Mới đây, đoạn clip dài hơn 1 phút ghi lại chia sẻ của đôi vợ chồng già lần đầu tiên đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông được nhiều người chú ý. Trong clip còn được nghe chuyện tình chung thuỷ cụ bà 10 năm chờ cụ ông đi lính trở về.
Liên hệ với Lưu Minh Khương - chủ nhận của đoạn clip trên chia sẻ, sáng 12/11, Khương cùng bạn bè đi trải nghiệm tàu điện ở đường sắt Cát Linh - Hà Đông thì may mắn được gặp gỡ và ghi lại câu chuyện tình yêu chân thành của đôi vợ chồng già.
Clip: Cụ ông cụ bà cười tít mắt khi nhận được món quà bất ngờ từ hành khách cùng toa tàu
Minh Khương là một nhiếp ảnh gia, anh thường xuyên tận dụng thời gian của mình dạo quanh thành phố để ghi lại những bức ảnh đời thường. Trong khoang tàu Khương đi hôm ấy có rất nhiều người, nhưng hình ảnh một đôi vợ chồng luôn nắm tay nhau và trò chuyện thân mật suốt khoảng thời gian tàu chạy đã khiến Khương đặc biệt chú ý.
Khương bồi hồi nhớ lại: 'Mình cảm nhận được thứ gọi là tình yêu không phôi phai toát ra từ cái nắm tay và ánh mắt ông bà dành cho nhau. Vì vậy, mình đã mạnh dạn tiến tới, xin chụp ông bà một bức ảnh. Thật bất ngờ, ông bà đồng ý lời đề nghị của mình ngay lập tức. Mình có nhờ ông bà tháo khẩu trang ra khoảng 30 giây để chụp thì ông bà vô cùng niềm nở và vui vẻ tạo kiểu cho mình chụp. Ông bà rất dễ thương và gần gũi với mình.
Nhìn ông bà hạnh phúc bên nhau như vậy, mình rất nhớ về người bà quá cố của mình. Hồi nhỏ, mình thường theo bà ngoại đi bán hoa quả ở chợ. Lúc ấy, mình chẳng bao giờ nghe lời bà. Giờ lớn hơn rồi, mình hối hận lắm nhưng bà thì… không còn để cho mình sửa sai nữa'.
Bức ảnh được Minh Khương chụp lại khi cụ ông - cụ bà tạo dáng nở nụ cười thật tươi
Theo lời kể của Khương, hai ông bà đã chờ đợi 10 năm (tính từ năm 2011) để được trải nghiệm chuyến tàu điện trên cao này. Đây là lần đầu tiên hai ông bà đi tàu điện, tối qua, vì quá háo hức nên ông đã không ngủ được. Cụ ông chia sẻ, thời còn trẻ, ông từng đi chiến trường 10 năm. Suốt 10 năm ấy, cụ bà đã ở nhà chung thủy chờ đợi. Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, ông bà cưới nhau.
'Ông bà có tâm sự với mình chuyện tới bây giờ dù đã ở với nhau rất lâu, ông bà vẫn chưa chụp ảnh cưới. Cụ bà nói thời ấy, làm gì có ảnh cưới vì người ta làm đám cưới tập trung. Ông bảo với mình ông đang đợi đến 60 năm, ông muốn mặc lại tất cả để chụp một bộ ảnh cưới' - Minh Khương chia sẻ.
Khương đã ngỏ ý muốn chụp giúp ông bà một bộ ảnh cưới miễn phí. Khương cho biết, ekip chụp, váy cưới và thiết bị chụp đều có sẵn nên anh rất muốn thực hiện một bộ ảnh cưới miễn phí cho ông bà. Đáp lại ý tốt của Khương, cụ ông đã phản ứng cực kì đáng yêu: 'Úi dời ơi, thế làm sao mà bọn con có tiền?'. Vì phép lịch sự tối thiểu, Khương đã không hỏi tên hay số điện thoại của ông bà. Nhưng Khương đã cho ông bà số điện thoại của mình, hi vọng ngày nào đó ông bà cảm nhận được ý tốt và gọi điện thoại cho Khương.
