Khi nạn nhân lên tiếng
Ngày hôm nay hay bất kỳ 1 ngày nào khác khi bạn nghe được, đọc được câu chuyện của một nạn nhân bị tấn công tình dục lên tiếng tố cáo kẻ hãm hại mình, bạn mới biết có một sự việc như thế đã xảy ra. Nếu như không có một câu chuyện nào được chia sẻ, được hé lộ chắc chắn bạn cũng không thể nghĩ đến có tội ác kinh tởm như thế tồn tại.
Trước sự việc này, xã hội vẫn thường chia làm 3 luồng ý kiến: những người đứng về phía nạn nhân, ủng hộ việc dám lên tiếng, chống lại vấn nạn tấn công tình dục, những luồng ý kiến hoài nghi, đặt ra những câu hỏi, chờ đợi sự lên tiếng của cả hai chiều và một bộ phận bàn tán, bình phẩm về đạo đức, lối sống của nạn nhân.
Ảnh minh họa
Trong một nghiên cứu đạt giải nhì cuộc thi Khám phá khoa học số ASEAN năm 2018 của nhóm sinh viên ĐH RMIT có những số liệu khiến chúng ta giật mình. Đó là 3 con số trong 10 người đã từng bị quấy rối tình dục thường rơi vào tình trạng trầm cảm một thời gian dài. Chỉ 20% phụ nữ dám thông báo với cảnh sát hoặc các cơ quan có thẩm quyền. 26% nạn nhân khi được hỏi đều không nghĩ rằng cảnh sát sẽ có cách giải quyết/ chấm dứt tình trạng này. Điều này cho thấy con số giữ im lặng, không lên tiếng tố cáo đối tượng chiếm tỷ lệ rất cao.
Mới đây, câu chuyện người phụ nữ tên P. sau 23 năm mới lên tiếng về vụ xâm hại tình dục xảy ra với bản thân mình khiến dư luận quan tâm. Trong thư ngỏ đăng trên trang cá nhân, chị kể lại sự việc mình từng bị đồng nghiệp đánh đập, cưỡng hiếp thậm chí từng phải phá thai nhưng lại bị trù dập, bị vu cáo mà không dám vạch trần.
'Hậu quả của nó làm tôi từng phải vật vã trải qua những năm tháng dài sợ hãi giao tiếp, có những thời điểm thậm chí nói chuyện bình thường với chồng con cũng là việc rất khó khăn. Gần đây, tôi có theo dõi một số vụ nạn nhân bị xâm hại tình dục đứng ra tố cáo. Đọc những bình luận tiêu cực như làn mưa dao trút xuống họ và người thân, tôi bàng hoàng.
Con quỷ là tệ nạn xâm hại tình dục đã cán vụn vỡ cuộc đời của cô gái trẻ là tôi 23 năm trước đến giờ vẫn không ngừng săn đuổi các nạn nhân tiếp theo của nó. Xu hướng tấn công, đổ lỗi cho nạn nhân của một bộ phận thiếu hiểu biết trong xã hội vẫn vô tình dung dưỡng cho con quỷ này, làm nó ngày càng trở nên hung hiểm'. - Chị P chia sẻ.
Thậm chí trước khi bắt đầu câu chuyện của mình, người phụ nữ ấy đã phải cầu xin mọi người lắng nghe và thấu hiểu:
'Sinh nhật tôi năm nay, tôi muốn được sinh ra một lần nữa - Bằng việc mang ra ánh sáng một Sự Thật tôi đã phải chôn giấu trong im lặng thống khổ suốt 23 năm nay.
Có lẽ những gì tôi kể ra sẽ hơi dài với bạn. Nhưng đó là gần một nửa thời gian tôi đã sống trên mặt đất này, với rất nhiều khổ đau, mất mát, oan ức.
Tôi hy vọng tiếng nói này của tôi sẽ được bạn lắng nghe.
Tôi hy vọng tôi sẽ được tái sinh trong một thế giới được chiếu sáng bởi Sự Thật, lòng Chính Trực, Tình Người.'
Với những nạn nhân của tấn công tình dục, đối mặt với dư luận, miễng lưỡi người đời còn khó khăn hơn cả vượt qua nỗi đau của chính mình. Chính vì thế với nhiều người sự im lặng có lẽ là giải pháp tốt nhất.
Theo bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - Gia đình - Phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) chia sẻ trên báo chí: 'Nói đến những gì liên quan đến tình dục đã bị mặc định là nhạy cảm, là chuyện kín đáo chỉ nói giữa hai người hoặc chỉ để đùa bỡn. Nạn nhân nói ra chỉ thấy vấn đề riêng tư của mình bị đàm phán, bình phẩm, phán xét, thậm chí nhân cách của họ sẽ bị quy kết. Ví dụ như: 'Cô như thế nào thì mới bị như thế'. Vì thế nạn nhân chỉ còn biết tặc lưỡi 'Thà im lặng cho xong'. Đây là suy nghĩ khá phổ biến, không chỉ ở Việt Nam mà các nước phương Tây cũng có một giai đoạn dài rơi vào tình trạng đổ lỗi cho chính nạn nhân'.
