Tràn lan 'chợ' tiền giả trên mạng
Chỉ cần một vài từ khóa đơn giản như 'mua bán tiền giả', người dùng dễ dàng tìm thấy hàng loạt các nhóm, hội nhóm hay bài viết quảng cáo về việc trao đổi tiền thật lấy tiền giả. Các đối tượng lừa đảo, dưới vỏ bọc những tài khoản mạng xã hội có vẻ uy tín, rao bán tiền giả với cam kết chất lượng giống tiền thật đến 98%, thậm chí 99%, và hứa hẹn giao hàng nhanh chóng, an toàn. Mọi giao dịch đều thực hiện qua hình thức chuyển khoản ngân hàng hoặc nạp thẻ điện thoại, khiến người mua khó có thể kiểm tra được tính xác thực của giao dịch trước khi hoàn tất.
Ảnh minh họa.
Các thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo sử dụng rất tinh vi. Đầu tiên, họ sẽ thu hút sự chú ý của nạn nhân bằng các quảng cáo hấp dẫn trên Facebook, Zalo, hay các ứng dụng nhắn tin khác. Sau khi người mua quan tâm, chúng sẽ yêu cầu thanh toán trước một khoản tiền, thậm chí toàn bộ giá trị đơn hàng, với lý do 'không kiểm tra hàng trước khi nhận'. Sau khi tiền được chuyển khoản, người mua sẽ nhận được gói hàng có vẻ hợp lệ, nhưng khi mở ra, họ sẽ phát hiện mình bị lừa với những tờ tiền âm phủ hoặc giấy in màu thay vì tiền giả như đã được quảng cáo.
Đáng chú ý, sau khi lừa đảo thành công, các đối tượng thường nhanh chóng khóa tài khoản hoặc xóa liên lạc, khiến người mua không thể liên lạc lại để yêu cầu bồi thường. Đây là chiêu thức phổ biến nhằm chiếm đoạt tiền thật của các nạn nhân mà không để lại dấu vết rõ ràng.
Với những người mua thiếu hiểu biết, nạn nhân của những vụ lừa đảo này không chỉ mất đi số tiền lớn mà còn phải đối mặt với nguy cơ bị xử lý vì tội mua bán tiền giả. Đặc biệt, nhiều người trong số họ thường có hoàn cảnh khó khăn và hy vọng vào các lời mời gọi về 'tiền thật đổi lấy tiền giả', mà không nhận thức được rằng mình đang tham gia vào một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Cơ quan chức năng đột kích điểm chứa tiền âm phủ của các đối tượngg, nhóm đối tượng lừa chiếm đoạt tiền của hàng chục ngàn bị hại (Ảnh: Công an TP.HCM)
Một vụ điển hình gần đây liên quan đến Lê Văn Thiệp (28 tuổi, trú tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh). Dù không có tiền giả để bán, từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2023, Thiệp đã lợi dụng mạng xã hội, sử dụng tài khoản Facebook 'Đạt Trân' để đăng bài rao bán tiền giả với thông tin như:
Loại 1: 1 triệu đồng tiền thật đổi được 6 triệu đồng tiền giả, cam kết giống tiền thật 99%.
Loại 2: 1 triệu đồng tiền thật đổi được 10 triệu đồng tiền giả, chất lượng giống thật 90%.
Với chiêu thức 'không kiểm tra hàng trước khi nhận', Thiệp đã chiếm đoạt hơn 3 triệu đồng từ hai nạn nhân. Hành vi này khiến Thiệp bị khởi tố về tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' theo quy định của pháp luật.
Đối tượng Thiệp bị khởi tố. Ảnh: Nguyễn Tạo.
Hành vi mua bán tiền giả không chỉ là trò lừa đảo, mà còn kéo theo những hệ lụy không ngờ tới cho người mua. Điển hình là trường hợp bà L.P ở Dĩ An, Bình Dương.
Con trai bà L.P, do nghe lời quảng cáo trên mạng, đã đặt mua 2 triệu đồng tiền giả về để... dùng thử. Không hay biết nguồn gốc, bà L.P đã sử dụng số tiền này để mua đồ ăn. Mặc dù giao dịch trót lọt ban đầu, nhưng hôm sau, bà bị tiểu thương từ chối nhận tiền vì phát hiện tờ tiền bất thường.
Sau khi tìm hiểu, bà phát hiện đó là tiền giả mà con trai mua từ mạng xã hội. Sự việc khiến bà hoang mang, mất ăn mất ngủ, sợ bị phát hiện và liên lụy pháp lý. 'Gia đình tôi khó khăn, nhưng tôi chưa từng nghĩ sẽ đi mua tiền giả để xài', bà chia sẻ trong nỗi ân hận.
