Nhân kỷ niệm Ngày của Cha (19/6) và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tiin.vn tổ chức cuộc thi 'Về nhà thôi' nhằm tôn vinh tình cảm gia đình, là cầu nối giúp những người con nói lên nỗi lòng của mình với cha mẹ hay kể câu chuyện về chính gia đình của mình. Để cùng nhau chúng ta sẽ lan tỏa những yêu thương, ấm áp trong tháng của gia đình.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về hòm mail: Duthi@tiin.vn (ghi rõ họ tên, địa chỉ, SĐT liên hệ). Bài dự thi có thể thực hiện 1 trong 3 hình thức: bài viết (kèm ảnh), bộ ảnh (kèm nội dung câu chuyện) hoặc video. Bài dự thi yêu cầu chính chủ, chưa đăng tải ở bất cứ đâu, không sao chép dưới mọi hình thức.
Bài dự thi dưới đây là của tác giả Hiền Lê (Hà Nội).
17h ngày 5/3/2005 ……… Về nhà thôi, con!
-Dạ…, nhưng …
-Tút, tút, tút………..(Đầu dây bên kia)
18h ngày 5/3/2005………… Về nhà thôi, con! Sắp đến ngày của mẹ (8/3), các con về cho vui nhé!
- Dạ cũng được bố ạ.
22h ngày 5/3/2005………..Về nhà thôi, hai chị em! Các chú (đồng nghiệp của bố) ra đón đây rồi. Trong làn mưa mỏng manh của mùa xuân, chuyến xe đi nhanh hơn bình thường, còn chị em chúng tôi vẫn cười nói vui vẻ.
5h sáng ngày 6/3/2005………Về nhà rồi chị ơi! Ủa, bố đâu, mẹ đâu rồi? Ủa sao nhà mình đông người thế này ạ?
Tiếng thét cất lên, chị ngã xuống, người tôi run rẩy, mọi thứ lúc đó vỡ oà. Chúng tôi ngồi thấp thỏm mong chờ giây phút mẹ đưa bố về nhà.
7h sáng ngày 6/3/2005, người về trước là mẹ, bóng dáng tần tảo khoác chiếc áo da quen thuộc của bố đang sắp đặt những thứ cần thiết. Và mẹ trấn tĩnh bà nội, dặn dò hai chị em không được khóc, phải bình tĩnh khi bố về để được nhiều thêm những giây phút sum vầy.
8h sáng ngày 6/3/2005, bố đã về! Nhiều người đưa bố về, bác sĩ ở bên bố túc trực. Bố muốn tự đi, nhưng không được, mọi người đẩy xe đưa bố vào. Tháng 3 mà trời vẫn lạnh, bố khoác chiếc áo quân ngũ giản dị quen thuộc, những tiếng ho bắt đầu vang lên.
9h sáng ngày 6/3/2005, lần lượt bà nội, mẹ và chúng tôi được vào bên cạnh bố. Câu thần chú 'không được khóc' nhẩm gần 4 tiếng qua tạo sức mạnh để tôi nắm tay và nhìn vào mắt bố.
'Về nhà, con nhé! Một trong hai con sau này nhớ về quê làm việc để lo cho gia đình, tổ tiên ta nhé'! Đó là lời dặn sau cùng của bố trước khi rơi vào hôn mê. Vì sao chúng tôi không được khóc? Vì bố luôn muốn hai chị em vui vẻ, khỏe mạnh, không gục ngã khi bố…. Những giọt nước mắt rơi xuống sẽ làm bố lo lắng, dễ sốc, và thời gian bên bố sẽ ngắn lại.
Từ ngày bị bệnh, bố luôn dặn người lớn phải giấu hai con để chúng tôi yên tâm học hành và giữ sức khoẻ. Lúc đó tôi mới là cô tân sinh viên năm nhất, còn chị là sinh viên năm hai. Đến khi bố biết không còn thời gian nữa, cũng chính người quyết định tự gọi chúng tôi về với một lý do trấn an: Sắp đến ngày của mẹ. Bố không muốn chúng tôi khóc trên đường từ Hà Nội về Vinh, không muốn chúng tôi lo nghĩ những chuyện buồn phiền.
Bố của tôi là như vậy! Người luôn nghĩ cho con cái, gia đình, người thân, đồng nghiệp trước cả bản thân mình. Bố là như vậy, mệt không kêu, đau không than, tự chịu đựng và sắp xếp mọi việc xung quanh.
Tôi sẽ không bao giờ quên được 18h ngày 6/3/2005 - giây phút chúng tôi phải rời xa vòng tay quen thuộc và nói lời từ biệt bố. Đó cũng là giây phút đầu tiên mâm cơm thiếu đi một chiếc ghế, những bức ảnh gia đình thiếu đi một thành viên.
17 năm đã trôi qua nhưng mỗi khi nhớ lại ngày tháng ấy, tôi vẫn chưa thể nguôi ngoai. Khi gõ những dòng này, ký ức lại hiện về với những giọt nước mắt, tôi nhớ bố vô cùng!
Tôi hiểu rằng, chúng tôi chỉ xa bố về địa lý, không gian, còn trong tâm hồn, lúc nào người cũng ở gần rất gần. Bao lần vấp ngã, tôi ngước nhìn trời cao để được tiếp thêm sức mạnh; bao thác ghềnh thử thách, tôi trò chuyện với bố bằng con tim để lấy động lực. Và cứ thế, tôi lớn lên, trưởng thành, sống như tâm nguyện bố hằng mong ước. Chị gái tôi đã trở về ngay khi rời mái trường đại học. Một tay chị chăm sóc mẹ, lo lắng cho gia đình tổ tiên theo lời bố căn dặn.
Từ ngày xa bố, 'về nhà' với tôi là được trở về quê hương, quây quần bên mâm cơm của mẹ, thủ thỉ những câu chuyện không đầu không cuối nơi miền gió lào cát trắng. 'Về nhà' còn là về với những ký ức ngọt ngào của tuổi thơ, được kể cho các con nghe những thành công đáng tự hào của ông ngoại năm xưa.
Bố tôi ra đi vào một ngày mùa xuân mưa bụi nhạt nhoà, gió cuối mùa trở lạnh. Giờ đây, cứ mỗi độ xuân sang cũng là ngày chúng tôi tự nhắc nhớ để trở về, để 'đoàn tụ' bên bố.
'Về nhà thôi, con' - đó chính là tiếng gọi của bố và của cả mùa xuân!
Xin mạn phép lấy bức tranh con gái vẽ “mâm cơm gia đình- ngày trở về” để nhớ đến người bố kính yêu của tôi!
(Tranh của Hoàng Diệp Chi, 8 tuổi)
>>Xem thêm: Truy cập vào sự kiện của cuộc thi trên Fanpage Tiin TẠI ĐÂY