Nạn nhân bị 'tấn công'
Nói về tình trạng đổ lỗi cho nạn nhân bị tấn công tình dục, nhà báo Phạm Trung Tuyến cũng bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân. Anh viết: 'Tôi nghĩ, việc đặt câu hỏi không có gì sai, nhưng đó là những câu hỏi gây tổn thương ghê gớm đối với nạn nhân (nếu họ thực sự là nạn nhân). Và, đó cũng là nguyên nhân khiến rất nhiều nạn nhân đành chấp nhận im lặng chịu đựng, chấp nhận để những kẻ đốn mạt nhởn nhơ. Tôi biết có rất nhiều gã khốn đã nhởn nhơ đi hết cuộc đời với sự đắc ý vì áp bức tình dục đồng nghiệp của mình mà không bị trả giá. Bởi vì nạn nhân của chúng đã không muốn hoặc không thể nói ra.
Họ không thể vì không dễ xác thực được các hành vi áp bức tình dục diễn ra trong những góc khuất.
Họ không thể vì không đánh giá được khả năng chịu đựng nỗi đau tinh thần của người thân.
Họ không thể vì những ràng buộc về công việc, sự nghiệp, và những định kiến về trinh tiết.
Họ không thể vì thiếu niềm tin vào sự công tâm của những người phám xử.
Và hơn hết, họ không thể vì không đủ sức chịu đựng nổi những câu hỏi cắc cớ hoài nghi của người đời khi mà sự việc còn chưa được làm cho sáng tỏ.
Họ không muốn vì đắn đo được mất và cho rằng mất nhiều hơn được.
Họ không muốn vì nghĩ rằng quá khứ sẽ ngủ yên và nỗi đau sẽ nguôi dần theo năm tháng.
Họ không muốn đối diện với những câu hỏi mang hàm ý phán xét của những người không quen.
Dù không thể, hay không muốn, thì nguyên nhân lớn nhất vẫn là sự hoài nghi của người đời. Bởi vì sự hoài nghi là một khoái cảm.'
Ảnh minh họa
Trong khi đó, nhà báo Đinh Đức Hoàng cũng bày tỏ: 'Khoan bàn đến sự thật. Hãy nói về tính hợp lý: đó là một mệnh đề mà tôi hiểu. Vì tôi cũng ngột ngạt khi đọc được, nghe được những bình phẩm về nạn nhân của bạo lực tình dục gần đây. Những luận điểm kiểu 'Con này thật ra cũng là loại...', hoặc 'Lúc đầu toàn tự nguyện, xong đến lúc cơm không lành canh không ngọt mới tố cáo...', hoặc 'Làm gì có ai hiếp được, chẳng qua là...'.
Kinh tởm hơn nữa – và có thể bạn không nhận ra cái u nhọt này trong não mình – là trong các vụ việc mà kẻ bị tố cáo có địa vị chính trị - rất hay có luận điểm 'con này gài bẫy'. Gài bẫy chứ, vì từ đầu sao vào phòng với người ta, hay đồng thuận đi hát karaoke với ông kia; vì chẳng qua là chuyện đấu đá chính trị ấy mà; vì thích thì gào to lên lúc đấy là được sao giờ mới tố; và vì cơ bản, là các bạn biết con mẹ nó hết về cuộc đời rồi, làm gì có tình huống nào làm khó được các bạn, các bạn có bao giờ biết chịu nhục trước cường quyền là cái gì đâu.
Nhưng các bạn không nhận ra rằng ngay trong thời điểm các bạn hạ thấp những cô gái này trong hệ quy chiếu với quyền lực, tiền bạc, nam tính; ngay trong thời điểm bạn bình phẩm 'con này gài bẫy (ấy mà)', chính bạn đã tôn thờ cường quyền đến mức ngu muội. Chính bạn, nói với bản thân: 'Có cái gì trên đời quan trọng bằng tiền và quyền đâu? Trong chuyện này không có gì để xem xét hết, nhân phẩm con cặc. Đầu tao lúc này chỉ nghĩ đến tiền và quyền của ông kia thôi đéo nghĩ được cái gì khác chúng mày ạ. Đây là gài bẫy, chỉ có thể là gài bẫy'.
Luận điểm này, chính là bằng chứng cho thấy chúng ta có thể hèn hạ đến mức độ nào khi nghĩ về quyền lực.'