Sau lớp khẩu trang, cụ bà cười phấn khởi khi thấy bức ảnh chụp vợ chồng mình của người lạ....
Vì sở thích hay đi khắp nơi để lưu lại những khoảnh khắc bình dị, đời thường nên trong balo của Khương luôn có sẵn khung ảnh và một chiếc máy in chuyên dụng nho nhỏ. Chỉ mất 2 phút, Khương đã in xong và đóng khung bức ảnh vừa chụp để tặng cho ông bà.
'Ông bà rất bất ngờ vì không nghĩ mình lại được nhận một món quà đặc biệt như thế ngay trên khoang tàu. Cầm trên tay bức ảnh nóng hổi vừa in ra, mình nhìn thấy gương mặt của hai ông bà đầy niềm nở và hạnh phúc.
Mọi người trong khoang tàu chuyền tay nhau bức ảnh mình vừa chụp, mình cảm giác như bức ảnh ấy đã tạo ra sự kết nối giữa những người xa lạ với nhau. Không khí trong khoang tàu ngày hôm ấy rất ấm cúng. Có người xem ảnh xong bảo hai ông bà tình cảm quá, có người còn vui tính hơn đùa đây là ảnh cưới của hai ông bà đấy!' - giọng anh Khương hào hứng.
Đoạn clip cuộc trò chuyện thân mật giữa Khương và ông bà ngay sau khi được đăng tải lên mạng xã hội đã nhận về 'cơn mưa' lời khen từ cộng đồng mạng. Mọi người đều nói câu chuyện tình yêu của ông bà rất mộc mạc, chân thành. Bản thương Khương cũng rất vui vì đoạn clip ấy đã truyền tải đến mọi người một nguồn năng lượng tích cực, ấm áp.
Lưu Minh Khương
Minh Khương cho biết, từ tháng 2/2021, anh đã cho thành lập Dự án 999 bức ảnh đời thường khắp việt Nam. Với dự án này, Khương muốn khám phá trải nghiệm văn hóa của các vùng miền và nhiều ngành nghề khác nhau trên khắp đất nước.
Qua đó, Khương cũng muốn tìm hiểu thêm cũng như tôn vinh những người dân lao động nhằm gửi gắm những thông điệp tích cực tới giới trẻ. Số tiền mọi người đóng góp vào dự án, Khương sẽ dùng để giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn nỗ lực và tích cực vươn lên trong cuộc sống.
Clip: Dự án 999 bức ảnh đời thường khắp Việt Nam của nhiếp ảnh gia Lưu Minh Khương
Cụ bà 80 tuổi được cháu đưa đi dạo ven hồ Tây (TP.Hà Nội) ngày 12/3/2021
Bức ảnh chụp một người dân lao động tại đường Xuân Đỉnh (Quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) vào ngày 26/5/2021
Một công nhân đang đu dây sơn tường tại khu Starlake - Khu Đô thị Tây Hồ Tây (TP.Hà Nội) vào ngày 8/5/2021
Bác lái xích lô (quê ở Nam Định) nghỉ ngơi phút chưa có khách tại Hồ Gươm (TP.Hà Nội), ảnh chụp ngày 12/4/2021.
Người phụ nữ bên máy may tại Nậm Cang, Sapa ngày 31/5/2021
Người mẹ bán bóng bay để kiếm tiền nuôi con gái bị bệnh rối loạn chuyển hóa tại đường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) ngày 1/3/2021
Người thợ điện kiểm tra đường dây cao thế ở thị trấn Bố Hạ, tỉnh Bắc Giang
Cụ ông sửa xe gần nửa thế kỷ tại đầu làng Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) vào ngày 27/2/2021
Ảnh: NVCC