Nằm trên đường Âu Cơ (quận Tân Phú), tiệm sửa xe của chú Võ Thanh Vinh (sinh năm 1964) bỗng chốc 'nổi như cồn' nhờ những bảng hiệu vừa dễ thương, lại vừa ấm áp tình người.
Thấy người khó thì phải giúp
Vốn sinh ra với đôi chân không lành lặn nhưng trong suốt 60 cuộc đời, chú Vinh lại chưa lần nào thấy tủi hờn hay chán ghét bản thân. Độ tuổi thanh niên, chú chọn nghề sửa xe làm kế sinh nhai cho mình nhưng khác với mọi người, chú chẳng có một người thầy nào cả. Chú tự mình mày mò, tìm hiểu từ xe đạp cho đến xe máy, ấy vậy mà nghề chọn chú đến nay cũng đã gần 35 năm. Công việc này đã giúp chú nuôi được vợ - cũng mang khiếm khuyết ở chân và hai người con ăn học thành tài.
Chú Võ Thanh Vinh đang sửa xe cho khách
Chừng mười mấy năm trở lại đây, khi cuộc sống gia đình đã có phần cải thiện, cũng là lúc chú bắt đầu giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Chú kể: 'Nhìn người ta bị hư xe hoặc hết xăng rồi phải dắt bộ vì không có tiền chú thấy tội lắm, nên giúp được gì thì cứ giúp. Còn tấm bảng này thì mới có vài năm gần đây thôi, chú tự nghĩ ra để người ta không còn thấy ngại mà chủ động ghé vào'.
Đều đặn mỗi ngày, chú mở cửa từ 5 giờ sáng cho đến 10 giờ đêm thì đóng cửa. Tuy nhiên, cánh cửa này lại khá đặc biệt so với một tiệm sửa xe vì được làm hoàn toàn bằng kính và có thể quan sát được bên trong. 'Chú nằm ở đây nè, người ta cần thì nhìn vào sẽ thấy chú, kêu chú dậy sửa xe cho người ta. Chứ đêm hôm mà, nhiều khi người ta không thấy mình người ta cũng ngại gọi điện rồi khó khăn nữa', chú vừa chỉ tay lên giường ngủ vừa giải thích.
Suốt ngần ấy năm gắn bó với nghề, chú Vinh không còn nhớ rõ mình đã giúp đỡ bao nhiêu người. Có người là vì hết xăng nên tìm chú, đường xa thì chú cho một lít, đường gần thì nửa lít, miễn sao đủ về đến nhà. Cũng có người xe lủng lốp, hư máy giữa đường nhưng túi chỉ còn mấy chục nghìn, chú cũng chẳng lấy vì nghĩ họ cần dằn túi nhỡ cần hơn. 'Có nhiều cô gái hư xe giữa đêm, khi thấy chú mở cửa thì cũng bật khóc, những lần như thế làm chú càng thêm yêu nghề, càng muốn giúp đỡ hơn', chú nhớ lại.
Giúp đỡ mọi người là hạnh phúc, là niềm vui của chú Vinh
Việc mình mình cứ làm
Khi được hỏi định khi nào bỏ nghề, chú Vinh lắc đầu rồi nói: 'Chú không nghĩ tới chuyện đó đâu, cứ làm đến khi nào không còn đủ sức nữa thì thôi'. Với chú, đây không đơn thuần chỉ là công việc hay kế sinh nhai mà còn là cuộc sống, niềm vui mỗi ngày. Bởi chú cũng muốn giúp đời, muốn được làm gì đó cho xã hội như những người khác nhưng với đôi chân tật nguyền, đi lại khó khăn thì đây chính là cách thiết thực nhất.
Và có lẽ, đây cũng là lý do khiến chú chẳng bao giờ nghĩ ngợi gì mỗi khi bị người khác lợi dụng chuyện mà lừa gạt mình. Theo lời của chú, không ít người khi sửa xe xong thì nói đi rút tiền hay chạy thử xem ổn chưa rồi sẽ quay lại, nhưng cuối cùng chẳng thấy đâu. Mặc dù vậy, chú vẫn vẹn nguyên với quan điểm của mình: Việc ai người nấy làm, phước ai người nấy hưởng. Cứ như thế, chú sống vui mỗi ngày, khách hàng ngày càng yêu quý, người dân xung quanh cũng hết lời khen ngợi.
Đôi tay dính đầy dầu nhớt của chú Vinh sau mỗi ngày làm việc
Anh Trần Trung - tài xế xe ôm công nghệ chia sẻ: 'Tôi quen biết chú chắc cũng hơn 10 năm nay, tính chú rất tốt, sửa xe cũng rất cẩn thận và đúng giá tiền nên tôi thường xuyên lui tới đây sửa xe, vá xe'.
Mấy ngày gần đây, tiệm sửa xe 'Đừng ngại' được nhiều người biết đến và ghé thăm hơn, công việc của chú Vinh cũng tất bật hơn. Điều này khiến chú không khỏi hạnh phúc: 'Khách tới càng đông thì tiệm càng được nhiều người biết, vậy là những người khó khăn sẽ dễ dàng tìm được mình rồi'. Không biết từ khi nào, chú cứ hoài muốn cho đi mà chẳng còn nghĩ đến lợi ích của bản thân dù chỉ một chút ít.
'Đừng ngại' vì nơi đây có sự tử tế...
Hiện tại, nơi làm việc cũng chính là nơi ăn, ở của chú Vinh. Chú cứ quẩn quanh ở đó, một mình trên chiếc ghế nhựa ngồi đợi khách, một mình trong gian bếp nhỏ nấu bữa ăn vội vàng, hay một mình trên chiếc giường nhỏ thường bị đánh thức giữa đêm. Chừng chục năm rồi, chú chẳng còn về nhà vì sợ không có mình thì khách quen hay những người cần giúp đỡ lại khó khăn. Mỗi lần vợ con ra thăm, trách móc đôi ba câu sao chú chẳng chịu về, chú chỉ cười. 'Chắc cái số mình nó vậy, mình không làm thì ai làm', chú tâm tình.
Nhìn những chiếc vỏ xe cũ được tích lại sau những lần thu mua xe cũ, chú Vinh đã sẵn trong đầu dòng chữ 'Vỏ xe cho người nghèo'. Một ngày không xa, dòng chữ ấy sẽ lại hiện hữu trước cửa tiệm, để những người cần 'Đừng ngại' mà ghé thăm.
Không gian nấu nướng, ngủ nghỉ của chú Vinh
>> Xem thêm: Mẹ chở theo 2 con gái đi trộm thùng sữa treo trên xe máy rồi bỏ đi