Nhiều năm nay, chị Lê Thanh Thuỷ (Hưng Yên) sống trong cảnh im lặng với chồng và chính những đứa con của mình. Chị Thuỷ làm kế toán cho một công ty may, thu nhập không nhiều nhưng chị luôn chắt chiu cố gắng lo cho gia đình. Ngược lại, chồng chị vừa lười làm lại có nhiều tật xấu.
Nhiều lần, bạn bè khuyên chị Thuỷ ly hôn nuôi con cho đỡ mệt nhưng muốn níu giữ gia đình để con có cha, gia đình hoàn thiện.
Tuy nhiên, chồng chị lười, không làm việc, cờ bạc lại thường xuyên mắng chửi chị Thuỷ. Cách đâu 3 năm anh còn đánh chị Thuỷ phải vào viện. Công an xã đã yêu cầu giám định thương tật nhưng chị Thuỷ thương con nên làm đơn tự giải quyết.
Chị Thuỷ lại trở về sống cùng chồng, anh chồng không dám đánh vợ nhưng thường xuyên chửi chị Thuỷ. Anh còn cho rằng vợ mình có thai với người yêu cũ, đủ chuyện quá khứ của vợ để bới móc, chì chiết.
Anh ta dùng những từ ngữ như 'con điếm', 'con đĩ' để nói vợ. Chị Thuỷ luôn giữ im lặng. Chị sợ lên tiếng là chồng sẽ đánh.
Từ 6 tháng trước, chị Thuỷ mất ngủ liên miên, người lúc nào cũng mệt mỏi thậm chí chị không kiềm chế được cảm xúc. Ở nhà chị không nói gì nhưng khi đến công ty chị như trút hết những bí bách trong lòng mình với đồng nghiệp, chị thường xuyên la hét, cáu gắt.
Ảnh minh hoạ.
Bạn khuyên chị Thuỷ đi kiểm tra tâm lý vì trông sức khoẻ rất kém. Chị Thuỷ đi khám tổng quát và test bài trầm cảm với các thang điểm. Bác sĩ cho rằng chị bị rối loạn cảm xúc nặng.
Cũng giống chị Thuỷ, chị Hồng Nhung - sinh năm 1989, Thường Tín, Hà Nội từng khổ sở vượt qua bệnh rối loạn lo âu vì bị bạo hành tinh thần. Chị Nhung làm nhân viên cắt tóc, chị gặp chồng, anh đã có 1 đời vợ.
Chị Nhung cho biết chồng chị gia trưởng, cục súc. Anh ta luôn bắt vợ phải làm theo ý mình. Chị Nhung làm trái ý sẵn sàng lao vào cho chị cái bạt tai, xưng hô mày tao với vợ. Nhiều lần chị Nhung xấu hổ vì có bạn bè anh ta sẵn sàng nói: Mày - tao.
Chồng không cho chị về nhà ngoại hay gặp gỡ bạn bè của mình. Có lúc, chị đang đi làm, anh ta gọi điện bảo về là chị Nhung phải xin về ngay nếu không anh ta sẽ lao đến cửa hàng mắng chửi cả cửa hàng vì cái tội: 'không cho vợ tao nghỉ'.
Chị Nhung muốn ly hôn giải thoát cho mình nhưng anh ta nói rằng nếu ly hôn chị ra đi người không, không được nuôi con. Chị Nhung cũng sợ chồng không cho mình nuôi con, ra toà chị cũng thua vì không có công việc ổn định cũng như nhà cửa để đảm bảo cho con. Chị đành nhẫn nhịn sống cạnh chồng, bản thân chị cũng chưa biết mình kéo dài cuộc sống này đến bao giờ.
Khó định lượng bạo hành tinh thần
Theo BS Huỳnh Thanh Hiển - Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, bạo lực tinh thần rất khó định lượng. Người ta chỉ định lượng được bằng hồi cứu. Ví dụ người phụ nữ từng bị bạo hành, có rối loạn lo âu thì y khoa sẽ hồi cứu trong cuộc sống họ có bị bạo lực tinh thần nữa hay không?
Bạo lực tinh thần, nạn nhân phải chịu các kiểu hành hạ như chửi mắng, hạ nhục với những lời lẽ thô thiển, nặng nề xâm phạm đến nhân phẩm và danh dự. Không những thế, nó còn tồn tại dưới dạng như đe dọa tinh thần, khủng bố tâm lý... đẩy nạn nhân đến sự khủng hoảng, phẫn uất. Hầu hết các trường hợp bạo lực tinh thần thường xảy ra ở các gia đình có trí thức hơn.
Bạo lực thể chất có thể giám định bằng vết thương hiện hữu trên cơ thể còn bạo lực tinh thần rất khó. Có những người chồng họ nói gì họ cũng kệ, không để ý, không bị ảnh hưởng tinh thần. Nhưng cũng có người phụ nữ họ lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi những lời nói, hành động mang tính đe doạ của chồng - dẫn tới sang chấn tâm lý, rối loạn tâm thần. Vì vậy, BS Hiển cho biết bình thường khó lấy chuẩn mực nói lời này, nói lời kia để khẳng định đó là bạo lực tinh thần.
'Các hành động lời nói làm tổn thương về tinh thần ở mức nghiêm trọng, thậm chí đến mức, trong nhiều trường hợp, nạn nhân có thể tìm đến những hành vi nguy hiểm như hủy hoại bản thân, tự sát...
Khi khám trực tiếp cho người bệnh, bác sĩ thường phải hồi cứu lại và đa phần các trường hợp này đã từng bị đánh đập ít nhất 1 lần' - BS Hiển nói.