Nhân kỷ niệm Ngày của Cha (19/6) và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tiin.vn tổ chức cuộc thi 'Về nhà thôi' nhằm tôn vinh tình cảm gia đình, là cầu nối giúp những người con nói lên nỗi lòng của mình với cha mẹ hay kể câu chuyện về chính gia đình của mình. Để cùng nhau chúng ta sẽ lan tỏa những yêu thương, ấm áp trong tháng của gia đình.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về hòm mail: Duthi@tiin.vn (ghi rõ họ tên, địa chỉ, SĐT liên hệ). Bài dự thi có thể thực hiện dưới hình thức sau: bài viết hoặc thơ (kèm ảnh), bộ ảnh (kèm nội dung câu chuyện) hoặc video, tranh vẽ. Bài dự thi yêu cầu chính chủ, chưa đăng tải ở bất cứ đâu, không sao chép dưới mọi hình thức.
Bài dự thi của tác giả Trần Thị Điều (Vĩnh Phúc).
Những món ăn dân dã mẹ nấu vào ngày chờ lúa chín còn theo mãi trong hành trang của chị em tôi. Lúc đói kém mà mẹ vẫn cặm cụi, tảo tần lo được cho các con không đứt bữa thì thật sự đó là ân tình.
Làng tôi ở trên triền đồi thoai thoải, ngoảnh mặt ra cánh đồng, xa hơn chút là triền soi dọc ven sông Bứa. Tháng ba ta, đồng lúa xanh như thảm, ngút ngát, mượt mà. Ai cũng mong cho lúa mau trổ đòng, sai bông, hi vọng vào một vụ chiêm no ấm, bù đắp lại vụ mùa thất bát do trận đại hồng thủy năm qua.
Sáng sớm, nền trời còn đùng đục, không gian như chiếc màn chụp ngả màu sáng trắng, khiến tầm nhìn xa chưa thể nói là ngút mắt. Đó đây, thấp thoáng bóng người đi làm sớm trên cánh đồng, trông nhỏ như những hình nộm đuổi chim ăn lúa. Họ đã quảy phân ra ruộng, bón đón đòng cho lúa. Sau khi hết thì con gái, lúa tròn cổ áo rồi cứng cây hơn. Lá lúa không còn trải ra mượt mà để làm duyên nữa.
Bản lá dường như to hơn, đứng thẳng hơn, trưởng thành hơn. Một vài thửa trên khu đồng cao, thân cây đã có bọng, đang làm đòng. Chỉ một hai tháng nữa là có lúa mới. Đây cũng là những tháng giáp hạt. Bồ thóc, cót sắn các nhà trong làng cũng đang vơi dần. Nhiều nhà còn phải áng khoảng thời gian, chia lương thực theo bữa, theo ngày để đảm bảo vừa có gạo, vừa có hoa màu khác ăn độn chờ mùa gặt tới.
Vòm trời hửng cao hơn khi mặt trời lên. Được ngày nghỉ chủ nhật, chị em tôi đem cuốc, đem liềm theo mẹ ra soi làm cỏ đỗ, cỏ lạc, hòa vào những tốp bà con từ những ngõ xóm đổ ra đồng, ra bãi ngày một đông hơn. Ai cũng muốn đi làm sớm, xong việc còn kiếm chút rau tập tàng đỡ sắn khoai ngày giáp hạt. Tiếng mời chào nhau ăn tạm miếng bánh sắn, củ khoai lang ríu rít vang lên, phá vỡ không gian yên tĩnh của cánh bãi rộng ven sông. Lời khen từ người đi làm đồng, làm soi dành cho những thửa ruộng lúa tốt, những đám ngô non thân mập mạp, lá trải dài như dải lụa.
Vạt soi vừa mới hôm nào còn là một màu nâu xám của đất khô, nay đã phủ một màu xanh mượt của đỗ, lạc, vừng, ngô, bí…Lạc đã cao hơn một gang tay, thân chia nhiều nhánh nhỏ. Từ đốt đầu gốc sát mặt đất, có cây đã bắt đầu bật ra những đốm hoa vàng li ti. Mấy chị em tôi cùng mẹ nhặt cỏ rồi xới đất cho tơi xốp. Chốc chốc, mẹ vừa làm lại vừa hướng dẫn, quan sát nhắc nhở chị em tôi. Mẹ bảo:
- Lạc bói hoa thế này chỉ nửa tháng nữa sai hoa là vun gốc để đợi củ.
