Câu chuyện về thiếu niên áo đen bị từ chối cho nhận gạo
Trong khoảng vài ngày gần đây, trên các mạng xã hội râm ran câu chuyện về một thiếu niên mặc áo đen đến nhận gạo tại 'ATM gạo' thuộc quận Tân Phú - có chủ quản là công ty PHGLock và bị từ chối.
Nội dung của clip gốc như sau: có một thiếu niên áo đen nhìn tương đối gầy yếu đang đứng vào hàng đợi đến lúc được nhận gạo tại cây 'ATM gạo', đột nhiên có giọng của người điều phối vang lên trong loa 'em áo đen ơi bước ra khỏi khu vực phát gạo giùm chị nghe'. Sau đó, thiếu niên đó chậm rãi bước lại chiếc hộp để trả lại túi nilon đựng gạo và qua đường, lên một trong hai xe máy đang đứng đợi sẵn bên kia đường để về nhà trọ.
Ngoài ra, còn có những clip liên quan ra đời sau đó, với mục đích 'minh oan' cho thiếu niên áo đen. Trong đó, có một youtuber còn về tận nhà của thiếu niên đó để chứng minh là thiếu niên đó nghèo thật, trong clip chúng ta còn có thể nghe rất nhiều lời chất vấn tức giận của người quen thiếu niên nọ tại phòng trọ. Cái kết của câu chuyện là thiếu niên đó đã nhận được rất nhiều quà là các nhu yếu phẩm của rất nhiều người khác nhau.
Tuy nhiên, mọi chuyện không chấm dứt tại đó, mà đã có rất nhiều Facebooker tự nhận là người của công ty PHGLock lên đôi co – chế giễu và có lời lẽ miệt thị về giới LGBT, khi cho rằng thiếu niên áo đen là 'les'.
Tiếp theo, không ít người dùng trên các mạng xã hội khác nhau đã lên án hành động của PHGLock, theo kiểu 'của cho, không bằng cách cho', nhà tổ chức không nên đoán định một người nghèo hay giàu qua áo quần của họ. Thậm chí không ít người đưa tấm ảnh thiếu niên áo đen đứng giữa rất nhiều phần quà là nhu yếu phẩm với thái độ hả hê, như muốn nói 'nếu ban tổ chức 'ATM gạo' không cho, vẫn còn rất nhiều người tốt khác'.
Thiếu niên áo đen đã bị người điều phối tại trạm 'ATM gạo' quận Tân Phú từ chối cho nhận gạo. Ảnh cắt từ clip.
Quả thật, nếu chỉ nhìn vào chiếc clip cắt ghép và khuôn mặt thẫn thờ của thiếu niên áo đen khi bị nhắc nhở từ chối, ai cũng sẽ có chút tức giận và cảm thấy bất nhẫn.
Câu chuyện từ góc nhìn của ông chủ dự án 'ATM gạo'
'Thật ra, sự việc này cũng đã xảy ra được khoảng 10 ngày, nhưng tôi không biết vì sao bây giờ nó mới được nhiều người quan tâm. Lúc đó, tôi cũng không có mặt tại hiện trường, nên không rõ tình hình thực tế như thế nào, bởi nếu chỉ nhìn vào cái clip cắt ghép trên mạng, thật khó để nói rõ được điều gì.
Trong suốt quá trình thực hiện dự án, chúng tôi có một nguyên tắc như thế này: nếu thấy người trẻ khỏe mạnh nào đến nhận gạo, chúng tôi sẽ gọi ra để trao đổi thêm, nếu nam thì sẽ thuê bốc xếp gạo, nếu nữ có thể làm điều phối và nhiều chuyện khác. Chúng tôi có khoảng 10 nhân sự được tuyển dụng từ nguồn này, lương bình quân từ 6 đến 7 triệu/tháng, bao cơm ngày 2 bữa.
Với trường hợp của bạn thiếu niên áo đen trong clip, có thể là người điều phối của chúng tôi muốn gọi bạn ra để gặp riêng, nhưng có thể là em về quá nhanh hoặc lúc đó công việc quá bận rộn, không điều phối nào của chúng tôi có thể trao đổi kịp thời với em. Vì như đã nói trước đây, tôi không bao giờ phân biệt đối xử với ai trong lúc thực hiện các chương trình thiện nguyện', anh Hoàng Tuấn Anh – chủ công ty PHGLock và dự án 'ATM gạo' chia sẻ với chúng tôi.
