Thời gian gần đây, nhiều người đã quen với hình ảnh một cô gái ở TP HCM có ngoại hình xinh xắn, năng động, kêu gọi quyên góp để giúp đỡ những người khó khăn.
Trúc Phương tất bật chuyển hàng giúp người nghèo khó trong những ngày TP HCM thực hiện giãn cách xã hội vì dịch COVID-19
Đặt niềm tin đúng chỗ
Từ lúc 15 tuổi, Nguyễn Đỗ Trúc Phương đã bắt đầu tham gia các hội nhóm đi phát quà, khám bệnh cho những người già trong nhà thờ, chùa… Cũng từ đó, Trúc Phương kết nối với một bác sĩ trẻ tên Lê Công Thành khi tham gia các hoạt động khám chữa bệnh từ thiện. Khi đi du học năm 16 tuổi, cô vẫn giữ liên lạc với bác sĩ này để hỗ trợ cho những bệnh nhân nghèo ở Việt Nam. Đó là các bệnh nhân bị tai biến, được Trúc Phương hỗ trợ chi phí chữa trị, châm cứu phục hồi từ 6 tháng đến 1 năm. Có những cô chú phục hồi đi đứng lại được chính là niềm vui, động lực để cô và bác sĩ Thành tiếp tục hành trình của mình. Kinh phí cho các hoạt động trong giai đoạn này do Trúc Phương tiết kiệm được từ số tiền bố mẹ chu cấp hằng tháng nhờ việc bớt tiêu xài những nhu cầu cá nhân.
Cuối năm 2019, Trúc Phương về Việt Nam sau thời gian du học tại Úc. Được tận mắt thấy những hoàn cảnh khó khăn đã khiến cô quyết tâm góp sức của mình giúp những cảnh đời khó khăn. Nghĩ là làm, Trúc Phương chính thức bắt tay vào giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn được lan truyền qua mạng xã hội. Cô quyên góp trong nhóm bạn rồi đến trao tận tay cho từng người, thường thì khoảng 5-6 triệu đồng mỗi trường hợp.
Sự việc giúp mọi người biết đến Trúc Phương nhiều hơn chính là qua giúp đỡ chú Hải chạy xe ôm công nghệ vào tháng 8-2020. Lần kêu gọi này, cô nhận được 40 triệu đồng, một số tiền lớn hơn mong đợi rất nhiều. Đó cũng là lần đầu tiên cô mua xe mới cho chú với suy nghĩ giúp cho chú phương tiện để mưu sinh lâu dài. Sau đó không lâu, cô tiếp tục đứng ra kêu gọi được hàng trăm triệu đồng giúp đỡ một người đàn ông ở Tây Ninh bị rắn hổ mang cắn - có tiền điều trị, giữ lại được chân cùng một số tiền để làm vốn mưu sinh.
Nhưng kỷ lục về số tiền mà Trúc Phương quyên góp được là 700 triệu đồng trong vòng 1 giờ để giúp ngư dân từng bị hành hạ dã man trên tàu cá vào cuối năm 2022. Trúc Phương đã nhờ người quen ở đó tìm mua giúp một căn nhà cấp 4 và 3 công đất ruộng, hết gần 400 triệu đồng. Số tiền còn lại cô lập tài khoản, gửi tiết kiệm để ông làm vốn. Đồng thời xin phép nhà hảo tâm trích 20 triệu đồng tặng 50 phần quà cho người dân khó khăn trong xã.
Trúc Phương cho biết mỗi sáng thức dậy, trang cá nhân của cô đều có hàng trăm thông báo mới. Nhiều người gắn tên cô vào nhiều nơi, nhiều câu chuyện. Có lẽ vì cộng đồng tin rằng Trúc Phương sẽ có cách này hay cách khác để giúp đỡ những người khó khăn. Và Trúc Phương không để mọi người thất vọng bởi niềm tin của họ đã đặt đúng chỗ.
Trúc Phương tận tay trao tặng rau xanh cho người dân trong những ngày giãn cách xã hội vì dịch COVID-19
Minh bạch từng khoản thu chi
Những ngày TP HCM bước vào giãn cách xã hội do dịch COVID-19 cũng là những ngày Trúc Phương tất bật nhất. Cô gái trẻ đã đến nhiều nơi để giúp đỡ người đang gặp khó khăn vì COVID-19. Điều cô nhận được không chỉ là lời cảm ơn, mà chính là sự vượt khó của từng mảnh đời sau gian khó. Chính bản thân Trúc Phương cũng nhiễm bệnh sau những tháng ngày bôn ba thiện nguyện, nhưng cô không hề hối hận.
Cách làm thiện nguyện của Trúc Phương có phần khác biệt, chính là cô xem mình là người nhà bệnh nhân, của người cần giúp đỡ. Đối với những người bệnh già yếu, neo đơn, cô tự mình đưa đến, xếp hàng làm thủ tục, chờ bác sĩ thăm khám. Hoàn toàn không có ưu tiên nào từ bệnh viện, bởi Trúc Phương nghĩ đến công bằng cho tất cả mọi người. Sau khi người bệnh xuất viện, số tiền Trúc Phương quyên góp được còn dư, cô sẽ đưa họ đến ngân hàng lập sổ tiết kiệm để họ thụ hưởng. Các hoạt động quyên góp hay giúp đỡ mỗi hoàn cảnh Trúc Phương đều sao kê rõ ràng, đầy đủ từng khoản thu chi. Ngay từ những ngày đầu, Trúc Phương lập một tài khoản riêng để chỉ dùng thu chi hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn. Để rồi hành trình hơn 3 năm qua, Trúc Phương đã giúp hơn 100 trường hợp khó khăn, từ người bán hàng rong, người già yếu, bệnh tật đến những đứa bé nghèo với số tiền quyên góp trên 10 tỉ đồng.
