Xâm hại tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ nhỏ là một vấn đề có thật và nhức nhối ở nhiều quốc gia, đồng thời cũng là vấn đề nhạy cảm. Nhiều nạn nhân bị xâm hại, bị tấn công tình dục nhưng không dám lên tiếng, vì sợ bị trả thù, sợ xấu hổ, sợ người khác không tin... và âm thầm ôm giữ nỗi đau của riêng mình.
Nguyễn Thị Thơm thì khác. Là một cô gái khuyết tật, cựu sinh viên Học viện hành chính quốc gia TP.HCM đã dũng cảm chia sẻ lại câu chuyện của mình, sau khi chứng kiến nhiều phụ nữ, trẻ em cùng cảnh ngộ với mình bị xâm hại nhưng bất lực vì không đủ sức chống cự. Cô công khai nỗi đau quá khứ của mình, phần để nói lên nỗi đau của một nạn nhân bị xâm hại, phần để xã hội hiểu hơn nỗi đau của người khuyết tật - những người yếu đuối và là miếng mồi ngon cho kẻ xấu.
Cô gái dũng cảm Nguyễn Thị Thơm.
Bị xâm hại công khai mà chẳng ai lên tiếng, suýt nhảy mương tự tử khi gặp 'yêu râu xanh'
Trong bức thư dài gửi cho cô giáo thân thiết với mình, Thơm đã trải lòng về những lần cô bị làm hại. Lần đầu tiên Thơm bị xâm hại là năm cô học lớp 5, mới tròn 12 tuổi, ở ngay trong ngôi nhà của mình. Cô kể, ngoài giờ đi học, Thơm thường chỉ ở nhà với hai người em trai nhỏ. Kẻ xâm hại cô bé Thơm khi ấy là người bạn và đang làm công cho cha mẹ Thơm.
Thơm sớm bị dị tật sau một trận sốt từ nhỏ.
'Chú ấy bảo em dễ thương quá, rồi kéo em ngồi vào lòng chú ấy. Thực sự lúc đó em quá non nớt, không biết đó là hiểm nguy, em ngoan ngoãn trả lời những câu chú ấy hỏi, còn tay chú ấy thì mò vùng kín của em. Em rất khó chịu và cảm thấy nguy hiểm… Chú hôn lên gò má em, râu đâm đau lắm cô ạ…' - từng câu, từng chữ đẫm nước mắt trong lá thư Thơm viết gửi cô giáo khiến người đọc quặn lòng.
Trong thế cận kề nguy hiểm, bản năng sinh tồn đã giúp Thơm thay vì kêu la, chống cự đã tỏ ra ngoan ngoãn, quay lại nhìn thẳng mặt bạn của bố mẹ, mỉm cười và nói để mình ra lấy nước mới uống. Người đàn ông kia không đồng ý, vẫn tiếp tục làm những hành động ghê tởm với cô bé, Thơm một lần nữa, xin được ra lấy nước cho hắn để lừa được kẻ thú tính nới lỏng bàn tay. Lần ấy, Thơm chạy thoát.
Nhưng trong một tháng làm việc tại nhà Thơm sau đó, hắn vẫn thường xuyên cố tình ôm hôn cô bé một cách công khai trước sự vui vẻ của mọi người. 'Ông ta hay lại ôm hôn em khi mọi người cùng ăn cơm, ai cũng bảo chú ấy thương con nít… Ba mẹ chẳng bao giờ biết được mối họa, em lại không nói ra, vì lúc đó em đâu biết đó là xâm hại, coi việc bị hôn là bình thường, và bị rờ vào vùng kín là vì chú quý con nít' - Thơm kể.
Người khuyết tật dễ rơi vào tầm ngắm của kẻ xấu. (Ảnh minh hoạ, NVCC)
Đến năm 18 tuổi, Thơm bị đặt trong tình thế cấp bách thực sự. Cô không ngờ rằng, đối tượng muốn xâm hại cô là một ông già đã 70 tuổi, lại là người cô rất quý mến. 'Ông đứng ở cửa nhìn em lạ lùng, em ớn lạnh xương sống và ngửi thấy hơi men, linh tính mách bảo em có nguy hiểm. Ông vẫn đứng ở cửa nói đôi điều chi đó, em trong lòng lúc đó chỉ nghĩ làm sao để thoát ra sau cánh cửa kia nhưng vẫn không tỏ ra hoảng loạn cô ạ.
