Nhân kỷ niệm Ngày của Cha (19/6) và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tiin.vn tổ chức cuộc thi 'Về nhà thôi' nhằm tôn vinh tình cảm gia đình, là cầu nối giúp những người con nói lên nỗi lòng của mình với cha mẹ hay kể câu chuyện về chính gia đình của mình. Để cùng nhau chúng ta sẽ lan tỏa những yêu thương, ấm áp trong tháng của gia đình.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về hòm mail: Duthi@tiin.vn (ghi rõ họ tên, địa chỉ, SĐT liên hệ). Bài dự thi có thể thực hiện dưới hình thức sau: bài viết hoặc thơ (kèm ảnh), bộ ảnh (kèm nội dung câu chuyện) hoặc video, tranh vẽ. Bài dự thi yêu cầu chính chủ, chưa đăng tải ở bất cứ đâu, không sao chép dưới mọi hình thức.
Bài dự thi của tác giả Huỳnh Ngọc Thục Trinh (Đà Nẵng)
Tôi - một người con của Việt Nam, và đương nhiên, ba mẹ tôi là những phụ huynh 'châu Á'. Đôi khi tôi tự hỏi, người lớn cũng từng là trẻ con, từng sống theo những cách rất riêng và có những lý tưởng khác nhau. Vậy tại sao khi họ trở thành những bậc phụ huynh, suy nghĩ và hành động của họ lại giống nhau đến thế. Và ba mẹ tôi cũng không ngoại lệ, những vị phụ huynh 'châu Á' khó tính.
Nhắc đến gia đình, không gian quen thuộc nhất là bữa cơm. Và có lẽ lúc ăn cơm là khoảng thời gian duy nhất tất cả thành viên có thể nói chuyện, vì vậy, tránh làm sao được những lúc cãi nhau và la mắng của ba mẹ. Đến lúc đó, chúng ta chỉ đành ăn 'cơm chan nước mắt'. Việc thấy nhiều sơn hào hải vị mà không có tiền ăn thì cũng buồn đấy, nhưng có đau lòng bằng việc mẹ nấu một bàn thức ăn toàn món mình thích nhưng không dám gấp đũa lên ăn chưa? Không biết những người lớn đi làm, những du học sinh ở phương trời xa có còn khóc trong bữa ăn nữa không nhỉ ? Đi xa rồi, tìm đâu ra những khoảng khắc đậm chất gia đình như vậy.
Từ nhỏ đến lớn, đương nhiên tôi đã biết bao lần ăn cơm mẹ nấu, nhưng nhớ nhất, có lẽ là bữa cơm tôi đã khóc rất nhiều, khi đó tôi lớp 9. Vì áp lực ôn Chuyên, vì những lời dị nghị tôi đã phải chịu suốt 14 năm, vì đại dịch Covid, tôi hoàn toàn cách ly với thế giới bên ngoài. Tóc tai bù xù, mắt đỏ hoe vì khóc nhiều quá, tay tôi thì đầy vết cắn. Có lẽ chỉ có cách tự tổn thương chính mình, tôi mới khống chế được cảm xúc của mình trước mặt người khác. Thế nhưng, qua mắt thì ai qua mắt, làm sao mẹ tôi không biết được, khi mẹ thấy vết thương trên tay con gái…
Bữa cơm hôm đó, tôi trả lời tất cả câu hỏi của ba mẹ, trải qua tất cả các trạng thái nói chuyện: từ lớn tiếng, đến nhỏ nhẹ, có khi tôi im lặng không nói gì. Kết thúc bữa cơm dài 3 tiếng, tôi chỉ nói với ba mẹ 1 câu: 'Con có phải con ruột của ba mẹ đâu, chừ có nói chi cũng vô ích'. Hình như chỉ một câu nói, tôi đã phủi sạch công sức nói chuyện của ba mẹ suốt 3 giờ đồng hồ. Thật vậy, khi tôi ra đường, ai cũng hỏi: 'Sao con không giống ba mẹ vậy, có khi nào ba mẹ đem về nuôi cũng có'. Ba mẹ tôi cũng thường gặp những câu hỏi như vậy, khi tôi chẳng giống ba, cũng chẳng giống mẹ.
Quay lại bữa cơm hôm đó, ba mẹ tôi nghe xong liền cười phá lên. Mẹ tôi nói sẽ gọi cho bà ngoại để kể câu tôi vừa nói, lớn to đầu rồi mà suy nghĩ như con nít. Ba tôi nói, tôi học giỏi là nhờ tư duy giống ba, cũng là có điểm giống. Lúc sau ba mẹ nói gì, tôi cũng không nhớ rõ, bởi tôi không cần nghe nữa. Tôi suy nghĩ một lúc lâu, và nhận ra, ba mẹ đã nuôi tôi mười mấy năm trời, nếu thật sự tôi không phải con ruột, ba mẹ vẫn đối xử như vậy với tôi, vẫn yêu thương tôi dù hay la mắng, đó là điều tuyệt vời hơn bao giờ hết. Con nuôi hay con ruột thì cũng là con, và gia đình có như nào nữa thì đó vẫn là gia đình. Bữa cơm hôm đó, tôi không ăn gì, nhưng có lẽ đó là bữa cơm ngon nhất mà tôi được ăn. Ngon bởi đó là do mẹ nấu, và tình cảm gia đình đã gây dựng nên.
Bức thư tôi xin lỗi ba mẹ sau buổi nói chuyện hôm đó
Đây là một câu chuyện không lạ, cái kết cũng chẳng rõ ràng. Vì đó chỉ là bối cảnh trong một bữa ăn bình thường, trong một gia đình bình thường. Tôi chẳng muốn câu chuyện kết thúc, bởi sau này vẫn còn rất nhiều bữa ăn đang đợi tôi, và còn nhiều lời nói của ba mẹ khiến tôi phải suy ngẫm. Sau cùng, có lẽ những hôm ăn 'cơm chan nước mắt' rất buồn, nhưng những người con đi xa nhà, liệu mọi người có đang muốn về ăn cơm và trải qua cái 'buồn' quen thuộc đó không?
>>> Truy cập vào sự kiện của cuộc thi trên Fanpage Tiin TẠI ĐÂY