Điển hình là vụ nhân viên bảo vệ cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Nhà Bè (TPHCM) bị lừa với chiêu thức khá cũ. Khoảng 14 giờ ngày 29/6, một thanh niên đi xe máy tới trước cổng cơ quan BHXH huyện Nhà Bè (số 4 Dương Thị Năm, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè) và dừng trước chốt bảo vệ. Anh ta cho biết gửi gói hàng thuốc được chuyển phát nhanh cho Giám đốc cơ quan đã đặt trước đó trên mạng. Trên phiếu hàng có ghi rõ tên người nhận cùng số điện thoại và số tiền đặt hàng là 500 ngàn đồng.
Nhân viên bảo vệ cơ quan cầm gói hàng khá nặng rồi đọc phiếu đặt hàng mà không mảy may nghi ngờ và cũng không gọi điện xác nhận, móc trong bóp lấy 500 ngàn đồng để chi trả đơn hàng. Khi mở gói hàng ra, mọi người hết sức ngỡ ngàng bên trong chỉ có một mảnh quần đùi rách và... một miếng gạch vỡ. Kiểm tra lại camera an ninh đặt trước cổng cơ quan cho thấy, nam thanh niên giao hàng đã chuẩn bị trước khi dùng giấy để che kín biển số xe. Trước đó vài ngày, một số cơ quan như Chi cục Thuế, BHXH huyện Bình Chánh cũng đã xảy ra 2 vụ lừa đảo với thủ đoạn tương tự. Hàng nhận được bên trong chỉ là... cục gạch vỡ.
Tương tự, cuối tháng 7/2023, chị N.T.N.T (trú phường Phước Long, TP.Nha Trang) cho biết, khi vợ chồng chị đi làm vắng nhà, có một người chạy xe máy tới giao một gói hàng với số tiền thanh toán chưa đến 300 ngàn đồng. Thời điểm này, gia đình chị T. có hai con nhỏ ở nhà nên người giao hàng yêu cầu con chị thanh toán giúp mẹ, nhưng các cháu không có tiền. Sau đó, người giao hàng chủ động gọi điện thoại cho chị T. và bảo sẽ giao hàng khi chị đi làm về. Bất chợt nhớ ra mình không hề đặt hàng online trong thời gian gần đây chị T. từ chối nhận hàng nên không mất tiền oan uổng.
Đối tượng giao hàng dùng giấy che kín biển số xe
Không may mắn như chị T., cùng thời gian trên, chị T.T.K (trú phường Tân Lập, TP.Nha Trang) do bận đi làm nên người nhà có nhận giúp một bưu phẩm với số tiền gần 400 nghìn đồng. Trên bưu phẩm ghi đúng tên, kèm số điện thoại và địa chỉ nên người nhà của chị K. đã thanh toán số tiền nói trên cho người giao hàng. Khi về nhà mở bưu phẩm, chị K. thấy trong đó là một hộp thực phẩm chức năng dành cho nam giới nhìn rất cũ kỹ, mặc dù chị không hề đặt sản phẩm này. Chị bèn gọi ngay cho người giao hàng thì được trả lời rằng họ chỉ có trách nhiệm giao đến tay khách hàng. Biết bị lừa, chị K. đã liên hệ với văn phòng đơn vị vận chuyển nhưng không được giải quyết.
Mới đây còn xuất hiện tình trạng dù khách đặt hàng qua các trang mạng hay chưa từng đặt hàng thì nhân viên giao hàng vẫn gọi điện cho chính chủ hoặc người thân, yêu cầu nhận hàng. Do chủ quan không kiểm tra hàng (hoặc người giao không cho kiểm tra), khách đưa số tiền đúng như thông tin trên gói hàng rồi phải... 'ngậm quả đắng'! Nạn nhân là chị M.N (ngụ quận 7). Chị cho biết đã nhận được một đơn hàng trị giá hơn 300.000 đồng từ đơn vị chuyển phát Giao hàng tiết kiệm. Tuy nhiên, gia đình chị không hề đặt đơn hàng này, nhưng thông tin từ địa chỉ, số điện thoại đến tên tuổi đều ghi rất chính xác.
Gói hàng mà nhân viên cơ quan BHXH Nhà Bè nhận giùm
'Gói hàng này do người giúp việc nhận giúp vì thông tin rất chính xác. Do nhà tôi đông người nên khi có đơn hàng giao đến thường chủ động nhận vì nghĩ có một ai đó trong nhà đã đặt', chị N. chia sẻ. Theo chị N., đây không phải lần đầu gia đình chị nhận gói hàng như vậy. Trước đó, có hai đơn hàng khác trị giá trên 100.000 đồng cũng được ship tới nhà chị và cũng được người giúp việc thanh toán. Bên cạnh đó, thời gian đến của những đơn hàng 'ship lụi' cũng khá tương đồng với các đơn mà chị N. đặt, vì vậy rất khó để phân biệt thật giả.
Từ các vụ việc trên cho thấy, thủ đoạn của các đối tượng là giả nhân viên giao hàng của các đơn vị vận chuyển để lừa đảo. Kẻ gian lợi dụng lỗ hổng từ những ứng dụng bán hàng qua mạng, chiếm đoạt thông tin đặt hàng của người mua. Cũng có trường hợp bị lấy cắp thông tin vì sự sơ hở của khách hàng. Nhiều người khá chủ quan trong việc bảo mật thông tin cá nhân bằng việc để lại số điện thoại, địa chỉ công khai trên các trang mạng xã hội. Điều này tạo cơ hội cho kẻ gian lợi dụng để lừa giao hàng.
Để tránh trở thành nạn nhân của các 'shipper' gian manh, người dân cần nâng cao cảnh giác. Khi nhận hàng, cần kiểm tra kỹ thông tin người gởi và hàng hóa bên trong. Nếu không phải chính chủ nhận hàng thì nên xác minh lại việc mua hàng của người thân trước khi giao tiền.