Người nhạc công ấy là anh Nguyễn Văn Linh, sinh năm 1990 tại Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.
Theo lời cha của Linh là ông Nguyễn Văn Hạnh, mỗi khi gia đình đưa cho Linh một món đồ gì, Linh không thể cầm được và bắt đầu khóc. “Ban đầu, gia đình chỉ nghĩ vì con còn nhỏ nên tay yếu, không thể cầm nắm được. Một thời gian sau vẫn không có gì tiến triển, nhận thấy điều bất thường mới đưa con lên Hà Nội khám”, ông Hạnh cho biết.
Tại Bệnh viện Mắt Trung Ương, các y bác sĩ chẩn đoán Linh bị thoái hóa sắc tố võng mạc khiến cho Linh không thể nhìn thấy gì từ khi sinh ra. Khi ấy, Linh mới 1 tuổi.
Nhạc công Nguyễn Văn Linh.
Đến tuổi đi học, Nguyễn Văn Linh tham gia vào Hội người mù huyện Vĩnh Lộc. Tại đây, Linh được học cách đọc chữ nổi. Năm 2002, cậu bé Nguyễn Văn Linh 12 tuổi lên Hà Nội theo học trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, bắt đầu những ngày tháng tự lập tại nơi đất khách quê người.
Chia sẻ về cơ duyên đến với âm nhạc, Linh cho biết: 'Bên cạnh học văn hóa và học nghề, trường Nguyễn Đình Chiểu còn tổ chức tuyển chọn một số học sinh có năng khiếu âm nhạc để tham gia vào lớp nhạc'. Trước đó, Linh chưa từng chơi một loại nhạc cụ nào.
'Khi bé, mình được nghe một số loại nhạc cụ dân tộc và đặc biệt thích tiếng sáo trúc thánh thót, nên khi được học nhạc, mình đăng ký ngay học sáo trúc', Linh chia sẻ. Bên cạnh đó, anh còn tự mày mò tập chơi một số loại nhạc cụ khác như: guitar, organ, trống cajon… để làm phong phú kiến thức âm nhạc của mình.
Thiếu đi đôi mắt, Linh gặp không ít khó khăn khi tập nhạc. Tuy nhiên, tập luyện bên cạnh những người bạn khiếm thị giống mình đã tiếp thêm cho anh động lực để không bỏ cuộc.
Nguyễn Văn Linh biểu diễn sáo trúc tại quán cà phê Mơ Phố.
Sinh ra với đôi mắt không thể ngắm nhìn thế giới xung quanh đã là một thiệt thòi, nhưng cuộc đời vẫn không thôi nghiệt ngã với Linh. Bi kịch ập đến khi Linh học năm thứ ba tại Học viện Âm nhạc Quốc gia.
'Gần hết kỳ nghỉ hè, khi mình chuẩn bị quay trở lại Hà Nội thì bị một trận ốm. Mình không thể ăn được, cứ ăn vào là nôn ra. Các bác sĩ ở bệnh viện huyện nói mình bị suy thận mãn giai đoạn cuối, phải đi lọc máu chạy thận cấp cứu. Khi đó mình rất sốc, nhờ người thân và bạn bè động viên mình mới lấy lại được tinh thần và quay lại trường học tập.' - Văn Linh chia sẻ.
Việc chạy thận đều đặn 3 lần mỗi tuần từ lâu đã trở thành một điều bình thường trong lịch sinh hoạt của Linh.
Có lẽ vì từ nhỏ đã phải chịu nhiều thiệt thòi hơn bạn bè cùng trang lứa khi phải sống trong bóng tối, Nguyễn Văn Linh có được bản lĩnh để luôn lạc quan trong những giây phút khó khăn nhất: 'Mình chán, rất chán, nhưng từ bé đã luôn có trong đầu những suy nghĩ tích cực nên mình thích ứng rất nhanh với cuộc sống mới. Mình gặp một số người điều trị bệnh giống mình, họ rất tuyệt vọng khi mắc bệnh hiểm nghèo. Nhưng mình thì đã coi việc chạy thận 3 lần mỗi tuần là một phần bình thường trong cuộc sống của mình. Nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, có gia đình và người thân ở bên cạnh nên mình còn may mắn chán!'.
Công việc chủ yếu của Nguyễn Văn Linh là một nhạc công. Hiện, anh hoạt động nghệ thuật cùng các nghệ sĩ khuyết tật khác tại quán cà phê cộng đồng Mơ Phố (số 54 ngách 15 ngõ 82 Yên Lãng, Đống Đa, Hà Nội). Ngoài ra, anh cũng tham gia giảng dạy âm nhạc cho lớp học được tổ chức tại quán. Việc luyện tập, biểu diễn, giảng dạy cùng với những buổi điều trị đều đặn đã trở thành những điều bình thường trong cuộc sống của anh.
Bên cạnh đó, Linh còn tham gia vào dàn nhạc khiếm thị của Giáo sư Tôn Thất Triêm, nhờ đó có cơ hội biểu diễn tại các sự kiện lớn để tiếp đón các đoàn ngoại giao nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Hạnh (bố của Linh) chia sẻ: “Khi con mình không thể nhìn thấy thế giới bằng đôi mắt, người làm cha mẹ như tôi cũng sẵn sàng ủng hộ con theo đuổi con đường nghệ thuật hơn so với những phụ huynh khác. Âm nhạc khiến cho tinh thần của Linh được giải tỏa rất nhiều, đó là điều tôi có thể nhìn thấy được, đặc biệt kể từ khi Linh phải chạy thận”.
Ông Nguyễn Văn Hạnh (bố anh Nguyễn Văn Linh) trong một buổi biểu diễn của con trai.
Nguyễn Văn Linh là người đơn giản, bình dị. Anh không có bất kỳ một phương châm sống nào cho riêng mình.
Khi tôi hỏi anh rằng liệu anh có bao giờ nghĩ về quỹ thời gian của đời mình, anh cười và đáp: “Tất nhiên là mình không sống lâu bằng các cậu đâu, nhưng mình cũng chẳng bao giờ nghĩ là mình còn bao nhiêu thời gian, còn những gì phải làm, những gì chưa làm được. Mình chỉ đơn giản sống cho thật vui ngày hôm nay, trân trọng cuộc sống, yêu thương mọi người, vậy là đủ rồi”.
“Tất nhiên là mình không sống lâu bằng các cậu đâu, nhưng mình cũng chẳng bao giờ nghĩ là mình còn bao nhiêu thời gian, còn những gì phải làm, những gì chưa làm được. Mình chỉ đơn giản sống cho thật vui ngày hôm nay, trân trọng cuộc sống, yêu thương mọi người, vậy là đủ rồi", Nguyễn Văn Linh tâm sự.