Nắng đã dần lên cao. Cánh đồng, vạt soi như bừng sáng. Không gian như rộng ra, vòm trời dường như cao hơn. Công việc đã gần xong, tôi chắc mẩm hôm nay được về sớm. Vừa lúc ấy, mẹ ngửng lên bảo:
- Các con làm cố lên. Xong sớm, mấy mẹ con đi kiếm rau, kiếm ốc về mẹ nấu món này cho mà ăn ngon lắm.
Chị em tôi lon ton sau chân mẹ, men theo con dốc nhỏ dẫn xuống bờ sông. Mùa này cạn, sông Bứa như thu hẹp dòng, làn nước trong xanh chảy tí tách lộ ra những viên cuội trắng. Hai bên bờ, những doi cát nổi lên, mặt đất xôm xốp lớp phù sa pha cát mịn màng. Trên cái bãi bồi khá phẳng phiu ấy mọc lên chi chít những khóm rau dại đủ các loại. Rau má thân rễ bò lan man. Mỗi đốt của sợi dây bò sát mặt đất lại mọc dựng lên một chiếc lá tròn xoe như chiếc ô nhỏ xíu.
Mẹ hướng dẫn chị em tôi đưa mũi liềm, tìm vào tận gốc cắt đứt rễ kéo lên cả chùm, giũ bỏ rác và đất còn bám lại rồi bỏ vào nón lá. Rau cải đồng thân tía, hoa vàng, lá nom khá giống cải canh mẹ gieo ở vườn, được bấm lấy phần thân non. Rau tầm bóp trông giống hệt cây ớt, mùi cũng hăng hăng như thế nhưng thân mập mạp và mọng nước hơn. Vì rau này có mùi hăng nên mẹ bảo bọn tôi để riêng đem về xào tỏi. Đáng chú ý nhất với loại rau này là từng chùm năm bảy quả bằng ngón tay cái mọc ra từ các nách lá. Mỗi quả được bọc trong lớp vỏ mỏng giáp như giấy có hình trái tim be bé treo ngược, trông như chiếc đèn lồng trong đám rước kiệu đêm rằm trung thu. Chị em tôi cứ thế mê mải kiếm tìm rau dại trên vạt soi non mùa cạn.
Thoáng cái quay lại, tôi đã thấy mẹ đem chiếc giành lội lặm dưới sông cùng mấy bà mấy chị. Tôi chạy về phía mẹ rồi lội ào xuống nước. Mẹ vội ngăn lại, chỉ cho tôi lội xuống ven bờ nước cạn, còn mẹ lội ra chỗ sâu hơn. Bắt chước mẹ, tôi cũng cúi xuống lần mò, quờ quạng dưới lớp bùn mát lạnh; chốc chốc lại đưa tay khua khua trên mặt nước xem có phải con ốc con trai hay không, rồi ném vào giành của mẹ.
Một lát sau, mặt trời gần đứng bóng, trời cũng đã non trưa, trên bãi đã thưa dần bóng người, mẹ giục chị em tôi kiểm tra đồ đạc dụng cụ để về kẻo muộn. Trên đôi quang gánh của mẹ một bên là lưng giành ốc với trai, bên kia là rau dại. Chị em tôi đứa vác cuốc, đứa cầm liềm rảo chân thật nhanh theo mẹ về nhà kẻo nắng.
Tôi và mẹ
Về qua hồ, mẹ xóc rửa mớ ốc trai thật sạch. Lúc chuẩn bị nấu bữa trưa, mẹ dặn tôi đổ nước vo gạo, vo sắn vào ngâm trai ốc để chuẩn bị cho bữa tối. Con trai con ốc thấy nước gạo, há miệng nhả bùn mà ăn. Cả buổi trưa tôi trốn ngủ, ngồi bên cái chậu nhỏ mà trêu chúng. Thấy con trai con ốc nào há miệng, thè lưỡi ra là tôi lại lấy cái que chọc chọc. Lập tức chúng rụt lưỡi lại, ngậm miệng nằm im. Đang thích thú với phát hiện mới thì tôi bị mẹ mắng vì phải để im như vậy cho trai cho ốc há miệng mà nhả hết bùn ra ngoài.
