'Mẹ nghe nhé và hãy đợi nghe tiếng tim con đập một lần nữa'
Gặp chúng tôi trong căn nhà cấp bốn của bà ngoại nằm ở phố Tân Mỹ (Nam Từ Liêm, Hà Nội), chị Nguyễn Trần Thùy Dương (SN 1985, mẹ bé Hải An) đã nhiều lần nghẹn ngào, không nói lên lời khi ngồi cạnh bàn thờ của con.
Theo chị Dương, từ khi con ra đi chị không thể ngủ được vì nhớ con và ngoài thời gian lên chùa nghe kinh phật cầu cho con siêu thoát, phần lớn thời gian còn lại chị xem lại những hình ảnh.
Mỗi lần mở video cũ, thấy con gái cầm máy sấy giả làm micro hát bi bô hay hào hứng dạy cún cưng ngồi, chị Dương nhoẻn miệng cười nhưng nước mắt tuôn rơi.
Người mẹ 33 tuổi kể, sáng 27/2, chị rời nhà đến trường dự lễ vinh danh Hải An nhưng tâm trạng rất hụt hẫng khi bình thường hai mẹ con hay đèo nhau đi, trời mưa con thường rúc vào lòng mẹ.
Hình ảnh bé Hải An khi còn sống do mẹ cháu cung cấp và đồng ý không che mặt.
'Còn hôm nay thì mình đến đó một mình. Buổi lễ diễn ra rất xúc động, cô Hiệu trưởng đã khóc khi nhắc đến con.
Mình cố bình tĩnh nhưng đến khi thấy các bạn nhỏ cùng lớp chạy đến chào rồi bảo chúng con sẽ thay Hải An gọi cô bằng mẹ nhé thì mình đã ngã ngụy xuống rồi khóc', chị Dương kể lại.
Người mẹ này nhớ lại, từ tháng 9/2017, Hải An bắt đầu có dấu hiệu liệt dây thần kinh số 7 khiến mồm méo, mắt có hiện tượng song thị.
Gia đình đưa bé đi châm cứu và chữa bằng Đông y nhưng tình trạng không tiến triển nhiều. Hai tháng sau, Hải An được chụp CT mới biết chính xác khối u ở đầu.
Rút tờ kết quả chụp phim ra, cũng là một người làm ngành Y, chị Dương chết lặng khi thấy ghi 'u thân não'.
'Tôi chỉ biết ôm con khóc và sau đó ra hỏi bác sĩ: '18 tháng được không chị?', chị không nói gì, chỉ lắc đầu. '9 tháng được không?', 'chị ơi vậy tính ngày hay tính tháng?'. Bác sĩ trả lời, tính ngày thôi em ạ..
Nghe thế tôi không còn biết nói gì chỉ khóc rồi ôm con cầm kết quả chụp sang ngay Bệnh viện Bạch Mai để hội chẩn. Họ bảo phải xạ trị, nghe thế tôi chỉ biết ôm con gục xuống. Hải An không khóc mà chỉ vuốt đầu mẹ bảo 'mẹ đừng khóc, mẹ cố lên', chị Dương chia sẻ.
Trong hành trình chữa bệnh cho Hải An, chị Dương bảo không thể mạnh mẽ bằng con gái. Lúc vào xạ trị trong viện, bé còn động viên bệnh nhân khác bằng sự lạc quan và nghị lực của mình. Không ít lần, Hải An còn phải lau nước mắt cho mẹ.
Thanh quản của Hải An có vấn đề khiến bé không nói được mà chỉ bập bẹ, một bên tay của em cũng bị liệt. Những lúc không chịu nổi nỗi đau đớn, bé mới khóc và đồng ý để mẹ truyền giảm đau còn bình thường bé luôn nhắc 'mẹ ơi con còn chịu được'.
'Nhiều bà bị tai biến nằm cùng phòng Hải An, dù được bác sĩ vật lý trị liệu đến tận giường chăm sóc nhưng không có tinh thần thì bé luôn lấy tay lành cầm tay yếu để vận động và bảo bà ơi phải cố như con đây này.
Bác sĩ đang làm cũng dừng lại chạy sang giường bảo mọi người phải học tập Hải An. Đi các viện, khoa, ý chí, nghị lực, khát khao sống của con luôn lan tỏa, giúp động viên mọi người', chị Dương bùi ngùi.
Chị Dương nhấn mạnh thêm, việc hiến tặng giác mạc là di nguyện của Hải An. Lúc còn tỉnh táo, hai mẹ con hay thủ thỉ trò chuyện và bé đã nói ra mong muốn này.
Chị Dương xem lại các hình ảnh của con.
