Đầu Xuân năm mới là một trong những dịp nhiều gia đình, địa phương trên khắp mọi miền trên Tổ quốc tổ chức lễ chúc thọ, mừng thọ cho các bậc cao niên. Đây là nét đẹp văn hóa vốn có từ lâu đời, là nét đẹp hiếu nghĩa được gìn giữ qua bao thế hệ. Hãy cùng tìm hiểu thêm về phong tục này qua bài viết sau.
Mừng thọ là gì? Ý nghĩa lễ mừng thọ
Thọ là sống lâu, mừng thọ có thể hiểu là mừng người cao tuổi, người sống lâu. Theo quan niệm dân gian, người có tuổi thọ và gia đình có người cao tuổi là có phúc lớn. Vì có phúc, có đức lớn nên ông bà, cha mẹ mới sống lâu, có con cháu đề huề.
Lễ mừng thọ chính chúc mừng cái phúc đó. Nó cũng xuất phát từ tình cảm và truyền thống kính trọng người cao tuổi.
Lễ mừng thọ là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ - Ảnh: Freepik
Giống như những phong tục khác, lễ mừng thọ cũng có ý nghĩa sâu sắc và quan trọng với người Việt:
Là dịp để con cháu báo hiếu, thể hiện tấm lòng hiếu thảo, biết ơn ông bà, cha mẹ cũng như những người cao tuổi trong gia đình.
Là dịp để xã hội thể hiện sự trọng vọng, tôn kính đối với những người cao tuổi.
Người được chúc thọ, mừng thọ cảm thấy được tôn vinh, sống vui, sống khỏe hơn.
Góp phần giáo dục thế hệ trẻ; phát huy vai trò 'cây cao bóng cả', cống hiến, truyền kinh nghiệm của người cao tuổi cho thế hệ sau.
Quy định về độ tuổi chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Người xưa ngoài 50 tuổi đã được làm lễ mừng thọ. Ngày nay, xã hội phát triển, đời sống nâng cao, tuổi thọ của con người cũng tăng lên. Cho nên thông thường, lễ chúc thọ, mừng thọ sẽ được tổ chức vào năm người cao tuổi từ đủ 70 tuổi.
Theo Luật người cao tuổi 2029:
Người thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chúc thọ và tặng quà.
Người thọ 90 tuổi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chúc thọ và tặng quà.
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với Hội người cao tuổi tại địa phương, gia đình của người cao tuổi tổ chức mừng thọ người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95 và 100 tuổi.
Việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi có thể tổ chức vào ngày Người cao tuổi Việt Nam (6/6), ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10), Tết Nguyên đán hoặc sinh nhật của người cao tuổi. Trong đó, thường gọi:
Mừng thọ 70 tuổi và đủ 75 là lễ mừng thọ.
Mừng thọ 80 tuổi và đủ 85 tuổi là lễ mừng thượng thọ.
Mừng thọ 90 tuổi, đủ 95 tuổi và 100 tuổi trở lên là lễ mừng thượng thượng thọ.
Mức tiền chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi
Bên cạnh độ tuổi được tổ chức mừng thọ thì mức tiền mừng quà chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Thông tư 96/2018/TT-BTC quy định:
Người cao tuổi thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chúc thọ và tặng quà gồm 5 mét vải lụa và 700.000 đồng tiền mặt.
Người cao tuổi thọ 90 tuổi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chúc thọ và tặng quà gồm hiện vật trị giá 150.000 đồng và 500.000 đồng tiền mặt.
Đây là mức chi tối thiểu. Bên cạnh đó, căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương và tình hình thực tế, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể xem xét, quyết định mức chi cao hơn mức quy định tại Thông tư 96/2018/TT-BTC; đồng thời xem xét, quyết định theo thẩm quyền mức quà tặng người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 95 tuổi và trên 100 tuổi trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Tổ chức lễ mừng thọ cho người cao tuổi như thế nào?
Có nhiều hình thức, quy mô cho việc tổ chức lễ mừng thọ. Tùy thuộc vào điều kiện cũng như phong tục của từng địa phương mà gia đình sẽ chọn cách phù hợp nhất.
Ngày nay, lễ chúc thọ, mừng thọ thường được tổ chức vào dịp đầu năm mới, trong khoảng thời gian từ sau Tết Nguyên đán đến qua Rằm tháng Giêng. Ngày cụ thể do địa phương chọn nhưng thường rơi vào ngày mùng 4 Tết.
Về cơ bản, lễ mừng thọ của người cao tuổi sẽ được con cháu của từng nhà tổ chức riêng. Bên cạnh đó còn có một lễ mừng thọ chung cho các bậc cao niên trong thôn, làng, xã… do chính quyền địa phương tổ chức.
Không có quy định bắt buộc về thứ tự tổ chức nên các gia đình có thể linh hoạt. Một số nơi tổ chức cùng một ngày, con cháu đưa ông bà, cha mẹ dự lễ mừng thọ chung trước sau đó là tổ chức tại nhà để chia vui cùng họ hàng, làng xóm.
Trong lễ mừng thọ, ông bà, cha mẹ sẽ mặc trang phục trang trọng, thường là khăn đóng áo dài. Một số nơi mặc theo màu đỏ hoặc vàng tùy vào tuổi thọ.
