Nhân kỷ niệm Ngày của Cha (19/6) và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tiin.vn tổ chức cuộc thi 'Về nhà thôi' nhằm tôn vinh tình cảm gia đình, là cầu nối giúp những người con nói lên nỗi lòng của mình với cha mẹ hay kể câu chuyện về chính gia đình của mình. Để cùng nhau chúng ta sẽ lan tỏa những yêu thương, ấm áp trong tháng của gia đình.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về hòm mail: Duthi@tiin.vn (ghi rõ họ tên, địa chỉ, SĐT liên hệ). Bài dự thi có thể thực hiện dưới hình thức sau: bài viết hoặc thơ (kèm ảnh), bộ ảnh (kèm nội dung câu chuyện) hoặc video, tranh vẽ. Bài dự thi yêu cầu chính chủ, chưa đăng tải ở bất cứ đâu, không sao chép dưới mọi hình thức.
Bài dự thi của tác giả Nguyễn Vũ Bảo Trâm (Đồng Nai).
Ngắm nhìn thật kĩ tấm hình cuối cùng con được chụp chung với cả ba và mẹ, con thấy nhớ ba thật nhiều dù kí ức rất mơ hồ. Không phải ngẫu nhiên mà có tấm hình này nhưng đó là sự định trước khi ba biết sẽ bên con không bao lâu nữa.
Điều này con biết được khi đọc nhật kí ba để lại. Quyển nhật kí với trang đầu tiên viết về lần đầu ba mẹ gặp nhau và trang cuối cùng ba dành riêng cho con để khép lại một đời người.
Mẹ của con kể: Ngày Tân hôn, ai ai cũng vui mừng vì một cái kết đẹp của chàng y sĩ và cô giáo nhỏ. Chàng y sĩ còn học thêm nghề may để may cho mẹ trang phục đến lớp. Lấy ba được 1 năm thì con chào đời, cũng là lúc ba phát hiện mình có khối u ở đùi. Ba giấu mẹ, âm thầm chịu đựng.
Nhưng rồi, vô tình mẹ thấy ba cất vội cái gì đó vào sổ tay may vá khi mẹ đi dạy về. Chẳng thể giấu mãi, khoảnh khắc ấy… mẹ của con từ người phụ nữ hạnh phúc nhất đã bắt đầu bước vào con đường đau khổ, nỗi đau của người bất lực nhìn người mình thương mỗi ngày một xa mình hơn trên cuộc đời dương thế.
Giai đoạn cuối, ba không thể bước đi được nữa. Phải dừng lại thật rồi. Ba nhìn những người thân xung quanh, khẽ nhìn mẹ và con lần cuối. Ba con không khóc, chỉ mỉm cười nói với mẹ: 'Anh xin lỗi vì lời hứa yêu thương em và con suốt đời nhưng chỉ kéo dài được đến hôm nay. Hứa với anh, đừng ở vậy'. Mẹ chết lặng, ôm con. Chàng trai 28 tuổi đã thật sự rời xa mẹ. Ngày ấy, con quá nhỏ nên chưa hiểu đây là sự chia ly đau khổ nhất của đời người...
Năm đó, mẹ của con 26 tuổi. Mẹ dẫn con về ngoại sống. Từ người phụ nữ nhỏ nhắn yếu đuối, mẹ trở nên mạnh mẽ, đúng hơn là buộc phải gồng mình lên vì cuộc sống, vì thiên chức vừa làm mẹ, vừa làm cha.
Con còn nhớ mẹ nói mẹ thích ăn cơm nguội buổi sáng với mắm ớt. Con ngây thơ nghĩ mẹ thích thật nên cứ vô tư ăn những món ngon. Có nhiều hôm, con thì ăn bún, mẹ thì lấy nước bún chan cơm ăn. Con ngạc nhiên hỏi 'Sao mẹ không ăn bún?'. Mẹ cười nói: 'Trên trường mẹ ăn nhiều nên giờ mẹ ngán bún rồi'. Cứ thế, con lớn lên từng ngày với những điều tốt nhất có thể mẹ dành cho con.
Thời gian trôi qua… Ngôi nhà 3 thế hệ cùng sống chung cũng nảy sinh phức tạp. Ngoại bị bệnh. Lúc ngoại tỉnh thì vô cùng thương hai mẹ con nhưng lúc bệnh thì có khi lấy chổi đánh mẹ. Mẹ chấp nhận chịu đánh chịu chửi vì biết ngoại bị bệnh nên mới thế. Con chẳng thể làm gì giúp bà và mẹ được, chỉ biết học và học.
Nối gót mẹ, con trở thành cô sinh viên Sư phạm. Mỗi tháng về thăm nhà, con vẫn thấy mẹ bên chén cơm nguội sáng sớm, chỉ khác xưa là hạt cơm có vẻ dẻo hơn một chút và đôi mắt mẹ có vẻ hoen đỏ. Ngoại nói với con rằng từ ngày con đi học ở xa, ngoại vẫn thấy mẹ đọc nhật kí của ba trước khi đi ngủ…
Có lẽ là để tình yêu của ba tiếp thêm sức lực cho mẹ, cũng có thể là để mẹ thấy mình không lẻ loi một mình. Và con biết, mẹ đã không thể hoàn thành di ngôn của ba, bởi tim mẹ chẳng thể đón nhận thêm ai khác ngoài chàng y sĩ năm xưa.
