Nhân kỷ niệm Ngày của Cha (19/6) và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tiin.vn tổ chức cuộc thi 'Về nhà thôi' nhằm tôn vinh tình cảm gia đình, là cầu nối giúp những người con nói lên nỗi lòng của mình với cha mẹ hay kể câu chuyện về chính gia đình của mình. Để cùng nhau chúng ta sẽ lan tỏa những yêu thương, ấm áp trong tháng của gia đình.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về hòm mail: Duthi@tiin.vn (ghi rõ họ tên, địa chỉ, SĐT liên hệ). Bài dự thi có thể thực hiện dưới hình thức sau: bài viết hoặc thơ (kèm ảnh), bộ ảnh (kèm nội dung câu chuyện) hoặc video, tranh vẽ. Bài dự thi yêu cầu chính chủ, chưa đăng tải ở bất cứ đâu, không sao chép dưới mọi hình thức.
Bài dự thi của tác giả Lò Thị Ngọc Anh.
Tôi cũng không rõ từ khi nào người ngoài bắt đầu bảo rằng: 'Cháu giống mẹ cháu thật đấy'. Khi còn bé, người ta bảo tôi giống mẹ từ ngoại hình tới dáng đi, từ cung cách giao tiếp cho đến khi mẹ tôi bảo ngay cả nét chữ của tôi cũng bắt đầu trở nên giống nét chữ mẹ. Nét chữ của mẹ thanh thoát mà thẳng thắn, đủ nét mà liền mạch, bay bổng nhưng cũng cô đọng; chỉ cần nhìn qua là biết rõ những nét tính cách đặc trưng của người viết.
Năm tôi 10 tuổi, tôi đã cảm thấy vô cùng hãnh diện vì được khen giống mẹ, bởi khi ấy mẹ tôi đương là một người có chức vụ cao và được mọi người trân trọng.
Năm tôi 15 tuổi, khi những áp lực học hành và thi cử dồn dập, tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì mẹ thường hay là người tạo áp lực nên tôi chẳng muốn trở thành một người hay làm vậy với người khác.
Năm tôi 20 tuổi, mẹ tôi đã tới tuổi hưu trí và bắt đầu chăm lo cho gia đình nhiều hơn, đồng thời tâm sự với tôi nhiều điều hơn trước, tôi lại bắt đầu cảm thấy sợ hãi vì nghĩ rằng mình sẽ chẳng thể nào đáp ứng được những kỳ vọng của mẹ.
Năm tôi 25 tuổi, tôi bắt đầu nhận ra rằng bản thân mình đang dần trở thành một người phụ nữ như mẹ: cẩn thận, chu toàn và lặng lẽ. Tôi e sợ rằng chuyện này sẽ trở thành một 'lời nguyền', rằng nếu lập gia đình và có con cái, những đứa con của tôi sẽ có cảm nhận như tôi bây giờ.
Mẹ tôi được sinh ra trong một gia đình cơ bản dưới thời chiến, ông ngoại là công nhân mỏ than còn bà ngoại phụ trách việc chăm sóc gia đình. Mẹ tôi là con gái thứ, cũng là người con học giỏi và thạo việc nhất trong gia đình nên trong suốt quá trình học hành, làm việc và phát triển thì mẹ chỉ có một tôn chỉ duy nhất: 'Chỉ có học hành và lao động chăm chỉ mới giúp bản ta thoát nghèo cả về vật chất và tâm hồn'.
Những nét chữ viết vội của mẹ trên hộp thuốc khi dặn tôi tự chăm sóc cho bản thân mình
Trời không phụ lòng người chăm chỉ, sau này không chỉ đạt được nhiều thành tựu khi công tác, mẹ tôi còn xây dựng được một gia đình nhỏ mà đi đâu bà cũng có thể tự hào. Mẹ tôi thậm chí còn được trao thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba với danh hiệu 'Giỏi việc nước, đảm việc nhà'. Nhưng trong cuộc sống tưởng chừng như chẳng cần phải lo âu của mẹ tôi, lại có một người con chẳng hề giống ai như tôi. Tôi đã từng hỏi mẹ: 'Tại sao danh hiệu 'Giỏi việc nước, đảm việc nhà' chỉ trao cho phụ nữ ạ? Trời ơi, con thực sự rất ghét việc phải làm phụ nữ.' Khi ấy mẹ tôi chỉ cười trừ, bảo rằng đó là danh dự, là niềm kiêu hãnh đối với bất kỳ người phụ nữ Việt Nam nào. Bố tôi thì vẫn còn nhớ nguyên 'tuyên bố' dõng dạc từ thuở bé của tôi và sau này thường xuyên nhắc lại 'Lớn lên nhất định không làm đàn bà, làm đàn bà khổ lắm!'. Tôi vẫn thường tự hỏi rằng, có bao giờ việc đảm nhận quá nhiều danh hiệu như vậy: vừa là mẹ, vừa là vợ, vừa lo vun vén gia đình, vừa lo làm việc công tác… mẹ tôi có bao giờ thực sự cảm nhận được hạnh phúc không?