Đúng như em nghĩ, ông ngồi xuống giường ngủ và kéo em vào lòng, vòng tay qua ôm xiết eo em, áp chặt em vào người ông, xưng tên cô ơi, thật kinh tởm làm sao!
Em vẫn tỏ ra ngoan ngoãn như mình thuận tình vậy, lúc này, em đang ngồi trong lòng ông ta và ông ta đang hôn hít lưng em, rồi kéo mặt em quay xuống hôn mặt. Em cười, nắm lấy 2 bắp tay ông ta (hòng để nó khỏi chạm vào ngực em) và cảm thấy nghẹt thở vì bị ôm siết'.
Thơm là cựu sinh viên Học viện hành chính quốc gia TP.HCM.
Trong lúc uất ức vì nghĩ mình sắp bị làm nhục, cô ước rằng mình ra được cánh cửa phía sau gã đồi bại, sẵn sàng nhảy xuống mương nước sâu cạnh bên quyên sinh, miễn là thoát được bàn tay hung ác. Lại một lần nữa, Thơm may mắn thoát nghịch cảnh khi một người hàng xóm qua nhà kịp lúc. Từ đây, cô tự dặn lòng khi ở nhà một mình luôn luôn phải khoá cửa, cho dù xung quanh có là người thân quen đến mức nào đi nữa.
Nguyễn Thị Thơm trong một lần tham gia các hoạt động cộng đồng tại Đại học KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM).
Trong lần tham gia chương trình 'Tôi đẹp, bạn cũng thế'. (Ảnh: NVCC)
'Ở thôn quê có một thói quen rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ cũng như người yếu thế, đó là người quen tới nhà là thường cho ngủ chung với con. Những lần bị xâm hại, mình thoát hiểm được là nhờ may mắn có được những kiến thức về giới tính khi được tham gia các nhóm hoạt động xã hội. Mình nhận ra trẻ em phải được giáo dục về giới tính lành mạnh nhất và khả năng tự vệ, nhận diện mối nguy hiểm xung quanh' – Thơm trải lòng.
Luôn thủ sẵn bao cao su, phòng trường hợp xấu nhất…
Và còn những lần khác nữa, Thơm lọt vào tầm ngấm của những kẻ dâm ô. Đó có thể là một cậu bé mới lớn khao khát được khám phá tình dục, hay một gã đã luống tuổi, được cô ruột của Thơm rất tin tưởng bởi vẻ ngoài dán mác một mạnh thường quân chuyên đi giúp đỡ người khuyết tật.
'Ông ta đến nhà chúc Tết. Nhưng khi cô vừa xuống bếp thì ông ta bất ngờ lao tới, chụp cả hai tay lên ngực khiến mình không kịp phản ứng. Ông ta hỏi mình: 'có mặc áo ngực loại có mút không? Chứ thấy ngực mềm mại quá'. Nhưng khi cô bước lên thì ông ta thay đổi hẳn, trở nên lịch thiệp vô cùng…' – Thơm kể lại, những ký ức vẫn còn nguyên như mới vừa xảy ra hôm qua.
Những ngày lên đại học, Thơm cùng các bạn lập nhóm nhạc cho riêng mình.
Lúc này, Thơm đã ở cái tuổi 27, đã có người yêu, đã biết chuyện cuộc đời, và chẳng còn non nớt như những lần trước. Đó cũng là lần đầu tiên cô kể chuyện này cho người thân. Nhưng cô ruột của Thơm không tin, một mực cho rằng Thơm đã hiểu lầm, rằng chú ấy tốt lắm, luôn giúp đỡ những người khuyết tật, sao cư xử như vậy được. Thơm nhận ra trong mắt cô, ông ta đức độ vô cùng, và cô ruột sẽ không bao giờ tin lời Thơm nói.
Nhiều lần bị đặt trong hoàn cảnh bị xâm hại, cô đều mạnh mẽ vượt qua.
