Chủ nhân của chiếc xe buýt đặc biệt này là tài xế Phạm Ngọc Tuyền (sinh năm 1976) và phụ xe Phạm Văn Sang (sinh năm 1972). Toàn bộ thú bông trang trí trong xe là 'chiến lợi phẩm' của anh Sang từ trò chơi gắp thú.
Clip: Chuyến xe buýt ngập tràn thú bông ở Sài Gòn
Ngôi nhà thứ hai
Khi dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, xe buýt ế khách nên anh Phạm Văn Sang thường xuyên lui tới máy gắp thú bông đặt tại bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP.HCM) để giết thời gian. Thấy người ta gắp, anh cũng tập theo rồi nghiện lúc nào không hay. Thời gian đầu, anh tốn khá nhiều tiền cho trò chơi này vì mãi không gắp được con nào.
Anh Sang nhớ lại: 'Dần dần, tôi quan sát rồi nghiên cứu cách chơi. 1-2 tháng sau đó thì luyện thành công, gắp đâu trúng đó. Đến hiện tại, tôi không thể nhớ chính xác số lượng thú mình đã gắp, chắc cũng khoảng chừng 200 con.'
Gần 100 con thú có hình dáng ngộ nghĩnh được trang trí đầy ắp xe
Anh Sang treo 1-2 con thú lên xe trang trí nhìn cho vui mắt. Khách lên xe ai nhìn cũng khen, có người còn đòi mua lại nên anh Sang nảy ra ý tưởng đem toàn bộ số thú bông mình gắp được treo lên xe. Sáng kiến này được anh Tuyền tài xế và nhiều hành khách ủng hộ nhiệt tình. Từ đó, trần xe, tay cầm,… đâu đâu cũng thấy thú bông.
'Không khí trên xe vui hơn hẳn, khách lúc nào cũng cười khoái chí. Chúng tôi coi khách hàng là thượng đế, họ thấy vui thì chúng tôi cũng vậy. Vào giờ rảnh, tôi và anh Sang thường ngồi cuối xe để ngắm, thấy con nào treo chưa hợp lý hoặc con nào cũ rồi là thay con mới' - anh Tuyền tâm sự.
Lý giải về chú hổ bông ngồi đầu xe, anh Tuyền cho hay đó là ý tưởng để thú bông chủ đạo theo chủ đề 12 con giáp. Năm 2022 là năm Nhâm Dần nên anh Tuyền qua Campuchia mua hẳn một chú hổ bông về trưng.
Phụ xe buýt Phạm Văn Sang nổi tiếng với biệt danh 'cao thủ gắp thú'
Cách 1 tuần, anh Sang lại tháo 'đàn con' xuống, đem về nhà để giặt sạch sẽ rồi mới treo lên lại. Vợ con anh ban đầu cũng càm ràm nhưng thấy anh mê và nhiều khách thích nên dần ủng hộ.
Trước đây, anh Sang từng làm nghề sơn mành trúc hơn chục năm. Càng lớn tuổi, sức khoẻ càng giảm sút nên anh đổi sang làm tiếp viên xe buýt, đồng hành với anh Tuyền hơn 3 năm nay. 'Chắc do vậy nên trong người tôi có máu nghệ thuật, thích trang trí. Mỗi ngày, chúng tôi ở trên xe buýt hơn 15 tiếng nên cũng coi chiếc xe này như ngôi nhà thứ hai. Đã coi là nhà thì bao giờ cũng muốn nó tươm tất, nhìn đẹp mắt cả', anh Sang cười nói.
Cá heo là thú bông được anh Sang gắp nhiều nhất
Tài xế Phạm Ngọc Tuyền cầm lái chiếc xe buýt 146 có lộ trình Bến xe miền Đông - Bến xe Hiệp Thành
Tận tâm với hành khách
Anh Sang thường xuyên tổ chức mini game, đọc số vé ngẫu nhiên để tặng bớt gấu bông cho các bạn sinh viên. Bên cạnh đó, khi nào gặp những em nhỏ theo cha mẹ đi bán vé số, anh cũng chủ động tặng cho tụi nhỏ. Tuổi thơ của anh chưa từng có một con thú bông nào nên khi nhìn vào ánh mắt đám trẻ, anh hiểu chúng rất thích những món quà này.
Chiếc còi cho khách báo hiệu xuống trạm của chuyến xe buýt này cũng rất đặc biệt. Hai anh bàn nhau để ba chú gà trống ngộ nghĩnh ở cửa trước, cửa sau xe và chỗ ngồi của tài xế. Khách muốn xuống trạm thì bóp… gà, anh Tuyền cũng bóp… lại biểu hiện ý 'đã nghe'.
Cô Thu (mũ hồng) thích thú với chiếc còi độc đáo hình con gà
Từ Đà Nẵng vào TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1951) ngạc nhiên trước sự đáng yêu của chiếc xe. Bà Thu hào hứng: 'Từ đằng xa đã thấy vô số thú bông ở trước xe rồi. Đây là lần đầu tiên tôi đi một chiếc xe đặc biệt như vậy. Thú bông mới tinh, sạch sẽ còn tài xế và tiếp viên vô cùng niềm nở với khách. Đang mệt mà lên xe này tôi thấy tinh thần phấn chấn hẳn ra.'
Chị Nguyễn Thị Hiền (sinh năm 1975) cho biết: 'Mỗi lần đi khám bệnh, tôi thường đứng ở trạm chờ chiếc xe buýt có chở thú bông này tới để đi. Chiếc xe này rất sạch sẽ, thoáng mát giúp tôi đỡ bị say xe. Những con thú được treo trông rất dễ thương nên thấy vui vui, thoải mái'.
Dù công việc vất vả nhưng anh Sang và anh Tuyền luôn giữ tinh thần tích cực, niềm nở với khách. Anh Tuyền cho hay, hai anh em giữ nguyên tắc không phóng nhanh vượt ẩu hay không hối khách lên xuống xe để đảm bảo an toàn cho họ. Anh Sang luôn chủ động dìu mỗi khi thấy khách lớn tuổi lên xe và tìm cách pha trò cho khách vui.
Khung cảnh yên bình bên trong chiếc xe buýt đặc biệt
Khi làn sóng dịch Covid-19 thứ tư ập tới vào tháng 6/2021, xe buýt phải tạm ngưng hoạt động 4 tháng. Anh Sang cùng vợ tham gia công tác nấu cơm cho tuyến đầu, phân chia rau củ tiếp tế cho bà con các phường thuộc Quận 12 khoảng được 1 tháng. Không may, anh bị nhiễm Covid-19 nên phải tạm ngưng công việc thiện nguyện.
Khỏi bệnh, anh Sang cùng con cháu thường lui tới bến xe Hiệp Thành - nơi chuyến xe buýt đặc biệt của mình đậu, để vệ sinh xe. Lúc đó, anh tưởng tượng như mình đang đi bán vé xe buýt cho khách như bình thường chứ không phải đang nghỉ làm.
'Tôi nhớ khách lắm, nhớ nhất là lúc họ nói họ thường chờ ở trạm để được lên chiếc xe buýt này. Làm nghề gì cũng vậy, dù cực nhưng đi riết rồi quen, khách hàng tôi coi như người nhà mình. May quá, thời gian đó cũng trôi qua rồi. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục gắp thêm nhiều thú nữa để đổi mới xe chút cho khách họ thích', anh Sang tâm sự.
Tài xế và phụ xe xem chiếc xe buýt như ngôi nhà thứ hai của mình