'Con hỏi tôi 'Mẹ ơi, thiên đường có đẹp không ạ và con sẽ chờ mẹ ở đấy nhưng không phải lúc này mẹ nhé'. Sau đó, bé cũng lấy đầu tôi ghé vào tim rồi bảo 'Mẹ nghe nhé và hãy đợi nghe tiếng tim con đập một lần nữa'.
Tôi bảo con: 'Mẹ sẽ chờ nghe tiếng con đập trong cơ thể các bạn khác'. Chắc lúc ấy con biết mình sẽ ra đi', chị Dương nói với đôi mắt đỏ hoe.
Khi Hải An sắp qua đời, chị Dương gọi điện đến Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người với nguyện vọng xin hiến tạng.
Tuy nhiên, quy định hiện hành chỉ nhận nguồn tạng hiến từ người đủ 18 tuổi trở lên, trong khi Hải An mới 7 tuổi. Cuối cùng, chị Dương quyết định giúp con hoàn thành tâm nguyện bằng cách hiến giác mạc để đem lại ánh sáng cho người có bệnh lý giác mạc.
Trước khi bé mất, chị Dương đưa con về nhà để người thân gặp, ăn bữa cuối và những phút cuối cùng, chị với mọi người vẫn gắng bóp bóng, ấn tim cho con.
'Tôi nói với Hải An: 'Con đừng bỏ mẹ, đừng buông và hãy mở mắt nhìn mẹ một lần'. Đúng phút cuối, con mở mắt. Tôi không biết là đó là do cơn co giật hay đấy là ý thức của con, chỉ biết rằng Hải An nhìn mẹ.
Con cũng ấm rất lâu và nằm trong lòng mẹ cho tới khi nhân viên trung tâm đến thực hiện việc lấy giác mạc', người mẹ kể.
Chiếc ba lô của con với tên và số điện thoại.
Cũng theo ý nguyện của con, hôm 26/2, chị Dương đã đến Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để đăng ký hiến mô và các bộ phận trên cơ thể chính mình.
'Sáng 26/2, sau khi nghĩ lại những kỷ niệm của 2 mẹ con, mình sực nhớ ra mình chưa thực hiện lời hứa với con là đăng ký hiến mô tạng để nếu không may mất đi, một phần cơ thể mình có thể cứu sống những người bệnh không may mắn khác.
Sau đó, tôi một mình đi xe máy sang thẳng trung tâm đăng ký hiến tạng và như vậy, tôi đã thực hiện xong lời hứa với con gái mình', chị Dương chia sẻ thêm.
Nhắc nhở, nhắn nhủ mẹ rất nhiều
Theo chị Dương, khi còn sống, bé Hải An rất thích hành động của một cô bé trước khi mất đã viết những dòng lên mẩu giấy vàng nhỏ rồi đem rải ở khắp nhà để cho mẹ tìm.
'Không biết có phải do bắt chước không nhưng Hải An cũng làm như vậy và mấy ngày rồi khi tìm quanh trong nhà, tôi đã tìm được 6 - 7 mảnh giấy nhớ nhỏ với các lời nhắn trên đó.
Con luôn mở đầu với từ yêu mẹ rồi biết tôi bị mất ngủ, phải dùng thuốc nên con nhắc 'mẹ ơi, mẹ đừng dùng thuốc ngủ nhé' hay 'mẹ ơi, mẹ nhớ uống nước đầy đủ nhé'...
Cầm mỗi mảnh giấy của con lên đọc mà tôi không thể kìm được nước mắt, thương con vô cùng', chị Dương tâm sự.
Không những thế, trong chính chiếc Ipad mà con hay dùng khi còn sống, ngoài các tấm ảnh, video tự chụp, tự quay, người mẹ này còn tìm thấy rất nhiều lời nhắn gửi lại cho bố mẹ, cho ông bà.
'Tôi chưa tìm được hết nhưng cứ mỗi note trong máy lại có những lời nhắn gửi rất yêu thương mà con để lại và lúc đó con rất yếu, chỉ dùng một tay nên những dòng nhắn không thành câu rõ ràng.
Nhiều đoạn con nhắn 'Mẹ ơi ăn uống mỗi ngày phải ba bữa, thức ăn phù hợp, rau xanh, hoa quả ăn nhiều không sợ, đúng giờ đi ngủ, đến giờ thì dậy, nằm dậy nhẹ nhàng, không gấp, không vội'.
Những lời nhắn sẽ theo mình đi suốt cuộc đời này và đến lúc nào đó, như con đã từng nhắn, mẹ ơi, con yêu mẹ, mẹ con mình sẽ gặp lại nhau mẹ nhé. Mẹ yêu con', chị Dương xúc động.