Lễ mừng thọ người cao tuổi tại xã Hải Tiến, TP Móng Cái, Quảng Ninh - Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP Móng Cái
Theo phong tục, với lễ chúc thọ, mừng thọ tại nhà, con cháu sẽ chúc rượu thọ, nói lời tốt đẹp, tặng một số lễ vật như câu đối, tranh… để bày tỏ lòng biết ơn và mong cha mẹ, ông bà sống lâu, sống thọ.
Còn đối với lễ mừng thọ chung dành cho các bậc cao niên tại địa phương, ông bà, cha mẹ sẽ được nhận bằng chúc thọ, mừng thọ và quà.
Việc tổ chức lễ mừng thọ (cách trang trí buổi lễ, trang phục, trình tự tiến hành buổi lễ, nguyên tắc) cho người cao tuổi cũng được pháp luật quy định tại Thông tư 06/2012/TT-BVHTTDL.
Trong đó có một số điểm cần lưu ý như:
Về trang phục
Người cao tuổi được mừng thọ mặc trang phục truyền thống theo phong tục của dân tộc, tôn giáo.
Những người tham dự mặc trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Về trình tự tiến hành lễ mừng thọ:
Thông báo chương trình buổi lễ.
Tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu.
Phát biểu khai mạc.
Công bố danh sách người cao tuổi được tổ chức mừng thọ.
Trao giấy mừng thọ và tặng quà.
Văn nghệ chúc mừng.
Người được mừng thọ hoặc đại diện (nếu có nhiều người được mừng thọ) phát biểu ý kiến.
Kết thúc buổi lễ.
Về nguyên tắc:
Người điều hành buổi lễ là đại diện lãnh đạo Hội người cao tuổi cấp xã.
Trường hợp người được mừng thọ ốm, yếu không đến dự lễ mừng thọ, ban tổ chức có trách nhiệm đến tận nơi trao giấy mừng thọ và tặng quà.
Việc tổ chức mừng thọ tại gia đình phải đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống văn hoá của từng địa phương, dân tộc, tôn giáo và phù hợp với hoàn cảnh của gia đình.
Một câu đối chúc thọ ông bà, cha mẹ ý nghĩa - Ảnh: Freepik
Mẫu diễn văn khai mạc lễ mừng thọ người cao tuổi
Diễn văn khai mạc là một phần không thể thiếu trong lễ mừng thọ người cao tuổi tại địa phương. Dưới đây là một gợi ý do VOH tổng hợp.
Kính thưa các cụ, các ông, các bà! Kính thưa các vị đại biểu!
Hôm nay, ngày… tháng… năm…, Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Hội người cao tuổi xã… tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho người cao tuổi trong xã.
Tới dự buổi lễ, thay mặt Đảng ủy, HĐND, UBND xã xin được nhiệt liệt chúc mừng các cụ, các ông, các bà mừng thọ tuổi 75, 80, 85, 90, 95, 100… năm nay. Kính chúc các cụ, các ông, các bà sức khỏe dồi dào, gia đình hạnh phúc, năm mới an khang, thịnh vượng.
Kính thưa các cụ, các ông, các bà. Kính thưa các vị đại biểu!
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn người cao tuổi là 'vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam'. Thực hiện lời dạy của Người, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng công tác chăm sóc, tôn vinh và phát huy giá trị trí tuệ, kinh nghiệm quý báu của người cao tuổi để họ tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Ý thức được vai trò, tầm quan trọng của người cao tuổi đối với sự phát triển của địa phương, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và Hội người cao tuổi đã thường xuyên quan tâm phát huy vai trò, trách nhiệm của người cao tuổi ở địa phương.
Người cao tuổi trong toàn xã đã tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước 'Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc', hiến kế, hiến công, nêu gương trên lĩnh vực công tác, lao động sản xuất, giảm nghèo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.
Bằng uy tín của mình hàng trăm hội viên người cao tuổi đã tham gia các tổ hòa giải, tổ an ninh nhân dân, thanh tra nhân dân, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, trực tiếp hòa giải các bất hòa trong khu dân cư, phát hiện kẻ xấu, cảm hóa giáo dục người lầm lỗi… Công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi đã được cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị xã hội, các hội quần chúng quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt kết quả trên nhiều mặt.
Cuối cùng, tôi xin một lần nữa chúc toàn thể các cụ ông, cụ bà luôn dồi dào sức khỏe, là tấm gương sáng cho con cháu . Chúc các cụ 'Phúc như Đông Hải - Thọ tỷ Nam Sơn'.
Kính chúc các vị đại biểu và toàn thể mọi người có mặt trong buổi lễ mừng thọ hôm nay sức khỏe, thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!
Lễ chúc thọ, lễ mừng thọ người cao tuổi là truyền thống lâu đời, là nét đẹp văn hóa của người Việt cũng là truyền thống đầu Xuân của nhiều địa phương. Đây không chỉ là dịp để con cháu cũng như thể hệ trẻ bày tỏ tấm lòng thành kính với người cao tuổi mà còn là nguồn động lực để người già sống vui, khỏe, có ích.