Tôi thường hay nghĩ rằng mối quan hệ giữa Mẹ và Con gái chẳng được khai thác nhiều trên phương tiện đại chúng, bởi quan điểm chung cho rằng mối quan hệ này vô cùng đơn giản như tre già măng mọc, hoặc như những người bạn thân. Mối quan hệ giữa tôi và mẹ thì không được như vậy. Hồi 15 tuổi, tôi đã đọc một cuốn sách tên là 'Hãy chăm sóc mẹ' của nhà văn người Hàn Quốc Shin Kyung Sook. Cuốn sách này là hành trình đi tìm người vợ, người mẹ không may bị lạc mất giữa chốn phồn hoa đô thị của người chồng và những người con của bà. Qua những dòng hồi ức day dứt, đầy xúc cảm của từng thành viên trong gia đình, hình ảnh của người mẹ hiện lên như một người luôn tỉ mỉ, luôn chịu đựng và luôn chăm sóc cho gia đình mà chẳng màng tới mưu cầu của bản thân.
Hồi 20 tuổi, tôi vô tình xem một bộ phim tên là 'Lady Bird' được tới 5 đề cử cho giải Oscar, lấy cảm hứng từ đời thật của chính đạo diễn Greta Gerwig khi kể lại mối quan hệ đầy mâu thuẫn giữa mẹ và con gái. Đối lập với người con gái cá tính và nổi loạn, hình tượng của người mẹ được khắc họa như một người phụ nữ luôn phải kìm nén, luôn phải tảo tần chăm sóc và hàn gắn gia đình. Trong hai tác phẩm ấy, hai người con gái và hai người mẹ là hai mặt của một đồng xu. Tưởng chừng như rất gần, mà lại vô cùng xa cách; tưởng chừng như rất thấu hiểu, mà lại vô cùng mâu thuẫn.
Người con gái cả trong 'Hãy chăm sóc mẹ' đã từng nặng lời với mẹ khi không hiểu tại sao bà có thể hy sinh cho gia đình cả một đời và bỏ quên bản thân mình ở một vùng quê hẻo lánh như vậy; người gái út trong 'Lady Bird' đã từng giận dỗi yêu cầu mẹ phải kể bằng được những khoản mà bà đã bỏ ra để nuôi cô lớn, rồi sau này cô sẽ đi làm kiếm tiền và trả lại cho bằng hết. Nhưng chỉ sau này khi người con gái cả trong 'Hãy chăm sóc mẹ' mải miết đi tìm mẹ để rồi vô vọng, còn người gái út trong 'Lady Bird' rời nhà đi học đại học thì hai người con gái mới nhận ra rằng họ đã vô tâm với người mẹ của mình đến nhường nào. Họ chẳng biết ước mơ của mẹ là gì, thời gian biểu của mẹ ra sao, hay điều gì khiến mẹ hạnh phúc. Họ đã từng ngỡ ngàng, từng cảm thấy mẹ mình là người xa lạ chứ không phải người mẹ đã sinh ra họ mà họ đã biết gần một phần tư cuộc đời. Tôi đã từng là một người con gái vô tâm và mặc định rằng mẹ sinh ra đã là mẹ như những cô gái ấy.
Mẹ tôi từng bảo tôi về quê sống gần với gia đình, tôi đã luôn e dè và tìm mọi lí do để từ chối. Như bao người cùng tuổi, tôi luôn đau đáu rằng tôi sẽ không sống đủ cho bản thân mình. Tôi chứng kiến một ngày của mẹ, hè cũng như đông, từ sáng sớm tới tối mịt, mẹ tôi dành hết thời gian cho gia đình. Nhưng thế nào là đủ, thế nào là chưa đủ? Vốn dĩ chẳng có thước đo, cũng chẳng có hệ quy chiếu nào cho cuộc sống đủ đầy cả. Tôi không thích việc dành thời gian cho gia đình, vì vậy tôi sợ làm mẹ, sợ trở thành người như mẹ tôi. Tôi vẫn cứ định sống như thế, sống tách biệt với gia đình và chỉ sống cho riêng bản thân của mình mà thôi.
