Ở nhà buôn chứng” thích hơn ở… trường
Tổ dân phố số 15 (quận Long Biên, Hà Nội) có đôi vợ chồng anh Long - chị Huyền từng được coi là "gia đình kiểu mẫu". Chị Huyền là giáo viên mầm non, anh Long là giáo viên môn toán một trường THPT. Nếu như theo công thức "1-2-3-4" (nghĩa là 1 vợ, 2 con, nhà 3 tầng, xe 4 bánh) thì gia đình anh chị đạt luôn. Tuy thu nhập của hai vợ chồng chỉ vừa đủ để duy trì cuộc sống, song căn nhà vẫn thường tràn ngập những câu cười đùa vui vẻ. Thỉnh thoảng, anh chị còn mời bạn bè, người thân đến tổ chức nấu nướng, ăn uống hết sức vui vẻ.
Song, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đặc biệt là sau một thời gian Long bập vào "công việc" mới là đầu tư chứng khoán thì cuộc sống của gia đình này đã bị đảo lộn hoàn toàn. Từ chỗ vui vẻ, hay hát, Long trở nên lầm lỳ, ít nói, hay cáu gắt, thậm chí còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ - điều mà khi yêu nhau cả hai không thể nào nghĩ đến một kết cục như thế này.
Nhà đầu tư choáng váng vì bị force sell.
Khoảng tháng 5/2021, anh Long bàn với vợ rút hơn 100 triệu tiền tiết kiệm để đầu tư chứng khoán. Lúc đầu chị Huyền can ngăn, vì trước nay hai vợ chồng chỉ biết tích cóp tiền để gửi tiết kiệm ngân hàng, cùng lắm là mua vàng cất giữ chứ biết cổ phiếu, trái phiếu là cái gì mà mua với bán.
Nhưng, chồng chị gạt đi bảo, anh được một người bạn là broker công ty chứng khoán, có nhiều kinh nghiệm, đặt biệt là có những thông tin "tay trong" và biết "đội lái" chuẩn bị đánh con gì lên. Mình cứ việc mua theo anh ta là "auto thắng".
Thấy chồng tỏ ra quyết tâm, hơn nữa cũng tin tưởng chồng và bạn chồng nên chị Huyền bằng lòng. Không ngờ, anh Long càng đánh càng say. Cứ vài ngày anh lại mở tài khoản cho vợ xem hôm nay đã lãi bao nhiêu %. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7/2021, thị trường bước vào đợt downtrend (giảm giá) ngắn hạn. Mấy cổ phiếu anh Long nắm giữ giảm liên tiếp hàng chục phiên. Bao nhiên tiền lãi bay sạch, thậm chí còn âm vào vốn 30%.
Thời điểm đó, chị Huyền đã thấy chồng khang khác song không dám nói gì. Hằng ngày chỉ dám "đi nhẹ nói khẽ cười duyên", vì biết chồng đang thua chứng khoán. Sang đến tháng 8 và 9/2021 thị trường lại bước vào đợt uptrend (tăng giá) mới, tài khoản của Long nhanh chóng "về bờ" (hòa vốn) và có lãi. Thế là anh lại vui vẻ, cười tươi như hoa cho đến tận Tết Âm lịch.
Cái tết ấy gia đình chị Huyền ăn tết to hơn mọi năm, vì anh Long lãi chứng khoán cả trăm triệu đồng. Trước khi nghỉ tết, anh đã kịp thảy cho hiệu trưởng lá đơn xin nghỉ việc. Anh tuyên bố từ nay đổi đời, không phải làm cái việc "tay mỏi chân chùng cổ họng khan" nữa. Từ giờ chị Huyền có thể nghỉ việc ở nhà để chăm chồng con. Còn anh sáng sáng uống cà phê ôm bảng điện tử để lướt sóng kiếm lời.
VNIndex tháng 11 vừa qua chứng kiến nhiều mã vốn hóa lớn giảm sàn, trắng bên mua.
Tương tự anh Long, một số giáo viên cùng trường cùng đám bạn học đại học cũng đồng loạt nộp đơn xin nghỉ việc. Trong số này có người do đã tích lũy kiến thức từ trước và xin được chân cộng tác viên cho công ty chứng khoán nên có thêm thu nhập - còn đa số đều lấy nghiệp ôm bảng làm nghề chính.
Ít tuổi hơn anh Long, Hùng – nhân viên một ngân hàng, còn máu me hơn. Dù công việc đủ cho anh chàng độc thân này chi tiêu, sinh hoạt nhưng Hùng không thể đứng ngoài nhìn dòng xoáy kiếm tiền của cả xã hội.