Cảnh giác và hành động
Trước tình hình này, các cơ quan chức năng như Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra những cảnh báo và khuyến cáo, yêu cầu người dân cảnh giác cao độ trước các quảng cáo mua bán tiền giả trên mạng. Không ít nạn nhân đã lên tiếng kêu gọi các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn để triệt phá các tổ chức, đường dây lừa đảo này.
Ảnh đăng trong các hội, nhóm kín mua bán tiền giả trên mạng xã hội, nơi có hàng nghìn thành viên tham gia. (Ảnh: Công an TP.HCM)
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân nên lựa chọn các cơ sở uy tín để thực hiện giao dịch đổi tiền phục vụ cho dịp lễ Tết Nguyên đán sắp tới.
Không tham gia vào giao dịch tiền tệ không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội hoặc qua các nền tảng không chính thức. Trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào, hãy xác minh kỹ càng danh tính đối tác, nguồn gốc giao dịch, cũng như các thông tin liên quan. Không tin vào những lời hứa hẹn quá tốt để trở thành sự thật.
Sử dụng các kênh giao dịch chính thức và có giấy tờ hợp pháp. Cảnh giác với các yêu cầu chuyển tiền trước. Trong trường hợp trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo, người dân cần báo cáo ngay với cơ quan Công an để có thể hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
Theo Luật sư Mai Anh Hiếu - Văn phòng Luật sư Kết Nối, hành vi lừa bán tiền giả để chiếm đoạt tiền thật là một tội phạm có tính chất nguy hiểm và tinh vi, không chỉ gây ra những tổn thất lớn về tài sản cho các nạn nhân mà còn để lại hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế và trật tự xã hội. Đây là hành vi kết hợp giữa hai tội danh chính: làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người thực hiện hành vi này thường sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, khai thác lòng tham hoặc sự nhẹ dạ cả tin của nạn nhân để đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản.
Trước tiên, cần làm rõ các yếu tố cấu thành hành vi phạm tội. Thủ đoạn phổ biến nhất là rao bán tiền giả với tỷ lệ quy đổi hấp dẫn, ví dụ như 1 triệu đồng tiền thật có thể mua được 3-4 triệu đồng tiền giả. Người vi phạm thường sử dụng các nền tảng mạng xã hội hoặc các kênh liên lạc ẩn danh để tiếp cận nạn nhân, che giấu danh tính và tạo dựng lòng tin. Thông qua những lời quảng cáo như 'tiền thật không thể phân biệt với tiền giả', 'có nguồn gốc đặc biệt, an toàn', người vi phạm đánh vào tâm lý muốn kiếm lợi nhanh chóng của nạn nhân. Sau khi thuyết phục thành công, kẻ phạm tội sẽ sắp xếp giao dịch tại những địa điểm vắng vẻ, hạn chế người qua lại để tránh bị phát hiện. Tiền giả sau đó được trao đổi, và kẻ phạm tội nhanh chóng rời đi, chiếm đoạt toàn bộ số tiền thật mà nạn nhân giao dịch.
Luật sư Mai Anh Hiếu - Văn phòng Luật sư Kết Nối
Pháp luật Việt Nam xử lý rất nghiêm khắc hành vi này. Theo Điều 207, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Bởi vậy, người dân tuyệt đối không tham gia vào hoạt động mua bán tiền giả.
Lời khuyên đối với những người đang hoặc có ý định tham gia vào hành vi này là cần nhận thức rõ những hậu quả nghiêm trọng mà hành vi của họ có thể gây ra. Tự giác khai báo và hợp tác với cơ quan điều tra là cách tốt nhất để giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý. Việc này không chỉ giúp người vi phạm nhận được sự khoan hồng mà còn là cơ hội để khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại và chuộc lại lỗi lầm. Đối với các nạn nhân, cần chủ động cảnh giác trước những lời chào mời hấp dẫn, kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào liên quan đến tiền bạc. Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, cần lập tức báo cáo với cơ quan công an và cung cấp đầy đủ bằng chứng để hỗ trợ điều tra.
Từ góc độ xã hội, việc nâng cao nhận thức pháp luật về tội phạm kinh tế, đặc biệt là các hành vi liên quan đến tiền giả, là vô cùng quan trọng. Không chỉ các cơ quan chức năng mà mỗi công dân cũng cần trang bị kiến thức cơ bản để tự bảo vệ mình trước những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi. Hành vi lừa bán tiền giả không chỉ là sự lừa dối cá nhân mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế và an ninh quốc gia, đòi hỏi sự đồng lòng của toàn xã hội trong việc phòng chống và lên án. Chỉ khi mỗi cá nhân và tổ chức có ý thức chấp hành pháp luật và chung tay ngăn chặn hành vi này, trật tự và an ninh kinh tế mới được đảm bảo.
Mời quý độc giả xem video: Cuộc gọi 'chuyển tiền vì con cấp cứu', phụ huynh dễ 'sập bẫy'.
-->