25% người trưởng thành có nguy cơ đột quỵ
Hiện nay trên thế giới, đột quỵ được xem là căn bệnh đáng báo động với 14 triệu người bị mỗi năm và có hơn 6 triệu người tử vong.
Hiện có 80 triệu người tàn phế khi sống sót sau đột quỵ. Lối sống không khoa học chính là thủ phạm gây độy quỵ như thói quen ăn uống không khoa học, lười vận động, béo phì… đang là con đường dẫn nhiều người tới 'nghĩa trang” nhanh hơn.
TS Trần Chí Cường cho biết ngày 29/10 hàng năm được chọn là ngày Đột quỵ thế giới, đây là ngày đẩy mạnh tuyên truyền về phòng đột quỵ.
Theo từng năm, số lượng các nước tham gia tuyên truyền cho ngày Đột quỵ thế giới càng nhiều. Đến năm 2022 thì ngày này đã được lan rộng ra toàn thế giới vì nó liên quan tới nguyên nhân tử vong hàng đầu ở các quốc gia.
Ở Việt Nam cũng tương tự. Chúng ta gặp ngày càng nhiều bệnh nhân đột quỵ hơn, trong đó vấn đề đáng báo động là trẻ hóa ở bệnh này. Nhiều người mới chỉ ngoài 30 tuổi đã bị đột quỵ.
Cũng theo BS Cường, ở Việt Nam thống kê cũ hàng năm có 200 nghìn người bị đột quỵ nhưng con số thống kê hiện tại đã vượt 200 nghìn người. Hiện riêng tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu long đã có hơn 20 nghìn ca bệnh. Số lượng bệnh nhân đột quỵ trong cộng đồng thực sự đáng báo động.
Nếu 100 triệu người thì khoảng 20% dân số về lâu dài có nguy cơ bị đột quỵ. Tại phòng cấp cứu của BV Đột quỵ và Tim mạch Cần Thơ mỗi ngày có 30 - 40 bệnh nhân đến cấp cứu và 70% là đột quỵ.
9 tháng đầu năm 2022 đã có hơn 9.000 trường hợp điều trị đột quỵ. So với con số năm 2019 thì con số này tăng gần 4 lần. Số lượng cần can thiệp cũng tăng theo từng năm, BS Cường cho biết ngày càng có nhiều bệnh nhân vào viện can thiệp đột quỵ.
Các chuyên gia chia sẻ về bức tranh đột quỵ nhân ngày Đột quỵ thế giới.
PGS Nguyễn Huy Thắng - Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não - Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM cho biết theo Hội Đột quỵ Thế giới đã đưa ra cảnh báo mới về nguy cơ mắc đột quỵ, cho thấy khả năng bị mắc đột quỵ ít nhất một lần trong đời đối với người trưởng thành (>25 tuổi) lên đến 25%, đột quỵ thiếu máu 18.3% và đột quỵ xuất huyết 8.2%.
Có nghĩa là, cứ 4 người trưởng thành, sẽ có 1 người có thể bị đột quỵ trong tương lai, thay vì con số 1/6 như trước đây. Điều này gây ra một sự lo ngại rất lớn cho cộng đồng, và thậm chí, gây bất ngờ cho những người làm trong chuyên ngành.
Kết quả này được trích dẫn từ một nghiên cứu dịch tễ học 'Global Burden of Disease study”, công bố trên tờ báo kinh thánh NEJM vào năm 2018.
Nghiên cứu lấy số liệu từ 195 quốc gia toàn cầu cho thấy, ngay tại Hoa Kỳ, một quốc gia có chất lượng chăm sóc y tế thuộc hàng tốt nhất trên thế giới, tỷ lệ ước đoán nguy cơ đột quỵ trong đời ở người trưởng thành (> 25 tuổi) dao động từ 23-29%.
Trung Quốc được xem là quốc gia có nguy cơ mắc đột quỵ trong đời cao nhất, với tỷ lệ lên đến 39% tức chưa đến 3 người Trung Quốc, sẽ có 1 người mắc đột quỵ trong tương lai.
Theo TS Cường, hiện việc điều trị đột quỵ ở Việt Nam đã phát triển lên rất nhiều. Nếu trước năm 2015 chỉ có 3% bệnh nhân mới có thể tiếp cận cấp cứu trong thời gian vàng trước 4,5 h nhưng từ năm 2015 đến nay việc cấp cứu đột quỵ có nhiều cải thiện.
Các tỉnh thành đều có đơn vị đột quỵ tuyến tỉnh, bệnh nhân và người nhà nhận diện ra đột quỵ và đến bệnh viện trong thời gian vàng tăng lên nhiều khoảng 10%.
Còn khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, người bệnh đến với thời gian vàng cao hơn khoảng 24%. Nhiều bệnh viện đã đạt được chuẩn cấp cứu theo tiêu chuẩn của Hội Đột quỵ Thế giới.
TS Cường cho rằng trong thời gian tới việc tuyên truyền về đột quỵ trong cộng đồng vô cùng quan trọng để giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.
Điều bác sĩ lo ngại nhất là kiến thức cộng đồng trong việc nhận diện đột quỵ và phòng ngừa còn rất kém. Nhiều người vẫn chưa nhận ra đột quỵ để tiếp cận y tế nên cần được quan tâm vấn đề này nhiều trong thời gian tới.
Nếu công nghệ điều trị phát triển nhưng cộng đồng không nhận diện được đột quỵ thì mục tiêu giảm tử vong vẫn khó đạt được - TS Cường cho biết.