Huyền Anh - một nàng công sở tuổi 25 đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn. Mấy hôm nay, Huyền Anh đi làm với tâm trạng chẳng mấy vui vẻ, khi thì mơ mơ màng màng, lúc thì thẫn thờ hít ra thở vào nghe mà não nề hết cả ruột gan. Thế là hội đồng nghiệp thân quen trong công ty liền nhỏ to hỏi chuyện Huyền Anh với hy vọng có thể giúp đỡ nếu cô đang gặp sự cố gì đó trước Tết.
Hóa ra, Huyền Anh chẳng gặp sự cố gì cả, chỉ là 6 tháng trước cô cho một người bạn của mình vay 30 triệu để làm ăn. Đến nay, Tết đã về đến ngõ mà số tiền không nhỏ kia lại chẳng thấy đâu. Cô nửa muốn đòi nửa lại không dám. Cô sợ nếu giờ cô hỏi thì người bạn kia sẽ cho rằng cô là người bất lịch sự, xem tiền quan trọng hơn tình cảm không khéo còn mất luôn người bạn này.
Hội đồng nghiệp nghe Huyền Anh kể xong liền vò đầu bứt tóc. Thật, cho vay thì dễ nhưng lúc đòi lại nhiêu khê ghê gớm, nhất là đối tượng mượn nợ mình lại là bạn bè chị em thân quen. Không ít người trong nhóm cũng mếu máo chia sẻ tình cảnh tương tự của mình chỉ là số tiền không đến mức lên đến hàng chục triệu như Huyền Anh.
Đấy, dân công sở thấy đấy, cuối năm là thời điểm bận rộn, đồng thời cũng là thời điểm mà chủ nợ mong con nợ trả tiền cho mình. Chẳng ai muốn Tết đến mà tiền tài còn kẹt lại trong năm cũ, tâm linh mà nói thì chuyện này có phần hơi xui xẻo. Tuy nhiên, gặp phải những con nợ 'mặt dày' không bao giờ chủ động trả hoặc giả vờ quên (có khi quên thật), đòi tiền mà vẫn giữ được sự thanh lịch tinh tế của bản thân quả thật khó khăn vô cùng.
Vậy phải làm cách nào đây? Bài viết dưới đây hy vọng sẽ giúp chị em công sở giải quyết câu hỏi này.
Đầu tiên, chị em phải xác định, đối tượng mãi không trả tiền cho mình thuộc tuýp nào. Có hai tuýp phổ biến nhất như sau:
1. Người có thiện chí trả nợ nhưng xui xẻo lại mắc bệnh… não cá vàng
Với tuýp con nợ này, chị em đòi tiền khá đơn giản bằng cách khéo léo giúp họ trị bệnh đãng trí bằng những câu nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng tràn ngập sự quan tâm.
Ví dụ như A mượn B 500k để sửa xe máy, sau đó A lại quên. B đang cần tiền gấp, muốn đòi lại chỉ cần nhắn nhẹ một tin 'ê bồ, hôm rồi thấy bảo sửa xe bị hỏng, sửa ổn hết chưa, có bị vấn đề gì nặng lắm không?'. Thế là A giật mình, nhớ ngay số nợ chưa trả nên liền chuyển khoản ngay. Nhanh, gọn, nhẹ nhàng nhưng vẫn tinh tế, lịch sự.
Cách khác nữa là khi mình cũng quên đi lý do mà 'con nợ' mượn tiền để làm gì thì hãy vẫn quan tâm bằng cách chia sẻ chuyện lương thưởng cuối năm ở công ty, than thở một chút cũng không sao. Đơn cử như: 'Bên công ty bà thưởng Tết chưa? Bên tôi vừa có đây nè, mà năm nay chán quá, nhiêu đây không đủ tiêu'.
Đọc tin nhắn này, đối tượng sẽ ít nhiều nhớ ra việc mượn nợ nhưng quên trả. Trường hợp vẫn không biết mình đang nhắc khéo, sau đó hãy đi thẳng vào vấn đề, 'à mà hôm rồi bà hỏi vay tôi 1 triệu nhỉ, có lương thì cho tôi xin nhé, đang nghèo ra đây'. Cứ chân thành giản dị kiểu bạn bè như thế, tin chắc rằng tiền cho vay sẽ nhanh chóng về túi mình mà thôi.
2. Người không có thiện chí trả tiền nhưng lại cứ thích giả vờ quên
Đây là kiểu con nợ đáng sợ nhất của mọi chủ nợ trên cuộc đời này. Ôi thôi, lúc vay mượn thì nỉ non van xin, ngọt ngọt ngào ngào, chị chị em em, đến lúc cần phải trả thì lại giả vờ quên, không nhớ, chủ nợ mở miệng đòi lại bắt đầu lôi chủ đề 'tình cảm quan trọng hơn tiền bạc' vào để nói. Xong rồi lại cứ chai ì, mãi mãi không muốn trả lại số tiền đã vay. Cuộc đời mà, cay nghiệt như thế đấy.