Ngoài ra, theo anh, các nội dung chia sẻ mang tính phân biệt, kỳ thị… là hoàn toàn giả mạo. Các tài khoản mạng xã hội này không phải là nhân viên của PHGLock hay của dự án.
Mặt khác, sự việc này đã ảnh hưởng rất xấu đến bản thân anh Tuấn Anh và nhân công đang vận hành dự án. Cụ thể, trong khoảng 2 ngày qua, có nhiều người đã đến khu vực có máy 'ATM gạo' tại Tân Phú để đe dọa chửi bới anh Tuấn Anh cũng như những người đang vận hành chiếc máy này. Hằng ngày ông chủ này còn nhận được rất nhiều cuộc gọi đe dọa đánh, thậm chí là... giết.
Hậu quả, đã có 3 nhân viên của dự án phải nghỉ làm vì quá sợ hãi, trong đó có người điều phối viên trong clip. Anh Tuấn Anh đã rất áy náy khi phải để những nhân sự này ra đi, theo anh, họ tham gia dự án phần lớn là muốn làm cái gì đó đóng góp cho cộng đồng, vì rõ ràng số tiền mà anh trả mọi người không nhiều, nên hầu hết họ không đến đây làm vì tiền.
Sau khi sự đáng tiếc xảy ra, đã có khá nhiều người đến trạm 'ATM gạo' này làm loạn.
Còn với bản thân Tuấn Anh, khi nghe cộng đồng mạng lên án mình và dự án 'ATM gạo', anh cảm thấy khá sốc.
Anh không ngờ có ngày làm thiện nguyện mà cũng bị dính thị phi! Tự anh cảm thấy, mình đã làm được rất nhiều điều phi thường, vượt lên khả năng của bản thân trong khoảng 1 tháng qua: chính thức vận hành 5 trạm phát gạo qua máy tự động tại TP. HCM, trao tặng và huấn luyện vận hành gần 60 máy 'ATM gạo' cho 13 tỉnh thành khác, tự bỏ ra 5 tấn gạo để làm 'chim mồi' và huy động được 250 ngàn tấn để phát cho 50.000 người/ngày trên toàn quốc; vậy mà vẫn bị cộng đồng mạng đối xử như thế.
'Vốn tôi không phải thích làm người nổi tiếng, nếu không tôi có thể tự đứng ra vận hành hết 100 trạm phát gạo trong dự án của mình, chứ không phải chuyển giao cho người khác. Dù thế, tôi vẫn bị dính thị phi, nên lúc nghe chuyện tôi đã khá sốc, thậm chí còn có ý nghĩ sẽ dừng lại tất cả công việc không làm nữa.
Nhưng sau khi nhận được rất nhiều lời động viên từ bạn bè cũng như các mạnh thường quân, tôi đã nghĩ lại. Bởi nếu tôi dừng lại nửa chừng, tức tôi đã rơi vào 'bẫy' của những kẻ xấu đó, hơn nữa, tôi không thể vì vài 'con sâu' mà đổ đi cả nồi canh. Nếu nhìn vào bức tranh lớn, thì vẫn có rất nhiều người khó khăn ngoài kia cần sự chung tay giúp đỡ của dự án và các mạnh thường quân. Hơn nữa, khi mà dự án quá lớn và có nhiều bên liên quan, thật khó để không xảy ra chuyện', anh Hoàng Tuấn Anh nhận định.
Mục tiêu của anh Hoàng Tuấn Anh là sẽ có khoảng 100 trạm phát gạo bằng máy trên khắp Việt Nam, để giúp 1 triệu người nghèo không bị đói. Hiện tại, dự án của anh đi được hơn ½ chặng đường. Thêm nữa, với anh, giúp mọi người cũng là giúp xã hội và chính mình.
Trước tính chất bất thường của sự việc, anh Hoàng Tuấn Anh đã nhờ công an vào cuộc để điều tra xem tại sao diễn tiến của vấn đề lại lạ lùng như thế. Đây rõ ràng là một công việc thiện nguyện, không phải là làm ăn kinh doanh hay giành giật thị trường, để có đối thủ nhảy vào chơi xấu!