Cho tới khi gia đình tôi xảy ra biến cố: ba thành viên trong đại gia đình tôi bỗng chốc chẳng còn trên cõi đời này nữa. Đường đột tới mức chẳng ai sẵn sàng nói lời chia ly và nỗi đau mất người thân trong tâm hồn như một vết thương vật lý sẽ chẳng bao giờ lành lại. Người lớn tuổi nhất khi ấy là bà ngoại của tôi. Bà ngoại ra đi vào thời điểm năm mới, trong những ngày lạnh giá nhất của mùa đông. Khi ấy mẹ tôi đã là người lý trí nhất, mẹ đứng lên sắp xếp quán xuyến công việc trong tang lễ, lo lắng từng chút một cho tới khi mọi việc vẹn toàn. Tôi đã nghĩ rằng mẹ của mình vô cùng mạnh mẽ và quyết đoán, cho tới khi tôi thực sự thấy mẹ suy sụp trên nền đất lạnh gào khóc về người mẹ đã qua đời của bà.
Sau khi trở về từ tang lễ, tôi đã báo với mẹ rằng tôi sẽ rời đi ngay ngày hôm sau. Tôi vẫn nhớ ánh mắt khẩn thiết của mẹ như nói lên rằng 'mẹ đã mồ côi cha mẹ rồi' giờ chỉ có mình tôi là người phụ nữ thân thiết nhất với mẹ mà thôi. Trong phút giây ấy, tôi dường như cảm nhận được sự đau đớn về âm dương cách biệt chẳng thể gặp lại, nặng nề hơn bất cứ sự cách biệt nào trên đời. Ấy vậy mà trong những khoảng thời gian qua, khi mà mẹ ép tôi phải chăm chỉ học hành, khi mà mẹ ép tôi phải làm bất cứ việc gì tôi không muốn, tôi đã từng nghĩ rằng mẹ thật vô tâm quá, thật chẳng biết quan tâm đến cảm xúc của con cái và mẹ sinh ra là để gây áp lực lên người khác.
Nhưng bất kể người mẹ nào, trước khi trở thành mẹ đều đã từng là con gái. Những người con gái đã từng có ước mơ, đã từng có khát vọng, đã từng biết điều gì khiến mình trở nên hạnh phúc nhất; giờ đã phải trở thành những người mẹ gánh cả thế giới trên lưng. Đáng nhẽ tôi phải gần gũi với mẹ nhiều hơn, phải yêu thương và chăm sóc mẹ nhiều hơn, để mẹ tự hào vì tôi là con gái của mẹ nhiều hơn mới đúng. Tôi nhận ra rằng mối quan hệ của những người mẹ và những người con gái vừa phức tạp, lại vừa đơn thuần, và câu chuyện tình yêu xúc động và sâu sắc nhất.
Những năm tháng sau này, tôi càng ngày càng nhận ra rằng không phải chỉ gen mới là thứ tạo nên và gắn kết gia đình, mà chính tình yêu mới là nền tảng vững chắc nhất làm được điều đó. Tôi từng e ngại rằng việc trở thành một người tần tảo sớm hôm, vun vén chăm lo cho gia đình, hoạt động và công tác tốt ngoài xã hội giống như mẹ tôi là một 'lời nguyền', và 'lời nguyền' đó sẽ chẳng bao giờ đem lại cho bà hạnh phúc. Nhung không, tôi đã từng hỏi mẹ về niềm hạnh phúc của mẹ, mẹ đã tự hào nhìn về hướng ảnh gia đình.
Đối với tôi, được sinh ra và được nuôi dưỡng trong vòng tay của cha mẹ, được chứng kiến những sự ngưỡng mộ của người khác dành cho mẹ, đồng thời thấy được niềm hạnh phúc trong thanh âm và sự tự hào trong ánh mắt của bà, tôi nhận ra trở thành một người giống mẹ là một 'phước lành'. Từ hôm nay, tôi sẽ về nhà với mẹ, với bố, với gia đình. Tôi sẽ chăm sóc, tôi sẽ thể hiện tình yêu thương nhiều nhất có thể. 'Nhà' không chỉ là địa điểm, nhà là một cảm giác, nhà là những người ta yêu thương.
>>> Truy cập vào sự kiện của cuộc thi trên Fanpage Tiin TẠI ĐÂY