Từ số vốn ban đầu 200 triệu đồng vay của bố mẹ, tháng 6/2021 Hùng đã gấp đôi tài khoản. Sau đó Hùng tiếp tục “tất tay” với cổ phiếu bất động sản như DIG, CEO, CII, NLG,... Đó cũng là thời điểm cơn sốt đất diễn ra trên khắp cả nước. Theo quan điểm của Hùng, thị trường bất động sản trong cơn sốt giá đất thì những doanh nghiệp bất động sản có nhiều quỹ đất chắc chắn sẽ nhiều tiềm năng. Do đó, cổ phiếu bất động sản được hầu hết các nhà đầu tư săn đón chứ không riêng gì những F0 (nhà đầu tư mới).
Sóng cổ phiếu bất động sản lớn đến mức nó tạo thành động lực tăng trưởng cho cả thị trường, cuốn theo bao kỷ lục về giá trị giao dịch trong một phiên, đi kèm với đó là kỷ lục về số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường.
Thời điểm TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội bởi dịch COVID-19. Công việc gặp khó khăn hơn do COVID-19, áp lực hoàn thành KPI từ chỉ tiêu cho vay, chỉ tiêu thu hồi nợ, đến chỉ tiêu bán bảo hiểm đã khiến Hùng quyết định xin nghỉ việc ngân hàng để tập trung toàn bộ thời gian và trí lực cho chứng khoán.
“Kỳ lạ một điều là thời điểm đó (tháng 7 đến tháng 9/2021) là đỉnh dịch nhưng thị trường chứng khoán thì hết lập đỉnh này đến đỉnh khác. Có lẽ là do nhiều người cũng như em, nghỉ việc rồi không biết làm gì, suốt ngày canh bảng điện tử”, Hùng chia sẻ.
Đó là khoảng thời gian Hùng đánh đâu thắng đấy. Anh liên tục mua vào - bán ra và cũng liên tục thay đổi “khẩu vị”. Ngay cả những cổ phiếu trước đây là cổ phiếu “rác” nhưng nghe ngóng có “sóng” là anh cũng lao theo. Giống như bao nhà đầu tư F0 khác, Tết Âm lịch 2022 Hùng đã mang khá nhiều tiền, quà về cho mẹ. Gặp lại bạn bè, đồng nghiệp vẫn đang trụ lại ngân hàng, Hùng cao giọng: "Một năm thu nhập của bạn không bằng tôi "nuôi" cổ trong 3 ngày". Mẹ Hùng vốn sùng đạo Phật, anh ta lập tức chi mấy trăm triệu đúc tượng Quan Âm Bồ tát để mẹ đi "công đức" tại một ngôi chùa. Nhưng, như người ta vẫn bảo, đời không như là mơ...
Nhà đầu tư bất lực nhìn bảng điện.
Những người xưa buôn chứng, hồn ở đâu bây giờ?
Bi kịch ập đến mà cả hai vợ chồng Long - Huyền không tài nào có thể tưởng tượng nổi. Bắt đầu từ tháng 4/2022 thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào giai đoạn downtrend dài hạn. Những "cá mập" hay nhà đầu tư tổ chức, có kinh nghiệm đã nhanh chóng rút khỏi thị trường. Long và hàng ngàn F0 không biết rằng thời gian qua họ lãi khi đầu tư chứng khoán chỉ đơn giản là đang trong một thị trường đầu cơ tăng giá. Và, những ngày u ám ập đến khi cứ mở mắt là thấy danh sách cổ phiếu "nằm sàn" (giảm hết biên độ) hàng loạt. Nghe theo mấy người bạn, rằng sớm muộn gì thị trường cũng "cá hồi" giống như tháng 7 năm ngoái, Long vẫn ôm mấy chục ngàn cổ phiếu để đợi, không dám bán.
Trái với dự đoán của đa số nhà đầu tư, thị trường tiếp tục giảm hết tháng 5, tháng 6. Trong thời gian ấy, Long được broker động viên kiếm thêm tiền để "bắt đáy", mua trung bình giá đợi ngày "về bờ". Long giấu vợ mang sổ đỏ của căn nhà và xe ô tô đi cắm cho “tín dụng đen”, trả lãi 36-72%/năm để quyết tâm gỡ gạc. Tiếc rằng cả chục tỷ đồng Long nướng sạch vào "ba chữ cái" mà anh ta vẫn chưa dò đến đáy.
