Căn bếp “đỏ lửa” yêu thương và hành trình mang hạnh phúc
Đều đặn 3 ngày các tuần, Bếp ăn 0 đồng tại hẻm 17 (phường Trường Thọ, TP Thủ Đức, TPHCM) của chị Nguyệt Linh (41 tuổi, quê tại tỉnh Kiên Giang) luôn “đỏ lửa”. Tại đây, bếp ăn của chị Linh có 4 tình nguyện viên, là những người hàng xóm gần gũi với chị. Họ đều vô tình ghé ngang bếp ăn, đồng cảm và chọn ở lại đồng hành cùng chị Linh.
Bếp cơm từ thiện 0 đồng của chị Nguyệt Linh luôn 'đỏ lửa' 3 ngày mỗi tuần
6h sáng, chị Linh đã lật đật thức dậy để chuẩn bị nguyên vật liệu, sơ chế thực phẩm. Không lâu sau, những người hàng xóm cũng đến để phụ chị một tay. Hơn 6 năm qua, từ số lượng 50 phần ăn, giờ đây bếp có thể nấu được 400 phần cho các bệnh nhi và thân nhân tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM (TP Thủ Đức, TPHCM).
Chị Linh chia sẻ, đây là bếp ăn được mở theo ước nguyện của đứa con gái nhỏ, đã mất vì ung thư vào năm 2018. Nói đến đây, chị Linh nghẹn lại vì nhớ con. Chị nói rằng, mỗi một phần ăn làm ra, là một lời cầu nguyện cho con gái nơi xa.
“Tôi ước con ở kiếp sau sẽ là một cô gái xinh đẹp, khỏe mạnh. Nếu con có ở đây, chắc hẳn con bé sẽ rất vui khi thấy các bạn ở bệnh viện được ăn những phần ăn ngon”, chị Linh nghẹn ngào.
Thời gian đầu lập bếp ăn, chị Linh không có nhiều tiền, chỉ có 40 triệu đồng tiền tạm ứng viện phí, cùng công sức của hai vợ chồng chị. Số tiền này chị trích ra một phần để hỗ trợ những bệnh nhi ung thư, phần còn lại chị giữ để duy trì bếp ăn.
Chị Linh luôn dậy thật sớm để chuẩn bị nguyên liệu nấu ăn
Trăn trở về kinh phí, đôi lúc chị Linh nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Nhưng khi nhớ về nụ cười của con gái đã mất, cái gật đầu khi mẹ hỏi “mình nấu phần ăn tặng các bạn nhé con”, chị Linh một lần nữa cố gắng duy trì đến hôm nay. Dần dần, tấm lòng của chị được nhiều người biết đến và đón nhận. Không ít mạnh thường quân cũng đến hỗ trợ kinh phí, lương thực để cùng chị duy trì bếp ăn.
Không giỏi nấu ăn, chị Linh lên mạng tham khảo cách nấu rồi cân chỉnh nêm nếm sao cho hợp khẩu vị các con. “May mắn, chắc do tình yêu thương các con quá lớn nên món ăn nấu ra rất ngon, các con ăn cứ khen miết”, chị cười, nói.
Ngoài những phần ăn, chị Linh còn thực hiện chương trình “Điều ước đơn giản”. Người mẹ trẻ bộc bạch, điều ước của các bệnh nhi rất đơn giản, khiến chị luôn xúc động.
Nhiều lần, chị Linh trăn trở vì chưa kịp tặng quà cho bệnh nhi ung thư, một số em đã qua đời đột ngột
“Đôi lúc chỉ là con gấu, hộp bánh thôi, đã là điều ước có ý nghĩa nhất đối với các con. Nhiều em bị bệnh chuyển nặng, chỉ mới ước hôm nay thôi, hôm sau đã không cầm cự nổi mà qua đời. Không kịp đưa món quà đến với các con, tôi thấy đau lòng lắm”, chị Linh xúc động.
5 năm đằng đẵng chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo
Mỗi khi đến phát phần ăn cho bệnh nhi, chị Linh lại được “dịp” nhìn lại nơi chị và con cùng đồng hành trong những năm tháng chữa trị. Đưa tay sờ vào chiếc giường ở góc phòng bệnh, chị Linh cố nuốt cái nghẹn ở cổ họng.
Nhớ lại năm 2014, chị phát hiện con gái bị mắc bệnh ung thư khi chỉ mới 3 tháng tuổi. Được chẩn đoán tại bệnh viện tỉnh, chị đưa con lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám một lần nữa, rồi mới lặng người khi hay tin con bị bệnh hiểm nghèo là sự thật. Sau 1 tháng nằm ở Bệnh viện Nhi đồng 1, con chị được chuyển sáng Bệnh viện Ung Bướu để chữa trị.
Chồng đi làm ăn xa, một mình chị chăm con tại bệnh viện. Lúc đầu khi vừa vào viện, chị và con không khỏi choáng váng trước sự ngột ngạt, đông đúc. Xung quanh chị, các bệnh nhi đang đờ đẫn cầm cự những ngày cuối cùng của cuộc đời, khiến chị càng lo sợ mất con nhiều hơn.
“Nhiều đêm không ngủ được, ngày tháng trôi qua chỉ toàn là nước mắt. Tôi thầm trách vì sao lại là con tôi, nó còn quá nhỏ…”, chị Linh nhớ lại.
Nhớ lại những ngày tháng chữa trị cho con ở bệnh viện, chị Linh không thôi nghẹn ngào
Ngày qua ngày, chị và con cũng quen dần với cuộc sống ở bệnh nhi và xem như ngôi nhà thứ 2. Những đêm bế con ngủ vật vờ trên hành lang, sàn bệnh viện, chị Linh đã không còn xa lạ. Chỉ là trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, truyền hóa chất, con chị ngày càng xanh xao, chỉ còn là da bọc xương. Thương con, chị cố nén đau để con lạc quan hơn.
Dù đau đớn, con chị lúc nào cũng cố cười tươi. Không đủ sức khỏe để chơi đùa cùng các bạn, nhưng con luôn nhắc mẹ mua bánh, kẹo cho các bạn cùng phòng cùng ăn.
Điều trị một thời gian dài, chị Linh cũng chuẩn bị sẵn tinh thần ngày bác sĩ báo tin cuộc phẫu thuật cuối cùng không thành công, con chị không còn sống được bao lâu nữa. Ngày đưa con về nhà, nhìn con thoi thóp rồi qua đời trên chính đôi tay mình, trái tim chị Linh như vụn vỡ.
Nhờ bếp ăn 0 đồng, chị càng đưa nhiều phần ăn ngon đến các bệnh nhi, thực hiện được ước nguyện của con gái
Vài ngày sau khi con qua đời, cũng là ngày chị ly hôn chồng cũ. Thời điểm đó, chị Linh một mình vượt qua nỗi đau mất con. Trong lúc ấy, chị được nhiều bạn bè xung quanh an ủi, mời chị cùng đi làm thiện nguyện. Từ đó, chị lại có động lực bước tiếp, rồi nảy ra ý tưởng thành lập bếp ăn thiện nguyện đến ngày nay.