Món ăn cho bữa tối được mẹ chuẩn bị khá kĩ càng. Mẹ đem mớ trai ốc đi chà xát, xóc rửa thật kĩ rồi luộc lên, bỏ mấy lá chanh lá bưởi và chút gừng cho có mùi thơm. Chị em tôi xúm quanh mẹ nhặt trai, bóp hết bùn trong bụng, sêu ốc lấy ruột bỏ vào bát. Ruột trai ốc mẹ đem xào với chút hành khô phi dầu sở rồi cho thêm chút mùi tàu, nêm vừa mắm muối. Mẹ đong ba bát bột sắn để ra mâm nhôm, lấy nước lạnh tẩm ướt bột dùng hai tay xoa đều sao cho bột thấm nước ẩm đều. Rau má và cải đồng rửa sạch để ráo nước rồi thái nhỏ. Như vậy mới chỉ là sơ chế.
Tôi quan sát rất kĩ các việc mẹ làm. Mẹ bắc nồi nước luộc trai ốc lên bếp đun sôi lên, một tay mẹ vốc từng nắm bột rắc từng ít một vào nồi, tay kia cầm đũa khuấy vòng vòng đều tay để các hạt bột tơi ra. Chờ cháo sắn sôi sùng sục lên vài dạo cho đủ chín, mẹ bỏ nắm rau tập tàng kia vào, khuấy lại cho sôi lên một lượt nữa. Cuối cùng, mẹ cho trai ốc đã xào vào nồi cháo đảo đều, nêm thêm chút muối cho vừa rồi bắc xuống.
Khác với bữa trưa, bữa tối hôm đó không phải là cơm độn ngô hay sắn khô mà một bát con khoảng ba lạng gạo (cho tám miệng ăn) được nấu riêng, một niêu tép kho tương, chút rau tầm bóp xào tỏi và nồi cháo sắn nấu với rau đồng cùng trai ốc. Chút cơm trắng được bố mẹ chia cho các con ăn lót dạ với tép kho và vị ngăm ngăm ngòn ngọt của rau tầm bóp xào tỏi. Bố mẹ mỗi người được một miếng và cơm. Sau đó cả nhà chia nhau húp cháo sắn. Vị ngọt đậm đà của trai ốc từ sông Bứa hòa với vị ngọt thanh của rau dại ven bãi bồi làm món cháo sắn dễ nuốt hơn. Lần đầu tiên trong đời chị em tôi được ăn món cháo sắn ngon như thế. Đứa nào đứa ấy đều hả hê, no bụng, ăn hết mà vẫn còn tiếc rẻ thèm thuồng, hẹn đến chủ nhật sau. Bố cứ tấm tắc khen ngon mãi. Vừa ăn bố vừa bảo:
- Đấy, các con ạ! Nguyên liệu có thể bình thường nhưng ngon hay không là do cách nấu. Như thế này mới thực sự gọi là "chế biến món ăn" theo kiểu nhà nghèo. Vậy nên người xưa mới có câu: "Trong nhà nội tướng đa mang. Vụng đường tần tảo, kém đường kinh luân". Ý nói người phụ nữ trong nhà có vai trò rất quan trọng, có tần tảo giỏi giang việc bếp núc thì người đàn ông mới rảnh rang mà lo chuyện kinh sử học hành. Bố con mình phải cảm ơn mẹ nhiều lắm các con ạ!".
Chị em tôi lớn lên từ những bữa ăn lần hồi như thế bước qua ngày giáp hạt. Người mẹ đa đoan với chồng con theo nghiệp đèn sách đã âm thầm gánh vác việc nhà để bố tôi yên tâm công tác, chị em tôi chu đáo việc học hành. Mẹ ít học nhất nhà nhưng với bố con tôi, mẹ luôn là người phụ nữ vĩ đại với đức hạnh bền bỉ, chịu thương chịu khó. Trưởng thành lớn lên, công tác làm việc xa nhà nhưng chị em tôi nếu có dịp luôn mong được về bên mẹ. Những món ăn dân dã mẹ nấu vào ngày chờ lúa chín còn theo mãi trong hành trang của chị em tôi.
Lúc đói kém mà mẹ vẫn cặm cụi, tảo tần lo được cho các con không đứt bữa thì thật sự đó là ân tình. "Chị em con may mắn còn được cài bông hồng đỏ trên ngực trái. Tháng ba lại về, mong mẹ bình an bên chúng con." - Lòng tôi thầm nhủ.
>>> Truy cập vào sự kiện của cuộc thi trên Fanpage Tiin TẠI ĐÂY