Ngày 25-4, ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, vé máy bay từ TP HCM, Hà Nội đi các điểm du lịch phổ biến trong nước như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Đà Lạt… vẫn còn khá nhiều và giá không cao như 2-3 tuần trước. Diễn biến này tiếp tục gây bất ngờ đối với nhiều người, nhất là những người từng "bỏ cuộc" không đặt vé vì giá cao.
Tăng tần suất bay, tăng giá vé thấp (!?)
Hiện đường bay Hà Nội - Phú Quốc được các hãng mở bán khởi hành ngày 28-4 giá khứ hồi từ khoảng 3,2 triệu đồng/khách của Vietjet, Vietravel Airlines; Vietnam Airlines và Bamboo Airways còn vé khứ hồi chặng này từ 4 triệu đồng/khách. Các mức giá này có thể nói là giảm sốc so với cuối tháng 3, đầu tháng 4 khi giá vé khứ hồi từ 6-8 triệu đồng/khách.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trước đó, cục đã quyết định tăng tham số điều phối slot (lượt cất/ hạ cánh) tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 và cao điểm du lịch hè 2023. Cụ thể, từ ngày 28-4 đến 3-5 và cao điểm hè 2023 (từ ngày 1-6 đến 15-8), sẽ tăng thêm 26 slot/ngày cho Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Với việc tăng slot này, các hãng hàng không sẽ cung ứng thêm khoảng 4.500-5.000 ghế/ngày, đáp ứng nhu cầu của hành khách trong các giai đoạn cao điểm. Giữa tháng 4-2023, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng tăng chuyến trên các đường bay từ Hà Nội, TP HCM đi các địa điểm có nhu cầu du lịch lớn như Phú Quốc, Tuy Hòa, Bình Định, Cam Ranh, Côn Đảo… đặc biệt trong các ngày 28, 29-4 và 2, 3-5 do tỉ lệ lấp đầy hiện đã trên 80% đến 100%.
Giải thích với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết sau khi Cục Hàng không Việt Nam bổ sung thêm slot và yêu cầu các hãng bổ sung chuyến bay nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, hãng đã tăng thêm chuyến trên các đường du lịch trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và 30-4, 1-5. Các chuyến bay mới được tăng thêm có khung giờ tập trung nhiều chuyến bay và nhu cầu khách mua thấp (khung giờ sáng sớm, tối muộn) sẽ có những dải giá linh hoạt.
Giá vé máy bay đột ngột giảm vào những ngày cận kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Liên kết hàng không - du lịch
Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel, cho biết công ty ông thường đặt series booking (đặt giữ chỗ số lượng lớn) vé máy bay trước vài tháng hoặc cả năm để bán tour trọn gói, tour cho khách đoàn vì giá ổn định. Nhưng việc giá vé máy bay đột ngột giảm ngay sát kỳ nghỉ lễ đang "làm khó" cho đơn vị ông, vì thực tế nhiều công ty không chỉ bán tour trọn gói mà còn bán dịch vụ tự chọn (vé ôtô, vé máy bay, khách sạn…) nên nhiều khách mua trước thắc mắc mua đi ngay lễ còn rẻ hơn và so bì.
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng băn khoăn của hành khách và thị trường là đúng nhưng phải xem việc giá vé máy bay của các hãng tăng cao hoặc giảm đột ngột có vi phạm quy định không? Thực tế, giá vé máy bay được các hãng phân bổ với rất nhiều dải giá khác nhau, tùy từng thời điểm, từ thấp đến cao và được khống chế bởi mức giá trần của nhà nước. Ở các nước, có loại vé giờ chót giá giảm rất mạnh nhằm kích cầu và lấp đầy công suất của máy bay.
Một số công ty du lịch cho rằng giá vé máy bay đột ngột giảm mạnh đã tác động không tốt đến du lịch, vì giá vé máy bay vốn chiếm 30%-40% cơ cấu giá thành của giá tour du lịch, thậm chí một số đường tour giá vé máy bay chiếm tới 50% giá thành tour nên rất dễ xảy ra so bì và chê tour đắt nếu đặt lúc giá vé đang ở mức cao. Do đó, cần sự phối hợp, liên kết giữa hàng không - du lịch nhằm góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Đại diện Vietnam Airlines lý giải du lịch là chuỗi liên kết của nhiều đơn vị từ công ty lữ hành, các hãng hàng không, địa điểm lưu trú, nhà hàng, điểm tham quan... Để hình thành sản phẩm du lịch kích cầu, cần có sự tham gia, đồng thuận và triển khai đồng loạt từ tất cả các bên chứ không chỉ một vài đơn vị trong chuỗi liên kết này, do đó cần một "nhạc trưởng" điều phối chung cả du lịch, hàng không để có mức giá phù hợp.
Trong khi đó, Vietravel Airlines cho biết hãng luôn chủ động làm việc với các đối tác du lịch trong việc lập kế hoạch số lượng chỗ và đưa ra giá vé cạnh tranh để bảo đảm mang đến cho khách hàng cuối mức giá hợp lý nhất và kích cầu du lịch tại các điểm đến mà hãng có đường bay. Đến nay, hãng chưa ghi nhận phản ánh nào liên quan việc thay đổi giá "làm khó" các đối tác du lịch của mình.
Riêng về lo ngại tình trạng các đại lý "găm hàng", đại diện Vietnam Airlines khẳng định các hãng hàng không luôn có công cụ và chế tài để theo dõi, xử lý các trường hợp đại lý "ôm vé" máy bay. Trong giai đoạn cao điểm, hãng cũng có các chính sách quản lý chặt hơn về thời hạn xuất vé để tránh tình trạng giữ chỗ từ các đại lý.
Tại Hội thảo "Hợp tác hàng không - du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế" được tổ chức ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vào ngày 25-4, các đại biểu cho rằng để đạt mục tiêu ngành du lịch Việt Nam đón 110 triệu lượt khách, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách nội địa khoảng 102 triệu lượt thì vai trò của hàng không là rất lớn.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết đến tháng 4-2023, có 52 hãng hàng không thường lệ nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 143 đường bay kết nối 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam phát triển thị trường vận tải hàng theo hướng mở, gắn liền với thị trường vận tải hàng không khu vực và thế giới; khuyến khích các hãng hàng không nước ngoài khai thác điểm đến Việt Nam, tạo sự năng động, thúc đẩy tính cạnh tranh của lực lượng vận tải hàng không Việt Nam...