'Mình thương cho những người khiếm khuyết lắm, họ hay trở thành đối tượng bị lạm dụng vì không có khả năng tự vệ, lời nói lại không có trọng lượng, vì không ai tin là họ bị như vậy. Ví dụ như nhiều người ngạc nhiên khi biết người điên có thai, vì nghĩ rằng họ xấu, bẩn thế ai mà thèm… Những người khuyết tật dạng khác cũng vậy, họ dễ trở thành đối tượng tấn công của những kẻ xấu. Khi người khuyết tật tố cáo chuyện họ bị xâm hại, hãy tin họ' – Thơm thất vọng.
Thơm cho rằng, phụ nữ, trẻ em khuyết tật nên được dạy kỹ lưỡng những kiến thức về giới tính. (Ảnh: NVCC)
Tâm thư xúc động của Thơm viết cho cô giáo kết thúc bằng những dòng cay đắng nhưng thể hiện đầy đủ những hiểm họa mà người khuyết tật đang phải đối mặt:
'Tâm sự thiệt với cô, bây giờ trong ví của em luôn có bao cao su, chỉ với một lí do đơn giản, là nếu như có rơi vào tình huống bị cưỡng hiếp không thể thoát, em sẽ bình tĩnh đưa bao cao su cho đối tượng để bảo vệ sức khỏe của bản thân'.
Hy vọng truyền nghị lực, sẻ chia với người đồng cảnh
Thật khó để một cô gái từng bị xâm hại nhiều lần có thể vượt qua nỗi ám ảnh về ký ức đứng lên để gầy dựng tương lai. Nhưng với Nguyễn Thị Thơm, cô không chỉ mong ước riêng cho bản thân mình, dù cuộc sống hiện tại của cô đã khá ổn định.
Sau khi tốt nghiệp và có công việc ổn định, Thơm vẫn thường tham gia các hoạt động xã hội. (Ảnh: NVCC)
'Từ khi học đại học, mình đã muốn mở một trung tâm để thu thập mọi người lại, nhưng rồi cuộc sống cứ trôi đi mà vẫn chưa làm được gì hết. Đến lúc khao khát có hạnh phúc gia đình, mình lại càng quan tâm tới những người khuyết tật nhiều hơn, khi đời sống tình dục của họ bị giam trong cái vỏ bọc không lành lặn. Tâm sinh lý họ vẫn phát triển, nhưng vì mặc cảm khuyết tật nên đôi khi không được quyền nghĩ tới' – Thơm bộc bạch.
Cô gái dũng cảm nhận được nhiều giải thưởng vì cộng đồng do các tổ chức trao tặng. (Ảnh: NVCC)
Dẫn chứng cho chuyện này, Thơm kể, nhiều lần cô nhìn những bà mẹ đơn thân khuyết tật chật vật nuôi con, hay những người phụ nữ bị tâm thần có con mà không thể cầm lòng. Thơm muốn tạo ra một quỹ hỗ trợ họ những bà mẹ này, xây dựng cho họ một trung tâm có chỗ nội trú để họ tự sinh sống.
'Người khuyết tật phải làm kinh tế, phải biết kinh doanh để tự nuôi sống mình. Họ không nên có tâm lí dựa dẫm theo gia đình, mình muốn thay đổi điều đó. Thật khó để thay đổi những nếp nghĩ đã ăn sâu vào tâm thức' – Thơm băn khoăn.
Diễn đàn Người khuyết tật Việt Nam do Nguyễn Thị Thơm là thành viên sáng lập.
Những suy nghĩ trên thôi thúc cô lập nên một diễn đàn dành riêng cho người khuyết tật, nơi họ có thể trao đổi tâm tư tình cảm, được tư vấn sức khỏe, thể chất, tìm việc làm, kinh doanh mà không phải tốn bất kỳ một khoản phí nào. Cách đây ít ngày, trên trang cá nhân, cô gái tuổi 30 đã reo lên như trẻ nhỏ, hồ hởi khoe 'đứa con' mà mình vừa tạo ra: Diễn đàn Người khuyết tật Việt Nam.
'Mình muốn diễn đàn này chứa đựng những thông tin gần nhất, chính xác và trung thực cho người khuyết tật và là nơi những mạnh thường quân an tâm tìm đến trao 'cần câu' cho người khuyết tật. Mình vẫn luôn quan niệm cộng đồng người khuyết tật cũng là một nguồn tài nguyên lao động dồi dào và tiềm năng' – Thơm tâm huyết.
Nụ cười và nghị lực luôn đầy ắp trong người Nguyễn Thị Thơm. (Ảnh: NVCC)