Với kiểu con nợ này, chị em muốn đòi tiền sao cho vẫn giữ được phong thái thanh lịch, dịu dàng thì buộc phải vận dụng bộ môn nghệ thuật đòi nợ với bốn cách sau đây:
Nhắc nhở nhẹ nhàng
Khác với kiểu con nợ quên việc mình vay tiền thật, cái kiểu cố tình quên này bạn dù cho có khéo léo nhắc nhở vu vơ thì mãi tiền cũng chẳng đòi được đâu. Thay vào đó, hãy đi vào trọng tâm vấn đề, nhắc nhở việc trả nợ nhưng nhớ nhẹ nhàng thôi. Đại loại như 'hôm rồi cậu mượn tớ 2 triệu í, có chưa cho tớ xin lại nhé, Tết phải cống nạp tiền cho mẹ bày cỗ này' hay 'bạn mượn tiền mình cũng mấy tháng rồi, giờ mình lại cần gấp, bạn chuyển cho mình qua số tài khoản (xxx) này nhé'.
Hỏi han tình trạng
Sau bước nhắc nhở mà dường như không mấy hiệu quả, chị em nên thực hiện ngay bước hỏi han tình trạng bởi biết đâu, đối phương thật sự không có tiền để trả do gặp vấn đề khó khăn gì thì sao? Mình cho họ mượn tiền, tức là họ cũng là một trong những mối quan hệ mà mình tin tưởng, thế tại sao không cho nhau một cơ hội thay vì 'truy cùng diệt tận', phải không?
Hãy bắt đầu bằng các câu hỏi đại loại như 'bạn đang gặp khó khăn gì thật à? Chuyện thế nào, kể mình nghe với'. Nếu sự chân thành này được hồi đáp và bạn cũng có phần tin tưởng thì nhanh chóng làm bước kế tiếp.
Đề xuất phương án khác
Sau khi hiểu tình hình của con nợ, chị em công sở sẽ thật sự cao thượng và thanh lịch nếu đề xuất vài phương án thu nợ khác mang tính giúp đỡ. Phương án này có thể là chia số nợ ra thành nhiều đợt với các mốc thời gian cụ thể, sau đó yêu cầu đối phương cứ thế mà thực hiện hoặc dùng sức lao động của đối phương để trừ nợ, ví dụ người ấy là một nhà thiết kế đồ họa và bạn đang cần một logo, hãy cho họ cơ hội làm việc đó để trừ nợ.
Tóm lại, việc đề xuất phương án này cần phải có sự linh hoạt của chính những chủ nợ tôn quý. Dù sao tiền về chậm trong vài tháng hoặc được trả bằng một hình thức khác suy cho cùng cũng không đáng sợ bằng việc mất tiền mất luôn bạn, nhỉ?
Sự lựa chọn cuối cùng: sẵn sàng cho đi hoặc quyết tâm đòi lại
Khi đã áp dụng cả 3 cách bên trên nhưng mọi thứ vẫn y như cũ, con nợ dường như không có thiện chí trả tiền lại cho mình thì chị em công sở lúc này đây thực tình nên vứt bỏ mối quan hệ không đáng tin này vào sọt rác. Sau đó, tự hỏi chính mình: 'Bây giờ bỏ, xem như bài học hay số tiền đó thực sự cần thiết, quyết tâm đòi cho bằng được?'.
Nếu quyết định bỏ, chị em không cần phải làm gì nữa ngoài việc cạch mặt con nợ, xong nhanh chóng quên đi và ngủ một giấc cho thật ngon, đón một cái Tết chẳng cần lo nghĩ gì mệt não. Còn nếu quyết tâm đòi cho bằng được, chị em hãy xem đối phương là một kẻ chẳng ra gì và bắt đầu áp dụng chiến thuật uy hiếp.
Nhẹ là cho lên các trang mạng xã hội, nặng thì liên hệ trực tiếp tới các mối quan hệ xung quanh kẻ xấu, thậm chí là gia đình để trình bày sự việc. Không được nữa trong khi số tiền quá lớn, hãy nhờ tới sự can thiệp của pháp luật nhé!
Trên là một số cách đơn giản giúp chị em công sở dịp Tết này có thể đòi lại món nợ mình đã cho đi một cách tinh tế và thanh lịch nhất. Tuy nhiên, tin chắc rằng chẳng ai muốn phải lâm vào tình cảnh buộc phải sử dụng chúng đâu, cho nên phải biết 'phòng bệnh hơn chữa bệnh', 'chọn mặt gửi vàng' và thường xuyên nhắc nhở ngay sau khi cho vay được ít lâu chứ đừng để Tết về mới lo đòi lại, mệt mỏi lắm.