, có con rồi. Tôi cố gắng phụ nó được ngày nào hay ngày nó vì dù sao nó cũng còn con nhỏ, còn gia đình của nó' - Bà Bảy thủ thỉ.
Hình ảnh gầy gò, ốm yếu của bà Bảy khiến nhiều người đi ngang qua không khỏi chạnh lòng, xót xa. Nhiều người đi đường thấy bà ngồi buồn bã, khép nép nên thương tình ghé lại ủng hộ. Một số đưa bà Bảy dư tiền nhưng không nhận tiền thối, một số thì chia sẻ hoàn cảnh của bà lên mạng xã hội để kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng mạng, mạnh thường quân và các nhà hảo tâm.
'Nhờ thấy các bài viết trên mạng nên mình mới biết bà mà ghé ủng hộ rồi gửi thêm chút đỉnh. Nhìn bà cỡ tuổi ông bà mình mà thương lắm!' - Chị H.H, một khách hàng mua trái cây chia sẻ.
Nhiều người khách xa lạ ghé mua trái cây ủng hộ bà Bảy
Bật khóc cầm trên tay số tiền lớn chưa từng có trong đời
Được nhiều người biết về hoàn cảnh xót xa ở tuổi 'gần đất xa trời', bà Bảy nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ hơn. Cụ thể vào khoảng 7h30 ngày 25/4 vừa qua, chị Nguyễn Đỗ Trúc Phương (28 tuổi, TPHCM) - người được mệnh danh là 'cô tiên' của trẻ em và người nghèo, chuyên làm việc thiện tại TP.HCM đã có mặt tại nơi cụ bà ngồi bán để trao tặng bà số tiền 50 triệu đồng.
Trúc Phương gặp và trao số tiền 50 triệu đồng mạnh thường quân ủng hộ cho cụ bà
Trúc Phương chia sẻ: 'Mình biết đến bà nhờ các bài viết được chia sẻ trên mạng xã hội. Sau đó, mình kêu gọi các mạnh thường quân, nhà hảo tâm quyên góp và hỗ trợ cho hoàn cảnh của bà. Số tiền tổng cộng mà mình nhận được để trao lại bà là 50 triệu đồng' .
Cầm số tiền 50 triệu đồng trên tay, bà Bảy không khỏi xúc động. Bà Bảy vừa dụi mắt, vừa ngập ngừng nói từng chữ: 'Nhận được tiền tôi nửa mừng nửa khóc, mừng vì được mọi người quan tâm, giúp đỡ để có tiền trang trải việc chạy thận. Nhưng cũng xúc động vì đây là lần đầu tiên được cầm trên tay số tiền lớn như vậy. Thật sự không biết phải cảm ơn như thế nào cho hết…',
Clip: Bà Bảy bật khóc khi nhận được số tiền ủng hộ từ mạnh thường quân
Ngồi bên cạnh bà cụ, chị Phương thân mật gọi cụ là bà Ngoại. Chị xoa lưng, an ủi rồi ôm bà, dặn dò bà phải giữ gìn sức khoẻ và cố gắng chạy thận đều đặn theo phác đồ của bác sĩ.
'Giúp được bà mình vui lắm, ở tuổi này bà còn phải ngồi hơn 8 tiếng hằng ngày để buôn bán. Mình vẫn sẽ tiếp tục theo dõi hoàn cảnh của bà, đến một lúc nào đó khi bà cần, mình vẫn sẽ sẵn sàng hỗ trợ tiếp' - chị Phương chia sẻ.