Đã có rất nhiều cá nhân và tổ chức mang gạo đến quên góp cho dự án 'ATM gạo' trong suốt thời gian vừa qua.
Mỗi ngày có khoảng 40 đến 50 người đến đây nhận gạo từ 5 đến 10 lần
'Để xảy ra vấn đề như vậy, tôi nghĩ nguyên nhân sâu xa cũng ở chỗ tôi chưa quản trị tốt dự án cũng như nhân viên và vẫn chưa thành công điều phối người tới nhận gạo một cách hợp lý.
Trong tay tôi chỉ có khoảng 20 nhân viên, vừa chế tạo máy móc, vừa nhận – vận chuyển và phân phối gạo vừa làm điều phối; trong khi phải triển khai thật nhanh chương trình, nên nhân sự không đủ. Trước đây, khi 'ATM gạo' tại Tân Phú hoạt động 24/24, người đến nhận được giãn cách, nhưng sau khi chúng tôi co lại chỉ còn 2 ca để nhân sự có thời gian nghỉ ngơi, thì lượng người tới cùng một lúc ngày càng quá tải.
Trước đây, khi thiết kế trạm nhận gạo này, chúng tôi chỉ định phục vụ khoảng 300 người/ngày, sau đó lượng người đến khoảng 1.000 người/ngày thì chúng tôi vẫn kham được, nhưng bây giờ lượng người tăng lên 6.000 người/ngày, chúng tôi không thể đảm bảo mọi chuyện đều suôn sẻ và không có vấn đề gì xảy ra. Ngay cả bây giờ địa điểm này đã tăng lên 3 máy thì vẫn không phục vụ bà con xuể', anh Hoàng Tuấn Anh miêu tả.
Bên cạnh đó, sự quá tải còn kéo theo việc rất khó để có thể kiểm soát được số lần 1 người đến nhận gạo trong ngày.
Mục tiêu của Tuấn Anh là tài nguyên phải được chia đều cho tất cả người gặp khó khăn, nên hiện anh đã chia 5 trạm ở 5 Quận/huyện có nhiều người nghèo tại TP. HCM là Tân Phú, Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè và Quận 12, sắp tới sẽ có 1 trạm ở Quận 1; để đảm bảo người nghèo có thể đi nhận gạo trong khoảng bán kính 4km.
Trong giai đoạn đầu tiên, vì để giảm tải cho 'ATM gạo' ở Tân Phú, anh Tuấn Anh đã gấp gáp lắp thêm 2 trạm nữa ở huyện Bình Chánh và quận 12 – những quận có người dân lao động nghèo nhiều, nhưng không hiểu tại sao mọi người vẫn cứ thích về trạm Tân Phú để nhận gạo. Nên hiện tại, 2 trạm nhận gạo ở Bình Chánh và Quận 12 khá thoáng, còn Tân Phú thì khi nào cũng đông đúc.
Kho gạo sung túc bên cạnh trạm 'ATM gạo' tại Tân Phú cách đây 1 tuần.
Theo anh Tuấn Anh, có thể là vì người dân nghèo chỉ được truyền thông theo kiểu truyền miệng, nhiều người chỉ biết cây 'ATM gạo' tại Tân Phú chứ không biết chỗ khác cũng có. Còn theo suy nghĩ của chúng tôi, có lẽ bà con nhìn vào kho gạo sung túc ở bên cạnh cây 'ATM gạo' tại Tân Phú này để chỉ sủng ái nó và không quan tâm đến chỗ khác.
Do lượng người đến trạm Tân Phú quá đông trong khi nhận diện khuôn mặt chỉ là bán tự động – tức có người nhìn vào hình ảnh để so sánh chứ không phải cho ra kết quả tức thời, nên hiện tại ở trạm này có khoảng 40 đến 50 người thường xuyên đến nhận gạo từ 5 đến 10 lần/ngày. Họ đến nhiều tới mức, khiến các điều phối viên quen mặt dù 'hóa trang' kỹ càng như thế nào.
Thế nên, làm thiện nguyện không phải là một công việc đơn giản, dự án càng lớn càng phải cẩn trọng trong viện quản trị - quản lý, nếu không sẽ dễ xảy ra nhiều vấn đề - vấn nạn, như chúng ta vừa nói ở trên.