Hành động của Tiktoker Lê Bống gây nguy hiểm an toàn bay Ảnh: Lê Bống
Sống “ảo” ở bất cứ đâu
Tháng 3/2023, TikTok hiện lên đoạn video quay cảnh 4 cô gái mặc áo hồng quần đen nhảy nhạc remix nơi an nghỉ của hơn 1.000 tăng ni ở chùa Bổ Đà, gây xôn xao dư luận. Nhiều tài khoản TikTok đã bức xúc lên tiếng cho rằng, nơi yên nghỉ của hơn 1.000 vị tăng ni từng tu tại chùa Bổ Đà là một trong những nơi cổ kính, linh thiêng nhất của miền Kinh Bắc lại bị xâm phạm bởi 4 nữ nhân áo hồng nhảy nhót, uốn éo trên nền nhạc remix, trông rất lố lăng, phản cảm.
Năm 2022, một đoạn video ngắn phản cảm được đăng tải trên tài khoản có hơn 50.000 người theo dõi cho thấy một cô gái thản nhiên leo lên băng chuyền hành lý để quay TikTok. Video này nhanh chóng thu hút hàng chục nghìn lượt xem. Nhiều cư dân mạng không hài lòng và chỉ trích hành động này của cô gái.
Tháng 7/2022, một cô gái trẻ đăng tải video nhảy múa trong khu vực sân đỗ máy bay lên TikTok. Trong khi ghi hình, máy bay gần đó đang di chuyển nhưng cô gái vẫn tiến thẳng về phía máy bay, chỉ dừng lại trước khi chạm vạch đỏ giới hạn an toàn giữa các vị trí đỗ máy bay. Hành động này của cô gái được cho là quá liều lĩnh vì có thể xảy ra tình huống người bị hút vào động cơ máy bay.
Ngày 15/8/2022, cô gái này đã bị Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng về hành vi không tuân theo sự chỉ dẫn của lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, nhân viên hàng không tại cảng hàng không, sân bay. Cục Hàng không Việt Nam ra quyết định cấm vận chuyển có thời hạn bằng đường hàng không đối với hành khách này. Theo đó, thời hạn bị cấm vận chuyển bằng đường hàng không đối với cô gái là 6 tháng (tính từ ngày 17/8/2022 đến hết ngày 16/2/2023).
Tiktoker Lê Bống (có 9,3 triệu người theo dõi trên TikTok) cũng từng nhận làn sóng chỉ trích khi bày cách cho người xem làm thế nào để săn mây khi đi máy bay. Cụ thể, Lê Bống đăng clip ghi lại cảnh đặt điện thoại bên cửa sổ máy bay rồi kéo tấm rèm xuống để quay hình ảnh mây trong suốt hành trình bay.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của phía an ninh sân bay, hành vi này gây nguy hiểm đến tính mạng các hành khách bởi để điện thoại bên ngoài cửa sổ có nguy cơ cháy nổ. Clip của Lê Bống thu hút hàng triệu lượt xem.
Sau đó, Lê Bống đã lên tiếng xin lỗi cộng đồng mạng. Cô cho biết, khi thực hiện clip “săn mây”, cô không hề nghĩ đến hậu quả. Khi đã biết lỗi sai, cô lên tiếng để mong mọi người sẽ không bắt chước theo, tránh ảnh hưởng đến an toàn chuyến bay và tính mạng của mọi người. Tuy nhiên, lời xin lỗi của nữ Tiktoker vẫn bị nhiều người chỉ trích.
Cuối tháng 8/2022, TikToker Hoàng Minh khiến nhiều người bức xúc khi tung clip nói người miền Trung 'keo kiệt, bủn xỉn', 'không có tinh thần cống hiến cho xã hội'. Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CA tỉnh Lâm Đồng đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền 10 triệu đồng đối với Hoàng Minh. Mặc dù Tiktoker này đã bị xử phạt nhưng hành động của người này đã làm tổn thương không ít người dân miền Trung.
Những sai phạm của TikTok tại Việt Nam
TikTok ra đời cách đây 7 năm nhưng đã hoạt động tại hơn 150 thị trường. Theo số liệu trên trang Statista, năm 2017, mạng xã hội này chỉ có khoảng 65 triệu người dùng thì con số này đã tăng lên hơn một tỷ tài khoản vào tháng 1/2022. TikTok hiện là một trong những mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới.
Đáng chú ý, TikTok mới bùng nổ ở Việt Nam được khoảng 4 năm nhưng số lượng người dùng lại lại xếp thứ 6 trong tổng số 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok nhiều nhất thế giới. Theo số liệu của DataReportal, đến tháng 2/2023, Việt Nam có khoảng 77,93 triệu người dùng Internet, tương đương 64% người dùng Internet tại Việt Nam đang sử dụng TikTok. Cùng với Facebook, Zalo, YouTube, TikTok hiện là một trong những mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam.
Không phủ nhận ưu điểm của mạng xã hội này là chỉ cần xây dựng clip ngắn cũng có thể dễ tạo xu hướng trên mạng xã hội, giúp rất nhiều người nổi tiếng nhanh chóng chỉ sau 1 đêm. Nhờ lượng người theo dõi “khủng”, nhiều người đã phát triển kinh doanh online trên kênh này.
Tuy nhiên, đây cũng là nơi lan truyền rất nhiều thông tin độc hại. Chúng ta dễ dàng bắt gặp những tài khoản đăng tải nội dung tiêu cực như xây dựng ngoại hình dị hợm, với hành động kệch cỡm để gây chú ý, clip thử thách ăn thịt sống, cá sống, nằm trên đường ray khi tàu sắp đến,… Có người lại tích cực làm “ban giám khảo” đi chấm điểm các cửa hàng, quán ăn, cố tình chê các món dở tệ để tăng tương tác. Không ít tài khoản còn khoe mẽ những nội dung như sex jokes (trò đùa tình dục), quảng cáo phim 18+, thuốc kích dục, nhảy múa khoe thân, kỳ thị vùng miền, truyền bá vấn nạn mê tín dị đoan,…
Tại họp báo tổng kết quý I/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã chỉ đích danh các sai phạm của Tiktok tại Việt Nam. Theo đó, những sai phạm của Tiktok để lại hệ lụy nghiêm trọng như tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội. Khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc. Khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp. Nội dung vi phạm bản quyền tràn lan.
(Còn nữa)