Câu chuyện luôn phải có 2 chiều
Xu hướng thường thấy trong những vụ việc tố cáo người tấn công tình dục thời gian gần đây đó là khi nạn nhân lên tiếng, người bị tố cáo khi được hỏi thường trả lời 'tôi không có ý kiến về việc này, vì nói gì lúc này cũng không ai nghe', hoặc 'Hãy để cơ quan chức năng làm sáng tỏ', hay 'Sự thật đã bị cắt ghép, tội bị hãm hại'.... sự việc sau đó dần lắng xuống, thậm chí biến mất.
Nhà báo Hà Quang Minh bày tỏ quan điểm nên nhìn nhận sự việc cả hai chiều trước khi đưa ra nhận định : 'Xã hội hiện đại, với nhiều công cụ, dễ khiến chúng ta xúc cảm nhanh mà bỏ quên nhiều thứ đằng sau. Một vụ tố cáo nào đó mà nạn nhân tố cáo là nữ và thủ phạm bị tố cáo là nam, chúng ta cũng sẽ rất dễ dàng chọn đứng về phía nạn nhân nữ. Song, sẽ có những việc nếu không suy xét kỹ, thậm chí hồ đồ, chính chúng ta có thể sẽ giết lầm một nạn nhân khác, là nam giới với những hệ luỵ đến cả thân nhân của họ.'
Mặc dù có niềm tin trong câu chuyện của người bị hại, nhưng anh cũng đặt ra cảnh báo tới những nạn nhân của các vụ tấn công tình dục khi giữ im lặng, không dám lên tiếng hoặc để thời gian quá lâu mới lên tiếng vô hình chung sẽ tự tạo bất lợi cho mình.
'Chính sự chậm trễ, không quyết liệt này dẫn tới hệ luỵ là bằng chứng gần như không có. Pháp y là không thể rồi. Phải có pháp y mới xác thực được có chuyện người kia hiếp dâm hay không. Còn đối chất thì thực sự mong manh lắm. Dù sao, đối chất cũng chỉ là lời. Kinh thánh viết 'Mọi sự khởi từ lời' nhưng lời của nguyên/bị đơn ở trước toà thì khó có sức nặng hơn một bản cung. Hành vi duy nhất có thể xác định lúc này chỉ là hành động bạo lực của người kia với nạn nhân, nhưng bằng chứng quá yếu vì thời gian đã quá lâu.' - nhà báo Hà Quang Minh viết.
Câu hỏi mà anh đặt ra cũng chính là câu hỏi mà nhiều người đang thắc mắc 'RỒI SỰ VIỆC SẼ ĐI ĐẾN ĐÂU?'. Câu chuyện tố cáo kẻ xâm hại mình sẽ nằm trên Facebook, kéo theo dư luận ủng hộ hoặc hoài nghi, hay có một hình phạt thích đáng nào cho kẻ phạm tội, hoặc một vụ kiện lên tòa án với sự việc xảy ra quá lâu trước đó?
'Các bạn nữ bị xâm hại không thể chờ đợi, không thể do dự chỉ vì sợ ảnh hưởng danh dự gia đình để rồi bỏ qua thời điểm quan trọng nhất trong tố tụng. Gia đình không sống dùm các bạn. Người phụ nữ ấy đã tự cầm tù mình trong ám ảnh 23 năm nay và các bạn đừng lặp lại sai lầm ấy của chị. 23 năm ấy là gì? Là tuổi trẻ, là khát vọng, là bao nhiêu thứ tươi đẹp cuối cùng bị chôn vùi trong một nhà lao vô hình chỉ vì cái sợ hãi danh dự như một thứ bóng đè.
Các bậc cha mẹ cũng cần phải hiểu, danh dự của mình và danh dự của con mình gắn liền mật thiết với nhau như thế nào và cách lấy lại danh dự không thể là im lặng và chấp nhận. Phải 'nổ súng' khi cần. Tinh thần quyết liệt ấy mới chính là tinh thần để được sống chứ không phải tồn tại vô hình.
Nếu 23 năm trước chị lên tiếng, chắc chắn rồi kiểu gì chị cũng tìm được công lý. Tôi tin là vậy. Tiếc cho 23 năm chấp nhận tủi hờn nhưng cũng phải cảm ơn chị đã cất lên tiếng nói muộn màng, vì nó sẽ là một tham chiếu hành động cho rất nhiều nạn nhân nữ khác của ngày hôm nay, ngày mai.'
Đây cũng chính là lời nhắn đến không riêng chị em phụ nữ mà tất cả chúng ta. Không chỉ trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức cần thiết mà còn là một thái độ đúng đắn với vấn nạn này, đó có thể chỉ là những lời nói ám chỉ tình dục, một sự quấy rối ở mức độ nhẹ cũng là tiềm ẩn của tội ác có thể hình thành bất cứ lúc nào. Vì vậy đừng im lặng.