Đến nay, con đã đứng trên bục giảng 12 năm, mẹ của con cũng đã về hưu. Hàng ngày đi dạy về, con lại được ăn những bữa cơm mẹ nấu. Cuộc sống đã có chút cải thiện nhưng mẹ vẫn giữ nếp sống xưa, vẫn chừa miếng ngon cho ngoại và con. Con vẫn chưa làm được gì cho mẹ, ngoài việc góp thêm thành viên để gia đình mình trở thành gia đình bốn thế hệ. Và trong ngôi nhà ấy, có một người mẹ thứ hai mang tên 'bà ngoại'…
Ba tháng mười ngày, mẹ nấu cây 'máu đỏ' cho con, mẹ còn tắm cho cháu ngoại vì sợ tay con sẽ nổi gân do mới sinh em bé. Đến bữa, mẹ dỗ cháu để con có thể nhẩn nha ăn cơm và mẹ luôn là người ăn cuối cùng trong nhà.
Khi vợ chồng con đi làm từ sớm, mẹ cũng kiêm luôn cả 'cô nuôi dạy trẻ'. Bàn tay người phụ nữ như là khuôn mặt thứ hai của họ, vậy mà giờ đây, bàn tay ngòi bút của mẹ ngày nào đã được thay thế bởi bàn tay nhăn nheo và gánh luôn những gân guốc của bàn tay tôi vốn phải có.
Giữa cuộc đời chênh vênh, mẹ luôn vững vàng và sắt son thủy chung. Thân cò lặn lội nuôi con nên người. Cả thanh xuân mẹ dành cho con. Cả phần đời còn lại mẹ dành cho cháu. Đến hôm nay, tuổi của ngoại đã cao, cộng với bệnh tật làm ngoại không ngủ được nên ngoại luôn muốn mẹ cùng thức trong đêm. Đôi mắt mẹ ngày xưa đẹp lắm, nhưng hôm nay cũng không giấu được sự mệt mỏi của cuộc sống.
Con bâng quơ hỏi mẹ 'Nếu bây giờ có một điều ước thì mẹ ước gì'. Trước đây có lẽ mẹ của con sẽ ước con nên người, con được hạnh phúc, con được bình an... Nhưng hôm nay điều ước của mẹ thật làm con bất ngờ: 'Mẹ ước được ngủ một giấc đến sáng'. Ôi! Mẹ của con! Con thấy nhói lòng khi nghe mẹ nói thế. Có lẽ cũng có lúc mẹ không còn muốn gồng mình. Một điều ước rất thật, rất đỗi đời thường mà bao người chẳng cần phải ước ao cũng hiển nhiên có được.
Gần hết một đời mẹ hi sinh thầm lặng. Con cứ vô tư theo đuổi những ước mơ, để mẹ lại phía sau mà không biết rằng mẹ cũng có ước mơ của riêng mình. Làm mẹ, con đã biết được những giấc ngủ không tròn, những trở mình trong đêm, những yêu thương không diễn tả thành lời... Làm mẹ, con càng cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc vì được làm con của mẹ. Mẹ mãi luôn là bến đỗ bình yên nhất của đời con.
Thế nhưng, từ ngày có bé Hải Âu, bà và mẹ ngày càng ít hiện diện hơn trong tâm trí con. Con cứ tất bật mải mê lo cho cuộc sống, đôi khi mệt mỏi còn tỏ ra cáu gắt khó chịu sau khi tan làm về nhà. Vậy mà bà và mẹ vẫn đợi con trong ngôi nhà quen thuộc, vẫn thói quen chừa cho con cháu những món ăn ngon. Thế giới của bà và mẹ chẳng hề thay đổi, thế giới của con đã có nhiều đổi thay…
Rồi những mâu thuẫn giữa các thế hệ dù muốn hay không vẫn xảy ra. Vợ chồng con quyết định ra riêng trong một tâm trạng không thật sự vui vẻ gì. Cũng từ đó, dù chỉ cách mấy bước chân nhưng sao bước qua ranh giới ấy lại khó đến thế. Có lẽ cái tôi của bản thân quá lớn, lớn đến mức tình mẫu tử thiêng liêng cũng không vượt lên được.
Bất chợt, hôm nay con đọc được một bài viết, trong đó có một câu làm con bị ám ảnh khôn nguôi: 'Năm tháng vẫn mãi trôi, thời gian không trở lại. Bạn chẳng bận rộn như bạn nghĩ, năm tháng cũng không dài như bạn tưởng. Rồi một ngày bố mẹ bạn sẽ già đi'… Con thấy rất cay nơi khóe mắt. Ba của con đã không còn có cơ hội để già thêm nữa. Giờ con chỉ còn có bà và mẹ là những người yêu thương con vô điều kiện, là những người quan trọng nhất của đời con.
Đã lâu rồi con chưa ngắm nhìn ngoại thật kĩ, đã lâu rồi con chưa nắm đôi bàn tay mẹ. Con tự trách mình sao quá vô tâm với đấng sinh thành dưỡng dục. Nhưng... giờ vẫn còn kịp phải không bà và mẹ ơi!
Con sẽ trở về, trở về ngay hôm nay để xin mẹ thứ tha! Trở về để được tiếp tục làm con gái bé bỏng ngày nào của mẹ, trở về để được ngụp lặn mãi trong tình yêu của gia đình. Và trở về để đón 'Ngày gia đình Việt Nam' thật đặc biệt của tình thân!
Ba ơi! Con cám ơn ba và mẹ đã cho con sự sống ở đời này. Con thật hạnh phúc vì được làm con của ba mẹ. Con sẽ chăm sóc bà và mẹ, sẽ không để mẹ phải đau lòng thêm nữa. Xin ba hãy tin con. Hẹn một ngày bà, ba mẹ và chúng con sẽ được đoàn tụ sum vầy, ba nhé!
Con gái Bảo Trâm của ba mẹ!
>> Truy cập vào sự kiện của cuộc thi trên Fanpage Tiin TẠI ĐÂY