Trở ngại đầu tiên khi Trúc Phương bắt đầu hành trình thiện nguyện chính là gia đình, bởi bố mẹ nào lại không lo lắng khi con mình trong hoàn cảnh như vậy. Bên cạnh đó là hàng loạt tin nhắn, cuộc điện thoại làm áp lực khi cô chưa kịp giúp các trường hợp họ đưa ra. Hơn nữa, không phải ai cũng thật sự tin tưởng công việc này của cô. Có người giúp đỡ, quyên tiền nhiệt tình, vì tính minh bạch mà Trúc Phương thể hiện sau từng trường hợp cô kêu gọi giúp đỡ. Nhưng cũng có người thiếu thiện ý, có ý kiến trái chiều, thậm chí có người còn giả địa chỉ Facebook của cô để trục lợi…
Trúc Phương cho biết có khoảng thời gian mình bị khủng hoảng tinh thần và tạm ngưng các hoạt động từ thiện vì thấy sức lực mình nhỏ bé không thể đáp ứng hết mọi trường hợp khắp nơi, nhưng rồi chính mẹ cô đã vực dậy khi khuyên nhủ: 'Những điều con làm là việc tốt, còn chuyện họ khủng bố tinh thần, làm áp lực này nọ là điều xấu. Tại sao mình để những điều như vậy ảnh hưởng đến việc con cứu giúp những người khó khăn. Nếu con ngừng lại, họ không thiệt thòi đâu mà thiệt thòi là những người khác, những người thật sự khó khăn'. Trúc Phương cảm thấy thấm thía và tiếp tục hành trình thiện nguyện của mình.
Trúc Phương luôn đến với người cần được giúp đỡ bằng tình cảm chân thành. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Nhận lại rất nhiều niềm vui, yêu thương
Khi quay trở lại với hành trình thiện nguyện, Trúc Phương càng bản lĩnh hơn. Cô mạnh dạn làm những điều mà mình cảm thấy đúng. Với một trường hợp khó khăn, cô sẽ đi hỏi địa phương, hàng xóm và bằng cả trực giác của bản thân khi tiếp xúc với họ. Cũng có trường hợp khi Trúc Phương biết những điều họ nói chưa chính xác nhưng vẫn có cảm giác đây là người hiền lành, không làm hại ai, cũng khó khăn thì cô vẫn giúp đỡ họ. Với từng trường hợp, Trúc Phương dự trù một mức chi phí cụ thể và đăng bài kêu gọi sự ủng hộ của nhà hảo tâm trên trang cá nhân. Khi có đủ chi phí cho trường hợp đó, cô sẽ đóng tài khoản không nhận thêm nữa.
Trúc Phương cho biết khi trao đi cũng là lúc cô nhận lại rất nhiều niềm vui, tình cảm, sự yêu thương mà mọi người dành cho mình. Từ nhà hảo tâm đến các ông bà cụ yêu thương Trúc Phương như con cháu trong nhà. Cô nói vui là nhờ vậy mà có thêm nhiều ông bà ngoại, cô, chú khắp mọi nơi. Mọi người đã trao cho cô tình thương, động lực, sự cổ vũ rất lớn để Trúc Phương tiếp tục hành trình làm thiện nguyện không mệt mỏi của mình.
Để kêu gọi sự chung tay của nhiều người, Trúc Phương thường đăng lên mạng xã hội hoàn cảnh cần giúp đỡ sau khi đã đến tận nơi để xác minh. Cô nói mình không giỏi văn, cô luôn cố gắng viết lại một cách chân thật những điều được chứng kiến, cảm nhận để các nhà hảo tâm cũng có được những cung bậc cảm xúc như mình qua những hình ảnh, câu chữ giản dị, chân thật nhất.
Trưởng thành hơn mỗi ngày Trúc Phương nói đến nay mình luôn yêu và đam mê việc làm từ thiện. Bởi chỉ có đam mê và yêu cô mới có thể dãi nắng dầm mưa đi đến những ngõ ngách mà cô chưa từng đặt chân tới. Cô luôn đến với những người nghèo khó, những mảnh đời bất hạnh bằng tâm thế của một người con, đứa cháu trong gia đình chứ không phải kiểu ban ơn, muốn nói gì thì nói. Cũng chính những việc thiện nguyện đã giúp cô trưởng thành hơn mỗi ngày trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Sau tất cả, Trúc Phương nói, bản thân mình không thể nào hoạt động được như vậy. Cô chỉ là người vận chuyển, người gieo duyên để các nhà hảo tâm có thể kết nối với những mảnh đời khó khăn. Cô nói mình luôn biết ơn vì mọi người vẫn luôn yêu thương và tin tưởng mình. Cô đang dự định lập ra quỹ nhỏ để mổ hàm ếch cho các bé. Mỗi tháng sẽ là một hành trình mang những yêu thương, sự ấm áp, sẻ chia từ TP HCM đến với mọi nơi, đặc biệt là những nơi còn nhiều khó khăn. Đó còn là dự án xây trường học, trạm y tế cho vùng cao.
Với những nỗ lực cá nhân, Nguyễn Đỗ Trúc Phương đã được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao giải thưởng 'Thanh niên sống đẹp' năm 2020
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH