Mười tám đôi mươi có lẽ là độ tuổi dễ chênh vênh nhất, khi chúng ta không còn là những cô cậu thanh thiếu niên sống trọn vẹn trong sự bao bọc, chở che của bố mẹ mà bắt đầu tập làm một người trưởng thành.
Tâm lý chưa thực sự vững vàng, ổn định, phải đối diện với nhiều áp lực hơn trong cuộc sống nhưng không phải lúc nào cũng gặp may mắn, thuận lợi,... không ít người trẻ đã rơi vào tình trạng bế tắc, mất phương hướng.
Phải làm sao để thoát ra khỏi tâm trạng tồi tệ, luôn lo lắng, suy nghĩ đến những điều tiêu cực? Thất bại rồi liệu có thể làm lại? Muôn vàn câu hỏi về sự bất ổn tâm lý đã được nhiều bạn trẻ gửi đến chương trình 'Heal&Chill: Giờ chữa lành' nhằm mong muốn được giải đáp, gỡ rối hay đơn giản là được trải lòng, sẻ chia để vơi nỗi lòng.
Trong số đầu tiên của chương trình 'Heal&Chill: Giờ chữa lành' với với sự đồng hành của ThS.BS Phạm Thành Luân, bác sĩ Chuyên khoa Tâm thần, Bệnh viên Đại học Y Hà Nội và Ngọc Hân - Hoa hậu Việt Nam 2010, nhiều câu hỏi đã được kết nối.
Chương trình Heal&Chill: Giờ chữa lành số đầu tiên lên sóng vào lúc 20h tối 5/8 trên các hạ tầng số của Tiin.vn, mời các bạn cùng theo dõi.
Cùng tâm sự trực tiếp với 'Heal&Chill: Giờ chữa lành' trong livestream dưới đây:
Các câu chuyện được đề cập trong' Heal&Chill: Giờ chữa lành' số 1 có trường hợp của một thí sinh vừa tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua và đạt 24 điểm. Theo lời chia sẻ của người thân nam sinh, ngay khi biết kết quả, em đã khóc rất nhiều và không muốn nói chuyện với ai.
Khi người thân gặng hỏi, nam sinh này đã nói rằng em tự trách bản thân vì điểm thấp mặc dù đã cố gắng học rất nhiều, trong khi nhiều bạn cùng lớp chỉ đánh bừa trắc nghiệm cũng đạt điểm cao hơn. Cũng vì điều này, nam sinh này có cảm giác rất tiêu cực.
Ảnh minh họa
Về trường hợp này, ThS.BS Phạm Thành Luân chia sẻ: 'Đây dường như là cú sốc bạn ấy phải trải qua và rất thất vọng, không cảm thấy thỏa mãn về kết quả thi của mình. Đối với những trường hợp này thì đó là một stress cấp tính, nó là phản ứng của cơ thể trước những thách thức trong cuộc sống'.
Những biểu hiện của stress khiến nam sinh có trạng thái bực bội, cáu kỉnh, cáu gắt, chán nản... Thông thường những cảm xúc này sẽ hết sau khi những căng thẳng đó qua đi như khi nam sinh biết kết quả chính xác là mình đỗ đại học hay không.
'Khi đã có kết quả chính xác rồi thì bạn ấy cũng sẽ tìm ra một phương hướng xác định mình sẽ làm gì tiếp theo. Gia đình có thể định hướng đối với kết quả của bạn ấy nếu như bạn ấy không đỗ thì nguyện vọng 2 là gì hoặc có thể ủng hộ bạn ấy thi thêm 1 năm nữa để có thể đạt được nguyện vọng mà mình mong muốn.
Bây giờ bạn ấy rất rối trí, không biết làm gì thì đó có thể là một gợi ý để bạn ấy vượt qua giai đoạn khó khăn này. Lúc này những lời động viên, quan tâm của gia đình rất là cần thiết. Có thể bây giờ bạn ấy cảm thấy bực bội không phải là vì được gia đình quan tâm mà đơn thuần chỉ là cảm xúc của bạn ấy. Sự quan tâm dù là ít hay nhiều thì đó cũng là sự hỗ trợ để bạn ấy có thêm sự quan tâm, ủng hộ cho những quyết định sau đó của mình'. ThS.BS Phạm Thành Luân bày tỏ quan điểm.
Các khách mời trong chương trình 'Heal&Chill: Giờ chữa lành' số 1.
Trong khi đó, Hoa hậu Ngọc Hân đưa ra lời khuyên người thân có thể xoa dịu tâm trạng của nam sinh bằng cách thể hiện sự đồng cảm. Khi đó, nam sinh sẽ cảm thấy có sự đồng cảm, tin tưởng, sẽ lắng nghe và tâm trạng tạm dịu lại. Lúc này, chúng ta có thể tiếp tục dẫn dắt nam sinh đến một câu chuyện khác tích cực hơn.
'Cuộc sống có rất nhiều thứ, chúng ta không đi theo con đường A, chúng ta đi theo con đường B mà mọi con đường đều dẫn đến thành Rome - đó chính là hạnh phúc. Không phải chúng ta cứ vào đại học thì chúng ta mới hạnh phúc hoặc vào đại học chậm 1 năm thì không thành công bằng các bạn.
Đừng bao giờ nghĩ đến chuyện đó, chúng ta hay cũng cởi mở suy nghĩ của mình để có thể nhìn thấy rất nhiều câu chuyện, rất nhiều bài học, những tấm gương thành công của những người đi trước, để chúng ta thấy rằng cuộc sống này rất rộng mở, chúng ta không vào đại học này thì chúng ta vào đại học kia. Chúng ta không cần vào đại học chúng ta vẫn có thể thành công, vui vẻ và hạnh phúc', Hoa hậu Việt Nam 2010 bày tỏ suy nghĩ.
Ảnh minh họa
Trong chương trình 'Heal&Chill: Giờ chữa lành' số 1, một số bạn trẻ cũng đã gửi câu hỏi đến chương trình bày tỏ lo lắng về sự bất ổn tâm lý mà mình đang phải trải qua.
Một bạn tâm sự: 'Em bị trầm cảm và nó ngày một nặng lên, gia đình không muốn em uống thuốc vì họ sợ tương lai em về sau sẽ phụ thuộc vào thuốc. Nhưng nỗi đau tâm lý này em ngày càng cảm thấy không vượt qua được. Em bị mất ngủ triển miên. Em cảm thấy nghi ngờ năng lực của bản thân dù đã cố gắng rất nhiều. Em cần một lời an ủi ạ?'.
Cũng gặp vấn đề về tâm lý, một trường hợp khác đặt câu hỏi: 'Làm thế nào để biết mình có trầm cảm không ạ? Em lúc nào cũng thấy bế tắc, cảm giác như không ai thương mình, cảm thấy cô đơn, đôi lúc mất phương hướng, nhưng lại không muốn chia sẻ với ai, em sợ cảm giác này sẽ kéo dài, em phải làm thế nào ạ?'.
Và thêm nhiều câu hỏi khác cùng những câu chuyện từ chính các nhân vật khách mời, về cách mà họ đã vượt qua những bất ổn trong những năm tháng tuổi trẻ, hay những khi họ đồng hành với những bạn trẻ gặp vấn đề về tâm lý đã được chia sẻ trong Heal&Chill: Giờ chữa lành - chương trình tư vấn tâm lý cho GenZ.
'Heal&Chill: Giờ chữa lành' là chuỗi Talkshow tư vấn tâm lý cho giới trẻ, mục đích:
- Đồng hành với giới trẻ trên hành trình trưởng thành.
- Trở thành người bạn tâm giao, giúp các bạn trẻ vững tâm lý, suy nghĩ tích cực.
- Đưa ra những lời khuyên bổ ích, gỡ khó để các bạn trẻ học cách đối mặt và vượt qua những thử thách trong cuộc sống.
- Với những trường hợp cần thăm khám, can thiệp y tế sẽ nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ của đội ngũ y bác sĩ BV Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội.
Chương trình sẽ lên sóng vào tối thứ 6 hàng tuần (từ 5/8/2022 – 7/10/2022).
Hãy gửi những tâm sự, chia sẻ của mình về cho chương trình theo các cách sau:
- Gửi mail đến địa chỉ: 'Giochualanh@gmail.com'
- Hoặc trực tiếp gửi câu hỏi TẠI ĐÂY.
- Gọi điện thoại cho chương trình tương tác trực tiếp với các khách mời: Hotline 0982.11.22.55