Bi đát không kém là trường hợp vợ chồng Loan - Khánh (dạy cùng trường với Long). Do từng lướt sóng vàng, bất động sản... nên cả hai rất ham mê với việc đầu tư. Sau một thời gian "oánh chứng" và thấy lời, cả hai vợ chồng đều bỏ việc, ở nhà ôm bảng. Không chỉ mua cổ phiếu trên thị trường cơ sở, Khánh còn đánh cả chứng khoán phái sinh. Ngày nào cũng phải canh bảng từ khi mở phiên đến lúc kết phiên, không dám rời một phút. Còn Loan thì nghe bạn bè rủ rê, đánh chứng khoán quốc tế, lại đầu tư cả tiền điện tử... Khánh không hề biết rằng, thời điểm anh ta thắng lớn chỉ đơn giản là "đi qua mùa hoa đẹp nhất". Và, sau khi những con sóng đã tan, thì để lại bao đau đớn cho các nhà đầu tư F0 không kiến thức, không kinh nghiệm.
"Cơn sóng thần" tháng 4, 5, 6 đã kinh khủng, song vẫn chưa bằng những đợt "force sell" (bán giải chấp) trên diện rộng của những ngày đầu tháng 11 vừa qua. Càng đổ nhiều tiền vào mong gỡ gạc, Khánh càng lỗ nặng nề hơn. Đến nỗi sau khi bị công ty chứng khoán "force sell" đến cháy tài khoản, Khánh đánh phải xóa app, chính thức rời cuộc chơi với số nợ hàng chục tỷ đồng. Loan cũng chẳng khá hơn, bao nhiều tiền nạp vào tài khoản chứng khoán quốc tế đều không thể rút về được, còn môi giới thì "mất hút con mẹ hàng lươn". Các đồng bitcoin, eth, solana... cũng sụt giảm thê thảm.
Do cả hai vợ chồng đều thua lỗ nặng nề, những bữa cơm gia đình ngày càng trở nên căng thẳng. Chồng đổ lỗi cho vợ tham lam, vợ đổ lỗi cho chồng "ngu", "đầu đất". Có bữa, vừa thấy vợ bưng ra đĩa "trứng rán", lập tức Khánh hất xuống đất vỡ tan. Anh ta cao giọng cấm vợ từ nay về sau không được nhắc đến hai từ "chứng khoán" và càng không được chế biến món trứng nữa. Không ai ngờ được rằng, do bị chồng mắng chửi, đánh đập nhiều mà một ngày Khánh đưa con về quê ăn giỗ, Loan đóng hết cửa và đốt một lò than tổ ong...
Cứu mình trước khi trời cứu
Đã có những “chứng sĩ” phải bán đi những tài sản khác từ ô tô, đất cát đến túi xách hàng hiệu, đồng hồ, cầm cố tài sản, vay mượn người thân... để trung bình giá, cứu danh mục đầu tư của mình. Một thương nhân chuyên thu mua túi xách hàng hiệu tại Hà Nội tiết lộ, trung bình mỗi ngày lượng hàng thu mua gấp đôi, gấp ba so với trước đây. Do kinh tế khó khăn, nhiều người cần tiền mặt làm ăn muốn bán, trong đó không ít nhà đầu tư chứng khoán phải bán tháo với giá rẻ.
Nhiều nhà đầu tư rao bán nhà, xe… để trả nợ do thua lỗ chứng khoán.
Trên các diễn đàn chứng khoán, hàng loạt đề xuất được nêu lên với mong muốn "cứu" lấy tài khoản đang thua lỗ nặng. Thậm chí, có đề xuất hạ biên độ dao động giá trên HoSE 7% xuống còn 3%, thậm chí 1%. Rồi hàng loạt giải pháp được báo chí bàn đến như miễn thuế hay nới các quy định mua cổ phiếu quỹ...
Tuy nhiên, theo một chuyên gia của Công ty chứng khoán SSI thì các nhà đầu tư phải tự cứu mình trước khi trời cứu. Trước khi đầu tư thì phải tìm hiểu rõ thị trường, phải tự trang bị kiến thức, kinh nghiệm giao dịch, lường trước được những rủi ro có thể bất ngờ ập đến. Đặc biệt, với những người bỏ việc để đầu tư chứng khoán toàn thời gian thì lại càng cần phải chuẩn bị cẩn thận hơn. Vì ngay như cả nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm thì họ vẫn có một công việc có nguồn thu nhập ổn định và vẫn có thể bị thua lỗ như thường.